Tác giả : Dương Viết Á
Nhạc mới Hà Nội ra đời, theo cách tính phổ dụng với tên gọi tân nhạc, nhạc cải cách, âm nhạc mới, rồi nhạc mới, là năm 1930 với bài Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu. Dựa trên văn bản (báo chí) thì lại là năm 1938 với bài Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ Thế Lữ đăng trên báo Ngày nay. Nhưng nếu xét theo những thời trứng nước với trào lưu lời ta, điệu tây thì có lẽ phải tính từ đầu TK XX. Để rồi sau năm 1930, các trào lưu nhạc mới, tuy cùng chung về thi pháp âm nhạc: âm nhạc cổ điển châu Âu, nhất là Pháp, nhưng lại khác nhau về nhận thức thẩm mỹ: trào lưu lãng mạn, trào lưu ngưỡng vọng lịch sử, trào lưu yêu nước và cách mạng…
Ngay trong từng trào lưu nhạc mới cũng không hoàn toàn thuần nhất về bút pháp và đề tài; nghiêng về trữ tình, tình yêu lý tưởng (cũng gọi là thanh nhã), nghiêng về ngợi ca, hoài niệm cảnh vật làng quê, nghiêng về sự tích lịch sử, hoặc khai thác từ truyện cổ dân gian…
Riêng trào lưu âm nhạc yêu nước và cách mạng thì đều gần như chung một hướng về tư tưởng và chức năng của nghệ thuật. Sau cách mạng tháng Tám (1945), trào lưu này đã từ đời sống bị kìm tỏa, bước lên địa vị chính thống và trở thành nền âm nhạc cách mạng và kháng chiến của cả đất nước Việt Nam. Tuy vậy, trong những năm tháng bị Pháp tạm chiếm, tại Hà Nội, các trào lưu âm nhạc thời trước cách mạng vẫn ngoi ngóp rên rỉ theo giọng điệu xưa: đời sống âm nhạc của đô thị Hà thành gần như chỉ là sự lặp lại hình bóng của những năm 1930-1945 – tất nhiên, thi thoảng vẫn vọng về, trong len lỏi và bất hợp pháp, giọng điệu âm nhạc kháng chiến từ chiến khu xa…
Sau ngày thống nhất và hòa bình, cùng với vận hội mới, từng ngày đất nước đổi thay, tất cả tạo đà thăng hoa cho đời sống âm nhạc Hà Nội; đã sống động càng thêm sống động, đã sôi động lại càng sôi động trên đôi cánh tìm tòi, cách tân và sáng tạo, đời sống âm nhạc của Thủ đô, theo quỹ đạo tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, ngày càng khởi sắc trong hiện hữu và đa dạng trên nền tảng vững chắc của truyền thống nghìn xưa.
Truyền thống âm nhạc Thăng Long xưa và Hà Nội nay có thể tạm ví với một dòng sông: có đoạn khúc khuỷu, quanh co; có nơi xoáy sâu, vực thẳm, có khúc chen lách giữa lau sậy um tùm; nhưng có lúc là những dải sông phẳng lặng, êm đềm để đổ vào biển cả mênh mang…
Đời sống ậm nhạc Hà Nội hiện nay – có nghĩa là đương thời – dễ làm rối mắt, rối tai, rối trí… của nhiều người trước những trào lưu âm nhạc được du nhập từ rất nhiều nguồn trên thế giới với nhiều tên gọi mới mẻ mà xa lạ, vừa mở vừa khép, khi ẩn khi hiện… dưới danh nghĩa hiện đại, đương đại, hậu đương đại… Tất cả thường được gộp chung vào một giỏ: nhạc trẻ. Và cũng có khi được gọi là âm nhạc thị trường. Nhưng, thời gian vẫn là hòn đá thử vàng, quảng đại công chúng mãi là người cuối cùng phán xét!
Tất cả những trào lưu, có thể gọi là những dòng, những luồng, những dạng, những kiểu, những mốt…, liên tục, liên tiếp nối nhau và gối nhau xuất hiện. Nhưng lạ mãi lại thành quen. Xem ra, công chúng Hà Nội có chiều hướng thờ ơ dần với của lạ để lại tìm về với vốn quen! Nhạc xưa đang lấy dần lại vị thế vốn có của nó, trong đó có âm nhạc cách mạng và kháng chiến mà chủ yếu là từ năm 1945 cho đến năm 1975.
Những dòng trên đây có thể tạm gọi là lược đồ đường nét uốn lượn nội dung tinh thần của nhạc mới Hà Nội. Tham khảo nhiều công trình, bài bình luận của các tác giả viết về nhạc mới Hà Nội có thể sắp xếp, phân loại thành 5 hướng:
Thứ nhất, gồm những bài viết nhận xét, nhận định về những vấn đề chung mang nội dung khái quát của nền nhạc mới Hà Nội. Các bài viết có thể cùng đường, cùng hướng, nhưng cũng có khi khác phương, ngược chiều.
Thứ hai, gồm những bài bình luận về các nhạc sĩ – tác giả đã từng đóng góp cho nền nhạc mới Hà Nội bằng các nhạc phẩm thanh nhạc hoặc khí nhạc, với những hình thức loại thể âm nhạc khác nhau.
Thứ ba, gồm những bài viết giới thiệu các nghệ sĩ tiêu biểu của đời sống nhạc mới Hà Nội; về các ca sĩ, nghệ sĩ trên các vùng miền khắp đất nước, vẫn hằng thường cất cao giọng hát, tiếng đàn…về đề tài Hà Nội.
Thứ tư, gồm những bài viết về vấn đề đào tạo lực lượng âm nhạc trẻ, trong đó nổi bật và tiêu biểu là: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mà tiền thân là Trường Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Cũng theo hướng này, có những bài viết về những thầy giáo dạy nhạc đáng kính như Hồ Mộ La, Trung Kiên, Tạ Bôn, Bùi Gia Khánh, Tôn Thất Triêm, Phạm Huy Quỹ…, và giá như được kể thêm, thì đó là: Hải Thoại, Tạ Tấn, Vũ Tuấn Đức, Phạm Văn Chừng, Vũ Thuận, Doãn Mẫn, Tạ Phước… Nếu cần, cho một bộ sử nhạc của Thăng Long – Hà Nội, chắc rằng phải nói đến rất nhiều lò đào tạo âm nhạc từng xuất hiện từ trước cách mạng cho đến cả thời bị tạm chiếm và ngay cả sau thời kỳ đổi mới (1986-2010).
Thứ năm, gồm những bài viết về đời sống âm nhạc trên đất Hà thành mà hai từ sôi động thật đắc dụng vào những năm tháng cuối TK XX và đầu TK XXI.
Rất nhiều nhóm, tốp nhạc xuất hiện với tên gọi khác nhau, cách khai thác đề tài không giống nhau, thủ pháp nghệ thuật trong phối âm, phối khí, dàn dựng, trình diễn… mới mẻ hơn – mà đôi khi trở thành xa lạ! Với phương tiện hiện đại, trong nhiều chương trình biểu diễn, âm nhạc thì ít mà âm thanh và âm lượng lại quá nhiều, không chỉ sôi nổi, sôi động mà vượt qua mức để thành náo động, kích động… Đã xuất hiện một khối lượng bài viết phê phán sự lệch lạc của các trào lưu được mệnh danh là nghệ thuật đương đại (!?).
Tôi xin trao đổi thêm đôi điều qua hướng thứ hai: giới thiệu các nhạc sĩ – tác giả đã viết về Hà Nội.
Đội ngũ tác giả và khối lượng tác phẩm quả là đông đảo và đồ sộ. Bởi lẽ, Hà Nội là một mảnh đất thiêng liêng trong tâm thức, thân thương về tình cảm và tự hào trong nhận thức của tất cả con dân Việt Nam.
Âm điệu chủ đạo của các nhạc phẩm về Hà Nội thuộc loại hình nhạc mới là ngợi ca. Ngợi ca là âm điệu chủ đạo của nhạc hát về Hà Nội trong ngót 70 năm qua (tính từ sau năm 1940, thời kỳ tiền khởi nghĩa). Cùng là ngợi ca, nhưng xét kỹ hơn, có thể chia làm hai nhánh:
Ngợi ca truyền thống lịch sử oai hùng của Thăng Long – Hà Nội: Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca (Văn Cao), Hội nghị Diêm Hồng (Lưu Hữu Phước)… trước Cách mạng tháng Tám; Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi); Cảm tử quân (Hoàng Quý), Lời thề quyết tử (Lương Ngọc Trác, Lĩnh Nam)… trong những ngày đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp; Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Tiếng nói Hà Nội (Văn An, Cảnh Trà), Hà Nội – niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)… trong kháng chiến chống Mỹ. Nhánh này vẫn được tiếp nối sau năm 1975 và ngày càng nổi trội, nhất là vào trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngợi ca cảnh vật và con người Hà Nội: Chiều Hồ gươm (Trần Thụ), Mùa xuân, làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê), Trời Hà Nội xanh (Văn Ký)… Nhánh này vẫn tiếp tục xuất hiện: Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Hoa sữa (Hồng Đăng), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài, Chu Lai)… Trong những ca khúc về sau này, thiên nhiên cảnh vật thường được gắn kết với tình yêu cùng nỗi niềm nhớ nhung… Và có khi hiện lên khá rõ, kèm theo trong cảm xúc, là những hoài niệm, tiếc nuối về một thời đã lùi về dĩ vãng: Hoài niệm Văn Miếu (Duy Quang), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn)…
Cả hai nhánh trên đã và vẫn đang nở rộ, chín dậy cũng như lên men trong lòng công chúng thưởng thức Hà Nội và cả nước.
Từ sau năm 1975, trong hoàn cảnh cuộc sống hòa bình, cũng là điều kiện cần và đủ cho cái tôi lên tiếng và đòi được khẳng định, với trình độ dân trí ngày một cao, đã xuất hiện một trào lưu ca nhạc khác trước về chất trong cảm xúc cũng như nhận thức thẩm mỹ. Nếu trước đây, các nhạc sĩ – tác giả thường viết về Hà Nội, thì vào thời điểm này, họ thường viết khi đứng trước Hà Nội với những suy nghĩ, suy ngẫm, suy tư của mình. Nếu trước đây, trong nhạc phẩm thường là sự phản ánh theo nhiều góc nhìn về đối tượng thẩm mỹ, tất nhiên là thông qua rung cảm thẩm mỹ của tác giả – chủ thể thẩm mỹ, thì bây giờ lại là các chủ thể thẩm mỹ suy tư về đối tượng thẩm mỹ – nói cách khác là họ đang chủ thể hóa đối tượng. Có thể nêu một vài thí dụ: Hà Nội và tôi (Lê Vinh), Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân), Hà Nội, trái tim hồng (Nguyễn Đức Toàn), Mãi vẫn là tuổi thơ tôi, Hà Nội (Nguyễn Cường), Thành phố tôi yêu (Nguyễn Đình Bảng, Bằng Việt), Hà Nội, những kỷ niệm trong tôi (Đoàn Bổng), và có thể kể đến các nhạc phẩm mang chất hoài niệm như đã nhắc đến trên đây… ngày càng đậm nét chất suy tư, trí tuệ, có thể coi đấy là bước trưởng thành của riêng nhạc mới Hà Nội. Và điểm uốn đánh dấu sự chuyển mình có thể là Em ơi, Hà Nội phố của Phú Quang (phổ thơ Phan Vũ) được sáng tác năm 1985 – năm đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới.
Ngoài ra, không thể không nói tới ngôn ngữ âm nhạc của nhạc mới Hà Nội trong khoảng 70 hoặc 80 năm qua. Nhìn chung, trên suốt một quãng đường dài, nhạc mới Hà Nội vẫn chủ yếu dựa vào thi pháp âm nhạc cổ điển châu Âu TK XIX. Ngôn ngữ âm nhạc trong nhạc mới Hà Nội vẫn chưa tìm được con đường hé mở để đổi mới giọng điệu ngoài việc đưa âm hưởng của dân ca, dân nhạc thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Có thể coi Một thoáng Hồ Tây của Phó Đức Phương, cũng được sáng tác năm 1985, là một bước khai phá và tìm tòi về việc chọn một làn điệu dân ca, âm nhạc tiêu biểu và đặc trưng của Hà Nội: ca trù.
Nhiều xứ sở, vùng miền trên đất nước ta thường có một hoặc vài làn điệu dân ca đặc trưng. Sáng tác về nơi ấy, các nhạc sĩ – tác giả cũng thường dựa vào âm hưởng hoặc chất liệu dân ca đặc trưng đó. Với Hà Nội, đất kinh kỳ, kẻ chợ, nơi hằng giao lưu với các vùng miền, nơi hội tụ – và cũng là nơi lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng. Vậy đâu là cơ sở, cứ liệu để khảng định Lỗ Khê (Đông Anh) là chiếc nôi sinh của ca trù? Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng đã từng có các giáo phường ca trù từ những thưở xa xưa. Ai trước, ai sau, vẫn chưa có câu trả lời!
Nhưng Phó Đức Phương đã trả lời – và cũng là một cách khẳng định – với Một thoáng Hồ Tây. Để rồi, sau đó, nhiều nhạc sĩ cùng góp phần khẳng định cùng Phó Đức Phương: Hà Nội, linh thiêng và hào hoa (Lê Mây), Hoài niệm Văn Miếu (Duy Quang), Vãn cảnh Tây Hồ (Huy Thục – Đoàn Kim Vân)…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012