Tác giả : BÙI THỊ MAI LAN
Trong hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của tỉnh Phú Thọ, sình ca có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Cao Lan. Đây là một hiện tượng văn hóa có tính chất tổng thể, tích hợp nhiều phương diện giá trị từ phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng… đến những sự kiện lịch sử gắn với nguồn gốc tộc người và quá trình thiên di đầy gian khổ trong quá khứ. Vì vai trò đặc biệt ấy, vào dịp đầu xuân hay ngày lễ hội truyền thống, người dân Cao Lan rất hồ hởi tham gia vào các cuộc hát sình ca, trong đó nhiều đôi nam nữ nên duyên từ các cuộc hát này. Tuy nhiên, hiện nay các nghệ nhân và những người am hiểu về sình ca hầu hết đã cao tuổi, việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn; bản sắc, không gian văn hóa truyền thống bị biến đổi và có nguy cơ bị mai một… Vì thế, việc bảo tồn sình ca trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp thiết.
1. Thực trạng lưu giữ, trao truyền, thực hành sình ca ở Phú Thọ
Qua khảo sát thực trạng bảo lưu, trao truyền, thực hành sình ca của đồng bào Cao Lan ở các làng, xã như: làng Ngọc Tân (xã Ngọc Quan); các xã Tây Cốc, Yên Kiện, Vân Đồn, Hùng Long, Minh Phú của huyện Đoan Hùng bằng phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn hồi cố, chúng tôi nhận thấy, trong các lễ hội truyền thống của người Cao Lan không thể thiếu tiết mục biểu diễn sình ca. Tuy nhiên, có một thực tế, từ sau đổi mới, Việt Nam mở cửa hội nhập mạnh mẽ hơn với thế giới, đồng nghĩa với việc nhiều luồng văn hóa bên ngoài du nhập vào nước ta. Theo đó, sự lựa chọn các loại hình giải trí cũng phong phú và đa dạng hơn. Giới trẻ Cao Lan có nhiều cơ hội vượt qua ranh giới bản làng để tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa bên ngoài. Đối với âm nhạc cũng vậy. Người Cao Lan không chỉ được tiếp xúc với âm nhạc của dân tộc Kinh hay các dân tộc khác, mà còn được tiếp cận, thưởng thức âm nhạc phương Tây với đủ các thể loại hiện đại như: pop, rock, rap… Trong bối cảnh đó, việc phục hồi và phát triển sình ca của người Cao Lan cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Sình ca bao gồm các loại dân ca giao duyên, dân ca nghi lễ và dân ca sinh hoạt nên môi trường diễn xướng của sình ca rất phong phú, đa dạng. Sình ca có thể được tổ chức trong hội đình làng vào những ngày xuân để nam nữ tìm hiểu, kết bạn; Sình ca vang lên trong lễ cưới hay hát trong đám tang; Sình ca trong sinh hoạt hàng ngày như ru con ngủ; Sình ca trong lao động… Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khảo sát, chúng tôi nhận thấy hiện nay sình ca đã không còn được phổ biến rộng rãi trong đời sống người Cao Lan. Nếu như trước đây, sình ca được ví như cơm ăn, nước uống, chỗ nào có người Cao Lan sinh sống, nơi đó sẽ thường xuyên vang vọng câu hát sình ca, thì nay sình ca đã trở nên xa lạ, nhất là đối với thanh niên Cao Lan. Lễ cưới, đám tang có nhiều biến đổi, sình ca trong các nghi lễ trên đã bị lược bỏ nhiều. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là sình ca Cao Lan ở Phú Thọ giờ chỉ còn lác đác đâu đó trong bản làng với số lượng người hát hết sức khiêm tốn. Dưới đây là bản thống kê về thực trạng sình ca ở Phú Thọ do chúng tôi khảo sát tại huyện Đoan Hùng.
Bảng số liệu cho thấy một thực trạng nan giải đối với công tác bảo tồn sình ca ở Phú Thọ như:
Thứ nhất, số người biết hát sình ca quá ít (chiếm từ 1% – 2,5% dân số), điều này là hệ lụy tất yếu của sự gián đoạn trong công tác trao truyền từ chính những gia đình người Cao Lan. Số người biết tiếng Cao Lan ở Phú Thọ thường ở độ tuổi 65 trở lên. Còn lại thế hệ con, cháu hầu như không rành về tiếng nói của dân tộc mình. Thậm chí ngay chủ tịch xã là người Cao Lan nhưng cũng không biết nhiều về tiếng Cao Lan. Như vậy, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự vắng bóng dần của sình ca ở Phú Thọ là ở số người Cao Lan biết tiếng dân tộc mình còn quá ít. Không biết tiếng dân tộc, hiển nhiên không thể hiểu và thích hát sình ca được.
Thứ hai, độ tuổi trung bình của những người biết hát sình ca khá cao. Như đã nói ở trên, cho dù những bậc cao niên vốn rất tâm huyết với việc truyền nghề nhưng lực bất tòng tâm vì việc trao truyền đã bị gián đoạn do hoàn cảnh khách quan, đến nay con cháu lại hầu như thờ ơ với văn hóa của dân tộc mình. Qua trò chuyện với cụ Sầm Văn Sinh (thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Quan) chúng tôi biết các cụ còn nhiều tâm huyết với sình ca, nhưng cũng không thể làm thế nào để phát triển loại hình văn hóa này khi các thế hệ con cháu không có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc thì việc đứt gãy thế hệ là điều đã và đang xảy ra.
Thứ ba, ở Phú Thọ chưa có người được phong tặng nghệ nhân hát sình ca. Thực tế này được nhìn nhận từ nhiều phía, song trước hết là phía cơ quan chính quyền. Việc quan tâm và ghi nhận những người lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung còn chưa thực sự được thực hiện đúng mức. Quan trọng hơn là thiếu là cơ chế, chính sách. Cho đến nay, chưa có một văn bản chính thức nào từ cấp tỉnh, đến huyện về việc chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của sình ca.
Ngoài ra, do chưa có sự chỉ đạo và cơ chế rõ ràng nên tất cả các địa phương ở Phú Thọ chưa có câu lạc bộ hát sình ca (nếu có chỉ là sự kết hợp trong các câu lạc bộ Văn – Thể nói chung). Trong khi đó, ở các địa phương thuộc huyện Yên Sơn, Hàm Yên hay Sơn Dương (Tuyên Quang), tối thiểu mỗi xã đều có 1 câu lạc bộ được UBND các xã ký quyết định thành lập và đều có quy chế hoạt động rõ ràng.
Thực tế trên đã cho chúng ta góc nhìn nhận từ phía thứ hai: phía người dân – đồng bào Cao Lan và phía những nhà quản lý – chính quyền các cấp. Tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng bản thân người Cao Lan ở Phú Thọ chưa thực sự dám hy sinh vì điều mình tâm huyết. Điều này làm cho văn hóa Cao Lan nói chung và sình ca nói riêng ngày càng mai một, khó tiếp cận. Như thế, từ phía khách quan (cơ chế) đến phía chủ quan (người dân) đều có những bất cập, những rào cản làm cho sình ca Cao Lan ở Phú Thọ không thật sự trở thành nét văn hóa tiêu biểu của cộng đồng. Trong khi thanh niên Cao Lan có thể tập trung tập hát xoan (của người Kinh) thì bản thân họ lại không thể tập hợp để hát điệu hát của dân tộc mình.
Các văn bản ghi lại những đêm hát sình ca của người Cao Lan đều được ghi bằng tiếng Hán. Đến nay đã có một số công trình dịch sang tiếng phổ thông (Lâm Quý, Phương Bằng, Ngô Văn Trụ…) nhưng mới chỉ dịch được một phần nhỏ. Còn lại, hoặc bị thất lạc, hoặc vẫn là nguyên văn chữ Hán, không biết chữ Hán thực sự sẽ rất khó nghiên cứu cũng như truyền bá loại hình nghệ thuật này. Đây chính là lý do khiến sình ca ngày càng trở nên xa vời, nhất là với giới trẻ, những người vốn chưa thông thạo ngay cả tiếng của dân tộc mình.
Từ thực tế trên cho thấy, việc bảo tồn, khai thác và phát triển di sản văn hóa các dân tộc thiểu số là vấn đề quan trọng, cấp bách cần phải làm một cách nghiêm túc. Bởi, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà trước hết đó là nhiệm vụ chính trị để củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Mặt khác, trong điều kiện mở cửa hội nhập, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch nhân văn.
2. Một số biện pháp bảo tồn sình ca
Sưu tầm, biên dịch, phát triển sình ca
Hát sình ca có từ rất lâu đời, là tiếng lòng của mọi tầng lớp người dân Cao Lan. Lời ca được những người có hiểu biết trong tộc người – đặc biệt là thầy cúng nắm vững vốn âm nhạc dân gian ghi chép lại bằng chữ Hán, cho nên nhiều người tuy biết hát nhưng cũng chỉ là hát theo truyền khẩu. Sách ghi chép lời ca chuyển từ người này sang người khác nên cũng bị thất truyền nhiều, đặc biệt lớp thanh niên ngày nay lại học theo tiếng phổ thông (tiếng Việt) nên việc tiếp xúc với những tập thơ ca này gặp không ít khó khăn. Vì thế, cùng với việc bảo vệ sách hát có lời bằng chữ Hán, nên dịch ra tiếng quốc ngữ. Tập trung sưu tầm, ghi âm và ký âm các bài hát (làn điệu dân ca) còn sót lại ở các nghệ nhân, đây sẽ là cơ sở để chúng ta lưu giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển sình ca của người Cao Lan.
Các giá trị văn hóa âm nhạc này cần được tư liệu hóa dưới nhiều hình thức như: ghi hình, chụp ảnh, ghi âm, sưu tầm các hiện vật gốc bảo quản lâu dài trong bảo tàng, thư viện… Để sưu tầm, biên dịch và phát triển sình ca, điều đầu tiên phải có cán bộ biết tiếng Cao Lan, có chuyên môn am hiểu sâu về văn hóa cổ truyền Cao Lan nói chung, về sình ca nói riêng và kinh phí để thực hiện.
Để giữ gìn và phát triển sình ca, không chỉ có nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch, lưu giữ trong bảo tàng, in ấn, phát hành đĩa, sách mà còn phải để nó sống trong môi trường diễn xướng phù hợp. Chỉ khi nào sình ca được sống trong môi trường diễn xướng là những đêm thu mát mẻ, những ngày hội xuân… thì nó mới tồn tại và phát triển được. Để làm được điều đó, phải tuyên truyền để họ hiểu được và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tuyên truyền vận động và truyền cho họ niềm đam mê với sình ca, để họ biết được di sản văn hóa của dân tộc mình là vô giá. Khi họ hiểu được và tự hào về văn hóa của dân tộc mình, tự họ sẽ có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy nó.
Thành lập các câu lạc bộ sình ca
Trong giai đoạn hiện nay, việc thành lập các câu lạc bộ sình ca là vô cùng cần thiết để lưu giữ, truyền dạy sình ca cho thế hệ kế cận. Vận động và tuyên truyền lớp trẻ để họ có thể tích cực tham gia các câu lạc bộ cùng với những người đam mê hát sình ca trong làng. Mặt khác, việc thành lập câu lạc bộ hát sình ca chuyên nghiệp chính là một cách để vừa phục vụ du lịch văn hóa vừa góp phần nâng cao giá trị của hát sình ca. Việc thành lập câu lạc bộ chuyên nghiệp cũng là một hình thức để loại hình dân ca này có dịp được trao đổi, giao lưu và phát triển cùng với xu hướng chung của các làn điệu dân ca khác. Các câu lạc bộ sẽ tổ chức tập luyện, trao đổi, giao lưu, mở những chương trình đào tạo theo mô hình chuyên biệt để phục vụ từng nhóm du khách. Câu lạc bộ hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp có nghĩa là các nghệ nhân sẽ biểu diễn chuyên phục vụ cho khách du lịch với lối diễn chuyên nghiệp. Cách làm như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của du khách trong việc tìm hiểu và khám phá loại hình hát sình ca. Để làm được điều đó, trước tiên cần phải có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ và nguồn kinh phí duy trì hoạt động của câu lạc bộ. Đồng thời có liên hệ với các doanh nghiệp du lịch lữ hành để thiết kế tour du lịch có các chương trình biểu diễn hát sình ca.
Hoạt động đào tạo các làn điệu sình ca
Đối với người dân sinh sống tại địa phương, cần phải thực hiện công tác trao truyền bằng cách truyền khẩu là chính. Tập hợp các nghệ nhân am hiểu về các làn điệu sình ca vận động họ dành thời gian truyền dạy cho lớp thế hệ trẻ của làng cách hát. Bên cạnh đó, vận động thế hệ trẻ của làng dành thời gian để nghe các nghệ nhân hướng dẫn cách hát các làn điệu này, đồng thời nhấn mạnh đây là vốn tài sản văn hóa quý báu, niềm tự hào của quê hương mà khó có thể tìm thấy ở địa phương khác.
Đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đoan Hùng, ngoài chương trình học chính khóa theo quy định của Nhà nước, các trường cần dành cho các cấp học một thời lượng nhất định vào việc hướng dẫn các em tiếp cận và học hát một số những làn điệu sình ca truyền thống của quê hương mình. Điều này đòi hỏi cần phải có một đội ngũ giáo viên dạy hát là người thông thạo tiếng Cao Lan hoặc biết hát các làn điệu sình ca mới đảm nhận được. Ngoài ra, tại các trường cần tổ chức các câu lạc bộ dân ca, dạy cho các em biết hát những làn điệu sình ca từ đơn giản cho đến phức tạp. Cần tổ chức cuộc thi, hội giao lưu hát sình ca cho các trường phổ thông vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương…
Phát triển các làn điệu sình ca
Cần kế thừa và phát huy giá trị của dân ca truyền thống nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của xã hội hiện đại. Vì vậy, có thể lấy các làn điệu sình ca truyền thống làm chất liệu để xây dựng ca khúc mới từ nội dung đến hình thức thể hiện. Trên cơ sở kế thừa và phát triển như vậy sẽ tạo ra một diện mạo mới nhưng vẫn mang bóng dáng nghệ thuật sình ca truyền thống của người dân Cao Lan.
Mặt khác, cùng với quá trình đào tạo, truyền dạy, việc cải biên sình ca cũng là một giải pháp cần được tham khảo. Thực tế, so với các loại hình âm nhạc khác, hát sình ca có vẻ đơn điệu hơn, bởi nó không có sự kết hợp với nhạc cụ, chủ yếu là hát bộ. Cách thức diễn xướng trong sình ca cũng đơn giản, thường là đôi bên đứng đối diện nhau hát… Điều này hiển nhiên ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của sình ca. Chính vì thế, nghiên cứu ca từ sình ca, thêm cho nó những yếu tố âm nhạc và hình thức diễn xướng phù hợp với nội dung từng bài là việc làm cần thiết, đem lại sức sống mới cho sình ca. Khi thế hệ sau hiểu và cảm thấy hứng thú thì tự họ sẽ đi tìm, học hỏi và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017