Khi các nhạc cụ chơi với nhau, một điều bắt buộc là trước khi chơi phải lên dây đàn như nhau thì mới hòa tấu được mà không bị tạp âm. Với đàn dây chỉ cần lên dây các dây đàn (4 dây), với kèn thì chỉ cần lên dây (điều chỉnh cao độ) âm a’ = 440 Hz (âm chuẩn, standard pitch/concert pitch). Nhưng với đàn phím hay harp thì phải lên dây tất cả các nốt. Việc lên dây đàn phím này là công việc của thợ lên dây đàn và phải có một tai nghe rất chính xác nghe được vi âm (microtone) mới làm được. Sau đây mình chỉ giới thiệu những điều mình biết về các thang âm lên dây đàn (temperament).

Khi hai nhạc cụ nói chung và hai đàn phím (piano, organ, harpsichord) chơi với nhau mà không lên dây giống nhau thì cùng một nốt thì âm nghe hai đàn sẽ bị chênh và cho dù mức chênh khá nhỏ thì tai nhạc công vẫn nghe thấy được. Điều này dựa trên đặc tính âm học của âm, khi hai âm chênh nhau rất ít cùng vang lên sẽ nghe thấy âm rung tần số rất thấp (Schwebung, tiếng Đức), được lý giải như sau:

sin(ωt) + sin(ω't) = 2((ω+ω') \over 2t)cos((ω-ω') \over2 t)

Hai sóng âm có tần số góc ω = 2πf và ω’ = 2πf’ chênh nhau rất ít, trong đó f và f’ tương ứng là tần số tính bằng Hertz của hai âm. Âm tổng hợp có hai thành phần, phần   là phần tần số có tần số góc xấp xỉ hai tần số góc của hai âm hợp thành, và phần  là phần biên độ. Phần biên độ này dao động với tần số thấp vì ω và ω’ chỉ sai khác nhau rất ít, điều này tạo nên hiệu ứng âm rung (Schwebung) mà nhạc công nghe thấy được. Đó là lý do tại sao việc lên dây đàn cần phải rất chính xác.

Với đàn dây (strings) như violin, viola, violoncello hay contrabass chỉ cần lên dây 4 dây đàn còn tất cả các nốt khác được nhạc công bấm trên phím đàn và điều chỉnh cao độ, một công việc đòi hỏi được đào tạo từ nhỏ rất khó nhọc để có thể chơi âm chính xác. Với đàn phím có dây như piano hay harpsichord thì lên dây đàn là việc của thợ lên dây, và với đàn organ (đàn ống nhà thờ) thì việc lên dây là việc của nhà sản xuất đàn ống (vì các ống đàn organ pipe có chiều dài và cao độ xác định sẵn). Các thang âm lên dây đàn (temperament) thoạt đầu nghe có vẻ rất giống nhau như khi chơi cùng nhau thì các âm chênh mới lộ ra. Nếu chỉ có vài âm chênh với mức độ ít thì có thể bỏ qua không sao cả, nhưng nếu có nhiều âm chênh hay âm chênh với mức độ lớn hơn thì âm thanh sẽ bị tạp âm (âm bẩn) làm mất đi vẻ đẹp của tác phẩm.

Vậy việc lên dây đàn này như thế nào?

Trước hết là việc lấy âm mốc. Đó là âm a’. Trong dàn nhạc khi lên dây đàn nếu có đàn piano thì âm này sẽ được lấy mốc từ đàn piano, và nếu không có piano thì âm này được lấy mốc từ kèn oboe vì cao độ âm a’ trên kèn oboe rất ít hầu như không thay đổi. Âm a’ này được quy định theo một agreement của ngành vật lý lấy ở a’ = 440 Hz. Tuy nhiên với đàn harpsichord hay organ nhà thờ thì cũng có các giá trị khác tùy nhà sản xuất và người lên dây như a’= 432 Hz (Baroque pitch, thấp hơn nửa cung), a’ cỡ 450 Hz (choir pitch, cao hơn nửa cung) hay a’ = 421 hoặc 415 Hz (thấp hơn một cung) hay thậm chí có giá trị trung gian giữa các giá trị trên. Với đàn ống ở Anh thì mốc lên dây đàn lại là âm c’ chứ không phải a’.

Khi các nhạc cụ trong dàn nhạc không lấy mốc này như nhau thì dàn nhạc không thể cùng chơi được. Đó là vì sao việc lấy mốc a’ này rất quan trọng được thực hiện đầu tiên khi lên dây đàn dàn nhạc. Với các đàn phím thì không chỉ có vậy, nói chung tất các các dây đàn (phím đàn) phải lên dây như nhau thì mới chơi được với nhau. Ở Anh khi lên dây đàn ống thì người ta thực hiện một cách thực hành bằng tai nghe bằng một dãy các hợp âm ba trưởng và ba thứ qua tất cả các điệu thức sao cho tất cả đều hài hòa, chứ không xác định chính xác cố định tần số cao độ các âm. Thực tế cách làm này khá thuận tiện khi lên dây đàn phím như organ, harpsichord hay piano và thường người ta cũng lên dây đàn như thế.

Nhưng nếu cụ thể chuyện lên dây các âm thì thế nào?

Các âm trên đàn phím được lên dây theo quãng và hệ thống các quãng này tạo nên thang âm lên dây đàn (temperament). Từ thời kỳ âm nhạc Cổ điển, nói chung mặc định 12 nửa cung và tất cả các quãng 5 đều được lên dây bằng nhau (equal temperament, gleichschwebende Temperatur). Đó là thang âm lên dây đơn giản nhất. Với thang âm lên dây này thì tất cả các điệu thức trưởng thứ đều có thể chơi được và không có khác biệt về vi âm (microtone).

Với đàn ống hay harpsichord (clavecin) thì thường người ta lại không lên dây với equal temperament như thế. Điều này dựa trên một lý thuyết có từ thời Cổ đại của Hy Lạp do Pythagore đề xuất là các quãng thuận đơn giản nhất sẽ hoàn thiện khi là các tỉ lệ chia dây đàn. Thực tế các quãng tự nhiên này (tỉ lệ chia dây đàn) được gặp ở đàn dây và kèn đồng khi chơi bồi âm (harmonics).

Điều này được lý giải về mặt âm học như sau, khi một vật nói chung và nhạc cụ nói riêng phát ra một nhạc âm (tone), nghĩa là một âm có tần số xác định f (chứ không phải âm nhiễu hay tiếng động noise không có tần số xác định, ví dụ như ở bộ gõ không xác định cao độ), thì nó cũng phát ra các âm có tần số là bội số của tần số này f, 2f, 3f, v.v. (các bồi âm harmonics). Cao độ âm được xác định theo tần số f này và các quãng được xác định theo tỉ lệ các tần số (và tỉ lệ này tỉ lệ nghịch với tỉ lệ chiều dài dây hay cột không khí trong kèn) và quãng thuận được tạo thành khi tỉ lệ tần số quãng là tỉ lệ tần số các bồi âm này (các quãng này được gọi là các quãng tự nhiên):

Với quãng tám đúng, tỉ lệ này là 1:2, với quãng năm đúng, tỉ lệ này là 2:3, với quãng bốn đúng, tỉ lệ này là 3:4, với quãng ba trưởng tỉ lệ này là 4:5, với quãng ba thứ tỉ lệ này 5:6, với quãng sáu trưởng tỉ lệ này là 3:5, với quãng sáu thứ tỉ lệ này là 5:8, với quãng hai trưởng tỉ lệ này là 8:9 hoặc 9:10, với quãng hai thứ tỉ lệ này là 15:16 hoặc 16:17 hoặc 17:18 hoặc 18:19 hoặc 19:20.

Vấn đề gặp phải là khi lên dây theo các quãng tự nhiên này thì có những tỉ lệ quãng sai khác về vi âm và các nửa cung không bằng nhau (và vì thế khác với equal temperament có 12 nửa cung bằng nhau, các cách lên dây này được gọi là unequal temperament, ungleichschwebende Temperatur). Các tỉ lệ quãng sai khác về vi âm này được gọi là Komma gây ra rất nhiều nhầm lẫn rắc rối trong việc xác định tần số âm.

Các ví dụ về Komma có ví dụ về quãng hai trưởng với tỉ lệ 8:9 hay 9:10; hay quãng hai thứ với tỉ lệ 15:16 hay 16;17 hay 17:18 hay 18:19 hay 19:20; hay quãng ba trưởng có được bằng cách chồng bốn quãng năm đúng 2:3 (tỉ lệ quãng ba trưởng 64:81) khác với quãng ba trưởng tự nhiên 4:5 = 64:80; hay quãng sáu trưởng có được bằng cách chồng ba quãng năm đúng 2:3 (tỉ lệ quãng sáu trưởng 16:27) khác với quãng sáu trưởng tự nhiên 3:5. Còn có các komma do có các nốt enharmonic như khi chồng ba quãng ba trưởng 4:5 ta được quãng bảy tăng (tỉ lệ 64:125) khác với quãng tám đúng tự nhiên 1:2 = 64:128; hay khi chồng 6 quãng hai trường 8:9 ta được một quãng bảy tăng khác và cũng khác với quãng tám đúng 1:2. Có rất nhiều các komma như thế rất dễ gây nhầm lẫn rắc rối trong việc xác định cao độ âm.

Để nhận biết các tỉ lệ quãng có sai khác về vi âm (komma) này, chúng ta đưa ra công thức giúp so sánh các tỉ lệ quãng và mức độ sai khác chênh nhau của các tỉ lệ quãng này:

Trong đó n là số nửa cung của quãng và f1 : f2  là tỉ lệ quãng với f1 là tần số lớn hơn.

Với công thức này thì các quãng trong equal temperament có số nửa cung là số nguyên từ 0 đến 12, trong khi các quãng tự nhiên có số nửa cung sai khác một ít (số lẻ) và mức độ sai khác được thể hiện bằng phần đuôi thập phân của n. Một quãng không bị coi là âm bẩn nếu n sai khác số nguyên dưới 0,25 (tức sai khác một số nguyên các nửa cung với mức độ dưới ¼ nửa cung hay 1/8 cung).

Ví dụ: Quãng năm đúng tự nhiên 2:3 có ; quãng ba trưởng tự nhiên 4:5 có . Có thể thấy quãng năm đúng tự nhiên 2:3 hơi rộng một chút so với quãng năm đúng trong equal temperament và quãng ba trưởng tự nhiên 4:5 khá hẹp so với quãng ba trưởng (4 nửa cung) trong equal temperament, nhưng vẫn chỉ sai khác -0,15 nửa cung.

Cũng với công thức này có thể đánh giá mức độ sai khác của các komma với âm enharmonic (chồng 3 quãng ba trưởng 4:5 hay 4 quãng ba thứ 5:6 hay 6 quãng hai trưởng 8:9 hay 9:10). Có thể thấy với công thức này thì có nhiều vô số các temperament khác nhau (các quãng có số n với phần đuôi thập phân khác nhau).

Vậy thì chuyện lên dây thế nào?

Với các temperament khác nhau, tỉ lệ quãng giữa các nốt trong 12 nốt chromatic là khác nhau chút ít và có thể khác với equal temperament (ở đó các tỉ lệ quãng giữa các nốt trong 12 nốt chromatic có số n nguyên hay là lũy thừa nguyên của ). Với sự khác biệt này mà các điệu thức trưởng thứ khác nhau có tính cách khác nhau (mặc dù tính cách khác nhau của các điệu thức trưởng thứ không chỉ do temperament gây ra). Thậm chí có một số điệu thức trưởng thứ với nhiều dấu hóa trở nên khó nghe hay không thỏa mãn tính hài hòa của âm thanh. Đó là lý do vì sao âm nhạc cho đến thời kỳ Baroque và Cổ điển các tác phẩm thường vẫn chỉ có ít dấu hóa.

Có một số cách lên dây thô như sau:

  1. Lên dây chỉ dùng quãng năm đúng tự nhiên 2:3. Cách lên dây này bị chê là cứng nhắc nhưng vẫn dùng được và dùng cho âm nhạc thời kỳ Trung cổ (Gregorian chant và âm nhạc nhiều bè đầu tiên thời Trung cổ (trường phái Notre-dame)).
  2. Lên dây dùng quãng năm đúng tự nhiên 2:3 và quãng ba trưởng tự nhiên 4:5 (major third)
  3. Lên dây dùng quãng năm đúng tự nhiên 2:3 và quãng ba thứ tự nhiên 5:6 (minor third)

Cách lên dây thứ hai và thứ ba này đỡ cứng nhắc hơn cách lên dây thứ nhất, nhưng với các điệu thức có nhiều dấu hóa hay phải dùng đến nốt enharmonic (mi trưởng hay fa thứ đã sử dụng rồi) thì vẫn chưa thỏa mãn lắm.

Để giải quyết việc temperament sao cho tất cả các điệu thức đều có thể dùng được và có nét tính cách riêng, nghệ nhân làm đàn Werckmeister đã thiết kế hai cách lên dây (temperaments, Temperaturen) ký hiệu là Werckmeister I và Werckmeister II trong đó các điệu thức đều hài hòa. Trong hai cách lên dây này, các quãng năm đơn giản nhất như C-G được lấy là quãng năm đúng tự nhiên 2:3 còn các quãng năm đúng ở nốt xa hơn có dấu hóa được chia đều.

Các temperaments/Temperaturen này được gọi là Well-tempered clavier / Wohltemperiertes Clavier (dịch ra tiếng Việt sát là Bàn phím thanh âm điều hòa hay dịch đơn giản Bình quân luật) mà nhạc sĩ Baroque Đức Johann Sebastian Bach đã viết hai bộ tác phẩm Prelude & Fugue ở tất cả 24 điệu thức trưởng và thứ để minh họa (Well-tempered clavier I và II). Đây cũng là cơ sở đề từ thời kỳ Cổ điển trở đi cho đến thời Lãng mạn các tác phẩm có thể chơi ở nhiều điệu thức xa hơn có nhiều dấu hóa. Tuy nhiên với thời kỳ Hiện đại với âm nhạc phi điệu thức, thì các sự khác biệt về vi âm giữa các temperaments lại mất dần vai trò, vì trong âm nhạc phi điệu thức hiện đại có rất nhiều quãng nghịch và thậm chí không phân biệt quãng thuận hay nghịch nữa, khi ấy sự sai khác vi âm của các quãng không còn nhiều ý nghĩa nữa.

Để chốt lại, nên nhớ rằng temperament chỉ đóng góp một phần vào vẻ đẹp của điệu thức và tác phẩm, quan trọng lại là nhiều khía cạnh khác của tác phẩm như giai điệu, hòa âm, tiết tấu, phức điệu và các hình tượng âm nhạc, vân vân. Các temperament chỉ giúp tạo nên các tính cách riêng của các điệu thức và giúp cho việc diễn cảm ý nghĩa hơn.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)