Tác giả: Ths DƯƠNG VŨ BÌNH MINH
Xây dựng chủ đề sử dụng các nét giai điệu của làn điệu dân ca
Từ bao đời nay, những làn điệu dân ca luôn là nơi để gửi gắm tâm tư, tình cảm và phản ánh sâu sắc nhất đời sống tinh thần của mỗi người dân. Âm hưởng của những điệu dân ca luôn mang nét đặc trưng của mỗi dân tộc và vùng miền. Các bài dân ca vốn đã là những giai điệu đẹp, quen thuộc, gần gũi, dễ hiểu đối với người nghe, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ. Chính vì vậy, khi những tác phẩm khí nhạc được khai thác và sáng tạo thông qua dân ca sẽ trở nên thân thuộc hơn với thính giả.
Trong các tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ đề âm nhạc cũng được hình thành từ những chất liệu quý báu đó. Ông khai thác bằng cách sử dụng môtip từ những làn điệu dân ca mang tính chất như dẫn đề vào một mạch cảm xúc. Những tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mà chúng tôi chọn lựa phân tích sử dụng thiên về dân ca Bắc Bộ và Nam Bộ.
Lấy ý tưởng từ bài Lý ngựa ô – dân ca Nam Bộ, tác giả đã xây dựng chủ đề trong concerto cho đàn bầu Sắc xuân. Giai điệu chủ đề biến tấu từ câu: “…Anh đưa nàng về dinh” này được xuất hiện ở dạng biến tấu trong giai đoạn 1 của phần 6, ô nhịp 330-331, do bè Gaohu (nhị 1) diễn tấu, mô phỏng lại giai điệu chủ đề chính của của tác phẩm.
Ngoài ra, bài dân ca còn trong chương III của tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên, ô nhịp 31-33, giai điệu chủ đề chơi xuất phát từ câu đầu tiên: “Khớp con ngựa ngựa ô…”. Giai điệu chính ban đầu do các bè nhạc cụ thuộc bộ gỗ và đồng kết hợp diễn tấu đó là Piccolo, Flute, Oboe và Trombe (in B) chơi, sau đó là sự đối đáp của bè Clarinet in B, Clarinet bass, Fagotte và Tromboni.
Để phát triển chất liệu chủ đề ở phần tiếp theo, trong nhịp 38-42, tác giả lại sử dụng tiếp câu tiếp theo của bài Lý ngựa ô dựa theo đường nét giai điệu của câu: “Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen…”. Phần giai điệu có tính rộn ràng, kịch tính do bè Violon 1 và Violon 2 chơi, kết hợp với tiết tấu đảo phách ở bè đệm (bè Viola và Violoncello) cùng sự góp mặt của bộ gõ lại càng làm tăng thêm sự sôi động, gấp gáp. Tất cả như để diễn tả hình ảnh cuộc hành quân thần tốc đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng thành Thăng Long của vua Quang Trung cùng các quân sĩ.
Cũng với chất liệu dân ca Nam Bộ, trong phần 2, ô nhịp 129-131 giao hưởng Rhapsodie Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã xây dựng chủ đề dựa trên bài Lý chiều chiều âm hưởng của chủ đề mang tính trữ tình.
Ngoài các làn điệu dân ca Nam Bộ, chủ đề trong các tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn được xây dựng từ âm hưởng hoặc lấy nguyên gốc của dân ca quan họ Bắc Ninh. Ở tác phẩm Sắc xuân, ô nhịp 200-205 thuộc phần 4 của bài, xuất hiện một nét giai điệu tha thiết, được lấy âm hưởng từ bài dân ca Se chỉ luồn kim do 2 sáo là Bangdi và Qudi diễn tấu.
Trong tác phẩm Trổ một, ở phần B ô nhịp 95-108, tác giả đã sử dụng nguyên gốc nét giai điệu của bài dân ca Ba mươi sáu thứ chim để xây dựng chủ đề. Nét giai điệu này do kèn Oboe đảm nhiệm diễn tấu, tạo nên một âm thanh rất trong trẻo, giàu tình cảm.
Lối hát dân ca đối đáp, giao duyên – hát trống quân xuất hiện phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và trung du (từ Thanh Hóa trở ra). Trong chương II ô nhịp 25-31 của tác phẩm Tứ tấu đàn dây, Đỗ Hồng Quân đã xây dựng chủ đề do bè Violon 1 diễn tấu dựa trên âm hưởng của làn điệu hát trống quân nên mang đến tính chất âm nhạc dí dỏm, vui nhộn. Sau đó, ở chương III ô nhịp 15-20, tác giả khai thác âm hưởng của bài Inh lả ơi, dân ca Thái, nét giai điệu trong trẻo được chơi trên bè Viola.
Trong Rhapsodie Việt Nam, chủ đề cũng được tác giả phát triển từ các chất liệu âm nhạc của dân tộc thiểu số. Ở phần 3, chủ đề A giai điệu được xây dựng từ những bước nhảy quãng 7, quãng 8 đi xuống kết hợp với bước nhảy quãng 3 đi lên, đây là nét đặc trưng trong dân ca của người Mông. Giai điệu chủ đề này do Oboe I chơi, tạo nên một âm thanh trữ tình vọng lại giữa núi rừng, gần với những làn điệu để giao lưu tình cảm của người Mông. Tiếp đến, làn điệu của dân tộc Mông lại tiếp tục sử dụng để phát triển chủ đề mở đầu A trong phần 4. Ở đây, tác giả đã sử dụng âm điệu và tiết tấu trong điệu múa tập thể của dân tộc Mông, tính chất âm nhạc mang tính vũ khúc, linh hoạt, vui tươi.
Để thể hiện sự phong phú, đa dạng về mặt khai thác yếu tố âm nhạc dân gian (thông qua quãng, tiết tấu, âm điệu) của nhiều vùng miền khác nhau trong việc phát triển chất liệu chủ đề ở Rhapsodie Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân một lần nữa lại sử dụng bộ gõ (Timpani) để mang lại âm hưởng dân ca Êđê đến cho người nghe trong chủ đề C của phần 4.
Đặc biệt hơn nữa, tác giả còn đưa đồng dao vào trong tác phẩm, như ở chủ đề mở đầu chương IV trong giao hưởng Dáng rồng lên, lấy cảm xúc từ trò chơi dân gian thời thơ ấu rồng rắn lên mây, tác giả đã viết lại môtip mô phỏng lại lời trong bài đồng dao: “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà điểm mây, thầy thuốc có nhà hay không”. Giai điệu chủ đề được hình thành từ sự kết hợp của quãng 2 trưởng và trục quãng 4 đúng, quãng 5 đúng khiến người nghe thấy gần hơn với ngôn ngữ trong thơ. Chủ đề ban đầu do kèn Fagotte chơi ở âm khu trầm, sau đó chủ đề lần lượt được nhắc lại ở bè Oboe, rồi đến bè Flute, cuối cùng là bè Piccolo, ở mỗi lần nhắc lại đưa lên âm khu cao hơn. Âm nhạc ở đây như diễn tả miền ký ức từ xưa vọng lại, một không gian âm nhạc đi từ quá khứ đến hiện tại.
Có thể thấy rằng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã rất linh hoạt và sáng tạo trong việc sử dụng các chất liệu làn điệu dân ca các vùng miền để xây dựng chủ đề âm nhạc. Điều này khiến các tác phẩm khí nhạc của ông giàu tính dân tộc và đến gần với thính giả hơn.
Xây dựng chủ đề dựa trên các làn điệu chèo
Các làn điệu chèo từ lâu đã quen thuộc, gắn bó với người dân đất Việt. Trong mỗi lần điệu chèo đều xuất hiện câu lưu không (có thể được chơi một lần hoặc lặp lại nhiều lần tùy vào từng bài). Trong bài Sắc xuân, từ ô nhịp 29-36, chủ đề là sự kết hợp của lưu không và âm hưởng của làn điệu hề mồi (đây là làn điệu đặc trưng trong nghệ thuật chèo). Sự kết hợp độc đáo này cùng với đàn bầu diễn tấu làn dưới phần đệm của bộ dây, tạo nên giai điệu chính của chủ đề một không gian hoạt náo, vui tươi của mùa Xuân.
Hay như trong tác phẩm Trổ một, ngay phần đầu tiên, chủ đề do bộ dây diễn tấu, môtip được xây dựng và phát triển từ nét giai điệu mang âm hưởng của chèo, đó là nét giai điệu của lưu không. Ngoài ra, ở Trổ một, tác giả còn khai thác âm hưởng của điệu lới lơ mang tính tự sự và điệu xẩm xoan với tính chất trong sáng, trữ tình (nhịp 255-260).
Xây dựng chủ đề dựa trên chất liệu nhã nhạc cung đình Huế
Trong hòa tấu nhạc cung đình Huế, ta thường gặp nhóm liên khúc Lưu thủy – kim tiền, Xuân phong long hổ. Đây là những bản nhạc lễ thường được chơi trong lúc có lễ dâng hương, dâng rượu, lễ cúng tế trong cung đình hay đám rước ngoài đường… Ở nhịp 71-80 của chương IV tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên chủ đề được xây dựng từ chất liệu bài Lưu thủy – kim tiền. Giai điệu chính do Trumpet in B diễn tấu kết hợp với âm hưởng của nét nhạc Lưu thủy – kim tiền, tác giả như diễn tả một đám rước đi vượt không gian và thời gian, đi từ quá khứ đến hiện tại, để mang lịch sử hào hùng đến với ngày hôm nay, khẳng định một niềm tin vững chắc, tươi đẹp trước một Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Trong tác phẩm Sắc xuân, từ ô nhịp 170-175 diễn tả những âm thanh ngày xuân tươi đẹp, vui nhộn, với Tết cổ truyền, tác giả cũng sử dụng âm hưởng của Xuân phong long hổ để diễn đạt. Giai điệu của điệu này được chơi trên bè Zonghu, trên nền bè đệm của Violoncello và Contrebass, sau đó có bè Gaohu và Erhu (Nhị 1 – Nhị 2) tham gia diễn tấu cùng. Không gian ngày xuân được nhạc sĩ diễn tả rất rõ nét.
Sử dụng các thang âm – điệu thức dân tộc
Đỗ Hồng Quân trải qua nhiều giai đoạn sáng tác, mỗi tác phẩm khí nhạc của ông đều có cách trình bày về mặt cấu trúc, hình thức, thể loại, ngôn ngữ âm nhạc… Nhưng nét đặc trưng xuyên suốt trong các sáng tác đó là sự chú trọng về cách đổi mới và khai thác đặc tính của âm nhạc dân tộc một cách triệt để, tạo nên giá trị độc đáo đặc trưng cho âm nhạc dân tộc. Thang âm, điệu thức là một yếu tố rất quan trọng để tạo nên tính dân tộc cho tác phẩm. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng những làn điệu dân ca, làn điệu âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng vận dụng nhiều thang âm, điệu thức để xây dựng chủ đề. Theo nghiên cứu và tổng hợp tác phẩm khí nhạc của Đỗ Hồng Quân, chúng tôi nhận thấy, nhạc sĩ đã vận dụng rất đa dạng thang 3, 4 và 5 âm.
Nhạc sĩ đã xây dựng chủ đề trên cơ sở thang 3 âm trong phần 2 chương II tác phẩm Tứ tấu đàn dây, với thành phần chính dựa trên trục quãng 2 trưởng, 4 đúng và 5 đúng kết hợp cùng bè trầm do Violloncello chơi trì tục nốt pha thăng, tạo nên một âm hưởng gần giống với điệu Trống quân. Chương IV tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên, để xây dựng chủ đề từ bài đồng dao Rồng rắn lên mây, tác giả cũng đã sử dụng thang 3 âm dựa trên trục quãng 4 đúng, 5 đúng. Để phù hợp với chuyển động ngữ điệu của bài đồng dao tác giả sử dụng kỹ thuật Staccato ở bè Fagotte, nhấn vào nốt ngân dài.
Giai đoạn 3 chương III tác phẩm Tứ tấu đàn dây từ ô nhịp 28-31, để mô phỏng lại chủ đề âm nhạc mang âm hưởng Tây Bắc, tác giả đã sử dụng thang 4 âm trên bè Violon 1 dựa trên những trục các nốt b – c – es – f, cùng với đó là bè Violon 2 và Viola đi âm nền trì tục tạo nên tính chất nhịp nhàng trong các điệu múa xòe của người Thái vùng Tây Bắc.
Cũng sử dụng thang 4 âm, trong chủ đề 1 ô nhịp 10-13 chương I bản giao hưởng Dáng rồng lên, nhạc sĩ xây dựng chủ đề từ thang âm các nốt đó là g – a – c – d. Giai điệu chủ đề do kèn Oboe diễn tấu, bao gồm quãng 2 trưởng, quãng 3 thứ xen kẽ các bước nhảy quãng 4 đúng. Tính chất âm nhạc tha thiết, trữ tình diễn tả một Thăng Long xưa hiền hòa, bình yên.
Chủ đề mở đầu chương III của Rhapsodie Việt Nam cũng sử dụng thang 4 âm theo thang âm a – c – d – e, giai điệu chủ đề do kèn Oboe diễn tấu, mô phỏng âm thanh khèn bè của người dân tộc miền núi các tỉnh phía Bắc.
Các nhạc sĩ Việt Nam luôn khai thác và vận dụng nhuần nhuyễn hệ thống ngũ cung thuộc kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có 5 dạng thang 5 âm phổ biến của người Việt với tên gọi: cung, bắc, xuân, ai, oán. Các tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, phần lớn chủ đề đều được xây dựng trên thang 5 âm dân tộc Việt.
Tiếp nối chủ đề mở đầu chương III của Rhapsodie Việt Nam, giai điệu chủ đề vẫn do kèn Oboe chơi, hơn thế nữa phát triển tiếp nhưng thang 5 âm theo điệu Si giáng Nam (b – des – es – f – as). Giai điệu chủ đề vẫn tiếp tục mô phỏng tiếng khèn bè, tác giả đã thể hiện phần âm nhạc của chủ đề mang tính mộc mạc, chân thành và nhấn mạnh bản sắc riêng trong ngôn ngữ âm nhạc dân tộc.
Trong tác phẩm Tứ tấu đàn dây, chủ đề chương I, tác giả đã sử dụng thang 5 âm theo điệu Pha thăng Nam (fis – a- h – cis – e) để mở đầu. Giai điệu chủ đề do bè Violon 1 diễn tấu, bên cạnh các bước đi quãng 2 trưởng là những bước nhảy quãng 4 tạo nên tính chất trữ tình.
Ở chất liệu chủ đề của phần 5 (nhịp 277-280) trong Sắc xuân, tác giả sử dụng thang 5 âm theo điệu Rê Nam (d – f – g – a – c), giai điệu của chủ đề là quãng 2 trưởng kết hợp với quãng 4 đúng. Thêm vào đó, giai điệu chủ đề do đàn bầu chơi kết hợp bộ tạo nên âm hưởng trữ tình, tình cảm.
Chủ đề của chương I, tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên, ở nhịp 30-37, giai điệu của chủ đề được xây dựng trên điệu Mi Nam (e – g – a – a – h) do Violon 1 và Violon 2 trình bày.
Ngoài ra, giao hưởng Tiếng vọng trong chương I, chủ đề cũng được xây dựng trên điệu thức Mi Nam (nhịp 21-23). Giai điệu do Flute và Campaneli diễn tấu trên nền bè đệm Piano tạo ra những âm thanh giàu tính trữ tình, lãng mạn.
Giao hưởng Trổ một có chủ đề mở đầu (từ nhịp 13-15) do bộ dây diễn tấu và được viết ở điệu thức Rê Nam (d – f – g – a). Tiếp đến, ở giai đoạn 1 của phần B – phần phát triển, chủ đề được phát triển qua 3 ba điệu thức cùng âm Đô đó là: nhịp 108-111 nét giai điệu do Violon 1 và Violon 2 trình bày trên điệu thức Đô Bắc (c – d – f – g – a); nhịp 112-115 giai điệu vẫn do Violon 1 và Violon 2 trình bày nhưng trên điệu Đô Cung ( c – d – e – g – a). Thêm vào đó, từ nhịp 255-260 chủ đề âm nhạc ở đây được xây dựng trên âm hưởng của làn điệu chèo Lới lơ và được viết ở điệu thức La Nam (a – c – d – e – g). Trong giai đoạn 2, phần B của giao hưởng Trổ một, giai điệu chủ đề chính do kèn Clarinet diễn tấu và hình thành trên điệu Si Nam (h – d – e – fis – a).
Nhìn chung, các chủ đề được xây dựng trong tác phẩm khí nhạc của Đỗ Hồng Quân thường được xây dựng theo điệu thức 5 âm dân tộc và đặc biệt là điệu Nam – thang âm phổ biến trong các bài dân ca Việt Nam.
Kết luận
Đỗ Hồng Quân là nhạc sĩ tiêu biểu cho nền khí nhạc Việt Nam, những tác phẩm của ông dù được viết dưới bút pháp mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn hướng tới tính dân tộc. Điều này cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong các sáng tác của nhạc sĩ. Khi đề cập đến việc khai thác từ chất liệu âm nhạc dân gian như: dân ca các vùng miền, câu đồng dao trong trò chơi dân gian, các làn điệu chèo hoặc nhã nhạc cung đình Huế. Các quãng như quãng bốn, quãng năm – quãng đặc trưng của dân tộc cũng được sử dụng khá phổ biến. Bên cạnh đó, nguồn chất liệu dồi dào được khai thác từ thang âm – điệu thức được xây dựng từ thang 3 – 4 – 5 âm cũng được triển khai khá rộng, dưới nhiều cách thức linh hoạt khác nhau. Đôi lúc, con có sự kết hợp các điệu thức cùng dạng thức – khác chủ âm. Có thể thấy, tác giả đã vận dụng cũng như khai thác các nguồn chất liệu từ yếu tố truyền thống một cách linh hoạt, khiến cho các chủ đề trong tác phẩm luôn được diễn tấu với nhiều màu sắc, mạng đậm bản sắc Việt Nam.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Tú Hương, Tổng tập âm nhạc Việt Nam tác giả và tác phẩm, tập 1, Nxb Văn hóa dân tộc, Viện Âm nhạc, 2010.
2. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
3. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc, 2000.
4. Nguyễn Thị Nhung, Âm nhạc thính phòng – giao hưởng Việt Nam, Viện Âm nhạc, 2001.
5. Nguyễn Thị Nhung, Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, 2005.
6. Viện Âm nhạc, Âm nhạc Việt Nam tác giả – tác phẩm, tập 1, tập 2, Bộ Văn hóa – Thông tin, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội, 2006.
7. Viện Âm nhạc, Những tác phẩm giao hưởng Việt Nam, tập 4, Bộ Văn hóa – Thông tin, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Dân tộc, Hà Nội, 2005.
8. Nguyễn Xinh, Lịch sử âm nhạc thế giới, tập 1, Nhạc viện Hà Nội, 1983.
9. Willi Apel, Từ điển âm nhạc của Havard, quyển 3, Đại học Havard, 1969.
(Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023)