Nhạc sĩ Hoàng Vân – một trong những nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng ở cả lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc, đồng hành với những sự kiện trọng đại của đất nước và cập nhật hơi thở cuộc sống thực tế để chuyển hóa thành những cung bậc thanh âm. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 cùng nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý khác.
Quá trình hoạt động âm nhạc của ông đã được tái hiện trong cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào đầu năm 2022.
NS Hoàng Vân.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật là Lê Văn Ngọ) sinh ngày 24 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học ở phố Hàng Thùng, Hà Nội có cha và ông nội đều là nhà Nho. Ông được học theo hệ thống giáo dục trong nhà trường của Pháp cho tới năm 16 tuổi và được tắm trong môi trường Thi – Ca – Họa – Nhạc từ nhỏ.
Năm 1946, ông lên đường tham gia kháng chiến cho đến khi chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi sáng tác ca khúc Chiến thắng Tây Bắc năm 1952, ông sáng tác Hò kéo pháo – tác phẩm nối liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, giải Nhất Đại hội Văn công toàn quốc đầu tiên (1954), chính thức mở đầu cho sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ. Sau đó ông đi tu nghiệp tại Học viện Âm nhạc Trung ương ở Bắc Kinh – Trung Quốc. Năm 1960 ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc (sáng tác và chỉ huy) tại Học viện Âm nhạc Trung ương ở Bắc Kinh với bản giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc.
Năm 1960, ông về Việt Nam và được phân công công tác trên cương vị chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy trưởng và đã đồng hành xây dựng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trong vòng 10 năm, đảm nhiệm công việc dàn dựng, phối khí, chỉ huy các tác phẩm phục vụ thu thanh ở Đài. Thời gian này ông đã viết những tác phẩm khí nhạc như: Giao hưởng hợp xướng Hồi tưởng (1961-1962), tác phẩm cho Oboe và piano Tiếng khèn ngày chợ phiên, Rhapsodie cho violon và dàn nhạc…
Nhạc sĩ Hoàng Vân từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ 1963 cho đến khi về hưu vào cuối những năm 1990, và tham gia giảng dạy. sáng tác và phối khí tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ 1961 đến cuối những năm 1980.
Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ (1964-1968), ông viết nhạc cho kịch Nila, cô gái đánh trống trận, sáng tác, dàn dựng và chỉ huy âm nhạc cho vũ kịch Chị Sứ. Trong giai đoạn 1968- 1972, ông sáng tác nhạc cho phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Concerto cho fagotte (bassoon) Voi kéo gỗ trên lâm trường (Hành khúc con voi). Vào cuối năm 1969, ông ngừng công tác chỉ huy dàn nhạc và chỉ đạo nghệ thuật tại Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và về công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Năm 1974-1975, ông sang thực tập tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. 1975-1990 Trở về Việt Nam, ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam biệt phái vào công tác tại các tỉnh phía Nam. Về tác phẩm khí nhạc, giai đoạn này có Concertino cho violon và dàn nhạc Tuổi trẻ và tình yêu (1975), tác phẩm viết cho saxophone và piano Vũ khúc 89, Giai điệu tình yêu… Đây cũng là thời gian ông giảng dậy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cho đến cuối những năm 1990.
Vào giai đoạn sau tuổi lục tuần, ông tập trung vào những tác phẩm lớn: Tổ khúc giao hưởng 4 chương Tưởng niệm (1991), được đổi thành Trữ tình (Sinfonia Lyrica) vào năm 2010; Giao hưởng thơ số II (giải thưởng Hội Nhạc sĩ 1994), số III Tuổi trẻ của tôi (2000); Nhạc vũ kịch Giai điệu tháng 5, Opérettes Tình yêu nàng Sa, Nỗi nhớ Mai Lan… Giao hưởng với đại hợp xướng Điện Biên Phủ – Trên chiến trường không bao giờ quên (2004).
Năm 2005 Đêm hòa nhạc giao hưởng và khí nhạc mang tên ông được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với ba tác phẩm: Thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc (1960), Concertino cho violon và dàn nhạc dây Tuổi trẻ và tình yêu (1975) và Giao hưởng với đại hợp xướng Điện Biên Phủ – Trên chiến trường không bao giờ quên (2004). Chương trình được Dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng Nhạc viện Hà Nội thể hiện và do nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ, chỉ huy.
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã có nhiều đóng góp quý báu cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 cùng nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý khác.
Ngày 4/2/2018 (19 tháng Chạp âm lịch) Nhạc sĩ Hoàng Vân đã vĩnh biệt cõi trần trong giấc ngủ.
Các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ nhanh chóng được phổ biến đông đảo công chúng mà nhiều tác phẩm còn được đưa vào các công trình nghiên cứu âm nhạc nhạc của những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận âm nhạc. Có thể đưa ra một vài những dẫn chứng sau đây:
– Trong phần tư liệu “5 tác phẩm khí nhạc và 3 bản giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân” của tác giả Vũ Duy Hiếu in trong cuốn sách “Hoàng Vân Nhạc và Đời” do Viện Âm nhạc xuất bản năm 2022 có đưa ra những phân tích về tác phẩm “Tiếng khèn ngày chợ phiên” cho Oboë và Piano, được viết vào năm 1962 của nhạc sĩ Hoàng Vân: “…Nét nhạc bắt đầu vang lên như mô tả một buổi sớm ban mai thật trong trẻo, cùng văng vẳng đâu đó tiếng gà gáy thúc giục mọi người hãy dậy mau để đón chào một ngày mới, đón chào một ngày chợ phiên. Trong tốc độ Moderato cantabile chậm rãi và dàn trải ngay từ nhịp đầu tiên của tác phẩm, giai điệu oboë cất lên theo điệu thức ngũ cung. Để tạo mầu sắc và điểm nhấn cho người nghe tác giả đã dùng âm Sol giáng cùng hợp âm Sol giáng trưởng ở bè piano, và khi nhắc lại lần thứ hai, nét nhạc này mới trở về âm Sol bình cùng hợp âm đệm Sol trưởng rất tươi sáng và ổn định. Trong ba phần tiếp theo cho đến phần kết rộn rã cho đến cuối tác phẩm, nét giai điệu của phần mở đầu được nhắc lại, nhưng phần hòa thanh đệm của piano chuyển thành hợp âm Sol giảm và Sol bảy giảm kết hợp với phần giai điệu dùng quãng 8 nhấn mạnh motif đi xuống, tạo cảm giác như những người đi chợ đang gần về với bản làng thân yêu của mình. Bản nhạc kết thúc như những tiếng vang vọng của núi rừng khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Đây có lẽ cũng là một trong những tác phẩm khí nhạc giầu hình tượng và giầu tính gợi tả nhất trong những tác phẩm viết cho khí nhạc sẽ được phân tích. Một phiên chợ vùng cao với những cảnh sắc độc đáo, những con người mộc mạc, chân chất được nhạc sĩ Hoàng Vân phác họa một cách rõ nét bắt đầu từ một buổi sớm ban mai cho đến khi âm hưởng của niềm vui cứ theo chân mỗi người về đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh trong màn đêm dần buông. Về mặt kỹ thuật, Tiếng khèn ngày chợ phiên đã tạo nên sự hòa hợp giữa âm hưởng kèn oboë và phần đệm piano. Sự pha trộn hài hòa giữa tính chất dân gian sâu đậm, tinh tế trong điệu thức ngũ cung và tính chất tự do, phóng khoáng trong điệu thức châu Âu. Bằng thủ pháp sáng tác điêu luyện, tác giả đã khai thác âm sắc đặc trưng của tiếng khèn dân tộc Mông áp dụng cho kèn oboë là nhạc cụ phương Tây có âm hưởng gần gũi nhất với cây khèn của dân tộc Mông”.
– Trong tư liệu “5 tác phẩm khí nhạc và 3 bản giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân” của tác giả Vũ Duy Hiếu in trong cuốn sách “Hoàng Vân Nhạc và Đời” do Viện Âm nhạc xuất bản năm 2022 có đưa ra những phân tích về tác phẩm “Voi kéo gỗ trên lâm trường” cho kèn fagotte và đàn piano như sau: “Với tính chất trầm ấm cộng thêm khả năng tạo kịch tính, hài hước của cây kèn fagotte, nhạc sĩ Hoàng Vân đã rất tinh tế khắc họa lên hình ảnh các chú voi tuy vất vả trong lao động nhưng cũng như những con người nơi đây vẫn vui tươi, yêu đời và tin vào một ngày mai thắng lợi. Phần piano bên cạnh tính chất đệm cho fagotte còn tạo dựng lên khung cảnh chung trong không khí lao động sôi nổi, quyết tâm của toàn lâm trường. Tác phẩm được viết ở hình thức 3 đoạn phức kết hợp với hình thức biến tấu… Phần A là không khí lao động hăng say và vui tươi của lâm trường với những gì là tả thực qua âm nhạc, thì phần B là những suy tư, những cảm xúc của nhạc sĩ trước những công việc hết sức khó khăn và vất vả của những chú voi hay những con người làm việc nơi đây. Những thủ pháp đắt và độc đáo như sự lồng ghép khéo léo một nét bán âm (cromatic) của kèn fagotte, vừa mang tính chất kết thúc phần A, nhưng đồng thời làm cầu nối dẫn dắt tính chất của phần B xuất hiện tiếp sau đó. Voi kéo gỗ trên lâm trường một trong những tác phẩm viết cho fagotte và piano của nhạc sĩ Hoàng Vân là một bức tranh sinh động, đẹp cả về đường nét, hình ảnh hào hùng ý chí của từng con người và cảnh vật trên lâm trường trong lao động sản xuất, cổ vũ cho tinh thần lạc quan, vui tươi của nhân dân ta một cách nghệ thuật trong công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước”.
– Trong bài viết “Nhạc sĩ Hoàng Vân và các tác phẩm khí nhạc” của PGS, TS Phạm Tú Hương in trong cuốn sách “Hoàng Vân Nhạc và Đời” do Viện Âm nhạc xuất bản năm 2022 có viết:
“Trong thời gian học tập tại Nhạc viện Bắc Kinh – Trung Quốc, nhạc sĩ Hoàng Vân đã có khá nhiều tác phẩm cả lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Tác phẩm thành công nhất giai đoạn này phải kể đến bản thơ giao hưởng số 1 có tiêu đề Thành đồng tổ quốc. Đây là tác phẩm tốt nghiệp Nhạc viện của ông (1960). Bản giao hưởng có nội dung diễn tả về cuộc kháng chiến chống Mỹ anh dũng, kiên cường của quân dân miền Nam. Tác phẩm được viết ở hình thức sonate, giọng h-moll với hai chủ đề tương phản mạnh mẽ. Chủ đề 1: Âm hưởng hoành tráng, mạnh mẽ, tính chất thôi thúc, kêu gọi, đầu tiên được xuất hiện ở bè kèn trompette. Giai điệu chủ đề được xây dựng bởi sự tương phản về tiết tấu giữa những âm kéo dài (nốt trắng) dõng dạc với tiết tấu chùm ba đơn và tiết tấu chấm giật mang tính chất thôi thúc, dồn dập. Chủ đề như diễn tả hình tượng mạnh mẽ, kiên cường của quân dân Nam bộ trên tuyến đầu chống Mỹ. Chủ đề 2: Êm ái trữ tình, mang đậm chất ca xướng, tương phản với chủ đề 1. Chủ đề 2 mang âm hưởng điệu thức ngũ cung (d-e-fis-a-h) lần đầu xuất hiện ở bè viola. Phần phát triển của bản thơ giao hưởng này chủ yếu phát triển chất liệu của chủ đề 1. Nhạc sĩ cũng đưa vào phần này một số chất liệu mới. Với thủ pháp chuyển điệu xa, liên tục cùng với việc dùng các thủ pháp phức điệu, thay đổi cường độ đột ngột kết hợp với các dạng tiết tấu phong phú đã tạo nên phần phát triển rất sôi nổi, kịch tính. Cuối phần phát triển chủ đề 2 mới xuất hiện nhưng đã thay đổi về tính chất. Chủ đề 2 không còn âm hưởng êm ái, trữ tình nữa mà đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt gần với tính chất của chủ đề 1. Khác với nguyên tắc của hình thức sonate cổ điển, phần tái hiện của tác phẩm này chỉ tái hiện chủ đề 1. Chủ đề 1 trở về giọng h-moll với âm hưởng khỏe, sáng của kèn trompette. Đoạn coda, với tutti toàn bộ dàn nhạc ở cường độ rất mạnh (fff), tạo nên một phần kết uy nghi, hoành tráng của một khúc nhạc khải hoàn. Tác giả như khẳng định niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của đồng bào miền Nam”.
Có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại cho chúng ta một kho tàng âm nhạc với các thể loại khác nhau và vô cùng quý giá. Những tác phẩm này đã được gia đình nhạc sĩ hệ thống và số hóa để chia sẻ tới công chúng yêu nhạc. Đồng thời, quá trình hoạt động âm nhạc của ông cũng đã được TS âm nhạc Lê Y Linh (con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân) đã ghi chép lại, hệ thống lại vào cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” ra mắt công chúng vào tháng 4/2022.
Xin được chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận về cuốn sách: “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh”.
TS Lê Y Linh, NS Quốc Trung, NS Nguyễn Tiến Mạnh, nhà văn Trương Quý
Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đã có nhiều bài báo, các chương trình âm nhạc giới thiệu về quãng đời hoạt động âm nhạc của ông, hoặt một số công trình lý luận, nghiên cứu về bút pháp sáng tác của ông…Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào đầu năm 2022 mới thực sự là cuốn sách tư liệu đầy đủ và công phu nhất.
Trong cuốn sách này TS Y Linh đã tập hợp rất nhiều nguồn thông tin, tư liệu, báo chí, luận văn, các công trình nghiên cứu âm nhạc về nhạc sĩ Hoàng Vân. Bằng sự sắp xếp theo hệ thống một cách khoa học về tiến trình thời gian và lịch sử, dựa trên những băng tư liệu phỏng vấn, phân tích kỹ lưỡng và lưu giữ lại những dòng cảm nhận của các nhạc sĩ, nghệ sĩ về nhạc sĩ Hoàng Vân để hoàn thành cuốn sách.
Khi đọc cuốn sách này, độc giả có thể thấy rõ được những giá trị quý báu mà tác giả của nó đã dày công biên tập để hoàn thành.
1. Giá trị về mặt tư liệu
Đây là nguồn dữ liệu hết sức cần thiết cho những người làm công tác nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam, những nhà lý luận, phê bình âm nhạc. Mặt khác, nó cũng là những thông tin đầy thú vị và cụ thể dành cho những người làm công tác biên tập âm nhạc ở các cơ quan truyền thông khi giới thiệu về nhạc sĩ Hoàng Vân. Trước đây, nhiều chương trình âm nhạc khi giới thiệu về ông hoặc khi giới thiệu những tác phẩm của ông thì chỉ thường nói chung chung vì chưa có 1 nguồn tư liệu mang tính chính thống và đầy đủ như cuốn sách này.
2. Giá trị về mặt bồi dưỡng thẩm mỹ âm nhạc
– Dành cho các ca sĩ, nghệ sĩ
Khi các ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của ông về cả mảng thanh nhạc và khí nhạc, nếu có được những thông tin về hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh đời sống xã hội trong thời điểm lịch sử đó thì họ sẽ hiểu thêm được về những thông điệp mà nhạc sĩ gửi gắm vào tác phẩm. Điều này là yếu tố cần thiết cho các ca sĩ, nghệ sĩ có thể hiểu thêm về quá trình hình thành tác phẩm, hiểu sâu hơn về nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của tác phẩm. Qua đó các nghệ sĩ có thể tìm được sự đồng cảm với nhạc sĩ sáng tác và quan trọng hơn nữa là tạo nguồn cảm hứng và sự thăng hoa để thể hiện tác phẩm tốt hơn.
– Dành cho công chúng yêu nhạc
Ở góc độ của những công chúng yêu nhạc cũng vậy. Nếu có trong tay cuốn sách này với những thông tin về những tác phẩm được yêu thích của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ giúp người nghe tiếp cận một cách gần gũi hơn nữa và thêm hiểu về giá trị của tác phẩm, tạo nên nhịp cầu nối gần gũi giữa người thưởng thức âm nhạc với nhạc sĩ sáng tác. Mặt khác, gía trị về bồi dưỡng thẩm mỹ âm nhạc cho các lớp công chúng cũng luôn là yếu tố cần thiết ở mọi thời đại.
3. Giá trị về giáo dục và đào tạo âm nhạc
– Về giáo dục
Cuốn sách đã phác họa bức chân dung với khuôn mặt đa diện và đầy tài năng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Những thông tin về ông đã được TS Y Linh kiểm chứng, xác thực một cách khách quan dưới góc nhìn của người làm nghiên cứu khoa học. Những nguồn tư liệu đã tái hiện tương đối chính xác về quá trình hoạt động âm nhạc của ông, miêu tả rõ tính cách trong những tác phẩm có giá trị mà nhạc sĩ đã để lại cho thế hệ sau. Qua đó độc giả cũng thấy được hình ảnh của người nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã luôn vượt lên mọi khó khăn để chắt lọc những mạch nguồn cảm xúc trong sáng tạo âm nhạc. Hình ảnh của ông là tấm gương mẫu mực của một công dân Việt Nam với tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, ông sinh năm 1930 trong gia đình có truyền thống Nho học, thế hệ cha và ông nội là những người thông thạo cả “Cầm – Kì – Thi – Họa”. Chàng thanh niên Lê Văn Ngọ ở phố cổ Hàng Thùng – Hà Nội đã tham gia kháng chiến, năm 1947 lấy bút danh là Hoàng Vân, từ chiến sĩ trở thành nhạc sĩ với “Hò kéo pháo” gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Từ đó, từng bước trưởng thành với nhiều tác phẩm viết cho cả mảng khí nhạc và thanh nhạc, đồng hành cùng những sự kiện trọng đại của đất nước, gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình cho cuộc sống. Hình ảnh của nhạc sĩ Hoàng Vân thông qua những tác phẩm âm nhạc và cả trong cuộc sống đời thường giản dị của ông đã được nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ và công chúng yêu mến. Ông đã trở thành một tấm gương cho các thế hệ trẻ sau này, đặc biệt là những người có đam mê về con đường âm nhạc…
– Về mặt đào tạo âm nhạc
Trong các môi trường đào tạo âm nhạc thì cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành là nguồn tư liệu âm nhạc phong phú. Các giảng viên và sinh viên âm nhạc có thể khai thác những thông tin trong cuốn sách để bổ sung trong những giáo án giảng dạy và học tập, nghiên cứu.
Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Vân đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Với hơn 700 tác phẩm âm nhạc ông đã để lại “cho muôn đời sau”, có sức sống vượt không gian, vượt thời gian trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, kết nối tới trái tim của đông đảo công chúng yêu nhạc trong nước và nước ngoài.
4. Một vài cảm nhận cá nhân
Cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành là bức chân dung được phác họa một cách chân thật về cuộc đời và những hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Về mảng thanh nhạc, ông có nhiều ca khúc nổi tiếng, từ những ca khúc thiếu nhi như: “Mùa hoa phượng nở”; “Em yêu trường em”; “Con chim vành khuyên”… cho tới những ca khúc dành cho người lớn với nhiều đề tài khác nhau, như: “Tình yêu Hà Nội”; “Tôi là người thợ lò”; “Bài ca xây dựng”; “Bài ca người giáo viên nhân dân”; “Người chiến sĩ ấy”; “Quảng Bình quê ta ơi”…
Bên cạnh đó ông còn có một gia tài về mảng khí nhạc. Ngay từ năm 1960 ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên xây dựng nền âm nhạc Giao hưởng Việt Nam với tác phẩm Giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ Quốc”. Có thể nhắc tới những tác phẩm tiêu biểu khác như: “Rondo” cho Flute và Piano; “Tiếng khèn ngày chợ phiên” cho Oboë và Piano; “Hòa tấu viết cho Violon và dàn nhạc dây”; “Voi kéo gỗ trên lâm trường” cho Fagotte và Piano; Concertino cho violon và dàn nhạc “Tuổi trẻ và tình yêu”… Những tác phẩm thuộc thể loại Thanh – Khí nhạc hay còn gọi là Hợp xướng mà trong đó dàn nhạc Giao hưởng không phải là để giữ vai trò đệm cho hát mà là yếu tố song hành, mang tính chất độc lập như: Giao hưởng hợp xướng “Hồi tưởng”; “Điện Biên Phủ – Trên chiến trường không bao giờ quên”… Thể loại viết cho vũ kịch hay còn gọi là Ballet cũng được ông dành tâm huyết như vũ kịch “Chị sứ”… Ngoài ra ông còn sáng tác âm nhạc cho nhiều bộ phim, trong đó nổi bật là âm nhạc cho phim “Con chim vành khuyên”…
Có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Vân là người đa diện và tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại rất khiêm tốn – những người uyên bác thường ẩn mình sau vẻ mặt khiêm nhường. Âm nhạc của ông đã tiếp cận mọi mặt trong đời sống, các ngành nghề, tỉnh, thành phố, những miền quê hương đất nước và những tấm gương anh dũng trong chiến đấu, từ những ca khúc dành cho thiếu nhi và cho cả người lớn… Mỗi đề tài đều có những tác phẩm để đời, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.
Mặt khác, ông còn là người say mê hội họa mang tâm hồn lãng mạn của chàng trai nơi phố cổ, đặc biệt là qua những bức chân dung tự họa rất độc đáo. Là người yêu thư pháp, luyện chữ, luyện tâm để đạt đến trạng thái tĩnh lặng. Với đời sống nội tâm phong phú nhưng cuộc sống đời thường lại rất giản dị: thích sưu tập đồ cổ, dạo chơi chợ hoa ngày tết trên phố cổ Hàng Lược, chơi cây cảnh, chơi chim Gáy… và luôn miệt mài lao động sáng tạo.
Ông là nhạc sĩ có khả năng thẩm âm tốt, có thể xướng âm chính xác cao độ và định vị các vị trí nốt nhạc trên đàn Piano mà không cần thanh mẫu, nên khi sáng tác ông viết thẳng vào bản nhạc mà không cần bất cứ nhạc cụ nào để định âm.
Nhạc sĩ Hoàng Vân là người có công lớn trong việc xây dựng Đoàn Ca nhạc Đài TNVN (nay là Nhà hát Đài TNVN) từ năm 1960 – 1970, với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, sáng tác, phối khí, dàn dựng, thu thanh nhiều tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ từ mọi miền đất nước gửi về, hiện vẫn được lưu trữ và sử dụng tại Đài TNVN.
Có lẽ những tác phẩm âm nhạc của ông có được sự thành công và đông đảo công chúng đón nhận, ngoài tài năng về sáng tạo âm nhạc thì còn có những yếu tố đã được kết tinh từ những thú vui tao nhã để chuyển hóa thành những cung bậc thanh âm, hình thành nên một phong cách âm nhạc riêng – phong cách Hoàng Vân….
Tác giả: Nhạc sĩ, nhà báo: Nguyễn Tiến Mạnh