Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủLý LuậnNơi đây có một diễn đàn nghiên cứu phê bình nhạc mới

Nơi đây có một diễn đàn nghiên cứu phê bình nhạc mới

19

Không đao to búa lớn, cứ lặng lẽ khiêm nhường mỗi năm ra hai rồi ba số, tập san Nghiên cứu Âm nhạc mà chúng tôi vẫn quen gọi bằng cái tên thuở ban đầu: Thông báo khoa học (Bulletin) – “cơ quan ngôn luận” của Viện Âm nhạc nay đã đạt tới con số 50.

Không kinh doanh và chưa được biết đến rộng rãi như cần phải được thế, tập san này vẫn là địa chỉ đáng tin cậy của giới nghiên cứu âm nhạc. Và thú thật, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội nào để quảng bá: đây là diễn đàn âm nhạc chuyên nghiệp nhất, nghiêm túc nhất, học thuật nhất hiện nay.



Tôi may mắn được đăng bài ngay từ số đầu tiên, rồi sau đó trở thành “nhân chứng sống” tận mắt thấy sự hình thành của từng số. Từ cộng tác viên trở thành người biên tập, vừa là tác giả của hơn bốn chục bài được đăng, vừa tham gia lên khung nội dung từng số, tôi đã học được rất nhiều từ đây. Không chỉ riêng tôi, các thành viên Ban biên tập đều được tôi luyện và trở nên dày dạn hơn trong “trường đời” này, chẳng những trong nghề biên tập và làm báo, mà còn tích lũy thêm bao kinh nghiệm từ các lĩnh vực: nghiên cứu và phê bình, nhạc cổ và nhạc mới… Phải nói rằng tôi luôn thầm biết ơn người đã cho tôi cơ may gắn bó sự nghiệp “cày chữ” của mình với diễn đàn này: nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – trưởng ban biên tập, người mà tôi vẫn gọi vui là “cha đẻ” của tập san Nghiên cứu âm nhạc.

Sinh ra từ thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, trưởng thành theo từng số từng năm cùng thế kỷ XXI, tập san dần dần tạo nên một diễn đàn mở với nhiều vấn đề vừa học thuật vừa thời sự qua các góc nhìn và cách viết khác nhau. Điểm lại chặng đường ngót 18 năm (1999-2017) qua những bài viết về nhạc mới – là mảng mà tôi được giao trách nhiệm biên tập nội dung – sẽ thấy phần nào sự phong phú trong nội dung và cách thể hiện của diễn đàn này.

Chủ đề nội dung

Đúng như tên gọi, thể tài chủ yếu ở đây là nghiên cứu. Đa số bài viết mang tính nghiên cứu (chuyên luận về nhân vật, tác phẩm hoặc lĩnh vực nào đó; tổng luận về giai đoạn, sự kiện hoặc chủ đề nào đó…) và phục vụ cho công việc nghiên cứu (cung cấp thông tin, sử liệu, khảo cứu, tóm tắt công trình khoa học…).

Tuy tên gọi khoanh vùng trong thể tài “nghiên cứu”, nhưng tập san kể từ số đầu tiên đã gánh cả vai trò phê bình – một mảng bị coi là rất yếu của ngành lý luận âm nhạc. Công bằng mà nói, tập san này lẽ ra phải có tên gọi đầy đủ: Nghiên cứu phê bình âm nhạc. Và nếu như tập san thoát được cảnh “áo gấm đi đêm” suốt gần hai chục năm nay, có lẽ chuyên ngành phê bình âm nhạc không đến mức bị chỉ trích “mất tiếng” hoàn toàn như nhận xét của nhiều người. Để thấy phê bình ở đây chiếm vị trí không hề nhỏ, ta sẽ bắt đầu từ những bài viết liên quan đến lĩnh vực này.

Lý luận – nghiên cứu – phê bình âm nhạc là đối tượng xem xét không chỉ qua các bài báo ngắn dăm ba trang, mà còn được mổ xẻ trong các chuyên luận mấy chục trang của nhiều số khác nhau. Xin nêu (theo thứ tự thời gian) vài bài mà ngay từ tiêu đề đã cho thấy mối liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này:

Số 2-2000: Vai trò và chức năng của lý luận phê bình âm nhạc trong đời sống văn hóa của nước ta (Cù Lệ Duyên)
Số 4-2001: Lý luận âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh: tồn tại hay không tồn tại? (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 6-2002: Tản mạn về những bài bình luận nhạc mới trên báo chí thế kỷ XX (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 8-2003: Tóm tắt báo cáo công trình khoa học Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình âm nhạc thế kỷ XX  (Vũ Nhật Thăng)
Số 25-2008: Một số điểm sáng và bất cập trong nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc (Doãn Nho)
Số 30-2010: Phê bình âm nhạc thời chuyển giao (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 36-2012: Lý luận phê bình âm nhạc: thực trạng và giải pháp (Trần Lệ Chiến)
Số 43-2014: Những vấn đề lý luận giai đoạn 1954-1975 (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 45-2015: Phê bình tự phê bình (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 47-2016: Bức tranh đa sắc và những mảng tối trong lĩnh vực nghiên cứu nước ta (Lê Hải Đăng)
Số 49-2016: Nghĩ về sự ra đi của Viện nghiên cứu âm nhạc TP Hồ Chí Minh (Lê Hải Đăng).

Khi lý luận phê bình âm nhạc được đặt làm đối tượng xem xét, hai vấn đề được luận bàn nhiều nhất là bản chất công việc lý luận phê bình và hiện trạng phê bình trong đời sống âm nhạc.

Phê bình được coi như chất gắn kết giữa người sáng tạo với người thưởng thức, giữa những người làm ra sản phẩm âm nhạc (bao gồm nhạc sĩ sáng tác, tác giả lời ca, nhạc sĩ phối khí, nghệ sĩ biểu diễn, người dàn dựng tiết mục, đạo diễn chương trình âm nhạc, người dẫn chương trình nghệ thuật…) với công chúng hưởng thụ sản phẩm âm nhạc. Phê bình được khẳng định không chỉ là một ngành khoa học, mà còn là một nghệ thuật, còn nhà phê bình âm nhạc đích thực phải là một nghệ sĩ.

Với tư cách người làm khoa học, nhà phê bình âm nhạc cần có đủ bề rộng kiến thức văn hóa xã hội và chiều sâu về học thuật chuyên ngành, cộng với kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp. Với phẩm chất người làm nghệ thuật, nhà phê bình âm nhạc phải là người nhạy cảm, giàu trí tưởng tượng và sức sáng tạo, phải có một nhân cách đôn hậu với tinh thần hướng thiện. Vừa tinh tường và nghiêm khắc, vừa cảm thông và độ lượng, nhà phê bình một lúc đóng nhiều vai ở các vị trí khác nhau: không chỉ đồng hành cùng người sáng tác, người biểu diễn và người thưởng thức, mà còn biết lùi lại phía sau để đánh giá những gì đã xảy ra hoặc vượt lên phía trước để dự báo những gì sắp diễn ra.

Trong thực tế phê bình âm nhạc đã thực sự đảm đương được vai trò trên chưa?

Đây là lời nhận xét súc tích về lý luận âm nhạc nói chung trong đó có phê bình của nửa sau thế kỷ XX:

“Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và đào tạo ở nửa cuối thế kỷ XX, ngành lý luận âm nhạc bao gồm cả nghiên cứu và phê bình cũng có những bước tiến đáng kể. Sự ra đời và lớn mạnh của ngành này có thể được coi là “không tiền khoáng hậu”. Ngoài những cách miêu tả, nhận định tổng quát thiên về cảm tính, đã xuất hiện các phương pháp sưu tầm, ghi chép có xác định tọa độ (không gian, thời gian, con người); đã quan tâm hơn tới số lượng trong phân tích khoa học (cân, đo, đong, đếm); đã chú ý tới việc thống kê, phân loại, đồng thời biết nêu căn cứ rõ ràng khi nhận định và đưa ra chứng cớ xác thực khi phê bình”[1].

Còn đây là một trong những ý kiến về thực trạng thập niên đầu thế kỷ XXI:

“Thời chuyển giao thế kỷ là quá trình nối tiếp và chuyển biến từ cái cũ không còn phù hợp tới cái mới chưa thực sự định hình, nhiều giá trị trở nên lung lay, nhiều thứ tưởng như cố định hóa ra không còn vững chắc. Vì thế không có gì ngạc nhiên nếu phê bình âm nhạc chưa ổn định, lúc rò rẫm, lúc nôn nóng. Các nhà lý luận lúng túng trong việc hòa hợp lý thuyết sách vở với đời sống xã hội đang rối tung các chuẩn mực, trong khi đó các nhà báo quá tự tin sẵn lòng gánh lấy trách nhiệm “bao sân”. Thực ra đây chưa phải điều đáng lo ngại, bởi chính trong những lúng túng, những nôn nóng vẫn thấy được tiềm năng và khát vọng làm nghề của người cầm bút”[2].

Không nói ra thì chẳng mấy ai biết rằng chưa bao giờ phê bình âm nhạc làm được nhiều việc như những năm đầu thế kỷ XXI. Cụ thể là nhiều công trình lý luận phê bình ra đời (không ít công trình và sách phê bình được giới thiệu hoặc trích đăng tại tập san này), nhiều người được đào tạo có bằng cấp chuyên ngành lý luận âm nhạc, nhiều cây bút hành nghề lý luận phê bình hơn hẳn thế kỷ trước. Hội tụ trên diễn đàn này có tiếng nói của nhiều thế hệ làm nhạc, từ các nhạc sĩ tên tuổi, các nhà lý luận uy tín, các nhà hoạt động văn học nghệ thuật lâu năm tới những gương mặt trẻ trung đầy nhiệt huyết.

Thành tựu được nhấn mạnh một cách tự hào là điều quá quen trong những bài mang tính tổng hợp và đánh giá hiện trạng. Đáng kể và đáng nể hơn ở đây là sự vượt qua được bệnh thành tích để đối mặt với những nỗi lo, những bất cập, những nổi cộm, những mặt trái trong đời sống âm nhạc nói chung và trong chuyên ngành lý luận phê bình nói riêng.

Trong những thiếu hụt của phê bình âm nhạc chuyên nghiệp (thiếu đào tạo chuyên ngành, thiếu chất lượng học thuật cũng như nghệ thuật, thiếu hợp tác tương tác, thiếu hiệu quả xã hội…), cái đáng lưu tâm nhất là thiếu môi trường phê bình – bao gồm cả diễn đàn cũng như không khí phê bình. Không ít câu chuyện trớ trêu về cái nghề dễ làm sứt mẻ các mối quan hệ hoặc bị tác động bởi các mối quan hệ. Còn diễn đàn ư, hiện nay vẫn chưa có một tờ báo chuyên ngành phê bình âm nhạc nào cả. Tập san Nghiên cứu âm nhạc là nơi đăng tải nhiều bài phê bình có chất lượng học thuật nhất, nhưng rất ít độc giả biết đến.

Đôi chút an ủi cho giới nhạc chuyên nghiệp là dù sao vẫn còn đây một diễn đàn phản ánh một cách nghiêm túc về nghệ thuật âm nhạc và đời sống âm nhạc, với những chuyên luận về nhạc mới qua các giai đoạn phát triển, về sản phẩm âm nhạc và những người hoạt động âm nhạc, về thị hiếu âm nhạc và những câu chuyện nghề qua con mắt chuyên ngành…

Toàn cảnh nền nhạc mới và đời sống âm nhạc hiện nay với những khúc thăng – trầm, với các hiện tượng hay – dở, với không ít ngộ nhận về sự đúng – sai… được thấy rõ qua loạt bài sau:

Số 1-1999: Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu (Đặng Hoành Loan tóm tắt và giới thiệu công trình nghiên cứu của nhóm tác giả: Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên)
Số 12 và 13-2004: Đôi điều về âm nhạc nước ta (Vũ Nhật Thăng)
Số 14-2005: Nhạc nhẹ Việt Nam – vai trò lịch sử (Doãn Nho)
Số 14-2005: Sự hình thành và phát triển đội ngũ sáng tác âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX (Trọng Bằng)
Số 14-2005: Phát triển âm nhạc truyền thống trong nền kinh tế thị trường và sự thống trị của kỹ thuật (Lê Hải Đăng)
Số 16-2005: Đôi điều suy nghĩ về nghiên cứu, biểu diễn và đào tạo nhạc không lời Việt Nam (Nguyễn Văn Nam)
Số 17-2006: Giao hưởng Việt Nam – cuộc hành trình đi tìm bản sắc (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 25-2008: Yếu tố hậu hiện đại trong nhạc Việt: thực hay hư? (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 30-2010: Rock ở Việt Nam (Vũ Tự Lân)
Số 31-2010: Âm nhạc đương đại ở Việt Nam (Vũ Nhật Tân)
Số 31-2010: Văn học nghệ thuật và hiện thực đất nước – chuyện cũ mà không cũ (Trần Xuân Tiến)
Số 35-2012: Tình hình sáng tác khí nhạc trong đời sống âm nhạc hiện nay – những vấn đề cần quan tâm (Đỗ Hồng Quân)
Số 36-2012: Một số vấn đề về sáng tác, biểu diễn và thưởng thức nhạc giao hưởng (Nguyễn Thế Tuân)
Số 36-2012: Âm nhạc và những nỗi lo không của riêng ai (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 38-2013: Âm nhạc trong đời sống xã hội hiện nay (Trần Lệ Chiến)
Số 38-2013: Sáng tạo âm nhạc về đề tài lịch sử – những vấn đề cần quan tâm (Đỗ Hồng Quân)
Số 38-2013: Đề tài lịch sử trong âm nhạc: những vấn đề thực tiễn và lý luận (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 42-2014: Những chuyển biến về văn hóa âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh sau năm 1986 (Lê Hải Đăng)
Số 44-2015: Âm nhạc thời kinh tế thị trường và hội nhập (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 45-2015: Âm nhạc Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế (Đỗ Hồng Quân)
Số 47-2016: Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay (Nguyễn Hồng Vinh).

Để tránh thống kê dài dòng, các cụm đề tài sau đây sẽ chỉ nêu tên vài bài tiêu biểu làm thí dụ.

Nhạc cải biên vốn thuộc lĩnh vực nhạc mới (gồm biên soạn, phát triển dân ca dân nhạc và sáng tác mới cho nhạc cụ cổ truyền trên cơ sở lý thuyết âm nhạc phương Tây) kể từ khi ra đời cuối thập niên 50 thế kỷ XX đến nay đã trải qua nhiều được – mất. Số phận chìm nổi – lúc bị đẩy lên “soái ngôi” nhạc cổ, lúc bị coi là “đồ giả cổ” và vị trí thích đáng của nhạc cải biên trong nền nhạc mới được nói đến trong các bài sau:

Số 3-2000: Nhạc cải biên (Vũ Nhật Thăng)
Số 11-2004: Nhạc truyền thống mới trong mắt tôi (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 12-2004: Âm nhạc dân tộc mới – những vấn đề trong giai đoạn hiện nay (Nguyễn Thị Mỹ Liêm)
Số 26-2009: Dàn nhạc dân tộc tổng hợp đương đại nên khôi phục lại như thế nào? (Hoàng Đạm)
Số 27-2009: Những vấn đề về sáng tác tác phẩm mới cho dàn nhạc dân tộc truyền thống (Trần Quý)
Số 27-2009: Nắm vững tinh hoa dân tộc. Phát huy âm sắc – giọng đàn (Đỗ Lộc).

Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc là vấn đề nảy sinh trong thế kỷ XXI và ngày càng gây bức xúc cho giới sáng tác. Chùm bài viết từ đầu những năm 2000 của nhạc sĩ Phó Đức Phương (người sau đó không lâu trở thành giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã để lại dấu ấn trên diễn đàn này về bước đầu tìm hiểu để vỡ ra dần về luật bản quyền ở giới nhạc. Cụm bài liên quan đến bản quyền không dừng ở câu chuyện thù lao sử dụng tác phẩm, mà còn rộng hơn thế nhiều, đó là quyền đồng tác giả của người viết lời ca và nhạc sĩ phối khí, quyền sở hữu sáng tạo của nghệ nhân nhạc cổ, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực lý luận liên quan tới “quốc nạn” đạo văn trong âm nhạc:

Số 2-2000: Suy nghĩ và một vài nhận biết xung quanh vấn đề quyền tác giả (Phó Đức Phương)
Số 4-2001: Nhạc sĩ có nghĩ đến quyền lợi của công chúng? và Các nhạc sĩ có thể hiểu được luật pháp (Phó Đức Phương)
Số 23-2008: chùm bài về bản quyền âm nhạc:
Quyền tác giả trên thế giới (Trần Văn Khê)
Quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc – khởi đầu nan (Nguyễn Thị Minh Châu)
Tình hình quyền nhạc sĩ trong một thế giới đang biến đổi (Hilde Holbek – Hanssen)
Số 34-2011: Beethoven, Brahms, Wagner… tất cả họ đều “cóp” nhạc của nhau? và Tiếp chủ đề các vĩ nhân “mượn” nhạc của nhau (Hoàng Dương).

Về chủ đề “nhạc trẻ” và nhạc sĩ trẻ có tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ và thế hệ không còn trẻ trong tinh thần không phân biệt đối xử giữa lớp già với lớp trẻ, không đánh đồng sáng tác trẻ với nhạc thị trường, không định kiến “nhạc già – nhạc trẻ” vì chỉ có một cái đích chung mà cả già lẫn trẻ đều hướng tới, ấy là “nhạc hay”. Nói gọn, đây không phải vấn đề thế hệ, mà là chất lượng tác phẩm:

Số 20-2007: Lời ca trong sáng tác trẻ (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 21-2007: chùm bài về “nhạc trẻ”:
“Nhạc trẻ” có còn của giới trẻ (Vũ Nhật Tân)
Những vấn đề xoay quanh sáng tác ca khúc theo phong cách nhạc trẻ thịnh hành hiện nay dành cho công chúng trẻ (Đỗ Bảo)
Số 25-2008: Nghệ thuật âm nhạc: cái mới cũng là cái cũ bị lãng quên (Natalia Kraievskaia)
Số 27-2009: Khí nhạc Việt Nam – tương lai đi về đâu? (Cù Lệ Duyên)
Số 28-2009: Không nên quá bức xúc với tình hình sáng tác hiện nay (Nguyễn Cường).

Ngược lại với tình trạng khủng hoảng thừa ca khúc yêu đương trong “nhạc trẻ” là khủng hoảng thiếu bài hát dành cho thế hệ còn trẻ hơn nữa: đối tượng thiếu nhi. Cụm bài liên quan đến thiếu nhi không chỉ đau đáu nỗi lo về số lượng và chất lượng bài hát cho con trẻ, mà còn chạm tới nỗi buồn về sự thiếu hụt vai trò âm nhạc trong thế giới tuổi thơ:

Số 3-2000: Âm nhạc với thế giới tinh thần trẻ thơ (Trần Quỳnh Mai)
Số 28-2009: Vài suy nghĩ về sáng tác bài hát cho trẻ em (Phạm Tuyên)
Số 37-2012: chùm bài về ca khúc thiếu nhi:
Thực trạng ca khúc dành cho thiếu nhi: nói hay làm? (Nguyễn Tiến Mạnh)
Bài hát thiếu nhi – đôi điều suy nghĩ (Bùi Anh Tú)
Ơi những bài hát tuổi thơ (Nguyễn Thị Minh Châu).

Gần gũi với chủ đề âm nhạc cho thế hệ tương lai là cụm bài liên quan đến vai trò âm nhạc trong giáo dục phổ thông và giáo dục thẩm mỹ đại chúng, tác động của âm nhạc trong hình thành nhân cách và quảng bá âm nhạc trong thời đại công nghệ thông tin:

Số 10-2003: Thấy gì trong vai trò âm nhạc cổ truyền nơi học đường (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 28-2009: Suy nghĩ về quảng bá âm nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình và trên internet hiện nay (Cát Vận)
Số 32-2011: Giáo dục nhân cách cho học sinh sinh viên trong đa dạng hóa mô hình đào tạo âm nhạc Việt Nam (Trung Kiên)
Số 46-2015: Âm nhạc và nhân cách (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 47-2016: Âm nhạc trong giáo dục phổ thông (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 48-2016: Tại sao người ta chơi nhạc? (Nguyễn Thị Minh Châu).

Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bắt đầu có sự hướng tới đổi thay, vượt ra khỏi quan điểm và phương pháp giảng dạy dù có những thành tích đáng kể nhưng đã nảy sinh ngày càng nhiều bất cập trước thực tế xã hội đương đại:

Số 4-2001: Một vài suy nghĩ về đào tạo âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội (Thanh Tâm)
Số 13-2004: Phác thảo trường quốc nhạc Việt Nam (Thế Bảo)
Số 24-2008: Từ Conservatoire đến Academy: cũ và mới trong đào tạo nhạc cụ truyền thống (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 27-2009: Cần phải đào tạo âm nhạc theo nhu cầu của xã hội, cần phải phổ cập âm nhạc và hướng dẫn quần chúng thưởng thức âm nhạc (Nguyễn Thiếu Hoa)
Số 29-2010: Hướng đi nào cho việc đào tạo âm nhạc miền Trung – Tây Nguyên (Nguyễn Đăng Nghị)
Số 35-2012: Chùm bài Hội thảo quốc tế “Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong thế kỷ XXI và một số vấn đề âm nhạc dân tộc học”:
Phát hiện sớm, đào tạo sớm tài năng biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam (Ngô Văn Thành)
Đào tạo âm nhạc – thừa và thiếu (Nguyễn Thị Minh Châu)
Để có một chuyên ngành đào tạo dân tộc nhạc học đích thực và hiệu quả tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nguyễn Thụy Loan)
Đôi điều suy nghĩ về đào tạo ngành âm nhạc dân tộc học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Nguyễn Bình Định)
Số 38-2013: Công tác đào tạo tài năng âm nhạc và một số tiêu chí trong giai đoạn mới (Lưu quang Minh).

Mang đậm tính học thuật là các chân dung âm nhạc trong chuỗi tiểu luận khá công phu, ở đó số lượng tác giả khí nhạc (đúng nghĩa nhà soạn nhạc) nhiều hơn tác giả chỉ viết ca khúc:

Số 3-2000: Tình khúc Trịnh Công Sơn (Dương Bích Hà)
Số 6-2002: Trịnh Công Sơn (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 9-2003: Nguyễn Văn Nam (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 11-2004: Tô Hải (Lê Toàn)
Số 12-2004: Phong Nhã (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 13-2004: Hoàng Việt (Nguyễn Thị Nhung)
Số 32-2011: Sáng tác khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Phạm Tú Hương)
Số 41-2014: Phan Ngọc và các tác phẩm giao hưởng (Tú Hương)
Số 43-2014: Chu Minh, những ấn tượng sâu đậm (Thụy Loan).

Cũng phải kể đến những bài mang tính phổ cập hơn dành cho một số nhân vật đặc biệt như: Nguyễn Văn Tuyên – một trong những người khởi xướng cải cách âm nhạc vào năm 1936 (số 14-2005: Gặp ca sĩ đầu tiên của tân nhạc – Nguyễn Thị Minh Châu); Văn Cao – tác giả của nhiều tình khúc và hành khúc sống mãi với thời gian (chùm bài kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ trong số 40-2013: Từ Buồn tàn thu đến Mùa xuân đầu tiên – cuộc hành trình của một tài năng lớn – Đỗ Hồng Quân, Văn Cao – “Cụ Quốc ca” – Nguyễn Thụy Kha); Nguyễn Đình Thi – tác giả những bài ca bất hủ nhưng chưa bao giờ tự xưng danh nhạc sĩ (chùm bài tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà văn trong số 40-2013: Người Hà Nội ơi… – Nguyễn Thị Minh Châu, Hồi ức xôn xao một thời thơ ấu ­– Huy Trân, Tìm trong di sản – Phan Phương, số 41-2014: Tôi nhớ những ngày thu đã xa – Nguyễn Thị Minh Châu); Trần Văn Khê – người truyền bá nhạc Việt trên khắp hoàn cầu, một cộng tác viên vô cùng thân thiết của tập san Nghiên cứu âm nhạc (số 8-2003: Cha và con và số 10-2003: Người truyền đạo Nhạc – Nguyễn Thị Minh Châu, số 14-2015: Hầu chuyện GS.TS Trần Văn Khê – ăng-ten văn hóa Việt Nam tại hải ngoại – Vũ Đức Tâm); Nguyễn Thiên Đạo – một tiếng nói Việt trên nhạc trường quốc tế (số 3-2000: Âm nhạc để cảm nhận – Cù Lệ Duyên).

Ở đây cũng gặp một vài tác giả trẻ đang khẳng định cái riêng trong sự nghiệp sáng tác nhạc không lời (số 22-2007: Đi tìm những gương mặt trẻ của khí nhạc chuyên nghiệp – Nguyễn Thị Minh Châu) và hình ảnh lớp nhạc sĩ từng có một thời trai trẻ trong chiến tranh (số 30-2010: Nhớ Tân Huyền – Nguyễn Quang Lập, số 50-2017: chùm chân dung các nhạc sĩ Trần Kiết Tường, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Hiệp, Nhật Lai, Kpa Ylăng của Lư Nhất Vũ)…

Thuộc chủ đề “ôn cố tri tân” còn có những trang tư liệu quý về thời điểm bình minh của tân nhạc (số 12-2004: Về những ngày đầu tân nhạc – Nguyễn Văn Tuyên, số 26-2009: Về Pháp quốc Viễn Đông âm nhạc viện Hà Nội – Minh Tâm), về hoạt động âm nhạc ở chiến trường miền Nam (chùm bài trong số 24-2008: Trên dặm Trường Sơn – Lư Nhất Vũ, Tôi viết hợp xướng Cửu Long giang trong nhà lao Phú Quốc – Phan Miêng, Năm đoản khúc về đoàn văn công quân khu 6 – Trọng Thủy; Giải phóng miền Nam – một tác phẩm của phong trào đồng khởi – Mai Văn Bộ; số 27-2009: Hoàng Việt: Một vài bức thư cuối cùng), về lời bộc bạch của các nhạc sĩ lão thành (số 17-2006: Cuộc phỏng vấn qua thư thập đại lão nhạc sĩ – Trần Hữu Ngư, số 27-2009: Sáu năm dài sôi kinh nấu sử – Lư Nhất Vũ, số 28-2009: Chúng tôi đi thanh niên xung phong – Lư Nhất Vũ)…

Chân dung nghệ sĩ biểu diễn số lượng không nhiều như nhạc sĩ sáng tác. Trong số đó người được nhắc đến nhiều nhất là Đặng Thái Sơn. Cũng không có gì lạ, bởi đây là nghệ sĩ đem lại cho giới nhạc chuyên nghiệp nhiều điều đáng nói, nhiều cảm hứng để viết nhất (số 3-2000: Đặng Thái Sơn – 20 năm nhìn lại – Cù Lệ Duyên, số 11-2004: Mẹ và con và cây đàn piano – Nguyễn Thị Minh Châu, số 26-2009: Cảm giao với một hồn nhạc – Nguyễn Thị Minh Châu, số 34-2011: Phỏng vấn Đặng Thái Sơn – Elija Ho, số 40-2013: Chào bạn tuổi 55 – Nguyễn Thị Minh Châu). Bên cạnh đó còn những bài giới thiệu nghệ sĩ ngoại quốc (số 2-2000: Nghệ sĩ violon Victor Tretjakov và Nghệ sĩ piano Baskirov – Cù Lệ Duyên; số 27-2009: I am Nobu Tsujil, I am a pianist, I a blind – Nguyễn Đình Đăng) và những kỷ niệm đẹp về các ca sĩ một thời (số 46-2015: Những người hát rất hay về Hà Nội – Châu La Việt).

Trở lại với tính học thuật. Đảm bảo tính khoa học của chuyên ngành nghiên cứu đã khó, vươn tới tính nghệ thuật trong chất lượng phê bình còn khó nữa, mà bài phân tích tác phẩm, đặc biệt nhạc đàn lại đòi hỏi cả hai! Có lẽ vì thế các nhà chuyên môn không mấy nhiệt tình với việc bình luận về tác phẩm khí nhạc. Nhìn trước ngó sau trên diễn đàn này, đáng buồn vẫn chỉ mình tôi liều lĩnh dấn thân xóa khoảng trống cho thể tài “khó viết khó đọc” với loạt bài phân tích tác phẩm giao hưởng, hợp xướng và opéra: “Tổ quốc tôi” của người xa Tổ quốc (số 18-2006) giới thiệu tác phẩm Tổ quốc tôi của Lân Tuất, kịp thời góp phần tác động cho giao hưởng qua được trở ngại trong kiểm duyệt để ra mắt công chúng Hà Nội sau đó một năm; Phật ca trong lòng Hà Nội (số 25-2008) vào dịp công diễn Khai giác của Nguyễn Thiên Đạo, một tác phẩm đồ sộ về biên chế dàn nhạc và dàn hợp xướng; Gặp lại Cô Sao (số 39-2013) nhân dịp phục dựng nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận, cũng là opéra đầu tiên của Việt Nam; Tôi nhớ những ngày thu đã xa (số 41-2014) giới thiệu tác phẩm giao hưởng hợp xướng Đất nước của Đặng Hữu Phúc phổ thơ Nguyễn Đình Thi; Lá đỏ – từ thơ ca đến opera (số 49-2016) nhân công diễn vở opéra đầu tay của Đỗ Hồng Quân.

Bù lại, tập san may mắn được một số tác giả tự giới thiệu tác phẩm của mình, như:

Số 28-2009: Bản tấu hài Phượng Hoàng gãy cánh (Lư Nhất Vũ)
Số 34-2011: chùm bài Sonate polyphonique cho đàn piano soloBản hòa tấu dây Pizzicato Việt NamVề bản tổ khúc Suite cho piano tặng Đặng Thái Sơn (Đặng Hữu Phúc)
Số 40-2013: Thanh xướng kịch Hoa lư – Thăng Long – bài ca dời đô – những vấn đề lịch sử và ngôn ngữ âm nhạc (Doãn Nho)
Số 45-2015: Làng Quan họ… của tôi và Tôi viết bài hát Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo).

Bình luận về sách chuyên ngành đôi khi cũng mang đậm tính chuyên môn nhưng không đến mức khó đọc như bài phân tích tác phẩm âm nhạc:

Số 4-2001: Vài ý kiến về cuốn sách Âm nhạc mới Việt Nam – Tiến trình và thành tựu (Vĩnh Long)
Số 13-2004: Về cuốn sách “Lưu Hữu Phước – sự nghiệp âm nhạc” (Huỳnh Văn Tiểng)
Số 25-2008: Kẻ độc hành (Đặng Hoành Loan giới thiệu cuốn Nhà phê bình âm nhạc – anh là ai? của Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 23-2009: Âm nhạc giải phóng đã góp phần xứng đáng trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (Lư Nhất Vũ giới thiệu sách Âm nhạc giải phóng)
Số 43-2014: Mấy lời mở sách (Trần Đăng Khoa giới thiệu cuốn Chúng tôi đã sống như thế của Nguyễn Ánh Tuyết).

Tập san còn gợi mở những chủ đề đáng bàn, đáng suy ngẫm trong hướng đi và quan điểm sáng tác cũng như nghiên cứu âm nhạc, chẳng hạn như: cách nhìn nhận giá trị tác phẩm âm nhạc, việc tìm hiểu lý thuyết âm nhạc Việt Nam, mối quan hệ tư duy đơn âm và đa âm trong sáng tác mới…:

Số 8-2003: Tôi viết theo thẩm mỹ của riêng tôi (Nguyễn Thị Minh Châu phỏng vấn nhạc sĩ Vĩnh Cát)
Số 11-2004: Một con đường… (Nguyễn Thiên Đạo)
Số 14-2005: Đông Tây chuyển cõi (Nguyễn Thiên Đạo)
Số 17-2006: Âm nhạc trong tiếng rao hàng (Nguyễn Bách)
Số 28-2009: Bước đầu nghiên cứu, phát hiện những cơ sở của nền nhạc lý Việt Nam – (Lê Yên)
Số 28-2009: Tốt và hay (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 33-2011: Đôi điều tâm sự về sáng tác ca khúc (Doãn Nho)
Số 42-2014: Giá trị nghệ thuật và nhân văn của tác phẩm âm nhạc (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 47-2016: Dân ca và ca khúc hiện đại Việt Nam (Doãn Nho)
Số 49-2016: Kinh dịch và âm thanh (Trần Vương Thạch).

Bốn tháng mới ra một số nên tiêu chí thời sự đưa tin cập nhật không thể xếp hàng đầu, song tập san không bỏ qua những vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm, như chùm bài về “nhạc sến” (số 31-2010) vào lúc dư luận dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về vụ quảng cáo rầm rộ của báo giới cho sự trở lại của một ca sĩ hải ngoại được phong “vua nhạc sến”, chùm bài về đàn bầu (số 49-2016) khi báo chí đang xới lên nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với cây đàn cổ độc đáo này…

Diễn đàn còn là địa chỉ cho những thắc mắc cần giải đáp, chẳng hạn chùm bài Vài câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu nhạc mới (số 34-2011):

Về địa danh Trảng Còng trong bài hát “Lên ngàn” của Hoàng Việt (Nguyễn Duyên)
Về một ca khúc đã từng gây tranh cãi (Linh Nga Niek Đam)
Ai mới thực sự là tác giả bài hát “Tôi đưa em sang sông” (Nguyễn Duyên)
Vẫn băn khoăn về lời ca “Gửi người em gái miền Nam” (Đỗ Văn Thiện).

Mảng ca nhạc giải trí và văn nghệ quần chúng cũng là nơi có nhiều vấn đề khiến giới nghiên cứu phải bận tâm:

Số 1-1999: Một số vấn đề về thị hiếu đại chúng và ca khúc đang thịnh hành tại TP Hồ Chí Minh (Nguyễn Thị Minh Châu)
Số 28-2009: Tổ chức và dàn dựng chương trình văn nghệ quần chúng (Dương Viết Á)
Số 43-2014: Văn hóa âm nhạc Hàn Quốc – làn sóng ngầm trong showbiz Việt (Nguyễn Tiến Mạnh)
Số 45-2015: Trang sức vô biên (Lê Hải Đăng).

Tính chuyên ngành nổi bật trong cụm bài thuộc lĩnh vực giảng dạy. Đây là loạt bài tóm tắt hoặc lược trích luận văn của một số giảng viên các bộ môn lý luận, sáng tác, biểu diễn nhạc cụ (piano, dây…) ở các cơ sở đào tạo âm nhạc:

Số 4-2001: Cấu trúc của ngôn ngữ hòa âm (tóm tắt luận văn của Đào Trọng Minh)
Số 4-2001: Luật bình quân – cái mốc trong lịch sử nghệ thuật âm nhạc (Nguyễn Trọng Ánh)
Số 37-2012: Một số phương thức xây dựng chủ đề âm nhạc trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam (Phạm Phương Hoa)
Số 37-2012: Một số đặc điểm hình thức sonate trong tác phẩm thính phòng Việt Nam (Nguyễn Mai Anh)
Số 38-2013: Nghệ thuật đệm piano cho thanh nhạc nhìn từ góc độ chuyên nghiệp (Nguyễn Hoàng Phương)
Số 39-2013: Một số phương pháp sử dụng điệu thức trong các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam (Phạm Phương Hoa)
Số 39-2013: Vai trò của phối khí trong xây dựng hình tượng chủ đề qua một số tác phẩm giao hưởng Việt Nam (Nguyễn Mai Anh)
Số 40-2013: Concerto cho piano và dàn nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam (Nguyễn Huy Phương)
Số 41-2014: Những làn điệu dân ca ưa dùng trong tác phẩm piano Việt Nam (Nguyễn Huy Phương)
Số 42-2014: Một số kiểu hòa âm tạo nét riêng cho hợp xướng Việt (Nguyễn Bách)
Số 42-2014: Đàn piano trong âm nhạc hòa tấu thính phòng Việt Nam (Nguyễn Hoàng Phương)
Số 44-2015: Xử lý câu nhạc mạch lạc là chìa khóa để đàn piano có thể cất tiếng hát (Nguyễn Minh Anh)
Số 45-2015: Các tác phẩm giao hưởng Việt Nam sáng tác sau năm 1975 (Vũ Tú Cầu)
Số 45-2015: Những chặng đường phát triển của nghệ thuật biểu diễn âm nhạc giao hưởng Việt Nam (Ngô Hoàng Linh)
Số 47-2016: Một số thủ pháp hòa âm hiện đại trong tác phẩm giao hưởng Việt Nam sau năm 1975 (Vũ Tú Cầu)…

Để chia sẻ nhu cầu tham gia công việc nghiên cứu khoa học trong đào tạo chuyên ngành âm nhạc, từ năm 2011 tập san mở thêm chuyên mục Trang độc giả dành cho các cây bút trẻ với nội dung liên quan đến học và dạy các môn biểu diễn nhạc cụ, lý thuyết âm nhạc tại các học viện, nhạc viện, trường văn hóa nghệ thuật. Bước đầu dù còn dừng ở mức thu thập tài liệu đã có, chưa tạo được cái mới cái riêng trong cách xem xét vấn đề, cũng như chưa có kinh nghiệm tạo nên sức thuyết phục trong cách diễn giải, song những bài viết gắn liền với thực tế học hành ít nhiều cũng góp thêm phần phong phú cho nội dung học thuật của diễn đàn này với các đề tài về nhạc jazz, opéra, biểu diễn nhạc cụ phương Tây như flute, contrebasse…

Giá trị sử dụng

Sự phong phú về đề tài nội dung chưa chắc mang lại hiệu quả xã hội mong muốn nếu như quá nghèo về giá trị sử dụng. Trong điều kiện chưa cho phép tăng số lượng theo yêu cầu thực tế, tập san luôn cố gắng hướng đến chất lượng và giá trị sử dụng của ấn phẩm.

Tính khoa học

Đây là yêu cầu tất yếu đối với tập san nghiên cứu “xuất thân” từ một tờ Thông báo khoa học.

Yếu tố khoa học không thể thiếu trong đề tài nghiên cứu mà tự thân vấn đề đã mang đậm tính học thuật. Yếu tố khoa học cũng cần thiết cho bố cục bài viết và cách diễn giải.

Xét về mặt khoa học, chưa phải tất cả các bài được chọn lựa đăng tải đều đáp ứng yêu cầu mong muốn, song cần ghi nhận là các nhà nghiên cứu luôn đặt tính học thuật lên hàng đầu trong các bài tóm tắt công trình khoa học, trong các tiểu luận đánh giá các giai đoạn phát triển âm nhạc hoặc chuyên sâu vào nội dung liên quan đến lý thuyết và ngôn ngữ âm nhạc…

Chính vì chú trọng tính khoa học nên thế chỗ cho bài tường thuật đưa tin về các hội thảo khoa học cấp quốc gia hoặc quốc tế là dạng bài tổng thuật được coi như “độc quyền” của tập san này, trong đó không có sự kể lể theo trình tự thời gian sự kiện, cũng không đơn giản chỉ tổng hợp, phân loại và sắp xếp theo mức độ quan trọng của vấn đề, mà còn đánh giá, luận bàn về những gì đã đặt ra và đọng lại của hội thảo.

Tính nghệ thuật

Tính khoa học thường dẫn đến cảm giác nặng nề khó đọc. Song không ít bài viết đã thoát khỏi lối viết khô cứng sáo mòn, để lại cho người đọc ấn tượng về cái riêng trong cách phát hiện vấn đề và cái duyên trong văn phong – những yếu tố có thể làm nên cái gọi là tính nghệ thuật.

Nghệ thuật là một trong những yêu cầu cần có trong phê bình. Thực ra phê bình và nghiên cứu không phân định tách rời khỏi nhau, cũng như tâm hồn nghệ sĩ và đầu óc khoa học đều cần có ở một nhà lý luận chuyên ngành. Qua một số bài phê bình, chân dung âm nhạc và cả chuyên luận nghiên cứu đã có thể ghi nhận vai trò của chất văn học trong cách diễn đạt và sự hấp dẫn trong ngôn từ câu chữ.

Chính vì mong muốn hướng tới tính nghệ thuật, một thể tài đặc trưng của báo chí là phỏng vấn không còn đơn thuần hỏi đáp, mà còn bộc lộ được “cái tôi” của người phỏng vấn trong cuộc đối thoại về chuyện đời chuyện nghề.

Tính ứng dụng

Giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật góp phần làm nên giá trị sử dụng của bài viết.

Tính ứng dụng trước hết là ở giá trị sử liệu. Giá trị sử liệu không chỉ có ở những trang nhìn lại quá khứ. Ngay cả nội dung về hiện tại cũng ít nhiều chứa đựng dấu ấn thời đại qua sự kiện, nhân vật, tác phẩm, quan điểm, ngộ nhận, thành tựu, thiếu sót…, để đến lượt chúng sẽ trở thành “vật chứng” cần thiết trong tương lai. Kể cả những trang viết có thể không đóng góp được gì về mặt khoa học và nghệ thuật, song tính trung thực trong phản ánh hiện trạng, độ tin cậy vào cái tâm người trong cuộc cũng có thể mang lại ý nghĩa lịch sử cho mai sau.

Cung cấp sử liệu và cập nhật thông tin chuyên ngành, phản ánh hiện trạng và tổng kết quá khứ, quảng bá âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước cho đối tượng trong và ngoài nước (ngay từ số đầu tập san đã có phiên bản tóm lược bằng tiếng Anh)… – chừng ấy nhiệm vụ đã đủ thấy tập san luôn đặt ra cho mình yêu cầu cao về hiệu quả xã hội.

Hiệu quả bài viết nằm trong cách phát hiện và biểu hiện vấn đề. Biểu hiện hay – dở đều là bài học kinh nghiệm cho sự sáng tạo của mỗi cá nhân: nhận cái hay của người để tìm ra cách riêng cho mình, thấy cái dở của người để mình cũng biết đường mà tránh. Hiệu quả xã hội sẽ cao hơn, thấy rõ hơn khi tập san đến tay nhiều đối tượng hơn, thường xuyên hơn.

Hướng tới tính khoa học, tính nghệ thuật và tính ứng dụng, tập san không giới hạn trong cách nhìn cách nghĩ một chiều. Đã là diễn đàn mở thì cần tôn trọng những ý kiến khác nhau. Đã là diễn đàn khoa học thì cần có sự trao đổi, tranh luận giữa các góc độ, các cách nhìn nhận đa chiều. Trong nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng khẳng định được ngay đúng – sai. Đúng lúc này chưa hẳn đã đúng lúc khác, sai từ góc nhìn này chưa hẳn đã sai với trường hợp khác.

Lại nhắc tới tình trạng “áo gấm đi đêm” của tập san. Cho dù chưa đến được với quảng đại quần chúng, những ấn phẩm lý luận âm nhạc vẫn còn đó. Những gì đã là giấy trắng mực đen sẽ ở lại tới đời sau. Sẽ tới lúc độc giả mai sau đánh giá hiệu quả đích thực của những gì làm được và chưa làm được hôm nay qua những ấn phẩm nghiên cứu phê bình, trong đó có sự góp phần không nhỏ của tập san Nghiên cứu âm nhạc.

Có lẽ đấy cũng là một cách tự an ủi để những cây bút vương vào cái nghiệp nghiên cứu phê bình âm nhạc vẫn tiếp tục âm thầm rút ruột nhả tơ cho những trang viết tâm huyết và đầy trách nhiệm trên diễn đàn này.

02-04-2017


[1] Vũ Nhật Thăng: Tóm tắt báo cáo công trình khoa học Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình âm nhạc thế kỷ XX. Số 8, 2003.

[2] Nguyễn Thị Minh Châu: Phê bình âm nhạc thời chuyển giao. Số 30, 2010

Tác giả: Minh Châu

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN