Thứ Sáu, Tháng Mười 18, 2024
Trang chủLý LuậnThách thức và cơ hội với các ngành công nghiệp văn hóa...

Thách thức và cơ hội với các ngành công nghiệp văn hóa Việt nam

19
Các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung đã, đang có những đóng góp to lớn về cả phương diện kinh tế và phi kinh tế của nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Số liệu giai đoạn 2018-2022 (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2023) cho thấy đóng góp trung bình của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) vào giá trị gia tăng đạt gần 3,5%/năm.

Đối mặt nhiều thách thức

Điều này thể hiện tốc độ phát triển của các ngành CNVH ở Việt Nam ngày càng được cải thiện và có phần trội hơn so với đóng góp 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu của các ngành CNVH và sáng tạo vào năm 2020, theo số liệu báo cáo của UNESCO. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất của các ngành CNVH (theo giá hiện hành) bình quân giai đoạn 2018-2022 ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD).

Tuy nhiên, ngành CNVH trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự phát triển với tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số, xu hướng chuyển đổi số và một số công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thách thức mô hình cung ứng sản phẩm các ngành CNVH cho thị trường.

TS Nguyễn Thị Thu Hà (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sự nổi lên của nền tảng kỹ thuật số và dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu như TikTok, Netflix, YouTube, Spotify, các sàn giao dịch số…, cũng như các nền tảng truyền phát do địa phương phát triển đã thay đổi cách người dân tiêu thụ nội dung sáng tạo.

Bên cạnh đó, xu hướng thương mại điện tử các sản phẩm văn hóa chiếm thị phần ngày càng tăng, phá vỡ các mô hình doanh thu truyền thống cho các ngành như âm nhạc, phim ảnh, truyền thanh và xuất bản… Người tiêu dùng và khán giả có xu hướng tiêu dùng trực tuyến nhiều hơn so với những năm trước.

Ở thách thức này, khía cạnh kỹ thuật số thậm chí không dừng ở mức là một hình thức truyền tải văn hóa từ người sáng tạo tới khán giả mà nó còn phản ánh những thay đổi lớn hơn về chuỗi chu trình sản xuất văn hóa.

Chúng ta hiện đang đối mặt với một môi trường kỹ thuật số, nơi mà vai trò của cộng đồng, nghệ sĩ và khán giả đang có sự thay đổi nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị kỹ thuật số, các nền tảng số tạo thuận lợi cho hoạt động tương tác và can thiệp của các nhân tố trong chu trình này.

Xu hướng này đang làm thay đổi chuỗi chu trình giá trị văn hóa từ sáng tạo cho tới tiêu thụ, đặt ra vấn đề các doanh nghiệp CNVH phải thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp. Chưa kể, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang là một thách thức đối với vai trò sáng tạo của nghệ sĩ và người thực hành văn hóa, nghệ thuật.

AI đang trở thành lực lượng sáng tạo và quản lý nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn, có khả năng không chỉ thể hiện tốt các biểu đạt văn hóa mà còn có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm văn hóa xuất sắc.

Một thách thức nữa là bảo vệ và khai thác có hiệu quả sở hữu trí tuệ. Các cơ chế về quyền tác giả và quyền liên quan không đủ để hỗ trợ cho sự phát triển các ngành CNVH mà đòi hỏi phải có hệ thống pháp lý và quản trị nhà nước đồng bộ, cơ chế thực thi hiệu quả về sở hữu trí tuệ để phản ánh phạm vi rộng về ngành và lĩnh vực CNVH như hiện nay.

Cơ hội vẫn rộng mở

Dù vậy, những thách thức trên cũng mở ra những cơ hội cho các ngành CNVH trong thời gian tới. Sự phát triển của công nghệ số và các công nghệ mới mở rộng dải công cụ cho người thực hành và kinh doanh khai thác để sáng tạo và phân phối.

Kenny G đến Việt Nam biểu diễn và quảng bá cho văn hóa, du lịch Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN THÙY DƯƠNG

Các kênh tiêu dùng thuận tiện, giá rẻ và khả năng tiếp cận sản phẩm CNVH quốc tế cho người tiêu dùng và khán giả Việt Nam và ngược lại. Bối cảnh này dẫn tới cơ hội đổi mới về mô hình hoạt động và kinh doanh trong các ngành CNVH, ví dụ như cho phép người sáng tạo tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, tăng doanh thu từ việc giảm bớt vai trò của các kênh phân phối truyền thống.

Xu hướng toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội hơn cho người sáng tạo và doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, hoạt động ký kết các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và một số quốc gia.

Bên cạnh đó, xu hướng tìm kiếm và tiêu dùng các sản phẩm CNVH có nội dung châu Á hiện nay đang là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt để có lợi thế cạnh tranh trong thị trường CNVH toàn cầu.

Chính sách phát triển thị trường các ngành CNVH

Trong bối cảnh này, chính sách nào cần được phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành CNVH, biến các thách thức thành cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh và giành vị trí trong khu vực?

Trước hết là xây dựng các cơ chế tài chính, ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo như cơ chế đối tác công – tư trong các ngành văn hóa và sáng tạo, các gói ưu đãi tài chính và tài trợ; ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.

Phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, trong đó một mặt nâng cấp hiệu quả khai thác cơ sở vật chất công hiện có, xây dựng cơ sở hạ tầng mới như các trung tâm văn hóa, không gian văn hóa và sáng tạo, không gian biểu diễn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới để phân phối nội dung sáng tạo đang ngày càng đa dạng và phong phú.

Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm bồi dưỡng tài năng và kỹ năng về văn hóa và sáng tạo. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động thương mại, quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn cầu để mở rộng thị trường khu vực và quốc tế cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam như tiếp tục ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế để tạo ra những ưu đãi về xuất, nhập khẩu cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa Việt Nam.

Tổ chức các lễ hội và sự kiện văn hóa quốc tế nhằm giới thiệu nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh Việt Nam, xúc tiến thương mại quốc tế để quảng bá hàng hóa văn hóa và sáng tạo, tạo cơ hội thương mại quốc tế cho doanh nghiệp trong nước và mở rộng các hoạt động tiếp thị và quảng bá trên các nền tảng kỹ thuật số để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, đặc biệt trong môi trường số.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm thiết lập khung pháp lý cùng các chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động của người làm sáng tạo văn hóa nghệ thuật và các doanh nghiệp CNVH để họ có thể tạo ra được các sản phẩm CNVH có nội dung địa phương nhưng chất lượng toàn cầu, có tính cạnh tranh về thương mại, tích hợp các yếu tố phát triển bền vững.

Để có thêm 1 số thông tin về chủ đề này, xin giới thiệu thêm bài viết “Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần một chiến lược dài hơi” đăng trên nguồn (https://bvhttdl.gov.vn/):

Sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt doanh thu 3,61% GDP. Nhưng, vẫn còn đó không ít “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, công nghiệp văn hóa nước ta rất cần một chiến lược dài hơi.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã và đang khẳng định vai trò là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, từ sau khi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (ngày 8/9/2016), đã góp phần thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị đánh giá sau 5 năm triển khai, 12 ngành CNVH ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. (12 lĩnh vực gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa). Trong giai đoạn hiện nay, với sự đa dạng về văn hóa, nguồn tài nguyên di sản phong phú, Việt Nam chúng ta được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển CNVH.

Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần một chiến lược dài hơi - Ảnh 2.

Phát triển CNVH ở nước ta giàu tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức. Ảnh: Internet

Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, con đường mang tên “công nghiệp văn hóa” vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong nhận thức: “Khó khăn bao giờ cũng đến từ nhận thức, vậy nên khi mà chúng ta tháo gỡ được những khó khăn về nhận thức thì sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu nghệ sĩ, nhưng cái chúng ta thiếu là môi trường, thể chế cho các tài năng sáng tạo bùng nổ. Nếu chúng ta không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó các ngành điện ảnh, du lịch, văn hóa, thời trang… hỗ trợ cho nhau thì rất khó để phát triển”.

Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần một chiến lược dài hơi - Ảnh 3.

Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội tạo không gian trải nghiệm mới góp phần thúc đẩy CNVH. Ảnh: Internet

Chiến lược phát triển CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP. Để đạt được mục tiêu này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nút thắt tiếp theo chúng ta phải mở là xây dựng một chiến lược bài bản: “Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể, ví dụ như nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng và thứ hai cần có nhà đầu tư. Thực tế ở Việt Nam công nghiệp văn hóa chưa được coi là một ngành được ưu tiên và vì vậy chúng ta khó chuyển động. Chính vì thế phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà đầu tư, nhà nước và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động” – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Chiến lược phát triển CNVH, các ngành CNVH tại Việt Nam được nhìn nhận là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, là hướng đi mới, tạo đột phá trong thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế văn hóa. Tuy nhiên, theo TS Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, để phát triển tương xứng với tiềm năng, ngành CNVH nước ta rất cần một chiến lược dài hơi. Đồng thời, việc cần thiết là tăng cường thay đổi nhận thức về CNVH để từ đó thay đổi hành động. Trong đó, thúc đẩy, dầu tư cho công tác nghiên cứu để xây dựng kho dữ liệu (big data) về văn hóa để tạo nguồn tài nguyên cho CNVH. Không chỉ phổ biến, truyền thông về CNVH bằng lý thuyết mà cần tổ chức những chương trình, đề án, hoạt động cụ thể để đông đảo công chúng nhận diện rõ về CNVH.

“Ví dụ thành phố Hà Nội tổ chức thường niên “Lễ hội thiết kế sáng tạo” với chuỗi các sự kiện, ở đó người dân được thưởng thức văn hóa nghệ thuật, được trải nghiệm hoạt động văn hóa, được chiêm ngưỡng và mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Và họ hình dung được CNVH là như thế… Tức là thúc đẩy nâng cao nhận thức về CNVH bằng những sự kiện, sản phẩm cụ thể” – TS Lư Thị Thanh Lê phân tích.

Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần một chiến lược dài hơi - Ảnh 4.

TS Lư Thị Thanh Lê (phải) trò chuyện tại phòng thu VOV2

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thủ đô.

Với mật độ di tích dày đặc, hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc, nguồn lực con người dồi dào, thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp văn hóa. Là thành viên “Mạng lưới thành phố sáng tạo”, thời gian qua, Hà Nội đã có sự chuyển động ngoạn mục và đạt kết quả đáng ghi nhận. Các ngành CNVH đóng góp gần 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,7% vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố. Kết quả đạt được của Hà Nội cho thấy, khi có những chính sách phù hợp sẽ là những đòn bẩy tạo ra sự bứt phá trong phát triển CNVH.

Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần một chiến lược dài hơi - Ảnh 5.

Hà Nội đang tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: Internet

Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển CNVH, theo các chuyên gia đã đến lúc chúng ta phải liên kết, hợp tác các bộ, các ngành với nhau thì mới xây dựng được một ngành CNVH mà ai cũng thấy mình trong đó, ai cũng thấy công việc của mình quyền lợi của mình, trách nhiệm của mình.

Một trong những thách thức nữa mà chúng ta đã nhận diện được, đó chính là nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo hiện nay của chúng ta đang vừa thiếu vừa yếu. Theo TS Lư Thị Thanh Lê cần phải có các giải pháp về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: “Để đào tạo được nhân lực chất lượng cao trong ngành CNVH thì theo tôi, trước hết là phải tạo ra được một chiến lược về đào tạo, rà soát xem chúng ta cần nhân lực ở những lĩnh vực gì? Bên cạnh đó phải đảm bảo được chuẩn đầu ra. Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải mở ra được những triển vọng về công ăn việc làm cho nhân lực trong ngành CNVH”.

Nếu được quan tâm tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn, tương lai không xa, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần người dân, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực trong cả nước.

Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Để con đường phát triển công nghiệp văn hóa đi đến đích với mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030 đã đến lúc chúng ta cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn từ thay đổi nhận thức, thay đổi hành động và đặc biệt là rất cần xây dựng một chiến lược dài hơi đầu tư xứng tầm cho văn hóa.

Tác giả: Ngọc Hòa sưu tầm

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN