Bài 1. Chú voi con ở Bản Đôn
Việc biến tấu ca khúc đôi khi được xem là cách sáng tạo của giới trẻ đối với tác phẩm vốn có giá trị nhất định trong lòng công chúng. Tuy nhiên, biến tấu, làm mới thế nào cũng cần phải tôn trọng quyền tác giả, tôn trọng sự sáng tạo, chất xám của chủ thể.
Ồn ào phiên bản “Chú voi con ở Bản Đôn”
Mới đây, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên – nhà báo Phạm Hồng Tuyến – bức xúc lên tiếng về việc ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” của cha bà bị biến tấu theo chiều hướng sai so với bản gốc.
Theo nhà báo Phạm Hồng Tuyến, trên mạng xã hội đang lan truyền bài hát phái sinh “Chú voi con ở Bản Đôn” với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc. Điều đáng nói là những biến thể này lại được nhiều người lựa chọn.
Không thấy ai xin phép
Phiên bản phái sinh “Chú voi con ở Bản Đôn” hiện được không ít người hiểu nhầm là bản chính. Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi nghe bản phái sinh đã khẳng định: “Đó không phải là ca khúc của tôi”.
Trong số những ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” phái sinh đang lan truyền, nhiều người nghe nhạc đặc biệt chú ý đến phiên bản do Ahu thể hiện. Phiên bản này xuất hiện cách đây 3 tháng, hiện có khoảng 23.000 lượt nghe/xem với ý kiến có khen lẫn chê. Trước đó, phiên bản do Hoài Long thể hiện cách đây 3 năm có đến hơn 300.000 lượt xem.
Ngoài ra, những phiên bản do Vũ Nguyên Thảo, Duyên Lê, Lê Anh thể hiện cách đây 1 năm hay Bách Nguyễn trình bày cách đây 3 tháng… đều có khoảng vài chục ngàn lượt xem. So với “Chú voi con ở Bản Đôn” bản gốc do các bé thiếu nhi thể hiện (bản mới nhất được đăng tải trên YouTube cách đây 9 tháng) có gần 30 triệu lượt xem/nghe, những bản phái sinh hoàn toàn bị lép vế về mặt phổ biến.
Điều khiến gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm tư là việc không thấy ai xin phép ông để phái sinh ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn”. Như vậy, họ đã “vi phạm bản quyền” sáng tác. Trong khi đó, theo gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên, năm 2009, những người thực hiện chương trình “Táo quân” từng đến xin phép ông để được cải biên ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” thành “Lụt từ ngã tư đường phố”.
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến khẳng định nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo, làm mới tác phẩm của ông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi ca khúc mà không hề xin phép tác giả hoặc làm mất đi tinh thần tác phẩm gốc. “Rất mong những ai là người phái sinh ca khúc này thì liên hệ với gia đình chúng tôi để mọi việc được sáng tỏ” – bà Tuyến bày tỏ.
Tìm được đường đi mới
Vừa qua, việc làm mới một số ca khúc, cụ thể là nhạc Trịnh Công Sơn của ca sĩ Hà Lê với album “Ở trọ” thuộc dự án “Trịnh Contemporary”, đã gây chú ý. Hà Lê đã vẽ lên một diện mạo hoàn toàn mới đến không tưởng của nhạc Trịnh. Những ca khúc quen thuộc trở nên khác hẳn. Cách làm mới này đã được giới chuyên môn thừa nhận và công chúng ưa thích.
Thú vị hơn, dự án của Hà Lê còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong các buổi diễn ra mắt tại nhiều nơi, thậm chí trong buổi tiệc tri ân dành cho khách hàng và truyền thông của ca sĩ Hà Lê ở giai đoạn giới thiệu dự án “Trịnh Contemporary”, người của gia đình cố nhạc sĩ luôn hiện diện, cụ thể là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nhìn nhận: “Tôi ngạc nhiên về những gì Hà Lê đã làm. Lạ nhưng sang trọng và vẫn giữ được tinh thần Trịnh Công Sơn. Tiếng hát của Khánh Ly, Hồng Nhung… rất hay nhưng đôi khi không dễ dàng chạm đến trái tim thế hệ trẻ. Để tìm ra đường đi mới nhưng vẫn giữ được tinh thần của nhạc sĩ trong tác phẩm, điều đó rất khó. Tôi tin anh Sơn cũng sẽ rất thích âm nhạc của Hà Lê. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này của cậu ấy”.
Lối đi của ca sĩ Hà Lê nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Bởi lẽ, trong lúc hình thức cover (hát lại) được nhiều ca sĩ sử dụng thì việc làm mới, sáng tạo trên nền tảng cũ đáng được khích lệ. Hà Lê cho thấy anh có cách tiếp cận nhạc Trịnh để mang hơi thở đương đại nhưng không làm mất đi tinh thần của ca khúc.
“Trịnh Contemporary” không chỉ là những âm thanh mới, những phá cách mang tính thời đại mà còn mang đến cái nhìn mới mẻ với hình thức cover thường thấy ở đời sống âm nhạc Việt. Hà Lê khá khôn ngoan khi sử dụng những chất liệu “vàng ròng” của nhạc Trịnh để tạo nên điều mới mẻ, mang dấu ấn cá nhân.
Trở lại trường hợp “Chú voi con ở Bản Đôn” phiên bản phái sinh, theo giới chuyên môn, trừ những tác phẩm “dân gian” (không rõ tác giả), các ca khúc “sáng tạo” với mục đích nào chăng nữa vẫn phải xin phép tác giả, đó là sự tôn trọng cần thiết. Dù bản phái sinh không mang lợi ích về kinh doanh, thương mại thì vẫn có sự lan tỏa về hình ảnh, lời hát.
“Xin phép tác giả là việc không khó. Động thái này biểu hiện sự tôn trọng cần thiết và nên có” – nhạc sĩ Tiến Luân đánh giá.
Theo luật định, quyền tác giả gồm quyền nhân thân, quyền sở hữu tác phẩm và quyền phái sinh. Quyền nhân thân là quyền của người tạo lập tác phẩm (quyền này là bất khả xâm phạm). Quyền sở hữu tác phẩm là quyền định đoạt tác phẩm. Có khi quyền nhân thân và quyền sở hữu tác phẩm không thuộc về một người mà là nhiều người (chẳng hạn, với tác phẩm viết theo đơn đặt hàng, quyền sở hữu tác phẩm thuộc về cá nhân, tổ chức đặt hàng theo thỏa thuận). Trong khi đó, quyền phái sinh là quyền sử dụng tác phẩm ấy để tạo ra tác phẩm khác mà không vi phạm quyền nhân thân và quyền sở hữu tác phẩm quy định trong quyền tác giả.
Theo những quy định trên, việc đặt lời mới cho ca khúc hay hát cover đều được pháp luật cho phép. Nó thuộc quyền phái sinh, với điều kiện được tác giả tác phẩm gốc đồng ý.
Nhiều bài hát nổi tiếng được đặt lại lời để làm MV quảng cáo phát trên các kênh truyền hình và mạng xã hội là thuộc loại này. Chương trình “Gặp nhau cuối năm” (Táo quân) trên VTV thường dùng những ca khúc nổi tiềng để chế lại lời nhằm phục vụ nội dung vở kịch. Còn hát cover (làm mới cách hát cũ) là cách để ca sĩ sáng tạo một lần nữa tác phẩm âm nhạc gốc. Ca sĩ được quyền tạo ra bản phối mới, cách hát mới mà không vi phạm quyền toàn vẹn của ca khúc thể hiện bằng văn bản.
Một bản nhạc bằng văn bản có thể có hàng ngàn bản phối khí và cách hát khác nhau. Người nghe có thể không thích ca sĩ sau vì hát tệ hơn những ca sĩ trước đó nhưng không thể quy kết ca sĩ ấy vi phạm tác quyền. Thực tế, có rất nhiều bản cover hay hơn bản đã phổ biến trước đó. Nhạc sĩ Huy Phương từng kiện một nhà sản xuất băng đĩa vì sử dụng ca khúc của ông để sáng tác bài vọng cổ mà không xin phép tác giả, chứ không phải vì việc chuyển thể này làm giảm giá trị tác phẩm của ông.
Bài 2: Ca khúc phái sinh, sáng tạo hay phá nát? Không có khái niệm tuyệt đối
Khán giả cũng từng chứng kiến không ít ca khúc trở nên thú vị hơn khi được sửa đôi chữ. Tuy nhiên, dù có hay hơn thì việc được sự đồng thuận của tác giả khi sửa mới là điều quan trọng nhất
“Nghêu ngao ngoài sân khấu lúc hay, lúc dở, lúc nhớ lời, lúc quên lời, ca sĩ nổi tiếng trên thế giới cũng thế. Chuyện hát sai lời chỉ là một sự cố đáng tiếc thôi” – nhạc sĩ Trần Tiến nhận định
Vẫn có những ngoại lệ
Theo nhạc sĩ Trần Tiến, có lúc ông hát bài của ông mà còn không biết bắt đầu từ đâu, vì không nhớ được lời. “Với bài “Rock đồng hồ”, tôi đã phải hỏi: Bài đó như thế nào nhỉ? Rồi mới hát được. Cho nên tôi không nặng nề chuyện hát sai lời. Cứ vui là được” – nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Ca sĩ Siu Black xác nhận từng hát sai lời. Theo chị, hát sai lời thường xuất phát từ nguyên nhân như bài mới, chưa tập nhiều nên có thể hát sai lời, hay nhầm lời bài hát. Thứ đến là do sự lan truyền lời bài hát không chính xác trên mạng, nếu không để ý là “dính” ngay”. Giải pháp tốt nhất theo ca sĩ Ánh Tuyết là nên kết nối với nhạc sĩ, để có được lời bài hát chính xác. “Lấy bài hát trên mạng không những dễ bị sai lời mà có khi còn sai cả nốt nhạc” – ca sĩ Ánh Tuyết khuyến cáo.
Nhưng cũng có trường hợp ca sĩ bị chỉ trích hát sai lời là oan. Cụ thể trong chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2022”, hai phần trình diễn “Đất nước tình yêu” (sáng tác: Trần Lệ Giang; thể hiện: Phạm Thu Hà) và “Biển hát chiều nay” (sáng tác: Hồng Đăng; thể hiện: Đào Tố Loan) bị một số khán giả đặt nghi vấn là ca sĩ hát sai lời. Tuy nhiên, sự thật Phạm Thu Hà và Đào Tố Loan đều hát đúng theo văn bản tác phẩm gốc được chính tác giả và người thân của họ cung cấp. Phiên bản lời sai nhiều người hát trước đó được phổ biến rộng rãi hơn, khiến khán giả có sự nhầm lẫn đáng tiếc như vậy.
Việc các tác phẩm có nội dung sai lời phổ biến hơn bản gốc là thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Rất nhiều tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ bị hát nhầm, sai lời khiến khán giả nghe quen, theo thời gian trở nên phổ biến rộng rãi còn bản gốc lại bị quên lãng.
Các nhà chuyên môn cho rằng, nhiều ca khúc bị hát sai lời có thể do ca sĩ không nắm được nội dung, tinh thần của ca khúc, hoặc tự ý đổi lời để hát thuận miệng hơn. Thực tế cho thấy không phải ai cũng có cơ hội gặp trực tiếp người nhạc sĩ để lấy được văn bản gốc và tìm hiểu ý nghĩa thấu đáo của từng ca từ trong lời bài hát nên việc hát sai lời là chuyện khó tránh khỏi.
Nhiều ca sĩ cũng cho biết hát sai lời thường gặp ở những ca khúc cũ, xưa mà lý do là họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một văn bản chính xác nhất.
Ca khúc hay nhờ sửa lời
Khán giả cũng từng chứng kiến không ít ca khúc trở nên thú vị hơn khi được sửa đôi chữ. Tất nhiên, điều này chỉ dừng lại ở mặt ngôn từ mà thôi. Dù có hay hơn thì việc được sự đồng thuận của tác giả khi sửa mới là điều quan trọng nhất.
Trong bài “Đêm thành phố đầy sao” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, trong đó câu: “Tôi đang nghe tiếng sóng Đồng Nai. Như đang nghe khúc hát ngày mai”, được sửa thành “Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông. Tôi đang nghe tiếng gió ngày Xuân” và được đánh giá là sửa rất hợp lý. Tương tự trong ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Từ Huy, câu hát “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường” được sửa thành “bắt cá giữa đồng” là cũng phù hợp.
Mới đây, ca sĩ Tuấn Ngọc gặp phải luồng dư luận trái chiều khi sửa lời bài hát “Tình bơ vơ” của nhạc sĩ Lam Phương. Theo đó, ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương có câu hát: “…Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi. Mây tím đang dâng cao vời. Mà tình thương chưa lên ngôi…”. Nhưng, qua phần thể hiện của ca sĩ Tuấn Ngọc, lời bài hát trở thành: “…Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Hai chữ “chiều nay” được ông hát thay cho “Việt Nam”.
Nhiều khán giả cho rằng việc ca sĩ Tuấn Ngọc cố tình hay vô ý hát sai lời ca khúc là điều không nên. Ca khúc “Tình bơ vơ” của Lam Phương được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam từ năm 2017 sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thẩm định phần nội dung ca khúc: “Ca khúc này có nội dung lành mạnh, không đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Đây là căn cứ để Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM tiến hành việc cấp phép lưu hành ca khúc. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc một ca sĩ sửa lời bài hát cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, mang nội dung, ý nghĩa đẹp đẽ, nhân văn là điều thường thấy và nên làm.
Trở lại với bài hát “Chú ếch con” của nhạc sĩ Phan Nhân chợt nổi tiếng với giọng ca nhí Lê Nguyễn Hương Trà tại cuộc thi hát thiếu nhi quốc tế Zecchino d’Ono lần thứ 46 ở Bologna, Ý. Khi phiên bản này trở nên nổi tiếng, khán giả cũng nhận ra một số từ trong bài hát này đã bị thay đổi. Trong khi Hương Trà đã hát là “rô ron” thì Xuân Mai hát “rô non” ở đoạn: “Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô ron”. Nhiều ý kiến cho rằng, nên hát là “rô con” hay “rô non” mới đúng (để tương ứng với “trê non” ở trên). Song có người không đồng tình, cho rằng phải hát là “rô ron” mới hay và đúng với lời bài hát gốc do nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác.
Nhạc sĩ Phan Nhân đã viết là “cùng bao chú cá rô con” trong lời 1 của bài hát. Nhưng thời gian sau đó, trong một lần trao đổi, nhạc sĩ Văn Dung có đề nghị ông nên thay chữ “con” thành “ron”, vì “con cá rô non, nhỏ ở miền Bắc người ta gọi là rô ron”. Phan Nhân quê ở An Giang, chưa thật rành tiếng Bắc, lúc đó đã reo lên vui sướng như một phát hiện và ông quyết định đổi ngay (thành rô ron).
Như vậy, toàn bộ lời bài hát (phần tiếng Việt) mà Hương Trà biểu diễn là chính xác. Mà thực tế, nghe cũng thấy hay vì tính độc đáo, giàu biểu cảm của nó.
Theo các nhà chuyên môn, nghệ sĩ cần có sự sáng tạo và sự sáng tạo phải có những chuẩn mực và giới hạn nhất định. Người nghệ sĩ cũng cần trang bị cho mình nền tảng kiến thức về vấn đề bản quyền âm nhạc. Có như vậy thì mới có thể tạo ra những sản phẩm âm nhạc thực sự chất lượng.
3. Bài 3: Ca khúc phái sinh, sáng tạo hay phá nát?: Khó tránh chuyện biến thể, phái sinh
Biến thể một bài hát gốc không phải là chuyện mới lạ trong làng nhạc Việt Nam hay trên thế giới. Vấn đề là cải biến mức độ nào để chấp nhận được?
Một dạo, ca khúc “Chú ếch con” của nhạc sĩ Phan Nhân phiên bản hợp ca, được giọng ca nhí Hương Trà thể hiện trong chương trình Zecchino d’Oro bằng 2 thứ tiếng: Ý và tiếng Việt đã làm dậy sóng cõi mạng.
Tôn trọng quyền tác giả
Chương trình Zecchino d’Oro là một nhạc hội quốc tế được tổ chức hằng năm tại Ý từ năm 1959 do Cino Tortorella, một nhà tổ chức chương trình truyền hình Ý khởi xướng. Từ năm 1976, nhạc hội này được tổ chức với quy mô quốc tế. Người được trao giải sẽ là tác giả của ca khúc chứ không phải ca sĩ trình bày bài hát.
Ca sĩ Hồng Nhung đã được khen ngợi hết lời khi thực hiện album nhạc thiếu nhi “Tuổi thơ tôi”. Album gồm 10 ca khúc, đều là các bài hát đã trở nên quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt như “Hạt gạo làng ta”, “Cho con”, “Đi học”, “Chú ếch con”, “Em đi giữa biển vàng”, “Bụi phấn”… Những ca khúc này đều được nhạc sĩ Hồng Kiên phối khí mới mẻ để phù hợp với xu hướng âm nhạc mới, mang đậm hơi thở đời sống hiện đại.
Ca sĩ Hồng Nhung cho rằng đối tượng của sản phẩm “Tuổi thơ tôi” không phải thiếu nhi mà là khán giả lớn – những người luôn mong muốn được trở lại thời ấu thơ. Vì thế, album như một “chiếc vé” để người nghe trở về với những kỷ niệm thời thơ bé của mình. Ca sĩ Hiền Thục cũng thường xuyên có những ca khúc thiếu nhi theo cách hát của một giọng ca trưởng thành.
Theo các nhà chuyên môn, trong âm nhạc, biến tấu là cách sáng tác dựa vào một chủ đề trong một tác phẩm đã có từ lâu và sáng tạo ra một tác phẩm mới. Người biến tấu sẽ phải thể hiện việc tôn trọng quyền tác giả bằng cách ghi rõ biến tấu này dựa theo chủ đề nào, tác phẩm nào của tác giả nào. Với những nhà soạn nhạc là tác giả của tác phẩm gốc, nhạc sĩ muốn sáng tác phái sinh phải đến gặp hoặc trao đổi trực tiếp để xin ý kiến trước khi làm việc này.
Những người trong cuộc cho rằng việc biến tấu bất kỳ một ca khúc hay một tác phẩm âm nhạc nào đó đều có thể xem là một cách để người trẻ sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng quyền tác giả là việc cần phải lưu tâm. “Một sản phẩm phái sinh dù có hướng đến mục đích lợi nhuận hay không thì việc lan tỏa những tác phẩm này vẫn đòi hỏi một lối hành xử văn minh, cụ thể là tôn trọng quyền tác giả” – nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ.
Hát sai lời – căn bệnh trầm kha
Trong đêm diễn mới đây của chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2024” phiên bản Việt, ca sĩ Mỹ Linh cùng các thành viên Thu Phương, Uyên Linh, Ninh Dương Lan Ngọc, Trang Pháp, Huyền Baby và Lynk Lee trình diễn bản mashup 2 ca khúc “Diễm xưa”, “Đại minh tinh”. Các “chị đẹp” xuất hiện với thần thái cuốn hút nhưng khán giả lại nhận ra lời bài hát “Diễm xưa” có phần không đúng.
Trong bản gốc ca khúc “Diễm xưa” do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp, lời bài hát có đoạn: “Chiều nay còn mưa sao em không lại?/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau”. Bản “Diễm xưa” tại sân khấu của “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” lại được nhóm của ca sĩ Mỹ Linh hát thành: “Nhớ mãi trong cơn đau vùi”…
Sau khi chương trình phát sóng, BTC chương trình đã gửi lời xin lỗi đến gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nêu lý do xảy ra tình huống này: “Diễm xưa” là một ca khúc kinh điển, đi vào lịch sử cũng như được lưu hành rộng rãi nên phần lời bài hát có nhiều phiên bản khác nhau. Vì vậy, trong quá trình thực hiện ca khúc, chúng tôi đã vô tình tham khảo và sử dụng nhầm một phiên bản không chính xác”.
Ca sĩ Mỹ Linh từng bị dư luận chê trách khi hát sai lời trong một đêm nhạc. Mỹ Linh thậm chí nhầm lời đến 2 lần trong 2 ca khúc của Trịnh Công Sơn. Mỹ Linh hồn nhiên hát “Trời sao im vắng” (nguyên văn “Đời sao im vắng”) trong ca khúc “Ru ta ngậm ngùi”. Ở bài hát “Để gió cuốn đi”, Mỹ Linh hát “Một sớm mai chim bay đi bình yên” thay vì lời gốc phải là “Một sớm mai chim bay đi triền miên”.
Không chỉ Mỹ Linh, một số ca sĩ chuyên nghiệp và gắn bó lâu năm với nhạc Trịnh đôi khi cũng hát sai. Khi thể hiện ca khúc “Có một dòng sông đã qua đời”, Mỹ Tâm hát “Mười năm khi phố khi vùng đồi” thành “Mười năm khi phố khi nụ cười”. Ngoài ra, trong ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ”, cô đã đổi ca từ “Đời ta hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ” thành “Đời em hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ”. Câu hát đổi ngôi nhân xưng của “họa mi tóc nâu” đã vô tình làm đổi cả ý trong ca từ của Trịnh Công Sơn.
Ngoài ra, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường bị hát sai lời như ca khúc “Chiều một mình qua phố” – “có khi nắng khuya chưa lên” bị nhiều người hát thành “có khi nắng mưa chưa lên”; ca khúc “Nắng thủy tinh” – “bàn tay xanh xao” thành “bàn tay xôn xao”; ca khúc “Một cõi đi về” – “con tinh yêu thương” bị hát thành “con tim yêu thương” hay câu “thổi suốt xuân thì” thành “thổi buốt xuân thì”.
Trong ca khúc “Biết đâu nguồn cội” của Trịnh Công Sơn, nhiều ca sĩ đã hát “Em đi qua chuyến đò, thấy con trâu đang nằm ngủ” trong khi lời hát đúng là “Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ”. Việc hát sai lời trong trường hợp này đã làm mất đi hoàn toàn tính nghệ thuật của tác phẩm. Ca khúc “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ thường hát sai câu “Rồi từ đó, trốn phong ba…” thành “Rồi từ đó, chốn phong ba…”.
Ca khúc “Xóm đêm”của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có câu: “qua phên vênh có hai mái đầu…”, có thể do không hiểu nội dung câu từ, ca sĩ hát sai thành “chênh vênh”. “Về quê ngoại” là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu cũng bị ca sĩ hát sai lời. “Anh xin mời em xuôi về miền Trung xa lắc lơ” bị sửa thành “Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ”.
Mới đây, trong buổi giới thiệu về đêm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Vũ – tác giả ca khúc “Bài thánh ca buồn” cho biết ông không vui khi nghe khán giả, thậm chí ca sĩ hát sai lời ca khúc này, khiến thông điệp mình truyền tải không trọn vẹn. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ chỉ ra phần ca từ bị sai như sau: “Câu tôi viết là “Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt”, nhưng thường ca sĩ lại hát “Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt”. Một câu khác, tôi viết “Ôi giọng hát em mênh mang buồn” thì có người lại hát “mênh mông buồn”. Câu hát “Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ đổi thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu, em qua cầu xác pháo bay sau”.
Trong đêm “Trần Tiến – Nửa thế kỷ phiêu bạt” vừa qua, ca sĩ Uyên Linh hát bài “Giấc mơ chapi” và bị bắt lỗi sai lời: “Ở nơi ấy… Có hai mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”. “Mùa kia không yêu nhau thì họ làm gì?” – một tài khoản đặt câu hỏi với Uyên Linh. Lời bài hát của Trần Tiến: “Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao/Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau/Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa/Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”.
Theo những người trong cuộc, việc các tác phẩm bị sai lời là thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Rất nhiều tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ bị hát nhầm, sai lời khán giả nghe quen, theo thời gian trở nên phổ biến rộng rãi. Những phần lời của bản gốc lại bị quên lãng.
Hát sai lời ca khúc cũng là một hiện trạng đáng quan tâm. Các nhạc sĩ sáng tác hầu như bất lực bởi chính ca sĩ chuyên nghiệp cũng hát sai lời chứ không chỉ karaoke và những MV của giọng ca ở phòng trà hát với nhau rồi đưa lên mạng xã hội. Hát sai lời bài hát gốc đa phần làm giảm giá trị tác phẩm nhưng cũng có không ít trường hợp nhờ sai lời đã làm hợp lý hơn về ngữ nghĩa trong ca từ; qua đó làm tăng thêm giá trị cho bài hát gốc. Hát sai lời cũng có khi là bắt buộc, chẳng hạn với một số ca khúc sáng tác trước 1975 tại miền Nam – nay được phép sử dụng, phải đổi một số từ ngữ cho phù hợp mới được cho phổ biến.
(Nguồn: https://nld.com.vn/)