Là Pianist trẻ mang 2 quốc tịch Việt Nam – Ba Lan, nổi tiếng thế giới, nhưng Nguyễn Việt Trung luôn cho tôi cảm giác gần gũi, chân tình – đó là lý do thôi thúc tôi phải gặp Trung bằng một cuộc hẹn phỏng vấn, điều này là một ngoại lệ với tôi ở thời điểm hiện tại.
Người nổi tiếng gần gũi, chân thành
Lên lịch, hẹn ngày giờ, phối hợp với kỹ thuật ghi hình cũng khiến tôi có cảm giác hồi hộp, chờ đợi như những ngày đầu tác nghiệp cách đây tròn 30 năm. Tôi mong chờ và tin cuộc gặp thú vị này sẽ giúp tôi và bạn đọc hiểu thêm về tiếng đàn vi diệu, quyến rũ của chàng trai trẻ ấy. Tôi vui vì cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên. Chúng tôi có thể cười phá lên và Trung cũng rất thoải mái khi nói ra những điều mình nghĩ và hành trình dấn thân phụng sự âm nhạc.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ cảm xúc chuyến trở về lần này, bởi với gia đình Trung, đây là cuộc đoàn tụ. Nguyễn Việt Trung tâm sự: “Mỗi lần trở về Hà Nội, trong tôi có những cảm xúc đặc biệt. Lần này, được đoàn tụ đông đủ cả đại gia đình sau 6 năm vì đại dịch Covid-19 và vì những lý do riêng. Chuyến trở về này thật sự vui. Tôi háo hức chờ đợi chuyến đi này, bởi, chị tôi và tôi hiện giờ sống ở Mỹ, còn ba mẹ và anh tôi sống ở Việt Nam nên cũng khá xa nhau, để sắp xếp được thời gian bên nhau 1 tuần quả thực không dễ dàng, nên chúng tôi rất happy khi có được kỳ nghỉ cùng nhau.
Hà Nội rất đẹp, nên lúc nào được trở về bên gia đình cũng đều tuyệt, nhưng có lẽ tôi có ấn tượng nhiều hơn khi được về vào dịp Tết. Tôi thích không khí Giáng sinh và năm mới. Phố cổ Hà Nội rất yên tĩnh và tôi có thể tập trung để chơi đàn. Hà Nội mùa xuân không khí rất dễ chịu, nó cho tôi nhiều cảm hứng trong âm nhạc”.
Sinh năm 1996 tại Hà Nội, nhưng Nguyễn Việt Trung theo gia đình sang Ba Lan sinh sống khi chưa đầy 1 tuổi. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Việt Trung đã được cộng đồng người Việt ở Ba Lan và báo giới mệnh danh là “thần đồng piano”, “cậu bé vàng piano”… sau thành công của những giải thưởng cấp Quốc gia ở Ba Lan: Giải Nhất – Cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz, Ba Lan (9 tuổi); Giải Nhì – Cuộc thi dành cho các Pianist trẻ (không có giải Nhất) tại Zyrardow, Ba Lan (10 tuổi). Hành trình dấn thân cho âm nhạc đâu phải lúc nào cũng trải hoa hồng và bước ngoặt khiến Trung nhớ nhất là năm 12 tuổi, Nguyễn Việt Trung kể: “Năm nào tôi thi cũng đạt giải cao nhất nên tôi khá tự tin vảo bản thân. Tuy nhiên, tôi đã không có tên trong danh sách đạt giải cuộc thi Piano quốc tế mang tên Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan, như một cú shock đối với tôi. Tôi lao vào tập luyện và một năm sau đó, tôi đăng ký dự thi và giành Giải Nhất cuộc thi Emmy Alberg 2005 (Ba Lan)”. Quả thực lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều chỉ tập trung cho âm nhạc, làm sao thể hiện tốt nhất tác phẩm. Tôi thấy biết ơn các thầy cô giáo và gia đình đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi thấy vui và ấm lòng khi khán giả yêu thương, gọi mình bằng nhiều danh xưng khác nhau, nhưng tôi luôn muốn tôi là Nguyễn Việt Trung, và điều đó thúc đẩy tôi phải luôn tự tin vượt lên chính mình để hoàn thiện bản thân, không để khán giả thất vọng” – Nguyễn Việt Trung bộc bạch.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2006, Trung đoạt Giải “Nốt nhạc vàng” cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc (Ba Lan); Giải 4, cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni, Ba Lan; Giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski – Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan (2008); Giải Nhì cuộc thi Chopin quốc tế dành cho tài năng trẻ (2010); Giải Nhất Fryderyk Chopin lần thứ 18 (2021). Nguyễn Việt Trung tâm sự: “Đi liền với những vinh dự là một áp lực rất lớn, đến giờ nghĩ lại tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi tôi được người dẫn chương trình xướng tên “Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam – Ba Lan”, tôi thực sự rất xúc động và tự hào mình là người Việt Nam. Để có được những thành quả ấy, thuận lợi lớn nhất đối với tôi chính là sự ủng hộ của gia đình để có thể toàn tâm tập trung vào âm nhạc mà không bị ảnh hưởng bởi mọi thứ xung quanh. Tôi luôn nhận được sự chăm sóc vô điều kiện của ba mẹ và cả gia đình. Tất nhiên, bây giờ trưởng thành hơn thì mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Lúc bé, đi học, đi diễn thì luôn có mẹ ở bên. Giờ tôi sang Mỹ, mẹ về Việt Nam với ba, nhưng ngày nào ba mẹ cũng gọi điện hỏi thăm để nghe xem giọng nói của tôi hôm nay thế nào, có khoẻ – có vui không ? hay có gặp trở ngại gì không? Đôi lúc tôi cũng thấy khó chịu một chút vì ngày nào cũng bị gọi điện, nhưng rồi tôi lại thấy mình may mắn vì tình cảm của ba mẹ. Điều đó cho tôi có cảm giác an toàn và không cô đơn trên con đường âm nhạc. Bởi, trên sân khấu người nghệ sĩ phải đối mặt với chính mình, phải làm chủ cây đàn, vượt qua chính mình để có thể toả sáng một cách tự tin. Với tôi, gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng của người nghệ sĩ”.
Mặc dù sống ở nước ngoài từ nhỏ, nhưng ở tuổi 28, Nguyễn Việt Trung chững chạc, nhìn xa, trông rộng. Trung cũng đã vinh dự có mặt ở nhiều sân khấu danh giá trên thế giới như ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Singapore, Đan Mạch, Nga, Hungary, Ba Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Và mỗi chuyến lưu diễn ấy, Trung luôn tìm cho mình cơ hội để có thể biểu diễn tác phẩm Việt Nam. Trung cho rằng: “Suy nghĩ và hành động thuần Việt trong tôi có lẽ xuất phát từ gia đình. Bố mẹ tôi khá nghiêm khắc trong việc giáo dục nhưng cũng hết mực yêu thương con cái. Anh chị em tôi được bố mẹ rèn dạy rất kỹ nên chúng tôi đều biết tới 4 ngoại ngữ. Riêng bản thân tôi sang ba Lan từ khi 1 tuổi nên việc học tiếng Việt đối với tôi ở nước sở tại cũng trở thành một ngoại ngữ”.
Mang thắc mắc của tôi hỏi Trung, ngày nhỏ, với cường độ học tập như vậy, có khi nào Trung “hận” bố mẹ không? – Nguyễn Việt Trung không ngần ngại chia sẻ: “Quả thực khi 4-5 tuổi, có lúc cũng cảm thấy hận bố mẹ vì phải học nhiều quá, không được nghỉ thứ 7 – chủ nhật, vì hết học đàn lại học ngoại ngữ rồi nhiều thứ khác nữa. Cả hai bà giáo dạy đàn cũng rất nghiêm khắc nên tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, đôi lúc chán nản và cũng có thái độ bất cần bởi có lúc ốm đau, mệt mỏi nhưng cũng không được nghỉ. Môi trường giáo dục ở Ba Lan rất nghiêm khắc, nghỉ một buổi nghĩa là mất đi cơ hội học tập của buổi hôm đó. Đã thế, tôi đi đâu, làm gì nhưng giao tiếp trong gia đình đều phải dùng tiếng Việt, nên đôi lúc cảm thấy bất tiện, nhưng rồi khi trưởng thành, tôi hiểu lý do tại sao ba mẹ tôi lại làm như thế. Nhờ thế mà giờ ngoài tiếng Anh, tiếng Ba Lan, tiếng Pháp, tôi nói thành thạo tiếng Việt dù thời gian ở Việt Nam rất ít. Tôi biết ơn ba mẹ, đặc biệt là mẹ đã đồng hành, truyền cho tôi cảm hứng âm nhạc và nhiều câu chuyện thú vị về Việt Nam. Mẹ mang thai ở Ba Lan nhưng về Hà Nội sinh ra tôi chỉ vì mong muốn tôi là một người Việt Nam chính hiệu. Tôi nghĩ là thế! nên tôi cũng dành nhiều thời gian và suy nghĩa của mình cho tương lai âm nhạc của Việt Nam, có lẽ bởi tôi đã thấm lời dạy của ba mẹ, nhắc nhở anh chị em chúng tôi phải luôn nhớ về cội nguồn. Ở tuổi này, tôi thương mẹ nhiều hơn vì chính mẹ đã phải hy sinh bản thân để lo cho tôi. Mẹ là người nghe tôi chơi đàn nhiều nhất và cũng là người hiểu tiếng đàn của tôi hơn cả”.
Mặc dù có tới hơn 20 năm sống ở Ba Lan, rồi qua Mỹ sinh sống và học tập, nhưng Nguyễn Việt Trung trưởng thành trong gia đình thuần Việt, thấm đẫm văn hóa và ngôn ngữ Việt, điều này đã có ảnh hưởng tới phong cách âm nhạc Trung – Một tâm hồn thuần Việt, sâu lắng, tình cảm, nhưng kỹ thuật thì điêu luyện. Ở Trung toát lên một phong thái đĩnh đạc nhưng cũng cho thấy sự phóng khoáng, trẻ trung trong tiếng đàn, cuốn hút người thưởng lãm bởi sự lịch lãm trong phong cách và vẻ đẹp âm thanh qua ngón đàn, cùng biểu cảm gương mặt, thậm chí có lúc là sự biểu đạt bằng cả hình thể, cuốn người nghe vào mạch cảm xúc âm nhạc tuôn chảy.
Âm nhạc của Rachmaninoff, Chopin với Nguyễn Việt Trung
Tôi đã từng nghe rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới biểu diễn bản Rhapsody trên chủ đề của Paganini của Nhà soạn nhạc Rachmaninoff, song khi nghe Nguyễn Việt Trung biểu diễn tác phẩm này trực tiếp tại Nhà hát Hồ Gươm đã khiến tôi xúc động, cay khoé mắt.
Rachmaninoff được mệnh danh là “Bậc thầy giai điệu”, tác phẩm của ông là một thách thức kỹ thuật đối với các pianist, nhưng lại có sức lôi cuốn mãnh liệt và Trung đã chinh phục và làm chủ cây đàn, làm chủ cảm xúc để thể hiện xuất sắc kỹ thuật piano điêu luyện của mình. Nguyễn Việt Trung cho biết: “Tôi chuẩn bị tác phẩm Rhapsody trên chủ đề Paganini trong suốt ba năm và đã có ba lần biểu diễn trước đó. Áp lực lớn nhất chính là mong muốn tự vượt qua yêu cầu của bản thân, chứ không phải từ những yếu tố bên ngoài. Tôi hiểu rằng chỉ khi chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, tôi mới có thể trình diễn ở mức độ tốt nhất trên sân khấu. Bởi, để chơi Rhapsody trên chủ đề Paganini, kỹ thuật cần phải rất vững. Tuy nhiên, khi biểu diễn tác phẩm của “Bậc thầy giai điệu” trên sân khấu, bên cạnh kỹ thuật thì tâm lý cũng phải ổn định để truyền tải những giai điệu tuyệt vời đến với công chúng. Vì vậy khi biểu diễn, tôi tập trung bộc bạch trái tim mình một cách đơn thuần và trực diện hơn là chỉ tập trung vào kỹ thuật. Điều này là một thách thức thực sự”.
Điểm chung trong âm nhạc của Chopin và Rachmaninoff là tính trữ tình, chất thơ đậm đặc trong âm nhạc. Đó cũng là điểm mạnh của Nguyễn Việt Trung khi chơi các tác phẩm của 2 nhà soạn nhạc này. Tuy nhiên, mỗi nhạc sĩ Trung đều tìm cho mình một hướng tiếp cận và xử lý tác phẩm riêng. Trung cho biết: “ Với âm nhạc của Chopin thì tôi có nhiều thuận lợi hơn vì từ nhỏ đã tiếp xúc với âm nhạc của Chopin. Còn với âm nhạc của Rachmaninoff là khi tôi 17 tuổi nên tôi phải khám phá, tìm tòi từ việc nghe nhiều qua các phương tiện nghe nhìn lẫn xem live trực tiếp. Ban đầu khi chơi cũng có những khó khăn nhất định nhưng tôi nghĩ đó cũng là lẽ thường và phải mất đến 5-6 năm để có đủ tự tin biểu diễn trên sân khấu lớn. Trong suốt thời gian đó, tôi tập luyện rất nhiều để làm quen với kỹ thuật của đôi tay. Nếu chơi Chopin đòi hỏi sự uyển chuyển của cổ tay nhiều hơn, thì đối với tác phẩm của Rachmaninoff thường có những quãng xa, nhảy quãng, âm thanh phát ra phải vang, nhưng không được thô và cần đến cả lực của cánh tay chứ không chỉ cổ tay. Nếu không vững về kỹ thuật thì khi thể hiện những đoạn nhạc nội tâm, khó có thể biểu đạt được cảm xúc tận sâu trong trái tim mình và được truyền qua ngón đàn, mang thông điệp nhà soạn nhạc n gửi gắm tới khán giả. Khi làm chủ được kỹ thuật thì cũng là lúc mình được giải phóng suy nghĩ và chỉ thả hồn bay bỗng theo dòng cảm xúc tuôn chảy của âm nhạc. Muốn làm được điều đó thì Trung phải tập hàng ngày, hàng giờ, thậm chí có những đoạn kỹ thuật khó Trung phải tập dòng dã nhiều ngày liên tục. Lắng nghe âm thanh để hiểu và cảm nhận được màu của âm thanh, độ tương phản của sáng – tối và ở mỗi khoảng sáng khác nhau, tiếng đàn phải thể hiện được điều đó, rồi cả sự đậm đặc, trầm ở tầng sâu dưới lòng đất, âm sắc cũng sẽ khác với bóng tối đơn thuần. Trung thích ánh sáng trong âm nhạc, nó có tầng nấc, biên độ khác nhau, thứ ánh sáng mê hoặc ấy đã dẫn dắt tôi đi theo mạch chảy thanh âm của tác phẩm. Thậm chí phải tìm ra được nguyên lý của trạng thái cảm xúc trong từng đoạn nhạc để có thể diễn đạt cảm xúc một cách tinh tế rà cũng rất “sexy”. Một điểm tôi cũng rất thích trong tác phẩm của Chopin cũng như Rachmaninoff chính là tính chất ngẫu hứng trong âm nhạc. Sử dụng rất nhiều chất liệu swing, jazz làm cho âm thanh đẹp, bay bổng, sang trong, vang xa, vững chãi, nhưng cũng rất uyển chuyển và đầy chất thơ”.
Quả thực, tôi đã bị Trung mê hoặc ngay từ lần đầu tiên nghe em chơi đàn năm em 9 tuổi, lúc ấy, tôi đang là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam -Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Cũng đã 20 năm qua đi, được nghe Trung đàn trên sân khấu, và ngay lúc này khi nghe Trung vừa phân tích, cũng đồng thời được xem Trung thể hiện những cảm xúc ấy qua từng cung bậc âm yhanh càng thu hút tôi vào câu chuyện của Trung./.
Tác giả:
(Nguồn: https://nguoihanoi.vn/)