Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
Trang chủLý LuậnAI làm âm nhạc

AI làm âm nhạc

23
AI làm âm nhạc: Đến lượt các nhạc sĩ phải “ra đường” vì người mới cũng có thể viết 1.200 bài hát mỗi tháng nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo
Liệu các nhạc sĩ, ca sĩ có sắp thất nghiệp vì AI?
AI làm âm nhạc: Đến lượt các nhạc sĩ phải "ra đường" vì người mới cũng có thể viết 1.200 bài hát mỗi tháng nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo - Ảnh 1.

Bất kỳ người mới nào chỉ cần gõ yêu cầu ngắn và Suno sẽ tạo ra thứ âm nhạc mang âm hưởng con người trong vài giây khiến nhiều người nghe phải sốc. Công cụ này có thể tạo bất cứ thể loại âm nhạc nào từ Electro pop mộng mơ về một cuộc chia tay cho đến một giai điệu Acounstic quảng cáo cho các sản phẩm sữa lên men.

Thậm chí trên nền tảng nhạc Spotify hiện đã có nhiều album được sáng tác bằng công cụ AI do Suno phát triển.

AI làm âm nhạc: Đến lượt các nhạc sĩ phải "ra đường" vì người mới cũng có thể viết 1.200 bài hát mỗi tháng nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo - Ảnh 2.

Giờ đây sau những nội dung văn bản, hình ảnh và video thì âm nhạc đang trở thành ranh giới tiếp theo bị AI vượt qua. Môn nghệ thuật này từng là lãnh địa của sự sáng tạo trong giới nghệ sĩ thì giờ đây với AI Suno, sinh kế của các nhạc sĩ này bắt đầu bị đe dọa.

Tình hình nghiêm trọng đến mức hàng trăm nhạc sĩ như Billie Eilish, Miranda Lambert và Aerosmith đã ký một bức thư gửi đến Liên minh quyền lợi nghệ sĩ (ARA) nhằm kêu gọi các doanh nghiệp và người dùng ngừng sử dụng AI để vi phạm bản quyền và hạ thấp giá trị các nghệ sĩ.

Hãng Universal Music thì đã thỏa thuận với Tiktok để bảo vệ âm nhạc của mình khỏi AI. Trước đó hãng này đã rút các sản phẩm âm nhạc của mình khỏi Tiktok do lo ngại bị lợi dụng bởi các bản ghi âm do AI tạo ra.

Năm 2023, Universal đã từng đau đầu vì hàng loạt ca khúc lan truyền dùng AI để sao chép các phong cách những nghệ sĩ dưới quyền của họ như Drake hay Weeknd.

https://youtu.be/OqKkCofo1ZI?si=iCNK4O3_9WXJ1alm
Bài hát “She Speaks of Waning Gold” do AI sáng tạo

1.200 bài/tháng

Trên thực tế, những tập đoàn phát triển AI hàng đầu như OpenAI của Microsoft hay DeepMind của Alphabet (Google) đã phát triển được các tính năng tạo nhạc tự động nhưng chưa dám đưa ra thị trường với quy mô lớn vì lo ngại vấn đề bản quyền và phản ứng từ giới nghệ sĩ.

Tháng 11/2023, Google DeepMind đã tiết lộ ứng dụng có tên Lyria có thể sáng tác âm nhạc tự động. Tuy nhiên hãng chưa phát hành ứng dụng vì còn đang phải thương thảo vấn đề bản quyền trong giới nghệ sĩ.

Hiện cuộc cách mạng âm nhạc AI đang được dẫn dắt bởi các startup nhỏ hơn như Suno.

AI làm âm nhạc: Đến lượt các nhạc sĩ phải "ra đường" vì người mới cũng có thể viết 1.200 bài hát mỗi tháng nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo - Ảnh 4.

Tương tự, một hãng khởi nghiệp khác là Udio do những cựu kỹ sư từ Google DeepMind thành lập đã giới thiệu một phần mềm có thể sáng tác âm nhạc trong khoảng 30 giây.

Sau khi gọi vốn thành công 10 triệu USD, Udio đã tung ra chương trình khuyến mãi giúp người dùng có thể tạo 1.200 bài hát miễn phí mỗi tháng để thử nghiệm.

Với Suno, người dùng có thể tạo tối đa 10 bài hát kéo dài 2 phút/bài mỗi ngày hoặc trả tiền hàng tháng để có nhiều tính năng hơn.

Nhà đồng sáng lập Andrew Sanchez của Udio cho biết đã có hơn 600.000 người dùng thử ứng dụng này và tạo ra bình quân 10 bài hát mỗi giây. Nhờ đó công ty đã nâng cấp tính năng để kéo dài thời lượng bài hát lên 15 phút.

Trong khi đó người đồng sáng lập Keenan Freyberg của Suno thì cho biết người dùng ban đầu hay sáng tác bài hát cho bạn bè, gia đình, người thân và tiếp tục khám phá các tính năng của AI này. Một số giáo viên dùng Suno để sáng tác bài hát hỗ trợ lớp học trong khi hãng phần mềm Palantir Technologies đã dùng AI này để tạo ra giai điệu cho chương trình đào tạo phần mềm của họ.

Rất rõ ràng, sự bùng nổ của AI trong chatbot với ChatGPT, rồi hình ảnh và video sau đó bắt đầu lan sang ngành âm nhạc.

 

Kiện tụng

Tương tự như những mảng nội dung số khác, việc AI lấn sân sang ngành âm nhạc đang khiến nhiều nghệ sĩ, công ty giải trí và luật sư bản quyền quan tâm.

Trước đó những hãng như Midjourney, OpenAI và Stability AI đã xây dựng mô hình bằng các bộ dữ liệu hình ảnh từ Internet với lập luận rằng hành vi này được bảo vệ theo học thuyết sử dụng hợp pháp của luật bản quyền Mỹ, nhưng chúng vẫn gây nên sự phẫn nộ và kiện tụng trong ngành.

Bởi vậy việc AI sáng tác âm nhạc được dự báo là sẽ còn gây tranh cãi nhiều hơn nữa khi thị trường âm nhạc đạt doanh 28,6 tỷ USD năm 2023 và là miếng bánh béo bở mà nhiều tập đoàn không chấp nhận để mất.

Chuyên gia bản quyền kỹ thuật số Pamela Samuelson và là giáo sư luật tại Đại học California nhận định tòa án có thể nhìn nhận âm nhạc theo hướng khác so với nội dung văn bản số hay hình ảnh tùy vào tầm quan trọng của những dữ liệu này.

https://cafebiz.vn/ai-lam-am-nhac-den-luot-cac-nhac-si-phai-ra-duong-vi-nguoi-moi-cung-co-the-viet-1200-bai-hat-moi-thang-nho-cong-nghe-tri-thong-minh-nhan-tao-176240507115618799.chn

Bài hát “Rebels of the Night” do AI sáng tạo

Trước tình hình này, những startup AI âm nhạc đã hạn chế sử dụng các từ có liên quan đến nghệ sĩ hay nhạc sĩ để tránh bị kiện tụng sau này. Tuy nhiên cũng tương tự như sự phát triển của các AI nội dung số, hình ảnh, video khác, cuộc cách mạng công nghệ mới trong mảng âm nhạc được cho là sẽ không thể ngăn cản.

Câu hỏi đặt ra ở đây là các nhạc sĩ liệu có thất nghiệp hay họ sẽ phải học cách dùng AI để nâng tầm sáng tác âm nhạc của mình lên một tầm cao mới?

Với sự trao đổi mang ý kiến khác nhau, ứng hộ, phản ứng,… nhưng nhìn chung chúng ta cũng thấy được việc cập nhật về công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ con người trong lao động, sáng tạo nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tao nghệ thuật mà trong đó có âm nhạc cũng là yếu tố cần thiết.

Tuy nhiên cũng phải khẳng định rõ rằng, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người được. Bởi những cảm xúc âm nhạc do các thông số kỹ thuật hình thành và “người máy” hát hay chơi nhạc thì chắc chắn không thể có được cảm âm như của con người.

Để trao đổi thêm về việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, tôi xin giới thiệu thêm một số bài viết về đề tài này:

1. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực âm nhạc, tác giả Thành Luân, (nguồn: https://thanhnien.vn/) 
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng len lỏi trong cuộc sống của mỗi người. Điều này cũng đúng với lĩnh vực âm nhạc, từ sáng tác cho đến các công cụ nhận dạng bài hát và danh sách phát được cá nhân hóa cao…
Vai trò của hệ sinh thái âm nhạc tương tác

AI đã chứng minh tác động trong ngành công nghiệp âm nhạc trong nhiều năm, chẳng hạn tạo nhạc không có bản quyền, trộn nhạc, hệ thống đề xuất các dịch vụ phát nhạc trực tuyến dựa trên thuật toán AI, phân tích âm nhạc và các đặc điểm cụ thể để đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa… Chưa bao giờ việc tạo và nghe những bản nhạc dễ chịu lại dễ dàng đến thế.

Amanotes sử dụng mô hình học tăng cường Adaptive AI

Amanotes

Trong thực tế, tác động của AI vào âm nhạc không phải là chủ đề quá mới khi một số công ty có tầm nhìn xa đã khai thác sức mạnh này từ khá sớm, và Amanotes là một ví dụ. Được thành lập bởi Võ Tuấn Bình và Nguyễn Tuấn Cường với khẩu hiệu “Everyone can music – Ai cũng có thể chơi nhạc”, nhiệm vụ của Amanotes là tập trung đặc biệt vào việc hoàn thiện hệ sinh thái âm nhạc tương tác, nơi người dùng được phép trải nghiệm tương tác với âm nhạc (interactive music experience) một cách chủ động thay vì tận hưởng thụ động.

Amanotes sử dụng Adaptive AI, nhờ vậy công ty có thể được sử dụng để phân tích hành vi và sở thích của người dùng, xác định xu hướng và đưa ra đề xuất cải tiến. Kết quả là các nền tảng phát nhạc sẽ có thể cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ của họ và cung cấp cho người dùng trải nghiệm cá nhân hóa hơn.

Công ty mang đến nền tảng, dữ liệu người dùng, công nghệ về âm nhạc, thu hút người dùng, mối quan hệ với các đối tác, bản quyền để sản phẩm của họ đến với người dùng dễ dàng hơn.

Cơ hội và thách thức

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng AI máy học từ lâu đã thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp âm nhạc, giúp việc tạo và nghe những bản nhạc dễ chịu trở nên dễ dàng. Âm nhạc tương tác giúp giảm bớt các gánh nặng trong việc lựa chọn các bản nhạc của người nghe, cho phép họ tập trung hơn đối với các công việc hiện tại.

Có khá nhiều tiềm năng mà AI mang lại cho âm nhạc tương tác

Amanotes

Bên cạnh đó, âm nhạc AI hiện còn mới khi có ít đối thủ. Đây là “đại dương xanh” có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhờ có trình độ chuyên môn cao trong âm nhạc hóa, Amanotes có cách tiếp cận để tạo ra dữ liệu lớn về bài hát chất lượng, phục vụ cho các máy học và AI.

Tuy nhiên, việc làm thế nào để đáp ứng được cho hệ thống có hàng triệu người dùng và giải quyết bài toán scale-up cho phù hợp chính là điều mà các ứng dụng AI như Amanotes cần phải giải quyết.

Vai trò con người và sứ mệnh “Everyone can music”

Bất kể những lợi ích từ AI, con người vẫn là chìa khóa để dẫn đến thành công tại các công ty công nghệ âm nhạc như Amanotes bởi các yếu tố khác nhau, bao gồm tư duy, tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và ra quyết định. AI chỉ được xem là phương tiện để tăng trải nghiệm cho người dùng và tăng hiệu suất cho con người chứ không thể thay thế.

Con người vẫn là chìa khóa quyết định sự thành công tại Amanotes

Amanotes

AI có tỷ lệ sai sót nhất định cần được điều chỉnh và thẩm định bởi con người, vì vậy các công ty cần tập trung vào đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng về công nghệ âm nhạc và được tạo điều kiện trải nghiệm âm nhạc thực tế để hiểu thị trường. Nhân viên tại Amanotes có tư duy đặc biệt và khác biệt về âm nhạc, đồng thời hiểu thị hiếu của người dùng, trở thành bước đệm chính để công ty phát triển sâu về trải nghiệm âm nhạc tương tác và tăng sự thú vị cho người dùng.

Nhờ có AI, niềm đam mê nâng cao trải nghiệm và sứ mệnh “Everyone can music” đang được Amanotes hiện thực hóa. Biết cách phối hợp nhịp nhàng và phân biệt rõ ràng vai trò của con người với AI sẽ là chìa khóa để công ty tiếp tục dẫn đầu thị trường, khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc tương tác.

2. Tác quyền tác phẩm âm nhạc của AI thuộc về ai?

Đây là bài viết đăng trên nguồn (https://www.uel.edu.vn/), cũng đưa ra một vấn đề nóng hổi về bản quyền âm nhạc, với nội dung như sau:

Hơn lúc nào hết, bối cảnh của đại dịch Covid-19 khiến người ta nghĩ nhiều về vai trò của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Thưởng thức âm nhạc trong những ngày giãn cách gợi lại câu chuyện vẫn còn nhiều tranh cãi về tác quyền đối với các tác phẩm do AI viết hoặc tham gia viết.

AI sáng tác nhạc

Thế giới lâu nay đã biết đến những nghệ sĩ nói hay nghệ sĩ hát là người máy sử dụng công nghệ AI. Nhưng có lẽ, kết quả sáng tạo âm nhạc của AI được công bố trong những năm gần đây mới thật sự tạo ra những cảm xúc mạnh.

Hai năm trước, hãng công nghệ Huawei gây bất ngờ khi công bố kết quả hoàn thiện của AI đối với bản giao hưởng số 8 dang dở của Schubert.

Mới đây, đầu tháng 10, với bản giao hưởng mà nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven đã bỏ dở từ hai trăm năm trước, AI trong một dự án được thực hiện hai năm của các nhà khoa học và âm nhạc người Đức đã cho ra kết quả đầy ấn tượng: bản giao hưởng số 10 hoàn chỉnh.

Không chịu thua kém với các AI “ngoại,” các “tay chơi” AI Việt cũng đã làm nức lòng người mộ điệu về một ứng dụng AI tương tự được giới thiệu vào đầu năm 2021.

Bằng chứng là, chỉ sau khoảng hai năm nghiên cứu, mô hình AI của chàng kỹ sư công nghệ thông tin (IT) 9x Nguyễn Hoàng Bảo Đại đã có thể thực hiện công việc như một nhạc sĩ thực thụ, nhưng với khối lượng kết quả khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ với ba đến năm nốt nhạc được “mớm”, ứng dụng AI nội địa này có thể sản sinh ra mười giai điệu hoàn chỉnh (hình thành nên các ca khúc) trong vòng… 1 giây(1).

Điều khá ấn tượng là, sau khi gắn hợp âm và viết lời, ca khúc The AI love song được chàng kỹ sư yêu âm nhạc thể hiện tại chương trình Giải thưởng Công nghệ 2020 khiến không ít người dự khán trầm trồ, thậm chí còn tiên đoán có thể thành “hit” nếu tiếp tục hoàn thiện.

Bỏ qua những tranh cãi về năng lực thực sự cũng như khả năng thay thế của AI đối với hoạt động sáng tác âm nhạc trong tương lai, sự xuất hiện mô hình AI này cho thấy không phải quá sớm để những cuộc thảo luận về các khía cạnh pháp lý đối với hoạt động sáng tạo của AI xuất hiện ở Việt Nam.

AI có được đứng tên tác phẩm?

Cụ thể, có thể đặt ngay câu hỏi trực tiếp là, tác quyền đối với giai điệu của ca khúc được chàng kỹ sư IT giới thiệu thuộc về ai: thuộc về AI hay thuộc về người thiết lập AI?

Đương nhiên, về phần lời của ca khúc thì vẫn thuộc về con người, cụ thể là của chàng kỹ sư IT trong ca khúc trên, nếu AI vẫn chưa thể “thầu” luôn công việc này. Nhưng liệu rằng AI có thể đứng tên đồng tác giả đối với phần giai điệu như thường thấy ở một số tác phẩm âm nhạc mà người viết nhạc và lời là những người khác nhau; ví dụ như ca khúc phổ thơ…

Đương nhiên, kỹ sư IT thiết lập hệ thống AI đã được ghi nhận và bảo toàn quyền đối với sáng chế. Nhưng rõ ràng, khó thuyết phục nếu kỹ sư viết hệ thống AI tiếp tục đứng tên tác giả giai điệu không phải do mình viết ra.

Tuy nhiên, lập luận này không dễ được chấp nhận, và thực tế vẫn có ý kiến cho rằng, tác quyền đối với tác phẩm âm nhạc (hay các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khác) thuộc về người sáng chế và sở hữu AI.

Nhưng ngược lại, cần phải phân định tường minh giữa quyền nhân thân và quyền tài sản trong tác quyền. Nếu quyền nhân thân tiêu biểu trong tác quyền chính là quyền đứng tên cho tác phẩm thì ý nghĩa quan trọng nhất của quyền tài sản chính là quyền được hưởng (được trả) thù lao tác quyền (điều 19 và 20 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005).

Chủ thể sáng tạo hoặc sở hữu AI vì vậy có thể trở thành chủ sở hữu quyền tác giả và được hưởng các quyền tài sản đối tác phẩm. Nhưng theo quy định của pháp luật thì chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả mới có quyền nhân thân đối với tác phẩm, ngoài các quyền tài sản như các chủ sở hữu khác (điều 36 và 37 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Hay nói cách khác, nếu tác phẩm âm nhạc được ghi nhận thuộc tác quyền của AI thì AI sẽ có quyền đứng tên cho tác phẩm âm nhạc đó.

Đương nhiên, trong trường hợp tác phẩm âm nhạc có đồng tác giả thì các đồng tác giả đồng thời được hưởng quyền tác quyền, và có thể phân định rõ ràng đối với phần sáng tạo độc lập của mình, như trường hợp AI viết giai điệu và người khác viết lời trong ca khúc nói trên (điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).

Như vậy, với cách tiếp cận đó của pháp luật, cơ hội có được quyền sở hữu tác phẩm của chủ thể sáng chế, sở hữu công nghệ AI vẫn tồn tại. Nhưng không vì vậy mà cơ hội được hưởng quyền tác giả thích đáng của AI lại có thể bị loại trừ.

Bất an và nút thắt cần gỡ

Nhưng thực ra, có nhiều lý do để các cuộc thảo luận đã và đang diễn ra còn cảm thấy bất an khi chính thức trao quyền và thừa nhận tư cách chủ thể hưởng quyền của AI. Đương nhiên, khi ghi nhận tác quyền cho AI thì cũng đồng nghĩa ghi nhận tư cách chủ thể pháp luật của đối tượng đặc biệt này. Khi đó, một số vấn đề pháp lý có thể nảy sinh, nhưng lại rất khó để “túm” AI tiếp tục.

Thứ nhất, pháp luật sẽ ứng xử như thế nào nếu các chủ thể AI thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là hành vi phạm tội. Thực tế, không khó để thừa nhận độ chuẩn xác trong các quy trình hoạt động và sản phẩm đầu ra của robot thế hệ cũ lẫn AI nhưng điều này cũng không thể đảm bảo liệu rằng các tác phẩm của AI có bị dính cáo buộc “đạo nhạc”, thậm chí là đối với tác phẩm âm nhạc của hệ thống AI thuộc chủ sở hữu sáng chế khác hay không.

Rõ ràng, trong các tình huống như vậy, người ta dễ nghĩ đến người sở hữu, cung cấp hay vận hành hệ thống AI. Điển hình, bản dự thảo quy chế điều chỉnh hoạt động cung ứng và sử dụng AI mới đây của châu Âu cũng dựa theo cách tiếp cận này.

Thứ hai, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu AI bị cáo buộc là xâm phạm quyền và lợi ích của bên thứ ba. Về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, AI hình thành và hoạt động trên cơ sở hệ thống nhập liệu đầu vào và từ “sự nhận thức” đó tiến hành hoạt động sáng tạo của mình. Thực tế, chàng kỹ sư IT Bảo Đại cũng đã nhập khoảng ba mươi ngàn bài hát tiếng Việt để huấn luyện “đứa con” AI của mình.

Với tình huống một, vấn đề nảy sinh có thể xuất phát từ việc xác định tác phẩm âm nhạc của AI là tác phẩm độc lập hay chỉ là tác phẩm phái sinh. Ngoài ra, tình huống hai có thể xuất hiện nếu chủ thể có quyền của các ca khúc, giai điệu của các ca khúc được sử dụng để nhập liệu đòi tiền tác quyền.

Một lần nữa, chủ thể nắm giữ AI có thể bị gọi tên! Và chính vì các dự liệu này mà tiến trình thúc đẩy, tiến đến ghi nhận tác quyền tác phẩm cho AI có phần chững lại.

Nhưng phải chăng, những gút mắc này sẽ chẳng hề gì nếu pháp luật quyết tâm ghi nhận tác quyền cho AI và theo đó bổ sung một số điều chỉnh cho tương thích.

Khả năng thứ nhất là ghi nhận tư cách “giám hộ” của chủ sở hữu, vận hành AI đối với hệ thống AI đó. Khi đó, những vấn đề pháp lý nêu trên dễ dàng được phân định, phân khúc riêng biệt giữa AI và bên sở hữu, vận hành. Đương nhiên, tư cách “giám hộ” không làm mất đi quyền tác giả, cụ thể là quyền được đứng tên tác phẩm, của AI.

Khả năng thứ hai có thể được lựa chọn là bổ sung quy định riêng biệt khi ghi nhận tác quyền cho AI và ghi nhận rõ nội dung quyền và nghĩa vụ mà AI hay bên sở hữu, vận hành AI được hưởng hay phải chịu. Lúc đó, ngoài quyền được hưởng tác quyền của AI, các quyền và nghĩa vụ khác lẫn rủi ro pháp lý có thể phát sinh được dự liệu đầy đủ và người nắm giữ sáng chế AI có thể được triệu hồi để… chia sẻ.

Đó là ý kiến thảo luận của người viết. Chắc chắn, để có thể định hình khung pháp lý hoàn chỉnh về tác quyền đối với tác phẩm sáng tạo của AI, các cuộc thảo luận và phân tích cần phải tiếp tục. Điều quan trọng là, nếu việc ghi nhận tác quyền được khai thông thì các nội dung khác về quyền sở hữu trí tuệ của AI cũng có thể được giải quyết, chẳng hạn như quyền đối với sáng chế, nhãn hiệu… mà AI đã tạo ra.

3. Cách sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trong bài viết “Cách sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tác âm nhạc và Marketing” (Nguồn: https://chaylapfarmstay.com/), có nội dung như sau:

Trong xu thế social marketing hiện nay, âm nhạc đóng vai trò quan trọng như một tư liệu thiết yếu cho các video social, chẳng hạn như nhạc nền. Tuy nhiên, phần lớn các nền tảng cung cấp nhạc đòi hỏi phí cao, trong khi nhạc miễn phí ít khi đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và sự độc đáo.

Bạn hoàn toàn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra âm nhạc mà không cần lo lắng về bản quyền và chi phí. Công cụ này mang lại nhiều lợi ích quan trọng như bản quyền miễn phí, sự độc đáo của âm nhạc, quy trình tạo ra nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm chi phí so với việc mua nhạc từ các nền tảng hoặc thuê nhạc sĩ. Ngoài ra, bạn có thể linh hoạt tùy chỉnh bản nhạc cho từng mục đích, nhu cầu sử dụng tuỳ theo nền tảng social marketing của mình.

Bên cạnh đó, nếu bạn hoặc nhân viên của mình có khả năng sáng tác và hát, việc kết hợp với AI không chỉ đơn giản hóa quy trình sáng tác mà còn mở rộng khả năng sáng tạo không giới hạn, tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng và mang tính cá nhân hóa cao. Đây sẽ là một công cụ marketing mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tiếp cận khán giả mục tiêu một cách hiệu quả và ấn tượng hơn theo một cách mới mẻ, độc đáo.

Các công cụ AI mạnh mẽ hiện nay:

– Chat GPT hoặc Gemini để tìm ý tưởng, viết lời bài hát: Đây là 2 công cụ AI mạnh mẽ, hoàn toàn miễn phí.

– Chat GPT: Công cụ này giúp bạn tìm ý tưởng sáng tạo và viết lời bài hát. Bạn có thể nhập vào các từ khóa hoặc chủ đề bạn muốn viết và Chat GPT sẽ cung cấp các gợi ý và đoạn lời bài hát.

– Gemini: Đây là một công cụ AI khác có khả năng viết lời bài hát với độ chi tiết cao hơn và phong cách đa dạng.

Các công cụ AI như ChatGPT hỗ trợ rất nhiều trong việc sáng tác

– Suno AI: Công cụ này giúp tạo ra các bản nhạc và giọng hát dựa trên lời bài hát mà bạn cung cấp. Suno có thể biến lời bài hát thành nhạc với nhiều thể loại khác nhau như pop, rock, nhạc điện tử, v.v. Gói miễn phí giúp bạn thoải mái tạo các bản nhạc nhưng có giới hạn mục đích sử dụng. Gói đăng ký 8USD/tháng cho phép bạn tận dụng mạnh mẽ hơn sự sáng tạo và có thể sử dụng âm nhạc tạo ra cho mục đích thương mại.

Sử dụng Sumo AI để sáng tác bài hát mới

Hướng dẫn các bước để tạo một bài hát theo nhu cầu với AI:

Bước 1: Tìm ý tưởng và chủ đề

Xác định mục tiêu:

– Xác định rõ mục tiêu marketing của doanh nghiệp. Ví dụ: Bạn muốn quảng bá một gói du lịch mùa hè mới, giới thiệu một địa điểm du lịch đặc biệt, hoặc thúc đẩy chiến dịch khuyến mãi kỳ nghỉ lễ.

– Mục tiêu cụ thể có thể là: Tăng số lượng đặt chỗ cho gói du lịch mùa hè, tăng nhận diện thương hiệu cho các tour du lịch độc đáo, hoặc thu hút khách hàng mới thông qua các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Tìm ý tưởng:

– Sử dụng AI Chat GPT hoặc Gemini để brainstorm ý tưởng và xác định chủ đề cụ thể cho bài hát. Ví dụ: nhập từ khóa liên quan đến lĩnh vực du lịch để nhận được các gợi ý liên quan.

Ví dụ cụ thể:

– Mục tiêu: Quảng bá Chày Lập Farmstay.

– Từ khóa gợi ý: “điểm đến”, “trải nghiệm”, “khuyến mãi mùa hè”, “mới lạ”, “chuyến phiêu lưu mùa hè”.

Quá trình brainstorm với AI:

– Nhập vào Chat GPT: “Gợi ý cho tôi về các từ khoá để sáng tác một bài hát, nhằm quảng bá về Chày Lập Farmstay – Điểm đến với nhiều trải nghiệm mới lạ.”

– Gợi ý từ AI:

  • Lời bài hát có thể bao gồm các từ khoá: “Thiên nhiên (natural beauty), Trải nghiệm mới lạ (unique experiences), Khám phá (exploration), Thư giãn (relaxation), Bình yên (peaceful).”
  • Chủ đề: “Khám phá thiên nhiên”, “Trải nghiệm độc đáo”, “Gắn Kết Gia Đình và Bạn Bè”.
  • Điều chỉnh: Chọn chủ đề và lời bài hát phù hợp nhất với thông điệp marketing của bạn. Ví dụ: “Miêu tả cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Chày Lập Farmstay, miêu tả khung cảnh thiên nhiên thư giãn, sảng khoái, Kể về những hoạt động thú vị mà du khách có thể tham gia, như chèo thuyền, làm nông. Tạo cảm giác hứng khởi và mời gọi du khách”.

Bằng cách sử dụng AI để tìm ý tưởng và xác định chủ đề cụ thể cho bài hát, bạn có thể dễ dàng tạo ra những bản nhạc phù hợp với mục tiêu marketing của mình, giúp thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng mục tiêu.

Tìm ý tưởng bài hát trên ChatGPT cho chủ đề cần quảng bá

Bước 2: Dùng AI viết lời bài hát

Viết lời:

– Nhập chủ đề và ý tưởng vào AI:

  • Sử dụng công cụ như AI Chat GPT hoặc Gemini.
  • Ví dụ: Bạn muốn quảng bá gói du lịch mùa hè mới đến bãi biển nhiệt đới.
  • Cụ thể, bạn nhập câu lệnh vào AI như sau: “Viết cho tôi lyric một bài hát về chủ đề “Chày Lập Farmstay – Trải nghiệm mới lạ”. Có các từ khóa như: chèo thuyền kayak, thưởng ngoạn du thuyền, kết nối thiên nhiên, kết nối con người, thư giãn, khám phá, trải nghiệm mới lạ.”

Chỉnh sửa:

– Xem lại các gợi ý từ AI:

  • Đọc kỹ từng đoạn lời bài hát mà AI đã tạo ra.
  • Đảm bảo rằng lời bài hát phù hợp với thông điệp marketing của doanh nghiệp.

– Chỉnh sửa theo ý muốn:

  • Nếu cần, chỉnh sửa lời bài hát để tăng tính sáng tạo và phù hợp hơn với thông điệp.

– Ví dụ:

  • Bạn có thể thêm một số yếu tố đặc trưng của gói du lịch hoặc địa điểm cụ thể mà bạn muốn quảng bá.
  • Điều chỉnh ngôn ngữ và phong cách lời bài hát sao cho phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.

Bằng cách này, bạn có thể tạo ra lời bài hát phù hợp với chiến dịch marketing của doanh nghiệp du lịch, nhấn mạnh các yếu tố độc đáo và hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Nhờ AI viết lyric bài hát về Chày Lập Farmstay

Bước 3: Dùng AI Suno tạo nhạc

Chọn thể loại và mood:

– Xác định thông điệp và cảm xúc bạn muốn truyền tải:

Ví dụ: Đối với gói du lịch mùa hè đến bãi biển nhiệt đới, bạn có thể muốn truyền tải cảm giác vui vẻ, thư giãn, và hứng khởi.

– Sử dụng AI Suno để chọn các yếu tố âm nhạc:

  • Thể loại nhạc (Genre): Chọn thể loại nhạc phù hợp với thông điệp của bạn. Ví dụ: pop, reggae, tropical house, hoặc bossa nova.
  • Mood (Tâm trạng): Chọn mood để thể hiện cảm xúc của bài hát. Ví dụ: vui vẻ, thư giãn, năng động, hoặc lãng mạn.
  • Tempo (Nhịp độ): Chọn nhịp độ phù hợp. Ví dụ: nhịp độ nhanh để tạo cảm giác hứng khởi, hoặc nhịp độ chậm hơn để tạo cảm giác thư giãn.

– Ví dụ cụ thể:

  • Thể loại: Tropical House.
  • Mood: Vui vẻ và thư giãn.
  • Tempo: 120 BPM (beats per minute).

– Tạo nhạc:

Đưa lời bài hát vào AI Suno:

  • Sử dụng lời bài hát đã tạo ở bước trước.

Nhập thông tin vào AI Suno:

  • Chọn các thông số âm nhạc: Tropical House, vui vẻ và thư giãn, 120 BPM.
  • Nhập lời bài hát: Copy và paste lời bài hát vào giao diện của AI Suno.
  • Yêu cầu tạo nhạc: Nhấn nút tạo nhạc và chờ AI Suno xử lý.

– Nghe thử và hiệu chỉnh:

  • Nghe thử các phiên bản: AI Suno có thể tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của bài hát dựa trên các thông số bạn đã chọn. Nghe thử để chọn phiên bản phù hợp nhất.
  • Hiệu chỉnh (nếu cần thiết): Nếu không hài lòng với kết quả, bạn có thể điều chỉnh các thông số như thay đổi mood, tempo, hoặc thậm chí thay đổi một số từ trong lời bài hát để thử các phiên bản khác.
  • Xuất file âm thanh: Sau khi hài lòng với phiên bản nhạc cuối cùng, xuất file âm thanh dưới định dạng mong muốn (MP3, WAV, v.v.). Đảm bảo file âm thanh có chất lượng cao để sử dụng cho mục đích marketing.

Bước 4: Thu thêm phần đọc rap (nếu có)

– Thu âm phần đọc rap: Viết lời rap phù hợp với thông điệp của bài hát. Bạn có thể yêu cầu Chat GPT hoặc Gemini viết và điều chỉnh lại theo nhu cầu của mình.

– Chuẩn bị thiết bị thu âm:

  • Thiết bị thu âm đơn giản: Nếu bạn sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy ảnh có chức năng thu âm, hãy đảm bảo thiết bị ở nơi yên tĩnh và không có tạp âm.
  • Thiết bị thu âm chuyên nghiệp: Nếu bạn sử dụng mixer và micro, hãy kiểm tra kết nối và chất lượng âm thanh trước khi bắt đầu thu âm.
  • Phần mềm thu âm: Có thể sử dụng các phần mềm như Audacity, GarageBand, hoặc Adobe Audition để thu âm.

– Kết hợp phần đọc rap vào bản nhạc sử dụng phần mềm chỉnh sửa âm thanh:

  • Audacity: Miễn phí, dễ sử dụng và phù hợp cho các công việc chỉnh sửa âm thanh cơ bản.
  • GarageBand: Phần mềm của Apple, phù hợp cho người dùng Mac, dễ sử dụng và có nhiều tính năng mạnh mẽ.
  • Adobe Audition: Chuyên nghiệp, có nhiều tính năng mạnh mẽ cho chỉnh sửa âm thanh phức tạp.

– Chỉnh sửa và căn chỉnh:

  • Sắp xếp đoạn rap vào đúng vị trí trong bản nhạc. Đảm bảo phần rap phù hợp với nhịp điệu và cấu trúc của bài hát.
  • Căn chỉnh thời gian và âm lượng để đảm bảo đoạn rap hòa quyện tự nhiên với bản nhạc.

– Thêm hiệu ứng (nếu cần): Sử dụng các hiệu ứng như reverb, echo để tạo chiều sâu và chất lượng cho phần rap.

– Xuất file hoàn chỉnh:

  • Sau khi hài lòng với kết quả, xuất file âm thanh hoàn chỉnh.
  • Chọn định dạng phù hợp (MP3, WAV) và lưu file âm thanh, sẵn sàng sử dụng cho video social sắp tới của bạn rồi.

Bằng cách thêm phần rap vào bản nhạc, bạn có thể tạo ra một bài hát sôi động và đầy sức sống, giúp thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng mục tiêu của bạn.

Bạn có thể nghe thử 1 bài hát kết hợp giữa AI viết lời, tạo nhạc và rap của Chày Lập Farmstay ở video sau đây: LINK VIDEO YOUTUBE

Nếu bạn đã đọc tất cả các bước hướng dẫn phía trên, thì 95% nội dung bài hướng dẫn này được tạo ra từ AI Chat GTP và AI Gemini trong vòng 30 phút theo yêu cầu của tác giả. Thật tuyệt vời phải không nào?

Với sức mạnh và sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là các mô hình Deep Learning, doanh nghiệp có thể biến những ý tưởng sáng tạo thành những sản phẩm âm nhạc độc đáo, phục vụ hiệu quả cho các chiến dịch marketing từ thiết kế, vẽ, viết nhạc, thậm chí dựng video quảng cáo. AI không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra sự khác biệt và thu hút đối với khán giả mục tiêu. Cần nhớ rằng, AI hoạt động càng hiệu quả khi người dùng biết cách tận dụng thông minh những công cụ mà nó cung cấp. Khi doanh nghiệp sử dụng AI một cách thông minh, họ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ để đạt được những mục tiêu marketing quan trọng.

Deep Learning là “Người dùng càng thông minh thì AI càng thông minh”.

Trên đây là một số bài viết và thông tin về việc ứng dung công nghệ AI trong sáng tạo âm nhạc. Chắc chắn còn rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đồng thời sản phẩm của AI cũng sẽ còn để lại nhiều tranh luận trí chiều các nhau từ phía những nhà hoạt động chuyên nghiệp và cả công chúng. Đây là một gợi mở để chúng ta có thêm góc tiếp cận trong việc sử dụng công nghệ hỗ trợ và biến AI trở thành trợ lý đắc lực cho con người trong mọi hoạt động.

Tác giả: Đặng Tuyên

*Nguồn: https://cafebiz.vn/ –   Tổng hợp 

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN