Suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc và 2 cuộc chiến tranh biên giới hải đảo bảo vệ tổ quốc, kể từ anh Hoàng Văn Nhủng – người liệt sĩ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong trận Đồng Mu (phía đông huyện Bảo Lạc – Cao Bằng) ngày 5/2/1945 cho đến năm 1989, hơn 1 triệu anh hùng dũng sĩ đã bỏ mình vì nước, trong đó giới Nhạc sĩ cũng có nhiều người hy sinh như các Nhạc sĩ:
1 – Vĩnh Bảo 2 – Nguyễn Mỹ Ca
3- Bằng Cao 4 – Nguyễn Khoa Châu
5 – Văn Cận 6 – Nguyễn Văn Diện
7 – Lê Văn Hạnh 8 – La Hối
9 – Nguyễn Thành Luân 10 – Lê Đình Luân
11- Nguyễn Văn Nguyễn 12 – Đình Nhu
13- Trịnh Quý 14 – Thái Hào Quyên
15- Nguyễn Văn Thất 16 – Trần Đình Thiêm
17- Lê Trần 18 – Thanh Trần
19 – Việt Trung 20 – Hoàng Việt
21- Lương Vĩnh 22 – Quách Vũ
…
Đau thương nhất cho một đơn vị nghệ thuật là vụ Đội văn công Trung đoàn 148 Quân khu Việt Bắc (Đội văn công Lao Hà Yên) bị phỉ tàn sát. Chiều 15/5/1952 Đội văn công hành quân đến bản Nàn Mạ (phía tây huyện Xín Mần – Hà Giang) thì đêm đó bị phỉ tập kích sát hại ngay 7 người (6 nam + 1 nữ) trong đó có nhạc sĩ Bùi Như Yên (em ruột nhà thơ Hoàng Cầm), nghệ sĩ Nguyễn Thị Hảo và 5 diễn viên. Bọn phỉ lùng sục bắt thêm được 4 diễn viên khác là các anh: Dương Bách Niên, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Văn Chương, Nguyễn Quang Đạo. Sáng hôm sau bọn phỉ bắt 4 người đứng hàng ngang để tuyên thệ đầu hàng theo chúng, nhưng các anh đã kiên quyết chống cự và sau loạt đạn của bọn phỉ, các anh đã anh dũng hy sinh. Như vậy cả đội văn công Lao Hà Yên 12 người thì chỉ 1 người chạy thoát.
Chiến tranh càng ác liệt, số thương vong càng nhiều. Với sự xúc động mãnh liệt và niềm tiếc thương vô hạn, trước và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhạc sĩ Việt Nam đã có những tác phẩm tôn vinh thương binh liệt sĩ, trong đó có một số bài thích hợp cho các buổi lễ truy điệu như: trích đoạn đầu của các bài: Kinh cầu nguyện nhạc Lưu Hưu Phước – lời Mai Lưu, Hồn chiến sĩ nhạc Tô Thanh – lời Lan, Vì nước hiến thân nhạc và lời Hải Linh – nhạc sĩ Công giáo – tác giả bài Hang Bêlem nổi tiếng, trích đoạn cuối bài Hát Giang trường hận của Lưu Hữu Phước và toàn bài Chiêu hồn tử sĩ của Đỗ Nhuận:
5 bài tiêu biểu này đều viết theo giọng thứ, được sử dụng trong các buổi lễ tưởng niệm, truy điệu các cá nhân hoặc tập thể liệt sĩ. Hình thức tấu nhạc hoặc hát là tùy hoàn cảnh địa phương và mặt trận, có thể tấu bằng dàn nhạc kèn (trong đó có cả dàn kèn của các vùng Công giáo) hoặc dàn nhạc tự nguyện của quần chúng với các nhạc cụ sẵn có, không có nhạc cụ thì hát đồng ca, những cuộc truy điệu lớn thì đã có 2 dàn nhạc kèn chuyên nghiệp: Dàn nhạc kèn Vệ quốc đoàn do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy, Dàn nhạc kèn Trung Bộ do nhạc trưởng Phạm Văn Minh chỉ huy (đây là 2 dàn nhạc kèn của quân đội Pháp, sau cách mạng tháng tám đã theo về với cách mạng). Trong hoàn cảnh kháng chiến, tuy chưa có sự thống nhất chọn bài nhạc nào nhưng tất cả các buổi lễ truy điệu đều hết sức trang nghiêm long trọng, thể hiện sự xót thương và suy tôn các liệt sĩ anh hùng.
Từ sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, chỉ còn dùng 2 bài Chiêu hồn tử sĩ và Hồn tử sĩ.
- Chiêu hồn tử sĩ:
Năm 1943 nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc đó 21 tuổi, bị địch bắt trong vụ treo cờ búa liềm ở huyện lỵ Kim Thành, tỉnh Hải Dương, sau đó anh bị giam ở Sở Mật thám Hải Dương. Những ngày đầu trong xà lim, anh Đỗ Nhuận thường ngâm bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ cho các bạn tù cùng nghe, với nỗi uất hận sục sôi vì thấy mình cùng những bạn tù cách mạng như những con hổ bị sa cơ, để càng nung nấu thêm nỗi căm hờn giặc Pháp. Sau khi biết chính xà lim số 3 anh đang nằm, trước đó vài ngày có một chiến sĩ cách mạng tên là Hồng Quan không chịu đầu hàng giặc Pháp đã cắn tay mình lấy máu viết lên tường khẩu hiệu Đảng Cộng Sản Đông Dương muôn năm, viết đến khi hết máu và hy sinh. Cảm khái và ngưỡng mộ tấm gương oanh liệt của chiến sĩ Hồng Quan, NS Đỗ Nhuận dành thời gian sáng tác một bài hát chiêu hồn. Trong xà lim không giấy bút, anh đã sáng tác nhẩm bài Viếng mồ tử sĩ theo thể 2 đoạn A, B có thêm một câu kết, thuộc lòng từng câu một, lấy bối cảnh và hình tượng một đoàn Hồng quân trong khói sa trường đang chậm rãi tiễn đưa đồng đội mình về nơi vĩnh biệt.
Sau đó lần lượt anh Đỗ Nhuận bị giam ở nhà tù Hải Dương rồi chuyển lên nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội. Sau khi bị kết án anh đã bị đày lên nhà tù Sơn La – nơi đang giam cầm ông Tô Hiệu cùng một số lãnh đạo của Đảng. Tại đây ngoài giờ lao động khổ sai, Đỗ Nhuận đã dạy cho các bạn tù thuộc bài Viếng mồ tử sĩ. Ít lâu sau ông Tô Hiệu mất, trong lúc cùng những người bạn tù khiêng linh cữu ông Tô Hiệu đi mai táng, NS Đỗ Nhuận và những người bạn tù đã cùng cất lên tiếng hát Viếng mồ tử sĩ. Giữa chốn rừng thiêng âm u, tiếng hát càng thêm bi tráng và đầy khí phách hào hùng. Thật đặc biệt bài hát này ra đời đúng lúc để lần đầu tiên được vang lên tiễn đưa một vị lãnh đạo cách mạng:
Bài này xuất bản năm 1945 ở Hà Nội (trong thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) và trong quyển “Những ca khúc một thời vang bóng” xuất bản năm 1971 ở Sài Gòn (trong thời Việt Nam Cộng Hòa).
Sau năm 1954, tác giả đã sửa lại bài này lấy tên là Mặc niệm đồng chí và được dàn quân nhạc Bộ Tổng tham mưu dùng phổ biến đến ngày nay.
- Hồn tử sĩ:
Từ năm 111 trước Công nguyên, nước ta bị nhà Tây Hán bên Tàu xâm lược và đô hộ. Năm 25 sau Công nguyên vua Hán Quang Vũ nhà Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú cai trị nước ta. Ngoài chính sách cai trị hà khắc, đàn áp tàn bạo và bóc lột triệt để, Tô Định còn giết ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc.
Năm 40 sau Công nguyên, bà Trưng Trắc cùng em gái là bà Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định giành chiến thắng liên tiếp, thiết lập chính quyền đóng đô ở Mê Linh. Ba năm sau vua Hán sai tướng là Mã Viện đem đại quân sang đánh nước ta, vì lực lượng chưa đủ mạnh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã thất bại, Hai bà đã gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận. Tấm gương anh hùng lẫm liệt của Hai Bà còn được truyền tụng đến ngày nay.
Năm 1943 Tổng hội sinh viên Đông Dương tổ chức cắm trại ở Mê Linh, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng. Để tưởng nhớ Hai Bà, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc đó là Trưởng ban Âm nhạc của Tổng hội) đã sáng tác bài Hát Giang trường hận (Hận dài sông Hát):
Năm 1946 Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Nhà văn Hồng Lực sửa lại thành bài Hồn tử sĩ:
Nhạc truy điệu chỉ tấu đoạn cuối bài từ dấu chữ (A) đến hết và khi nói đến Hồn tử sĩ là nói đoạn nhạc này:
Trong lễ tang các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, phần nhạc truy điệu thường theo thứ tự sau: Khi linh cữu đặt yên vị để mọi người đến viếng thì quân nhạc tấu bài Hồn tử sĩ. Khi tiêu binh khiêng linh cữu ra xe tang và từ xe tang đến huyệt mộ thì quân nhạc tấu bài Mặc niệm đồng chí. Sau này còn dùng một số bài hành khúc lễ tang của các nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, Doãn Nho, Nguyên Nhung…
Các đám tang khác thường chỉ dùng băng nhạc Hồn tử sĩ.
Hai khúc ca Mặc niệm đồng chí và Hồn tử sĩ đều sáng tác từ năm 1943 với cấu trúc âm nhạc chặt chẽ khúc chiết, giai điệu bi tráng uy nghiêm, tình cảm xót thương tôn kính, là điển hình mẫu mực của những khúc chiêu hồn, vì thế đã được sử dụng phổ biến và phát huy giá trị lâu dài cho đến ngày nay (trước năm 1975 bài Hồn tử sĩ còn được cả Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam sử dụng).
Gần 80 năm trôi qua, 2 khúc ca tưởng niệm vẫn đang được tấu lên trong các lễ truy điệu long trọng, chứng tỏ không những 2 khúc ca này đã sống trong lòng nhân dân, đã đi cùng năm tháng, mà còn xứng đáng là 2 khúc ca tưởng niệm hay nhất Việt Nam./.
Tác giả: PHAN ĐÔNG VIÊN