Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Cuộc chính biến này không được lòng dân bởi toàn dân Việt thời bấy giờ còn đang hướng cả về vua Lê Thái Tổ – người có công tích 10 năm nằm gai nếm mật kháng chiến thắng lợi chống quân Minh.
Từ đó gây ra họa Nam Bắc triều: nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long (Bắc Triều), lịch sử và nhân dân gọi triều đại nhà Mạc là Ngụy Triều:
: NGỤY là giả dối, cướp ngôi). Nhà Lê Trung Hưng đóng bản doanh tại Thanh Hóa (Nam Triều). Hai triều đại tiến hành chiến tranh 65 năm đến khi chúa Trịnh Tùng tiêu diệt xong nhà Mạc mới chấm dứt, ngoài ra còn những cuộc nổi dậy của nông dân các nơi. Lớp lớp các chinh phu (lính nam giới) phải ra trận để lại người chinh phụ ở hậu phương với bao khó khăn về vật chất và tinh thần: vừa cày cấy sản xuất vừa phụng dưỡng bố mẹ chồng, vừa nuôi dạy con cái. Phải cố gắng lao động trong hoàn cảnh một mình đơn độc cùng với đời sống tinh thần luôn trong sự nhớ nhung, cô đơn, tủi hờn xót xa, thương nhớ chồng ngoài mặt trận mà người chinh phụ phải chịu đựng.
Thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của người chinh phụ, ông Đặng Trần Côn – cử nhân Nho học, Tri huyện Thanh Oai (Sơn Nam Thượng, sau này thuộc Hà Đông) đã sáng tác tập thơ Chinh phụ ngâm khúc bằng chữ Nho, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch Nôm xuất sắc nhất tác phẩm này:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
Đây là một tác phẩm tiêu biểu rất có giá trị trong văn học sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ 18, được đánh giá cao về tính nhân ái, nhân đạo, nhân văn đối với hoàn cảnh cực khổ cả vật chất và tinh thần của người vợ lính, qua đó toát lên khát vọng hòa bình, chống chiến tranh của nhân dân. Để tránh rắc rối, ông Đặng Trần Côn phải mô tả hoàn cảnh chiến tranh với những địa danh, điển cố của Tàu từ nhà Tần đến nhà Hán đồng thời chỉ đề cập đến một phần hoàn cảnh, nỗi niềm của người chinh phụ.
: CHINH : là đi, chinh chiến, chinh phạt, chinh phục
: PHU : là chồng, người con trai đã trưởng thành, đã có vợ
: PHỤ : là vợ, người con gái đã trưởng thành, đã có chồng
Thời xưa vì trọng nam khinh nữ, không có nữ binh nên chỉ gọi chủ thể luôn là người chinh phu còn vai trò chinh phụ là người vợ, là thứ yếu chỉ có nhiệm vụ hậu phương và gia đình.
Nhưng trước đó nghìn năm hai bà Trưng hơn 20 tuổi đã khởi nghĩa chống quân Đông Hán (thời Hán Vũ Đế) và bà Triệu 19 tuổi đã khởi nghĩa chống quân Đông Ngô (thời Tam quốc) bên Tàu là hai điển hình tiêu biểu của những người chinh phụ – những người phụ nữ trực tiếp tham gia chinh chiến. Công tích của các bà lưu truyền đến tận ngày nay, được nhân dân thành kính, ngưỡng mộ và thờ phụng.
Đặc biệt đến thời đại Hồ Chí Minh,sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch đêm 19/12/1946:
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà
Bất kỳ người già, người trẻ
Không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc.
Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc.
Từ đó, hai từ “chinh phụ” phải được định nghĩa thêm là những người phụ nữ trực tiếp cầm vũ khí tham gia chinh chiến như các chinh phu.
Có những chinh phụ lỗi lạc chỉ huy đơn vị trực tiếp chiến đấu như bà Hoàng Ngân, bà Nguyễn Thị Định, những anh hùng nữ liệt sĩ – những chinh phụ mọi lứa tuổi, bằng đức tính kiên nhẫn, trung hậu đảm đang, với lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống quật cường của dân tộc cùng sự gan dạ, dũng cảm và chí căm thù giặc ngoại xâm. Người chinh phụ Việt Nam đã hy sinh vô cùng to lớn: nhiều đơn vị tập thể nữ thanh niên xung phong, nữ dân quân hy sinh dưới bom đạn như sự kiện ở Hang Tám cô, Truông Bồn, 10 cô gái dân quân Lam Hạ (Phủ Lý), 10 cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… Những sự tích đó đã được đưa lên thành tác phẩm văn học nghệ thuật, có khoảng mấy chục ca khúc của các nhạc sĩ mọi lứa tuổi thể hiện rất hay.
Nhạc sĩ Hà Nội Sĩ Thắng công tác tại tỉnh Hà Nam là nhân chứng gần trong sự kiện 10 cô gái trên trận địa pháo Lam Hạ hy sinh, anh đã viết tác phẩm Chim trắng thiêng vô cùng thành kính và xúc động:
Ngoài ra những hy sinh của từng cá nhân nữ anh hùng liệt sĩ thì nhiều và đã viết trong những bài trước.
Trong cuộc sống riêng tư các chinh phụ thời kháng chiến cũng chịu nhiều hy sinh to lớn: thời kháng chiến chống Pháp có nhiều chị tham gia phong trào xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, đến khi kháng chiến thành công, tuổi đã quá lứa lỡ thì, sự thiệt thòi này được nhạc sĩ tiền bối Lê Yên thể hiện trong ca khúc Bói Kiều vô cùng xúc động. Ở miền Trung có những bà mẹ Việt Nam anh hùng cả chồng và năm, bảy người con trai đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Có những đơn vị thanh niên xung phong sau khi kết thúc chiến tranh đã được nhà nước bố trí xây nhà tình nghĩa cho các chị vào một khu tập thể, nhân dân vẫn gọi là xóm không chồng, bến không chồng… Nhiều anh bộ đội được nghỉ phép hai ngày về lấy vợ, xong lên đường ra mặt trận ngay rồi đi mãi không về. Nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ có bài thơ Bến chị tôi vô cùng xúc động và thương xót cho hoàn cảnh người chinh phụ:
BẾN CHỊ TÔI
Ngày chị về bên sông theo anh
Lối nhỏ bờ đê nghiêng nghiêng hoa cỏ
Đò quay mũi hướng về nơi bến đỗ
Em thẫn thờ nhìn con sóng lao xao.
Em quay về với man mác hương cau
Đêm vắng chị, trăng vàng ngơ ngác quá
Gió len lỏi bên chân rào khóm rạ
Hoa bưởi thơm, nhớ mùi tóc chị hong.
Ngày theo chồng, chị đội nón sang sông
Cặp mắt ướt ngắm bờ xa vời vợi
Con én nhỏ bay ngang chiều lạc lối
Mây bơ vơ phiêu lãng cuối chân trời.
Ngày chị sang sông mưa trắng bãi bồi
Đò chở nặng xôn xao người đưa tiễn
Bờ bên ấy, chị nhỏ dần trên bến
Nhớ mênh mông theo con nước lên ròng
Phận cô đơn, chị chẳng được cùng chồng
Ngày thắng trận anh không về lại nữa
Bỏ mình chị nơi quê người bỡ ngỡ
Bến đò xưa, dáng chị trắng mưa chiều./.
Nhạc sĩ Hà Nội Quang Hiển là cựu chiến binh đã từng là nhân chứng của các hoàn cảnh của đồng đội. Cảm khái trước bài thơ anh đã sáng tác ca khúc Bến chị tôi vô cùng lay động lòng người:
Không thể kể xiết những hy sinh to lớn của các bà các chị.
Nhà nước đã xây dựng những khu tưởng niệm các sự kiện lịch sử oanh liệt, trong đó đều có đền thờ các bà, các chị – những người chinh phụ đích thực của thời đại Hồ Chí Minh.
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ, là người Việt Nam không ai quên được toàn thể hàng triệu liệt sĩ đã bỏ mình vì nước, trong đó những công lao và sự hy sinh vô cùng to lớn của các nữ liệt sĩ – những người chinh phụ đích thực đáng để chúng ta và hậu thế biết ơn, ngưỡng mộ và sùng kính ./.
Tác giả: Phan Đông Viên
(Nguồn: https://hoinhacsi.vn/)