Có nhiều nhân tố khách quan gắn văn hóa pop, thứ văn hóa ra đời trong những năm 60, với thực tiễn tiêu dùng và văn hóa đại chúng, hai đặc trưng hiện nay của các nước phát triển phương Tây.
Bài viết của tác giả Bertrand Lemonnier
Từ pop có lẽ là thành công lớn nhất trong thế giới anglo saxon những năm 60-70, chủ yếu để chỉ âm nhạc được thanh niên nghe (pop music). Tính giản dị đơn âm của pop không che đậy những hiện thực phức hợp hơn của những biến đổi của văn hóa đại chúng trong bối cảnh xã hội dồi dào. Đầu những năm 60, trên thực tế pop chỉ được dùng cho hai thể loại không có quan hệ rõ ràng với nhau: pop art, phong trào nghệ thuật tiên phong ra đời ở London và New York, và âm nhạc được những teenagers (tuổi tin) nghe. Từ ngữ pop art được gán cho nhà phê bình Anh Lawrence Alloway khoảng năm 1956-1958, nhưng từ pop đã xuất hiện trên vài bức tranh cắt dán: của người Italia – Scotland Eduardo Paolozzi (1), Tôi từng là đồ chơi của một người giàu (1947) và của người làm design Anh Richard Hamilton (2), Ai đã làm cho các nội thất khác nhau và hấp dẫn như vậy? (1956). Tranh cắt dán của R.Hamilton là kết quả một suy nghĩ trong một nhóm nhỏ thuộc Viện Nghệ thuật đương đại ở London, nhóm Độc lập (Independent Group). Tác phẩm này trình bày phần lớn các média của văn hóa đại chúng: điện ảnh, truyền hình, điện thoại, ghi âm, quảng cáo thương mại, truyện tranh, trang trí khoa học viễn tưởng, tạp chí. Nó cũng tập hợp vài mặt hàng tiêu dùng quy cách hóa, được quảng cáo những năm 50 ca ngợi: đồ bày biện trong nhà có tính chức năng (ghế ngồi, ghế dài, bàn thấp), máy hút bụi, ô tô. Từ pop xuất hiện gần như ở trung tâm của sự tiêu dùng, chỉ một mình nó tóm lược vừa về mỹ học vừa về nội dung một nghệ thuật được coi là tiêu biểu cho một xã hội hướng vào tiêu dùng đại chúng.
Ở R.Hamilton, giá trị chế riễu của việc rút gọn từ popular là điều hiển nhiên, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là giới thượng lưu nghệ thuật khinh thường văn hóa bình dân. Trái hẳn lại, xã hội tiêu dùng, qua những huyền thoại mới, những hình ảnh mới, những phương tiện truyền thông của nó, trở thành một nguồn cảm hứng vô tận. Nghệ thuật không tìm cách làm cho nó phù hợp với những sở thích, hay trong trường hợp trừu tượng hóa, rời xa chúng, mà là tuân theo những chuẩn mực do các phương tiện truyền thông đại chúng và quảng cáo đặt ra. Do đó, nó có thể được coi là bình dân, vì việc hiểu nó cũng diễn ra ngay tức khắc như một thông điệp quảng cáo, một bài hát hay một tạp chí có số lượng phát hành lớn. Tuy nhiên cách hiểu pop art đặt ra một cách nhìn có khoảng cách, đem lại cho đồ vật hay hình ảnh một ý nghĩa mới và, ở một chừng mực nào đó, đem lại tự do cho các công dân trước những nhà buôn và những nhà quảng cáo. Pop art chỉ bình dân vì cái mà Umberto Eco gọi là một sự “tích hợp biện chứng”(3). Sự vận động biện chứng ấy có tính chất căn bản vì nó đem lại cho pop nội dung riễu cợt. U.Eco lấy tác phẩm của người Mỹ Roy Lichtenstein làm ví dụ. Tác phẩm này mang một sự vận động ba mặt, trong đó diễn ra sự hòa trộn về ngữ nghĩa giữa pop và popular: một vận động cảm hứng, các truyện tranh cho người lớn; một vận động sáng tạo, R.Lichtenstein vẽ một truyện tranh và sự phê bình liền tán thưởng vì sự đổi hướng nghệ thuật ấy; một vận động bắt chước R.Lichtenstein của các họa sĩ, các nhà design. Tranh truyện vì vậy đã nhận được sự vinh quang của tác phẩm nghệ thuật theo nghĩa hàn lâm của thuật ngữ này.
Cũng được dùng trong những năm 40 và 50 TK XX để chỉ những dạng khác nhau, từ pop được truyền bá rộng rãi vào cuối những năm 50 nhân sự xuất hiện của rock n’roll ở Mỹ. Từ pop music xuất hiện năm 1949 trong tạp chí âm nhạc Anh Melody Maker. Năm 1955, công ty EMI tung ra nhãn hiệu đĩa nhạc Pop HMV (His Master’s Voice) và năm 1958, nhà tiểu thuyết Colin Mc Innes viết Pop Songs and Teenagers (Những bài hát pop và tuổi teen). Thành công của nhóm Beatles năm 1963-1965 cuối cùng cũng đã phổ cập từ pop gắn liền với nhạc được tuổi trẻ nghe. Năm 1965, nhóm người Anh Who trở thành nhóm nhạc pop art đầu tiên, nhờ tung ra một lối ăn mặc phỏng theo những chủ đề của art pop. Pop music và pop art ảnh hưởng lẫn nhau, nhất là dưới sự thúc đẩy của Andy Warhol trong Factory ở New York của ông.
Văn hóa pop
Văn hóa pop lan truyền vào những năm 60, khi không chỉ còn là một thứ âm nhạc đa dạng, mà còn là một mỹ học, một ứng xử, một cách sống. Năm 1963, Rayner Banham, nhà phê bình và nhà sử học về nghệ thuật Anh, đã hiểu được chiều toàn cầu của pop, khi người ta chưa nói tới văn hóa theo nghĩa anglo saxon của way of life: “Ngày nay pop hiển nhiên đã nằm trong lối sống của chúng ta,… (đến mức nó) trở thành ngôn ngữ chung, âm nhạc, nghệ thuật thị giác (và, ngày càng rõ cả về văn học) qua đó những ai tham gia văn hóa đô thị và kỹ thuật của các nước phương Tây hóa có thể giao tiếp với nhau, theo lối trực tiếp hơn, sống động hơn, có ý nghĩa hơn”(4). Tháng 7-1966, Harold Wilson, Chủ tịch Công đảng, đọc một bài diễn văn ở Liverpool (ông cũng là dân biểu ở đó) nhân dịp mở lại câu lạc bộ trong đó nhóm Beatles khởi đầu sự nghiệp của nó. Ông nói lên từ ngữ pop culture và hôm sau báo chí nhắc lại một cách rộng rãi.
Sau đó, từ ngữ pop culture lan rộng trong ngôn từ và bao hàm bốn trường: một trường thương mại, như luận cứ quảng cáo bán hàng cho công chúng trẻ tuổi, nhất là của các công ty đa quốc gia về đĩa nhạc; một trường truyền thông, như một sự rút gọn theo kiểu báo chí, không cần tới nội dung riêng, có liên quan với tuổi trẻ, âm nhạc, trang phục; một trường nghệ thuật, qua những tác phẩm pop (hội họa, âm nhạc, thơ) và những phương tiện truyền thông ppp, các tiệm hàng pop, các buổi phát sóng pop; một trường xã hội học, như một thứ văn hóa nhỏ dành cho thiếu niên với những thói quen riêng. Đương nhiên định nghĩa về văn hóa pop cũng thay đổi theo mỗi trường nói trên, nhưng vào tháng 1-1957, nhà design R.Hamilton muốn đưa ra một lý thuyết. Theo ông, pop là “bình dân (được một cử tọa đại chúng hiểu), với thời hạn ngắn và dễ bị quên, rẻ, sản xuất hàng loạt, dành cho tuổi trẻ, mang tính chất tinh thần, giới tính, kỹ xảo, lôi cuốn, gắn với big business (kinh doanh lớn)”(5). Một ví dụ lấy từ sản xuất âm nhạc đầu những năm 60 TK XX cho phép kiểm tra cơ sở vững chắc của định nghĩa này. Năm 1963, nhóm Beatles thành công lớn lần đầu ở Anh với bài hát Please Please Me. Theo những tiêu chuẩn nói trên, bài hát này là bình dân (nó có một cử tọa đại chúng thật, nhờ phát thanh, truyền hình, đĩa), chóng tàn và bị quên nhanh (vài tuần lễ sau những hitprades trong đầu, nó liền bị một bài khác thay thế), rẻ (qua sự trợ giúp của máy quay đĩa 45 vòng), sản xuất hàng loạt (hàng triệu bản), nông cạn (lời không có chủ định, hòa âm đơn giản), được những ca sĩ trẻ, dí dỏm, gợi dục và hấp dẫn trình diễn (nhóm Beatles là tất cả những điều này vào đầu những năm 60 TK XX), và cuối cùng, gắn với kinh doanh (công ty đa quốc gia về đĩa EMI).
Pop không hiện ra ngay một lúc như một văn hóa. Trước tiên đó là một công nghiệp đáp ứng nhu cầu kinh tế, chủ yếu của những thiếu niên thuộc các giai cấp bình dân. Năm 1959, Mark Abrams, giám đốc London Press Exchange, xuất bản The Teenage Consumer, về sau còn có thêm The Teenage Consumer Spendings. Đối với M.Abrams, những người trẻ tuổi Anh chi tiêu 830 triệu livres sterlings mỗi năm về những sản phẩm giải trí, tức 10% số chi về tiêu dùng của dân cư và 5% số chi về quốc phòng. Những người chi như vậy chiếm 80% số thanh niên bước vào cuộc đời hoạt động, 20% còn lại là dưới 15 tuổi hoặc đang theo học, do đó chi bằng tiền túi bố mẹ cho. Trong số 5 triệu người 15-21 tuổi, 4 triệu đang đi làm. Thanh niên tìm được việc làm rất dễ khi ra trường, hoặc tập việc trong các công xưởng và các nhà máy, hoặc vào những nghề dịch vụ thường có thù lao cao hơn (cửa giao dịch của các ngân hàng, thư ký, thủ quỹ, bán hàng, chuyển hàng). Những thu thập này thật sự nuôi dưỡng cho một thị trường tuổi trẻ (youth market), trong đó giải trí chiếm một vị trí quan trọng. Thị trường này có vẻ đặc biệt bình dân hơn, do những thanh niên thuộc các working class hiếm khi được tiếp tục học lên. Nó cũng bị nam giới chiếm ưu thế, ít ra là cho tới giữa những năm 60 TK XX: các cô gái (nhất là từ 15 đến 17 tuổi) chịu một sự kiểm soát chặt chẽ hơn của bố mẹ và phần lớn bị loại trừ khỏi văn hóa đường phố (các trận đấu bóng đá, những sự lui tới các quán cà phê, khiêu vũ, những cuộc dạo chơi bằng xe scootes hay bằng mô tô…); các cô gái cũng đóng một vai trò gia đình và nội trợ rất quan trọng và, theo các cuộc điều tra xã hội học, họ tốn nhiều thời gian để trang sức, làm đầu tóc, chuẩn bị cho những cuộc đi ra ngoài. Văn hóa trẻ (youth culture) trước hết là một sự kiện xã hội – kinh tế. Đó là một thứ kinh tế được những phương tiện truyền thông lớn ủng hộ và là một công nghiệp sinh lợi trong những lĩnh vực ngày càng đa dạng. Một công nghiệp giải trí, phô phang, thỏa mãn một số nhu cầu của một lớp tuổi thích tiêu pha, cũng khao khát những khoái lạc và tự do mà ông bà và bố mẹ họ hiếm khi biết tới ở lứa tuổi ấy: khiêu vũ, ăn mặc khác đi, hóa trang, đi xem phim, đến các quán cà phê, đi xe scooter…
Giữa những năm 60 TK XX, văn hóa pop đạt được một thành công vượt quá tất cả những hy vọng của công nghiệp ghi đĩa. Nó trở thành một thành tố, nếu không phải là một máy gia tốc, của tiến bộ công nghệ, lại vừa là một văn hóa đa phương tiện, một công nghiệp đa quốc gia hùng mạnh và một lối sống trên quy mô thế giới.
Hai điểm đầu gắn liền nhau. Nhạc pop hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ: một mặt, với điện khí hóa nhạc cụ, các hệ thống tăng âm, các phòng ghi và các kỹ thuật sản xuất, việc chế tạo các đĩa; mặt khác, với các phương tiện truyền thông phát đi tiếng và hình bằng phát thanh, truyền hình và máy quay đĩa (những khổ mới 45 và 33 vòng, với âm thanh nổi). Nhóm Beatles, chẳng hạn, biết rất rõ rằng âm nhạc được ghi không chỉ là một média, mà còn là một hình thức sáng tạo mới. Sự hoàn thiện này không nhằm khôi phục trung thực âm thanh mà nhằm làm chủ nó qua những công nghệ mũi nhọn.
Những mâu thuẫn của một cuộc nổi dậy
Sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ cho sản phẩm pop cũng là một trong những biến đổi lớn của văn hóa đại chúng. Từ năm 1964, các nhóm pop đã là các nhóm đa phương tiện rồi: chúng xuất hiện trên báo chí, ở các rạp phim, trong các hiệu sách, trên đài phát thanh, trên đài truyền hình, trên các tờ quảng cáo và ở đâu cũng thích hợp cả. Thế hệ những người trẻ tuổi sinh ra sau khi cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc, hay trước đó một ít, là thế hệ đầu tiên sử dụng một cách gần như tự nhiên (ngay cả khi nó không kiểm soát được, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi) những công cụ truyền thông hiện đại. Thật nghịch lý, văn hóa pop, trong những thái độ, những văn bản của nó, lại sẵn sàng từ bỏ công nghệ và các phương tiện truyền thông, nhất là sau 1966. Tuy nhiên, sự đan chéo trong những hệ thống kỹ thuật diễn ra trong thế giới phương Tây tư bản chủ nghĩa không đem lại cho nó một sự lựa chọn nào khác ngoài sự hợp tác hay sự đoạn tuyệt. Các nhóm hippies ở Californie, với những ý tưởng của nó lan truyền ở Anh những năm 1967-1968, đã lựa chọn sự đoạn tuyệt: họ vừa là những đứa con của xã hội kỹ thuật, vừa là những kẻ đối lập triệt để nhất đối với nó. Tuy nhiên, sự phê phán kỹ thuật không có hiệu lực trong lĩnh vực âm nhạc: năng lượng cơ sở của rock. Điện được sử dụng theo cấp số mũ, kể cả ở các nhóm cấp tiến nhất. Những cuộc hòa nhạc siêu khuếch đại (hàng triệu watt từ những năm 1968-1970 trong các cuộc liên hoan pop như ở Wooostock hay ở đảo Wight) và những trò chơi ánh sáng đã góp phần vào sự vận hành của những trung tâm nhiệt điện (gây ô nhiễm) và hạt nhân (bị tất cả các nhóm hippies bêu riếu) nhưng điều đó không thật sự làm cho người ta cảm thấy bị sốc. Không có rock nếu không có điện, chiều kích kinh tế và công nghệ ấy đôi khi bị coi nhẹ.
Từ các tiếp cận mâu thuẫn ấy nảy sinh ra kiệt tác pop của thập kỷ, Sgt Pepper’s lonely Hearts Club Band của nhóm Beatles (đĩa nhạc này ra mắt vào tháng 6-1967), vừa là sản phẩm công nghệ, vừa là sản phẩm phản văn hóa. Thể loại này đạt tới đỉnh cao mỹ học của nó. Có xu hướng chống trí thức ngay từ đầu, thoát thai từ thân thể hơn là từ tinh thần, pop đã thay đổi bản chất trong khoảng mươi năm. Những nhạc sĩ tự học trẻ ở Liverpool được thừa nhận nhiều danh tiếng: chẳng phải người ta đã so sánh họ với Mozarr và Malher từ 1963 đó sao? Chiếc túi nhỏ của Sgt Pepper tiêu biểu cho một văn hóa pop đang phá vỡ những vật chướng ngại giữa văn hóa đại chúng và văn hóa thượng lưu: tấm ảnh này tập hợp 87 yếu tố và nhân vật thuộc hai thứ văn hóa vẫn còn bị chia cắt cho đến lúc đó, và design này được giao cho một nghệ sĩ Anh nổi tiếng, Peter Blake, thực hiện.
Một hiện tượng thế giới
Thế giới hóa pop là một hiện tượng đại chúng vượt xa khuôn khổ hòn đảo Vương quốc Anh. Hàng triệu người trẻ tuổi có những quy chiếu chung, vượt khỏi những biên giới và một nền văn hóa dân tộc được học ở nhà trường. Đây không phải chỉ là một sự hóa thân của việc tiếp thị, dù các nhóm pop đã hưởng lợi từ toàn bộ cấu trúc hạ tầng của các công ty lớn như EMI, đó là các công ty vừa sản xuất đĩa, máy hát điện và có cả một mạng lưới phát hành đa quốc gia. Sự kiện ấy phải được đánh giá theo toàn bộ chiều kích lịch sử và địa lý của nó như một biến đổi trên quy mô hành tinh của văn hóa đại chúng. Thanh niên Pháp, Anh, Đức bắt đầu gặp nhau trong những năm 60 TK XX qua các chuyến đi tìm hiểu ngôn ngữ, qua thư từ, qua những cặp đôi, không phải để tìm những điểm chung giữa Shakespear, Moliere và Goethe: các cuộc trò chuyện đương nhiên có thể là về đĩa nhạc mới nhất của nhóm Beatles và tất cả những gì kèm theo đó (các cây ghi ta, các bài hát, những xúc cảm, những lời tán tỉnh và thường là việc hút thuốc). Qua các đĩa nhạc, truyền hình, phát thanh, điện ảnh, báo chí, các cuộc hòa nhạc và thế giới hóa những giao tiếp, những trao đổi, nhóm Beatles và nhóm Rolling Stones không chỉ trở thành những ngôi sao trong thế giới phương Tây phát triển mà còn ở cả thế giới thứ ba (nhóm Beatles biểu diễn ở Manila, nổi tiếng toàn châu Á và châu Mỹ latin, phát đi trên đài phát thanh chính thức của Cuba,…) và ở các nước cộng sản châu Âu, nơi ảnh hưởng của nó vượt khỏi bức màn sắt. Bằng sự lan truyền của nó ở nhiều nước, văn hóa pop, qua những ngôi sao và những thần tượng của nó, đã khởi xướng một lối sống trong đó thanh niên phương Tây có thể tìm thấy chính mình. Lối sống của nhóm Beatles và các ngôi sao khác cho phép xác định một ứng xử pop: sống gấp, có thêm nhiều kinh nghiệm ngoài những giới hạn được chấp nhận (nhất là bằng việc dùng ma túy), luôn luôn hợp mốt và đứng hàng đầu trên sân khấu, luôn luôn sáng tạo và đưa ra ý kiến của mình mà không coi đó là quá nghiêm túc, theo một thứ tiếng lóng hay đúng hơn, một thứ ngôn ngữ pop. Từ khi xuất hiện diễn viên Mỹ James Dean, văn hóa pop đã chọn lựa các nhân vật của nó: những người thiêu cháy tuổi trẻ của mình đến mức có thể mất nó còn hơn là sống già nua tầm thường. “Tôi thích chết hơn là bị già nua”, nhóm Who hát năm 1965. Tuy vậy, cuộc nổi dậy ngay từ đầu của rock chỉ kéo dài khoảng mươi lăm năm mà thôi (1955-1970). Các nhạc công đã móc nối với hệ thống mua bán. Từ những năm 70 TK XX, rock trở thành một công nghiệp văn hóa phồn thịnh trong thế giới anglo saxon, đẻ ra những món lãi thương mại khổng lồ và đụng tới những công chúng ngày càng rộng lớn.
Sự phát triển của văn hóa pop ở Anh thúc đẩy của những biến đổi gia tốc của văn hóa đại chúng hiện đại. Qua những thế hệ trẻ tuổi có được những sự giải trí và một sự tiêu dùng độc lập, những hiện tượng đại chúng hóa và truyền thông hóa (đã phát triển trong những năm 20 và 30 TK XX) càng trở nên mạnh mẽ hơn và đụng tới toàn bộ dân cư. Thế giới hóa trở thành thật sự, qua tiếng Anh và nền nhạc pop hay rock (6). Không chìm sâu trong các khu biệt lập (ghetto) bình dân, nơi mà một số người muốn làm như thế, văn hóa đại chúng pop gặp được văn hóa thượng lưu và, vì thế, đã phá vỡ các sơ đồ văn hóa cũ. Lúc đầu là một hàng hóa phù du, nhạc pop thấm đẫm không khí phản văn hóa vào cuối những năm 60 TK XX và nội dung của nó tiến gần với những tiêu chuẩn nghệ thuật của văn hóa cao. Nó không vì thế mà mất đi giá trị mua bán trong bối cảnh tư bản chủ nghĩa là bối cảnh cho phép nó ra đời và phồn vinh cho đến ngày nay. Nhóm Beatles, những nhân vật của thập kỷ 60 TK XX và của cả một thế hệ, chỉ một mình nó đã là hiện thân của tất cả những biến đổi ấy. Do đó, nó xứng đáng có một vị trí nổi bật trong lịch sử kinh tế, xã hội và văn hóa của ba mươi năm vinh quang.
—————————————————-
Chú thích:
1, 2. Tate Gallery, London.
3. Một cuộc trò chuyện với Umberto Eco trong Phong trào pop, Grammont, 1975.
4. R.Banham, The Atavism of the Short Distance Mini Cyclist (1963), trích theo J.Savage, H.Kureishi, The FFaber Book of Pop, Faber and Faber, 1995.
5. Thư gửi P. và A.Smith (tháng 1-1957). Nguồn: triển lãm Postwar Britain and the Aesthetics of Plenty, ICA, London, tháng 2 – tháng 4-1990.
6. Giới thiệu những văn bản của cuộc hội thảo Nghệ thuật ở tại chỗ, sđd.
7. V.Milliot Belmadni, Khi nghệ thuật tìm kiếm không gian công chúng trong Nghệ thuật đương đại, các trường nghệ thuật, các tiêu chuẩn, sự đón tiếp, sđd.
Tác giả: Công Thủy
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT