Trong bối cảnh giao lưu quốc tế, hội nhập và toàn cầu hóa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, âm nhạc đại chúng đã và đang phủ quét khắp toàn cầu tạo nên nguy cơ đồng hóa thẩm mỹ về âm nhạc giữa các nền văn hóa. Điều đó khiến cho đa số các di sản âm nhạc truyền thống rơi vào tình trạng yếu thế, có nguy cơ bị lãng quên ngay tại các nền văn hóa mà chúng thuộc về. Nhưng, có một di sản âm nhạc của người Mường ở Hòa Bình đã vượt qua mọi trở ngại của bối cảnh xã hội để tồn tại một cách sinh động, phổ biến trong cộng đồng hiện nay, đó là cò ke ôống kháo. Bài viết tìm hiểu về các động lực đã giúp cò ke ôống kháo có thể tồn tại trong bối cảnh có nhiều biến động của xã hội đương đại, nhằm cung cấp cơ sở lý luận và những bài học thực tiễn cho việc bảo tồn, phát huy các di sản âm nhạc truyền thống khác.
CLB nhạc cụ dân tộc xóm Đoàn Kết 2 (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) trong 1 buổi tập luyện, mỗi thành viên đều nhận nhiệm vụ chơi 1 loại nhạc cụ dân tộc xứ Mường như: sáo, cò ke, trống,… – Ảnh: baohoabinh.com.vn
1. Cò ke ôống kháo – tên gọi, tổ chức và đặc điểm âm nhạc
Về tên gọi
Trong ngôn ngữ người Mường, cò ke ôống kháo là cách gọi được ghép từ tên của hai nhạc khí:
Cò ke là nhạc khí dùng vĩ kéo trên hai dây khá phổ biến ở Việt Nam (người Kinh gọi là đàn nhị/ đàn cò). Cò ke cũng có thể hiểu là từ tượng thanh mô tả cao độ phát ra trên hai dây buông (1) của nhạc khí này (2).
Ôống kháo là nhạc khí hơi, được chế tác từ thân cây nứa hoặc cây trúc, vốn là chất liệu rất phổ biến ở Việt Nam. Nó tương đương với từ ống sáo trong tiếng Kinh. Như vậy, cò ke ôống kháo dịch sang tiếng Kinh là đàn nhị và ống sáo, rút gọn theo cách gọi thông thường là nhị sáo.
Mặc dù cò ke và ôống kháo là hai nhạc khí chủ chốt, nhưng ban nhạc này luôn có sự tham gia của nhiều loại nhạc khí khác như: đàn tam, trống con, chũm chọe, sênh tiền… và người Mường vẫn gọi tổ chức âm nhạc này bằng cái tên cò ke ôống kháo, họ cũng không tách bạch ra thành hai vế cò ke, ôống kháo mà gọi liền mạch như một danh từ chung.
Về tổ chức
Một ban nhạc cò ke ôống kháo thường có từ 3-5 thành viên, vài trường hợp đặc biệt có thể tới 10 người hoặc nhiều hơn. Trong đó, một người trưởng ban nhạc, là người giỏi nhất về chuyên môn và có uy tín trong cộng đồng, phụ trách tổ chức các hoạt động của ban nhạc như: tiếp nhận công việc, tổ chức tập luyện – trình diễn, quản lý tài chính và các tài sản chung của cả nhóm (nhạc khí và các vật dụng khác).
Đặc điểm âm nhạc
Cò ke ôống kháo là thể loại hòa tấu khí nhạc, ban nhạc này chỉ trình diễn những bài bản âm nhạc hòa tấu, tuyệt nhiên không có sự tham gia của giọng hát (3). Thêm nữa, người Mường vốn không có chữ viết, nên cũng không có phương thức ghi chép bài bản âm nhạc. Các nghệ nhân phải chơi nhạc bằng trí nhớ và một số cách thức biến hóa độc đáo, vừa đảm bảo tính thống nhất của bài bản vừa tạo nên sự sinh động, phong phú cho giai điệu âm nhạc.
2. Cò ke ôống kháo trong đời sống của người Mường ở Hòa Bình hiện nay
Các không gian truyền thống (tang ma, lễ hội, sinh hoạt thường ngày)
Tang lễ – được người Mường xem là “nghi lễ quan trọng nhất của đời người” (4), mang đậm tính nguyên hợp, hàm chứa các giá trị nghệ thuật, văn học, tín ngưỡng, đạo đức… Tang lễ Mường luôn có dàn nhạc phục vụ, biên chế của nó gồm có: các nhạc khí gắn với các nghi thức tang lễ: chiếc kèn đám, trống cái và chiêng đơn (5); ban nhạc cò ke ôống kháo: tham gia hỗ trợ giai điệu cho các bài bản của chiếc kèn, còn lại nó trình diễn hệ thống bài bản riêng trong những khoảng thời gian trống (nghỉ ăn cơm hoặc trong đêm khuya).
Lễ hội – từ xưa tới nay, lễ hội Mường luôn có sự phục vụ của ban nhạc cò ke ôống kháo. Chúng tôi đã trực tiếp khảo sát một số lễ hội và ghi nhận sự hiện diện của cò ke ôống kháo, đó là lễ hội Khai hạ đình Ngòi, xã Sủ Ngòi (nay thuộc phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình); lễ hội Khai hạ Mường Bi ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; lễ rước Bụt ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn.
Tại các lễ hội, ban nhạc cò ke ôống kháo sẽ tham gia trong đoàn rước (rước kiệu, rước nước, rước vía lúa, rước bụt…). Sau đó, ban nhạc tiếp tục phục vụ cho phần nghi lễ cúng tế chính của lễ hội. Họ được sắp xếp một vị trí sát bên phải hoặc bên trái của nơi hành lễ và trình diễn âm nhạc trong khi thực hiện các nghi thức, chỉ tạm dừng khi thày mo đọc lời khấn. Lễ hội Khai hạ Mường Bi còn tổ chức cuộc thi bản âm dành cho các ban nhạc cò ke ôống kháo.
Trong sinh hoạt thường ngày – các nghệ nhân thường tổ chức tập luyện và truyền dạy âm nhạc cò ke ôống kháo ngay tại nhà riêng, vào các buổi tối khi họ được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Họ tập trung tại nhà của một thành viên trong ban nhạc theo lịch hẹn trước của cả nhóm. Chủ nhà chuẩn bị một bàn uống nước trà (gọi là bàn trà nước lá), có thêm vài chén rượu để cùng nhau nhấm nháp, tâm tình và hòa tấu âm nhạc.
Những buổi sinh hoạt âm nhạc diễn ra khá thường xuyên, nhất là trong dịp Tết. Sau chén rượu đầu xuân và những lời chúc tụng, giữa hương xuân se lạnh, việc hòa tấu âm nhạc cò ke ôống kháo cho họ những cảm xúc thư giãn, thăng hoa. Đây thực sự là một thú vui tao nhã, nó là khoảng thời gian mà các nghệ nhân được thưởng thức âm nhạc với mục đích giải trí, bồi bổ tinh thần.
Các buổi tập luyện cũng kết hợp với việc truyền dạy âm nhạc cho các học trò. Học trò không của riêng ai, họ có thể học ở mỗi nghệ nhân một chút. Các thày dạy không bao giờ thu học phí, chỉ thấy học trò tự nguyện chăm lo trà thuốc, hoặc biếu thày chai rượu ngon, như vậy là đủ. Học trò thường được các nghệ nhân đưa đi cùng trong các dịp trình diễn cò ke ôống kháo để tham gia thực tập bài bản ngay tại không gian đó.
Trong các không gian mở rộng hiện nay
Trình diễn trong dịch vụ du lịch – Năm 1994, Công ty Du lịch Hòa Bình (nay là Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình) đã tiến hành sưu tầm các bài bản âm nhạc cò ke ôống kháo, chiêng sắc bùa, những điệu múa cổ truyền của các tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, để tổ chức dàn dựng thành các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Đây là một sản phẩm phục vụ du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn, gây ấn tượng tốt với du khách. Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu phục vụ du lịch, các bài bản âm nhạc đã bị điều chỉnh. Một số bài bản được cắt ghép, sửa thành nhạc đệm cho múa. Ban nhạc cò ke ôống kháo phải tập trình diễn các bài bản mới, thậm chí là một số bản nhạc nước ngoài để mỗi khi đón du khách nước ngoài đến thưởng thức, thì dàn nhạc sẽ trình diễn một bản nhạc đặc trưng cho đất nước của du khách để làm vui lòng họ.
Sân khấu hóa âm nhạc cò ke ôống kháo – Gần đây, người ta đã đưa cò ke ôống kháo lên sân khấu biểu diễn tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng. Ngoài việc trình diễn hòa tấu bài bản nhạc không lời, họ còn thử nghiệm dùng cò ke ôống kháo để đệm cho các tiết mục hát dân ca Mường. Như một lẽ tự nhiên, khi đưa cò ke ôống kháo lên sân khấu, người ta phải “sân khấu hóa” cho nó, như là sử dụng trang phục biểu diễn và trang điểm cho nghệ nhân; biên tập và trình diễn các bài bản theo yêu cầu của đạo diễn, việc này thường làm cho các nghệ nhân lúng túng, thiếu chủ động. Đặc biệt, việc sử dụng micro để thu âm thanh và phát ra amply và loa công suất lớn, công việc kỹ thuật này thường rơi vào tình trạng sơ sài, kém chất lượng, có lẽ vì thế nên ít nhận được sự tán thưởng từ khán giả.
Thành lập câu lạc bộ, đưa lên truyền hình và không gian mạng xã hội – Cùng với chủ trương bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số của Nhà nước và Bộ VHTTDL. Cò ke ôống kháo nhận được sự quan tâm từ cơ quan quản lý văn hóa tỉnh Hòa Bình, được khuyến khích, phổ biến trong các Câu lạc bộ ở địa phương. Nhiều Chi hội người cao tuổi ở các xã đã thành lập Câu lạc bộ Cò ke ôống kháo.
Kênh truyền hình VTV1- Đài truyền hình Việt Nam đã thực hiện một phóng sự ngắn (đăng trên kênh Youtube: VietEvent Entertainment ngày 10-3-2018 (6)), giới thiệu ban nhạc cò ke ôống kháo ở xóm chợ Nội xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Kênh VTV5 đã hai lần thực hiện phóng sự về cò ke ôống kháo của người Mường, Hòa Bình (7), phản ánh về hoạt động của các Câu lạc bộ: Câu lạc bộ Văn nghệ xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi; Câu lạc bộ xóm Sơn Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian dân tộc Mường ở phố Chiềng Trào, Vụ Bản, Lạc Sơn; Câu lạc bộ Văn nghệ Hoa Bông Trăng ở xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình (huyện Kỳ Sơn trước kia).
Những hoạt động trên đã phần nào tác động tới nhận thức của cộng đồng Mường, minh chứng là việc họ chủ động thực hiện các video trình diễn của những nghệ nhân cò ke ôống kháo, đăng tải trên không gian mạng xã hội YouTube. Có thể coi đây là một hiện tượng tái nhận thức về bản sắc, mà động lực đến từ sự tác động của chính sách, phát triển du lịch, truyền thông, mà hệ quả lớn nhất là sự thay đổi trong nhận thức của chủ thể văn hóa.
3. Ý nghĩa và vai trò của cò ke ôống kháo đối với người Mường, Hòa Bình hiện nay
Sau một giai đoạn khảo sát và phân tích sự tồn tại của cò ke ôống kháo trong đời sống người Mường cùng các mối liên hệ của nó. Chúng tôi có một số nhận định về ý nghĩa và vai trò của nó đối với cộng đồng Mường như sau:
Ý nghĩa
Cò ke ôống kháo phản ánh thị hiếu thẩm mỹ của người Mường, quan sát hoạt động trình diễn cò ke ôống kháo tại tang ma và lễ hội Mường, chúng tôi nhận thấy, đó là những nghi lễ được người ta thực hiện bằng tâm thế cẩn trọng và thành kính. Điều đó thể hiện qua sự chu đáo trong chuẩn bị lễ vật, đồ trang trí, bài trí đồ cúng, sự kính cẩn khi thực hiện nghi lễ. Trong giai đoạn thực hiện những nghi lễ cẩn trọng và thành kính đó, âm nhạc cò ke ôống kháo được chọn sử dụng, chắc hẳn phải do người Mường quan niệm rằng âm nhạc cò ke ôống kháo góp phần tạo nên một không gian khác với bình thường, là một sự trang sức, tô điểm giúp cho nghi lễ tín ngưỡng ấy trở nên đẹp đẽ, linh thiêng và có sức thuyết phục hơn, cho nên nó xứng đáng được có mặt tại đó.
Cò ke ôống kháo mang đặc điểm là thể loại hòa tấu khí nhạc, nên có sự tương tác trong hòa tấu dàn nhạc, một trạng thái hưởng thụ thẩm mỹ độc đáo, tinh tế và có ý nghĩa với người trình diễn. Khi các nghệ nhân kết thúc phần hòa tấu âm nhạc, sẽ thấy có lúc họ cùng nở những nụ cười mãn nguyện và hỏi nhau rằng: “Hôm nay có chuyện gì vui thế, chơi nhạc sung thế?”. Lại có khi họ lại nhăn nhó trách móc nhau vì một sai sót nào đó trong phần trình diễn. Đó là vì họ đã cùng nhau vượt qua một hành trình với đủ những cung bậc cảm xúc trong khi trình diễn âm nhạc. Trên hành trình đó, âm nhạc được các nhạc công tạo ra chính là sợi dây kết nối để tạo ra sự đồng điệu. Nó ưu việt hơn ngôn ngữ, vì ngôn ngữ đòi hỏi người ta phải hiểu bằng lý trí, còn âm nhạc tác động vào cảm xúc con người một cách trực tiếp, tuy khó cắt nghĩa nhưng dễ cảm nhận. Nó rất công bằng với mỗi nhạc công, nếu trong phần trình diễn ấy anh ta chơi tốt và là nhân tố tạo nên cảm hứng cho cả ban nhạc, anh ta sẽ tự hiểu được “công trạng” của mình và cũng yên tâm rằng điều đó sẽ được cả ban nhạc ghi nhận. Ngược lại, nếu anh ta đã làm hỏng đôi chỗ, anh ta sẽ tự nhận ra và rút kinh nghiệm cho những lần sau mà không cần người khác phải chỉ ra những sai sót một cách cụ thể.
Thành công trong hòa tấu khí nhạc mang đến khoái cảm, tạo nên sự thụ hưởng tâm lý đặc biệt đối với người chơi nhạc, một “phần thưởng” mà họ nhận được trong khi biểu diễn. Tương tác trong hòa tấu dàn nhạc giải thích lý do khiến cho các nghệ nhân say mê với âm nhạc cò ke ôống kháo bởi họ đã được trải nghiệm trạng thái thăng hoa trong âm nhạc ấy. Có lẽ, đó là lý do chính đáng để người ta tham gia ban nhạc cò ke ôống kháo và gắn bó với nó suốt đời.
Cò ke ôống kháo trở thành một chỉ dấu văn hóa của người Mường, đối với giới trẻ người Mường ở Hòa Bình, tiêu biểu là những người đang đi làm ăn, sinh sống ở địa phương khác. Trong cuộc sống hằng ngày, họ có thể ưa thích thưởng thức các thể loại âm nhạc đại chúng đang thịnh hành (nhạc bolero, pop, rock, jazz của Việt Nam và nước ngoài) giống như bao người trẻ khác. Nhưng mỗi khi được nghe âm nhạc cò ke ôống kháo, ngay lập tức họ sẽ nhận ra đây là âm nhạc truyền thống của nền văn hóa mà họ thuộc về. Thể loại âm nhạc đó đã đồng hành để tiễn đưa người thân của họ về thế giới bên kia (tang lễ), đã cất lên tại ngày vui chung của cả cộng đồng (lễ hội Mường). Ý nghĩa của nó có lẽ không chỉ là thẩm mỹ, mà hơn thế nó mang lại sự tái hiện về mặt cảm xúc, của hình ảnh quê hương thân thuộc, của những sự kiện cộng đồng mà họ tham gia với tư cách là một thành viên chính thức.
Sự công nhận của chủ thể về cò ke ôống kháo như một chỉ dấu văn hóa còn bộc lộ trong các video được đăng tải và tương tác trên YouTube. Tiêu biểu là kênh YouTube Dương Mường TV đã đăng tải 6 video trình diễn cò ke ôống kháo và nhận được nhiều bình luận tích cực (8). Gõ từ khóa “cò ke ôống kháo” có thể thấy kết quả rất phong phú, đa dạng. Trong khoảng 0,26 giây đã cho ra khoảng 68.800 kết quả có liên quan đến cụm từ “cò ke ôống kháo”, trong đó khoảng 3.840 kết quả liên quan đến video.
Vai trò
Là một thành tố qua trọng trong tổng thể nguyên hợp của các thực hành tín ngưỡng: đối với tang ma và lễ hội Mường, sự hiện hữu của cò ke ôống kháo là yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại vẹn nguyên, như mạch nước ngầm “nuôi sống” các thực hành văn hóa truyền thống ấy. Âm nhạc cò ke ôống kháo còn trở thành đặc điểm giúp người ta phân biệt tang ma người Mường với tang ma người Kinh tại các vùng có hai tộc người cùng chung sống.
Cò ke ôống kháo thể hiện vai trò giáo dục truyền thống, trong quá trình truyền dạy bài bản và kỹ thuật trình tấu cò ke ôống kháo, các nghệ nhân còn dạy học trò rèn luyện đạo đức, lối sống, cũng như phải tìm hiểu phong tục tập quán Mường, các quy trình, thủ tục trong các nghi lễ tại đám tang, lễ hội để biết ứng xử cho phù hợp chuẩn mực văn hóa. Mặt khác, đạo đức và lối sống của các nghệ nhân cũng tạo nên uy tín cho họ trong xã hội, họ trở thành tấm gương, hình mẫu văn hóa trong cộng đồng Mường. Sự kính trọng, yêu mến và gần gũi của người dân Mường với các nghệ nhân là những minh chứng cho vai trò giáo dục truyền thống của cò ke ôống kháo mang lại.
Thay lời kết
Căn cứ những phân tích về vai trò và ý nghĩa của cò ke ôống kháo hiện nay đối với cộng đồng người Mường, chúng tôi đi tới một số nhận định:
Thứ nhất, do cò ke ôống kháo tồn tại trong mối liên hệ mang đậm tính nguyên hợp, không thể tách rời với các thực hành văn hóa cổ truyền có liên quan tới đời sống tâm linh của người Mường. Cho nên, chừng nào hệ thống niềm tin và các thực hành tín ngưỡng của người Mường còn được duy trì, thì cò ke ôống kháo vẫn còn không gian để tồn tại.
Thứ hai, với đặc điểm là thể loại âm nhạc hòa tấu không lời, cò ke ôống kháo mang lại những trải nghiệm thăng hoa trong nghệ thuật đối với người thực hành. Đó là ngọn nguồn của sự say mê đối với âm nhạc cò ke ôống kháo trong mỗi nghệ nhân cò ke ôống kháo, tạo nên động lực để họ gìn giữ và lưu truyền nó trong cộng đồng.
Thứ ba, bối cảnh giao lưu và hội nhập của xã hội đi cùng sự phát triển của môi trường mạng internet, từ chỗ chỉ dùng trên máy tính nay được phổ biến cả trên điện thoại di động giúp cho người Mường có nhiều cơ hội để hòa nhập, tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau và tự giới thiệu về mình. Xu hướng này đặt ra nhu cầu khẳng định bản sắc của chính họ: Tôi là ai? Tôi thuộc về nền văn hóa nào? Nền văn hóa của tôi có bản sắc gì? Những điều đó tác động tích cực đến văn hóa dân gian Mường nói chung, âm nhạc cò ke ôống kháo nói riêng. Từ năm 2018 đến nay, các video tự quay trình diễn cò ke ôống kháo bằng điện thoại được người Mường tải lên mạng xã hội YouTube ngày càng nhiều. Đây là một trong những chỉ báo cho thấy các giá trị văn hóa được chính người dân bản địa chủ động đưa nó ra khỏi không gian truyền thống nhằm mục đích để quảng bá về chính mình. Qua đó có thể thấy được sự biến đổi trong nhận thức của cộng đồng chủ thể về cò ke ôống kháo là khá rõ rệt.
Suy ngẫm về những nhận định nêu trên, chúng tôi cho rằng, yếu tố mang tính giải pháp cần thiết nhất mà chúng ta có thể làm để giúp cho một di sản âm nhạc có thể tồn tại trong bối cảnh xã hội hiện nay là nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bởi lẽ, nếu cộng đồng có sự nhận thức đúng đắn về di sản đang sở hữu, sẽ thôi thúc họ hành động để kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó.
________________
1. Dây buông: là cao độ có sẵn của dây đàn ở trạng thái không có sự tác động của ngón bấm.
2. Cách gọi tượng thanh này cũng có cả trong tiếng Việt, ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các thày dùng “mẹo” dạy học trò lên dây đàn nhị bằng cách ngân nga câu: “Cò cò – ke ke” để giúp học trò dễ hình dung ra cao độ giữa hai dây đàn (thường là quãng 5 theo lý thuyết âm nhạc phương Tây).
3. Khác với dàn nhạc tang lễ của người Kinh, thường gắn với thể loại hát khóc.
4. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình, Địa chí Hòa Bình, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.663.
5. Các nhạc khí này không nằm trong biên chế của cò ke ôống kháo.
6. VietEvent Entertainment, Cò ke ống sáo – Nét đẹp trong âm nhạc của người Mường, youtube.com, 2018.
7. Chương trình đầu tiên được đăng trên kênh YouTube: VTV5 – Nhịp sống đồng bào ngày 18-12-2020, chương trình kế tiếp phát sóng ngày 26-9-2021 trên kênh truyền hình VTV5 (đăng lại trên kênh YouTube: VTV5 – Nhịp sống đồng bào).
8. Dương Mường TV, youtube.com.
Tác giả: TS TRẦN BẠCH DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 – 2024