Từ xưa, chiếc quạt đã trở thành vật dụng thân thiết của người dân vùng Bắc Bộ. Hình dáng và tác dụng của chiếc quạt đã được thi sĩ Hồ Xuân Hương miêu tả, gửi gắm nỗi niềm trong bài thơ Cái quạt. Chiếc quạt cũng trở thành một trong những đạo cụ phổ biến nhất trên sân khấu chèo. Trong các vở chèo cổ và hiện đại, chiếc quạt không chỉ là vật trang trí, một số có liên quan đến cốt truyện, đồng thời còn thể hiện tính cách, diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc và trạng thái tâm lý của nhân vật. Trong những vở diễn về Hồ Xuân Hương, các đạo diễn không những đã sử dụng chiếc quạt làm vật trang trí, làm đạo cụ kết hợp với múa, hát, diễn thể hiện tính cách của các nhân vật, mà quạt còn được sử dụng như một biểu tượng của vở diễn. Qua đó, chiếc quạt góp phần làm phong phú thêm hình tượng nhân vật, tính biểu cảm của vở diễn và tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam.
Cảnh kết trong vở diễn Xuân Hương nữ sĩ của Đoàn Chèo Hải Phòng (2024) – Nguồn: Tác giả
1. Chiếc quạt trong vở chèo Hồ Xuân Hương
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được người đời gọi phong là “bà chúa thơ Nôm”. Năm 2022, bà được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa Việt Nam. Thơ của bà đã nêu lên thân phận người phụ nữ thời phong kiến, có ý nghĩa phản ánh xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, cuộc đời bà có nhiều bước thăng trầm về mặt tình duyên và giai thoại về bà khi làm vợ ông Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường như những tấn bi kịch được người đời truyền tụng, trở thành đề tài yêu thích để các văn nhân sáng tác. Năm 1987, vở chèo Hồ Xuân Hương được đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ dàn dựng cho Nhà hát Chèo Việt Nam đã mang đến ấn tượng tốt đẹp đối với giới chuyên môn và người xem. Sau đó tại Hà Nội đã mở cuộc tọa đàm về vở diễn này và bàn về vấn đề kịch bản, đạo diễn, diễn xuất của diễn viên… Điều đặc biệt ở vở diễn này chính là sự vận dụng linh hoạt chiếc quạt vào sự sáng tạo trong các khâu: đạo diễn, biểu diễn, múa và thiết kế mỹ thuật.
Chiếc quạt trong vở diễn được đạo diễn xử lý trong ý đồ đạo diễn và trong thiết kế mỹ thuật, làm đạo cụ múa thể hiện tính cách của các nhân vật. Trong xử lý của đạo diễn, chiếc quạt được vận dụng nhằm truyền tải những câu chuyện tình giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ, Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường. Chiếc quạt ở đây không chỉ dùng để trang trí sân khấu, làm đạo cụ kết hợp với múa, mà còn được đạo diễn sử dụng để kết nối các trò diễn, chuyển tải câu chuyện cuộc đời thi sĩ Hồ Xuân Xương.
Bài thơ ghi đầu tiên trên chiếc quạt là bài thơ do Quan nghè Hổ gửi Xuân Xương khi chàng đã vinh quy bái tổ, từ chối hôn ước với Xuân Hương: “Trách mình số chẳng thành duyên đôi lứa. Hẹn kiếp sau chắp dải hương nguyền”. Sau đó mẹ nàng mất, Xuân Hương mở quạt ngâm bài thơ Bánh trôi nước để bái biệt Chiêu Hổ, khiến cho Chiêu Hổ phục tài thi thơ của nàng, nhưng rất tức giận, bỏ về. Bài thơ thứ hai ghi trên quạt gửi cho ông Tổng Cóc là sau khi bà làm vợ Tổng Cóc. Khi ông Tổng Cóc chết nàng khóc bằng một bài thơ ai oán: “Hỡi chàng ôi, hỡi chàng ôi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/ Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi”. Còn bài thơ thứ ba ghi trên quạt là bài thơ xuân thể hiện cuộc sống tươi đẹp giữa Xuân Hương và ông Vĩnh Tường.
Thiết kế mỹ thuật của Bùi Huy Hiếu cũng lấy điểm nhấn là chiếc quạt. Mở đầu trang trí cảnh 1 là hình ảnh chiếc quạt xòe ra lớn và đề chữ: “Xuân Hương”. Quạt ở đây không còn là vật trang trí nữa mà là phương tiện chuyển tải câu chuyện, nói lên cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của Xuân Hương. Bài thơ tình đầu tiên đề trên quạt Bánh trôi nước như một việc ngầm dự báo những câu chuyện ba chìm bảy nổi của nhân vật chính, mang thông điệp của cả vở diễn. Đạo diễn Bùi Đắc Sừ đã chèo hóa câu chuyện về cuộc đời thi sĩ Xuân Hương – bà chúa thơ Nôm bằng những câu chuyện, sự biến, ngụ ý được gói gọn thông qua sự đối đáp và những bài thơ của bà. Khi Xuân Hương đề thơ lên quạt đã thể hiện sự thanh lịch, tao nhã và phong cách của mình. Dùng chiếc quạt để chuyển tải thơ tình của Hồ Xuân Hương cho Chiêu Hổ, Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường là trò của đạo diễn Bùi Đắc Sừ. Các bài thơ trên quạt đã tạo sự tương tác giữa Xuân Hương với các bạn đời tương lai của mình. Các bài thơ này là những nỗi niềm, lời tỏ tình, bày tỏ cảm xúc, tạo sự gắn kết giữa Hồ Xuân Hương và các nhân vật. Hành động mở quạt của các nhân vật Chiêu Hổ, Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường là một hành động mang tính nghệ thuật cao, tạo điểm nhấn cho vở diễn, giúp khán giả liên tưởng tới những bài thơ về chiếc quạt của Hồ Xuân Hương.
Cái quạt trong vở diễn này đóng vai trò chủ đạo trong cả trang trí lẫn múa, mang theo thông điệp của đạo diễn và mang nét đặc trưng cơ bản của chèo. Rõ ràng chiếc quạt ở đây vừa dùng làm vật trang trí, vừa là phương tiện chuyển tải các bài thơ tình của Hồ Xuân Hương với người tình, người chồng của mình: Chiêu Hổ, Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường. Mỗi bài thơ của Hồ Xuân Hương nói lên hoàn cảnh, thân phận nàng và cả những điều thầm kín của thi nhân trao cho ý trung nhân. Cách ngụ ý bằng bài thơ tình ghi trên chiếc quạt của Xuân Hương là trò của Bùi Đắc Sừ, cũng là dụng ý mà ông muốn khai thác về cuộc đời và thân phận thi sĩ Xuân Hương. Đối với người con gái trong xã hội phong kiến, một bậc thi nhân mà dùng quạt để bày tỏ tình cảm, tình yêu với ý trung quân thì vô cùng nho nhã, kín đáo và thể hiện được tài thơ văn của mình. Nhóm êkíp dùng chiếc quạt để chuyển tải câu chuyện tình với bao nỗi gian truân. Cái quạt cứ khép mở trong tay Xuân Hương đã giúp các nhân vật như: Chiêu Hổ, Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường bày tỏ nỗi niềm của mình, những lời lẽ thẳng thắn, bộc trực mà khi đối diện với Xuân Hương khó nói hết thành lời. Sự vận dụng chiếc quạt này đã được tác giả Hà Đình Cẩn nhận xét: “Về khả năng biểu cảm rất đa chiều của chiếc quạt mà đặt vào tay nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong vở cùng tên đã tạo ra một ngôn ngữ của quạt trên sân khấu thật lý thú, thật ý nhị và sâu sắc. Suốt cả vở chèo các anh đã dùng quạt thật quán xuyến, đặt rất đắt vào những khúc đoạn để đôi khi là tạo ra sự trôi chảy liên tục, hàn liền giữa các mối hàn giữa cảnh này và cảnh khác, giữa tâm trạng này với tâm trạng khác, đôi khi mở quạt ra là dấu ngừng ngắt, giống như lời nhấn nhá của một câu chuyện tình ” (1).
Trong thiết kế mỹ thuật, đạo diễn Bùi Đắc Sừ đã dùng chiếc quạt lớn trang trí, quạt để đề thơ, thể hiện tính cách và tâm hồn nhân vật thi sĩ Hồ Xuân Hương và là biểu tượng của sân khấu chèo. Chiếc quạt ở đây thể hiện tâm hồn lãng mạn, yêu cái đẹp và có kiến thức uyên bác của các bậc bác thơ. Quạt ở đây không chỉ là một đạo cụ mà còn là phương tiện để thể hiện tài năng văn chương, sự nhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Quạt ở đây được sử dụng trong thiết kế mỹ thuật, múa minh họa và dùng làm đạo cụ tùy thân của các diễn viên thể hiện tính cách. Quạt ở đây vừa có ý chuyển tải câu chuyện, vừa có ý tạo điểm nhấn cho vở diễn, là biểu tượng nghệ thuật trong vở diễn.
2. Chiếc quạt trong vở chèo Xuân Hương nữ sĩ
Nếu như đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ dùng thơ đề quạt để chuyển tải câu chuyện, chuyển tải câu chuyện tình của Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ, ông phủ Vĩnh Tường, thì đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi đã sử dụng chiếc quạt là đạo cụ tùy thân kết hợp với múa thể hiện tính cách nhân vật: quạt trong tay Chiêu Hổ, quạt trong tay nữ chính (Xuân Hương), quạt trong tay các bà vợ của Tổng Cóc, quạt trong tay bà chủ Nguyệt Hoa lầu… tạo nên tính cách trái ngược giữa các nhân vật.
Chiếc quạt trong vở chèo Xuân Hương nữ sĩ của đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi được thể hiện rất linh hoạt, vừa thể hiện tính cách nhân vật Xuân Hương, Chiêu Hổ, Tổng Cóc, Phúc Hiền (ông phủ Vĩnh Tường), vừa thể hiện là nho sinh, có học vấn. Ở lớp Xuân Hương gặp Chiêu Hổ, Phúc Hiền đối đáp văn thơ đều dùng quạt để biểu thị phong thái tao nhã của hai bậc thi nhân tài tử xướng họa thi thơ, góp phần làm phong phú thêm hình tượng nhân vật và tăng cường tính biểu cảm cho vở diễn.
Chiếc quạt trong tay hai bà vợ (vợ cả, vợ hai) của ông Tổng Cóc trong lớp đi “đánh ghen”. Việc Tổng Cóc lấy Xuân Hương về làm vợ lẽ đương nhiên bị vợ cả và vợ hai bất bình, nhưng vẫn ngậm đắng nuốt cay, nên họ hùa vào nhau “đánh ghen” với Xuân Hương. Màn đánh ghen của hai bà vợ Tổng Cóc được chuyển hóa từ lớp “đánh ghen” của trích đoạn nổi tiếng trong chèo Tuần Ty – Đào Huế. Sự chuyển hóa trong việc đánh ghen của hai bà vợ (vợ cả, vợ lẽ) của Tổng Cóc khi bà vợ cả dùng quạt quật bà vợ hai được biến đổi từ việc sử dụng quạt đánh ghen của bà Tuần Ty đuổi đánh cô Đào Huế xoay quanh ông Tuần Ty. Lớp múa này cũng thuộc loại múa tính cách, tạo thành lớp “đánh ghen”, chiếc quạt trong tay bà lớn, bà nhỏ tạo thành đạo cụ để đánh ghen Xuân Hương. Chiếc quạt trong lớp diễn này chính là mô tả tính cách nóng nảy, ghen tuông của hai bà vợ ông Tổng Cóc đánh ghen với Xuân Hương. Trong tâm trí bà cả chỉ đánh ghen Xuân Hương, nhưng vì cơn ghen nổi lên đuổi đánh cả bà hai. Các động tác xòe quạt, gập quạt, đập quạt đã thể hiện sự phẫn nộ và đau đớn của hai bà vợ Tổng Cóc. Cách cầm quạt dứt khoát cùng với các động tác múa đánh, quật quạt vào người bà hai thể hiện sự tức giận và căm giận của bà cả, giúp làm nổi bật sự xung đột và mâu thuẫn của hai bà vợ Tổng Cóc đối với Xuân Hương. Lớp trò “đánh ghen” này tạo nên sự sinh động, độc đáo và là lớp múa diễn chuyển hóa từ mô hình lớp “đánh ghen” trong trích đoạn chèo nổi tiếng Tuần Ty – Đào Huế trong vở Chu Mãi Thần. Ở lớp diễn này, cô Đào Huế vừa đay nghiến chồng, vừa dùng cái quạt trong tay quật vào cô vợ bé bất hợp pháp. Thiệt Thê đứng nấp sau Tuần Ty, nhưng cô vợ bé né sau ông Tuần Ty, nên quất trúng vào ông Tuần Ty.
Lớp múa quạt “Chiêu Hổ say đắm với các cô gái ở Nguyệt Hoa lầu” thể hiện sự lả lơi của các cô gái khơi gợi Chiêu Hổ. Lớp múa minh họa kết hợp với âm nhạc và lời ca thể hiện cảnh ăn chơi trác táng của Chiêu Hổ, phản ánh sự thối nát, hủ bại của tầng lớp quan lại mà Chiêu Hổ là đại diện. Những kỹ thuật múa của đôi bàn tay cùng với các động tác múa quạt nhẹ nhàng, sự uyển chuyển cùng với những chuyển động duyên dáng của các cô gái ở Nguyệt Hoa lầu khi ngồi nghiêng người hất quạt, xòe quạt, che quạt, ngửa người quay quạt, đi vòng xòe quạt đều mang tính chất khêu gợi, mê hoặc Chiêu Hổ diễn tả cảnh sa đọa, biến chất của ông quan có tài văn chương. Ở lớp múa này, Chiêu Hổ vốn là nho sinh, học trò của cha Xuân Hương, đỗ đạt ra làm quan, “chí thú văn chương, quan liêm khiết” nhưng sau khi đạt được chức vọng quyền cao, ăn bổng lộc triều đình, lại sa chân vào chốn làng chơi, ngày đêm mê cờ bạc, đắm say với gái làng chơi. Từ một nho sinh, trở thành một ông quan có quyền thế, nhưng ẩn giấu đằng sau cái dáng dấp đạo mạo, quyền cao chức trọng là mặt trái của một kẻ ham mê cờ bạc, say mê tửu sắc, sa đọa, trác táng. Tính thời đại của vở chèo được thể hiện rõ nhất ở lớp này, có tác dụng tố cáo, phê phán những kẻ làm quan, có học hành tử tế, nhưng lại sa đà vào chốn ăn chơi, núp dưới danh nghĩa quân tử, trở thành những kẻ “ngụy quân tử”. Ngôn ngữ ở lớp chèo này có ý nghĩa tố cáo đanh thép, phản ánh xã hội đương thời mạnh mẽ, lên án kịch liệt đối với những nhà cầm quyền hủ bại, phản ánh được sự thối nát của tầng lớp quan lại hủ bại.
Sau lớp này là màn “mua quan bán chức”, ra giá từng chức quan của các quan lại ở Nguyệt Hoa lầu, mà bà chủ của Nguyệt Hoa lầu chính là “sân sau” của phủ Thái… Đặc biệt là màn đối đáp giữa các quan: “Chức tước càng cao, phẩm bậc càng nhiều, toan tính càng nhiều… Quyền cao chức trọng, sung sướng nhất quan lại chúng mình” đả kích vào sự thối nát của các quan lại trong xã hội phong kiến, thể hiện được hiện thực xã hội đương đại.
Nét đặc sắc nhất trong vở diễn Xuân Hương nữ sĩ (2024) của Đoàn Chèo Hải Phòng chính là các bài thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương được lồng vào ngôn ngữ các nhân vật trong vở chèo. Đây chính là sự sáng tạo của nhóm êkip vừa tái hiện được cuộc đời ba chìm bảy nổi của bậc tài nữ “thơ là đời, đời là thơ”, vừa phát huy được tính phê phán, giá trị và ý nghĩa của thơ Xuân Hương trong xã hội. Các bài thơ của Xuân Hương như kể về cuộc đời chìm nổi của bà và là những áng văn chương thể hiện cái nhìn về sự đời, sự suy ngẫm về thế sự, sự phản ánh về quan điểm của bà đối với xã hội phong kiến lúc đó. Mỗi bài thơ của Xuân Hương là những suy ngẫm về cuộc đời, những tiếng nói của bà về người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vở diễn còn là những cuộc xướng họa thơ giữa Hồ Xuân Hương với các thư sinh Chiêu Hổ, Phúc Hiền (ông phủ Vĩnh Tường) ở Cổ Nguyệt đường; màn đối đáp thơ văn giữa Xuân Hương và ông Tổng Cóc; cảnh đối đáp giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ ở Quán thơ. Xuyên suốt vở diễn Xuân Hương nữ sĩ chính là các cuộc đối đáp thi thơ ở Cổ Nguyệt đường, Quán thơ. Sự đối đáp trong Xuân Hương nữ sĩ đã kết duyên đôi lứa giữa Tổng Cóc với Xuân Hương, Phúc Hiền với Xuân Hương. Sự đối đáp giữa Xuân Hương với Tổng Cóc bắt đầu một cuộc tình và cũng là điểm kết thúc mối tình giữa Xuân Hương và Tổng Cóc. Mặc dù Tổng Cóc là người yêu Xuân Hương nhưng vì không muốn Xuân Hương bị dày vò bởi hai bà vợ đành dùng những lời lẽ như cứa vào tim Xuân Hương để nàng ra đi. Cuối cùng, nàng kết duyên với ông phủ Vĩnh Tường, nhưng ông cũng bị khép tội tử hình vì bị vu oan ăn hối lộ, rồi cũng rời xa Xuân Hương.
Sự vận dụng chiếc quạt trong cảnh cuối cùng của vở diễn Xuân Hương nữ sĩ đã thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật chèo trong múa, hát, diễn tái hiện hình ảnh của “bà chúa thơ Nôm” – Xuân Hương thông minh, có trình độ học vấn, dũng cảm và khí chất của con nhà thi thư. Những động tác múa bút đề thơ lên quạt của Xuân Hương cùng tốp múa nữ với trang phục trắng muốt thể hiện sự thanh cao của bà. Động tác cầm bút đề thơ với những động tác ước lệ, cách điệu hóa thể hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của Xuân Hương đối với con người, xã hội. Những áng thơ văn của bà cứ hiển hiện trên sân khấu, được chính tay bà ghi trên chiếc quạt đã đánh vào kỷ cương ác nghiệt của xã hội phong kiến để bảo vệ quyền bình đẳng của người phụ nữ, đả kích vào những nhân vật quyền cao chức trọng được xã hội phong kiến đề cao như những ông quan, các bậc hiền nhân quân tử, có ý nghĩa phản ánh xã hội đương đại.
3. Kết luận
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ sống vào cuối TK XVIII đầu TK XIX. Nội dung trong thơ của bà đã nêu lên thân phận người phụ nữ thời phong kiến. Tuy nhiên, cuộc đời bà có nhiều bước thăng trầm về mặt tình duyên và giai thoại của bà khi làm vợ ông Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường như một tấn bi kịch và được người đời truyền tụng, trở thành đề tài yêu thích để các văn nhân sáng tác. Trong sân khấu chèo, hình tượng Hồ Xuân Hương được khắc họa thành công qua hai vở chèo Hồ Xuân Hương và Xuân Hương nữ sĩ. Chiếc quạt được vận dụng ở hai vở diễn về Hồ Xuân Hương của Nhà hát Chèo Việt Nam và Đoàn Chèo Hải Phòng không chỉ là đạo cụ quan trọng trong diễn xuất mà còn dùng quạt, chuyển tải ý tưởng của êkip dàn dựng, thể hiện nghệ thuật đặc sắc của chèo, góp phần làm phong phú thêm hình tượng nhân vật và tăng cường tính biểu cảm cho vở diễn. Sự vận dụng chiếc quạt ở đây không chỉ phản ánh sự sáng tạo nghệ thuật sân khấu chèo mà còn tôn vinh văn hóa và truyền thống của văn học Việt Nam. Sự kết hợp đạo cụ quạt với múa hát, quạt làm trang trí thiết kế sân khấu, quạt phục vụ cho xử lý của đạo diễn không chỉ phát huy hiệu quả nghệ thuật, sự độc đáo của nghệ thuật chèo, mà còn là một biểu tượng văn hóa, nghệ thuật giúp chuyển tải tinh hoa của sân khấu truyền thống Việt Nam.
___________________
1. Hà Đình Cẩn, Vở chèo Hồ Xuân Hương, Tạp chí Sân khấu, số 100, tháng 2-1989, tr.34-35.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Bảng, Chèo – một hiện tượng sân khấu dân tộc, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1994.
2. Lê Ngọc Canh, Nghệ thuật Múa chèo, Viện Sân khấu xuất bản, Hà Nội, 2003.
3. Trần Đình Ngôn, Đặc trưng ngôn ngữ thể loại và nghệ thuật đạo diễn Chèo, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2020.
4. Trần Việt Ngữ, Về nghệ thuật Chèo, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996.
Tác giả: Ths NGUYỄN THỊ HOÀI ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024