Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủLý LuậnHÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 1...

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 1 + 2 )

18
Ảnh: Internet

Tôi có thể kể vanh vách những đặc sản văn hóa nghệ thuật của Thăng Long – Hà Nội chẳng kém gì hướng dẫn viên du lịch hay nhà Hà Nội học chính hiệu.

Tôi có thể tán lau láu những sự kiện ca nhạc nơi đây cứ như một nhân chứng gốc Hà Nội trăm phần trăm và cả đời chưa hề rời xa mảnh đất này.

Tôi có thể nói thao thao về giá trị nghệ thuật những bài ca Hà Nội hệt giọng mấy anh chị nhà báo chuyên trách mục bình luận âm nhạc hay mấy cô cậu MC chuyên dẫn chương trình ca nhạc.

Tôi cũng thuộc làu làu danh mục và lời ca những bài hát được yêu thích về Hà Nội có lẽ chả thua các ca sĩ hay các “fan” của họ.

Song, tôi biết gì về những tác phẩm âm nhạc “lớn hơn ca khúc” của Hà Nội?

Trong bao nhiêu thông tin và kiến thức về âm nhạc Hà Nội mà ta đã tỏ tường, hóa ra vẫn còn một khoản khiến con người “biết tuốt” trong ta bỗng e dè, thậm chí còn chẳng ngờ đến sự hiện hữu của nó.

Ấy thế mà sự hiện hữu đã có thâm niên vài chục năm rồi, tuy vẫn ngắn cho quá trình phát triển một loại hình nghệ thuật, nhưng cũng đủ tuổi cho cả một đời người. Đó là sự tồn tại của nhạc thính phòng, giao hưởng và hợp xướng – những tác phẩm thoát ra khỏi khuôn khổ bài hát quần chúng bấy lâu nay vẫn được coi như thể loại “ruột” của dân ta, những sáng tác vượt qua giới hạn chỉ có duy nhất một bè giai điệu để vươn tới âm nhạc nhiều bè chuyên nghiệp, và nhiều khi còn chối từ luôn cả cách biểu hiện trực diện bằng lời ca để cất cánh theo cái phóng túng vô biên của nghệ thuật âm thanh không lời.

Chính vì mở rộng hình thức và khuôn khổ biểu hiện, nên những tác phẩm khí nhạc và hợp xướng gặp nhiều trở ngại trong dàn dựng, trình diễn cũng như cảm thụ và chưa thể đi vào đời sống xã hội dễ dàng, tự nhiên như ca khúc. Cơ hội tiếp cận hiếm hoi thế nên chẳng mấy ai dám chắc mình là dân sành điệu về món ăn tinh thần cao cấp này.

Mặt khác, phương tiện biểu hiện càng phong phú và tính khái quát càng cao, thì tiềm năng càng lớn trong việc chinh phục những thính giả không nói tiếng Việt, cơ hội càng nhiều cho tham vọng hội nhập một cách bình đẳng trên diễn đàn âm nhạc thế giới bằng thứ ngôn ngữ không cần đến phiên dịch. Vì vậy, dù thiếu nguồn cổ vũ cần thiết từ quảng đại quần chúng, những tác phẩm không phải ca khúc vẫn được sinh ra, vẫn nhẫn nại nằm chờ ngóng đợi một ngày đẹp trời được đến với đời để kể những câu chuyện bằng âm thanh đa tầng, đa sắc và đa nghĩa.

Trong những câu chuyện âm thanh đầy gợi mở ấy hiện diện một Thủ đô vừa xa xưa vừa mới mẻ, linh thiêng mà thân thương, kiêu tráng mà thơ mộng. Với tính đồ sộ của nhạc nhiều bè và tính trừu tượng của nhạc không lời, mỗi người có thể tìm thấy một Hà Nội cho riêng mình, theo cách cảm nhận của người Hà Nội hoặc người phương xa, những người từng biết nơi đây hoặc chưa một lần đến nơi đây.

Muốn thăm viếng di tích lịch sử hay chiêm ngưỡng cảnh tượng thiên nhiên của Thủ đô, muốn tiếp cận tài sản văn hóa nghệ thuật vật thể và phi vật thể của Hà thành ngàn năm văn hiến, lẽ nào ta lại bỏ qua một trong những sản phẩm phi vật thể là đây, một tấm gương ảo phản chiếu hình ảnh những nơi cần thăm thú, chẳng những hình ảnh của thời hiện tại, mà cả thời đã qua, đặc biệt những tháng ngày đã đi vào sử sách.

Một giá trị vô thể như thế lại được “cụ thể hóa” bằng cuộc hành trình vô hình, có chặng lướt qua bề rộng, có chặng dấn tới chiều sâu, cho ta cái nhìn toàn cảnh về đời sống khí nhạc tại Thủ đô, về những nét nổi bật trong đề tài nội dung và ngôn ngữ âm nhạc của tác phẩm về Hà Nội.

Vậy thì còn chần chừ gì mà ta chưa bắt đầu cuộc thưởng ngoạn Hà Nội trong thế giới cảm xúc được dẫn dắt bằng trí tưởng tượng theo những tác phẩm thính phòng, giao hưởng và hợp xướng?

CHẶNG THỨ NHẤT: CÁI NÔI KHÍ NHẠC

Hà Nội từng là cái nôi của nhạc hát trước khi có thêm “đứa em” sinh sau đẻ muộn là nhạc đàn. Từ chỗ ấp ủ ý tưởng cải cách nghệ thuật, tới thập niên 30 của thế kỷ XX, đất Hà thành đã nuôi dưỡng những mầm sáng tạo nhạc mới và đón nhận những bài hát đầu tiên của thế hệ nhạc sĩ đầu tiên, trong đó có cả những tác giả không thuộc về Hà Nội.

Vì sao Hà Nội lại trở thành đất khí nhạc, chứ không phải nơi nào khác?

Chẳng hạn Sài Gòn cũng có những thể nghiệm nhạc đàn ngay từ đầu những năm 40. Đất Sài Gòn luôn mở rộng cánh cửa thông thương với thế giới bên ngoài và cho đến nay vẫn được coi là địa phương đi đầu trong cả nước về tính nhanh nhạy, thức thời và táo bạo. Hơn nữa, Hòn ngọc Viễn Đông không bị đối mặt trực diện với sự tàn phá dữ dội của hai cuộc chiến tranh như Hà Nội, điều này có ý nghĩa không nhỏ trước đòi hỏi đầu tư lớn về nhiều mặt cho những loại hình nghệ thuật có đẳng cấp.

Trước hết, so với một Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh nay luôn có cái sôi động của một thương trường, một trung tâm nhạc thương mại rất “kết” với thể loại ca khúc quần chúng mang tính giải trí, thì Thăng Long – Hà Nội giống một “thi trường” hơn, vì đất này rất chú trọng truyền thống đèn sách học hành, thi cử đỗ đạt và luôn tôn vinh sự uyên bác tri thức vốn là một đặc tính của văn hóa đỉnh cao, mà trong đó nhạc hàn lâm là một “đỉnh” của văn học nghệ thuật.

Mô tả tính cách sĩ phu Bắc Hà xưa, người ta thường kê ra nào là ham hiểu biết, hiếu học, bền chí, sâu sắc…; nào là thâm thúy chất trí tuệ, khoái tìm kiếm ẩn ý trong sự đa nghĩa, hay lý sự, thích suy tư, ưa chuẩn mực… Kẻ sĩ Hà thành là thế, đa tài và cũng rất đa tình đa cảm. Vùng “đất bồi” dễ cộng hưởng cái hay cái đẹp từ muôn phương, ít nhiễm căn bệnh địa phương chủ nghĩa nên không dị ứng với cái mới cái lạ, đặc biệt những thứ cao siêu tính học thuật kinh viện và sâu sắc tính tư tưởng triết lý.

Bởi vậy, khi tiếp nhận thành tựu văn hóa âm nhạc phương Tây, Hà Nội không dừng ở hình thức đơn giản nhất là ca khúc, mảnh đất văn hiến đầy mình đã chẳng ngại ngần từng bước chậm mà chắc tiến dần vào lãnh địa đòi hỏi nhiều kỹ năng và trí tưởng tượng hơn, đó là nhạc hát nhiều bè và nhạc đàn với các thể loại khác nhau: độc tấu, hòa tấu thính phòng và giao hưởng.

Ngay từ buổi bình minh của tân nhạc đã xuất hiện vài ba tiểu phẩm hòa tấu, chủ yếu chuyển soạn từ giai điệu ca khúc. Đấy là dấu hiệu manh nha cho sự hình thành nhạc đàn, và cũng là một trong những biểu hiện chứng tỏ nền khí nhạc của ta đã lớn lên từ ca khúc.

Song, theo nhận định của các nhà sử nhạc, khí nhạc chuyên nghiệp chính thức ra đời và tồn tại chỉ khi nào môi trường đủ “chín” ở cả ba mắt xích liên hoàn: nhà soạn nhạc – người biểu diễn – người thưởng thức. Để thấy môi trường Thủ đô là nơi có đủ độ chín hơn cả, ta hãy lần lượt làm quen với ba nhân vật chính nắm trong tay vận mệnh của khí nhạc nước nhà.

Nhân vật thứ nhất: người tạo nên hình hài tác phẩm

Trong cuộc gặp mặt “cha đẻ” các tác phẩm khí nhạc về Hà Nội dĩ nhiên phải dành ưu tiên hàng đầu cho các tác giả Hà Nội gốc, gồm những người có quê quán ngay đây (tính theo địa giới hành chính hiện nay) và những người tuy nguyên quán không ở Hà thành nhưng đã chọn đất này làm nơi chôn rau cắt rốn và định cư lập nghiệp.

Mở màn là các nhạc sĩ tiền chiến. Họ thuộc lứa nhạc công đầu tiên chuyên chơi đàn ở tiệm nhảy, phòng trà hoặc dạy nhạc kiếm sống, cho nên những bản hòa tấu không lời đầu tiên được phỏng đoán cũng mang hương vị phòng trà.

Về các tác giả thuộc thế hệ 1X từng bước chân tới lĩnh vực nhạc đàn có thể kể đến Nguyễn Xuân Khoát (1910-1994), Văn Chung (1914-1984), Lê Yên (1917-1988), Nguyễn Đình Phúc (1919-2001), Tạ Phước (1919-1977)…

Kế đến những tác giả thành danh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Bắt đầu có bước chuyển tiếp từ vốn kinh nghiệm thuần túy đến sự đào tạo có bài bản ở nước ngoài hoặc trong nước qua các lớp ngắn hạn với chuyên gia nước ngoài. Các nhạc sĩ thời kháng chiến đã chung tay góp sức cùng lứa nhạc sĩ tiền chiến lát những viên gạch đầu tiên cho nền khí nhạc Việt Nam.

Những tác giả Hà Nội thế hệ 2X-3X tham dự vào quá trình hình thành khí nhạc có: Huy Du (1926-2007), Lương Ngọc Trác (1928), Nguyễn Đức Toàn (1929), Hoàng Vân (1930), La Thăng (1930), Chu Minh (1931), Hoàng Đạm (1931), Hoàng Dương (1933), Doãn Nho (1933), Huy Thục (1934), Nguyễn Thị Nhung (1936), Đỗ Dũng (1939)…

Danh sách tác giả Hà Nội gốc được bổ sung thêm những nhạc sĩ thời hậu chiến. Xuất thân từ các “lò” đào tạo chính quy trong và ngoài nước, thế hệ 4X-5X là những nhân tố tích cực khẳng định đẳng cấp chuyên nghiệp cho đội ngũ khí nhạc Thủ đô. Mặt khác, họ cũng mở rộng hiệu quả xã hội của khí nhạc trong các loại hình nghệ thuật tổng hợp với hình thức nhạc phim, nhạc sân khấu.

Lứa nhạc sĩ đang ở độ tuổi cân bằng giữa sự từng trải và sức sáng tạo ấy là: Trần Trọng Hùng (1943), Ngô Quốc Tính (1943), Nguyễn Cường (1943), Đặng Nguyễn (1943), Phó Đức Phương (1944), Thụy Loan (1945), Phú Quang (1949), Đặng Hữu Phúc (1953), Nguyễn Chính Nghĩa (1953), Vũ Duy Cương (1953), Đỗ Hồng Quân (1956), Trọng Đài (1958), Hoàng Lương (1959)…

Các nhạc sĩ thế hệ 6X-8X cũng như lứa đàn anh 5X được sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, nên gốc gác quê quán dù nơi đâu thì họ vẫn được coi như người Hà Nội thứ thiệt. Đây là những gương mặt trẻ trung, hứa hẹn mang lại sức sống mới và tính đa dạng cho ngôn ngữ khí nhạc đầu thế kỷ XXI: Quốc Trung (1966), Minh Đạo (1968), Doãn Nguyên (1969), Vũ Nhật Tân (1970), Trần Mạnh Hùng (1973), Xuân Phương (1973), Lưu Hà An (1973), Trần Kim Ngọc (1975), Giáng Son (1975), Đặng Tuệ Nguyên (1981)…

Thực ra chẳng thấy sự khác biệt nào giữa các nhà soạn nhạc Hà Nội gốc với các tác giả từ nơi khác đến và hiến cả đời cả nghiệp cho thành phố này. Trở thành cư dân Thủ đô, họ làm đẹp thêm đội hình tác giả nhạc đàn và hợp xướng.

Những nhạc sĩ thuộc diện người Hà Nội “gốc ngoại-Hà-Nội” ấy là: Vân Đông (1919-2001), Đỗ Nhuận (1922-1991), Văn Cao (1923-1995), Phạm Đình Sáu (1926-2007), Văn Ký (1928), Nguyễn Đình Tấn (1930 – 2001), Trần Ngọc Xương (1930-1994), Trọng Bằng (1931), Trần Quý (1931), Đàm Linh (1932-2001), Nguyên Nhung (1933-2008), Xuân Tứ (1933), Vĩnh Cát (1934), Thuận Yến (1935), Đinh Quang Hợp (1935), Hồng Đăng (1936), Thanh Hà (1937),  Lê Tịnh (1937), Nguyễn Xinh (1940-1996), Nguyễn Đình Bảng (1942), Minh Khang (1944), Phúc Linh (1947), An Thuyên (1949), Văn Thành Nho (1949), Huy Loan (1949), Nguyễn Thiếu Hoa (1952), Đức Trịnh (1955)…

Không thể không nhắc tới những nhạc sĩ từng gắn một phần đời mình với Hà Nội, bởi Hà Nội đã cho họ một quãng đời có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp của họ, rồi đến lượt họ đã hoặc đang làm giàu thêm cho danh mục khí nhạc và hợp xướng của Thủ đô.

Những người khác xứ nặng duyên nợ, nặng ân tình với đất Hà thành ấy là: Nguyễn Văn Thương (1919-2002), Lưu Hữu Phước (1921-1989), Tô Vũ (1923), Tô Hải (1927), Trần Kiết Tường (1925-1999), Hoàng Việt (1928-1967), Nhật Lai (1931-1987), Nguyễn Văn Nam (1933), Quang Hải (1935), Lân Tuất (1935), Lê Khiêm (1935), Phan Ngọc (1936), Lư Nhất Vũ (1936), Trí Thanh (1937-1999), Ca Lê Thuần (1938), Thế Bảo (1938), Nguyễn Thiên Đạo (1940), Mông Lợi Chung (1941), Phạm Minh Tuấn (1942), Hoàng Cương (1944)…

Tuy là bậc sinh thành ra hình hài tác phẩm, nhưng nhà soạn nhạc nhiều khi lại hoàn toàn bất lực trước sự sống còn của đứa con tinh thần. Tác phẩm vẫn chỉ là những nốt nhạc lặng câm, những mớ giấy vô hồn nếu không được trao thân gửi phận vào tay người thể hiện.

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 2)

Ảnh: Internet

(Tiếp theo)

Nhân vật thứ hai: người dựng “hồn vía” cho tác phẩm

Rất công bằng khi coi nghệ sĩ thổi hồn dựng vía cho tác phẩm là người sáng tạo thứ hai sau tác giả. Thế nên ta cần lướt qua vài mốc lý lịch trích ngang của nhân vật thứ hai này.

Cơ sở đào tạo âm nhạc đầu tiên ở Đông Dương là Pháp quốc Viễn Đông Âm nhạc viện (Conservatoire français d’Extrême-orientdo người Pháp tổ chức tại Hà Nội (1927-1930) đã cho “ra lò” lứa nhạc công đầu tiên, như Lưu Quang Duyệt (1900-1984), Nguyễn Xuân Khoát (1910-1994), Nguyễn Văn Giệp (1910-?), Phạm Huy Quỹ (1910), Phạm Huy Kỳ (1911-1998), Nguyễn Hữu Hiếu (1917-1965)…

Cùng với họ, một số nhạc công tự học hoặc xuất thân từ các lớp dạy đàn tư nhân cũng trở thành những gương mặt đáng chú ý trong sinh hoạt âm nhạc Hà thành với các hoạt động khác nhau – chủ yếu là chơi đàn và dạy nhạc: Phạm Đăng Hinh (1910-?), Lã Hữu Quỳnh (1911-1977), Đinh Ngọc Liên (1912-1991), Văn Chung (1914-1984), Lê Thương (1914-1996), Dương Thiệu Tước (1915-1995), Thẩm Oánh (1916-1996), Lê Yên (1917-1988), Doãn Mẫn (1919-2007), Nguyễn Thiện Tơ (1921)…

Ở thời tiền chiến và kháng chiến chống Pháp, người sáng tác và biểu diễn gần như là một. Chỉ từ nửa sau thập niên 50 mới thực sự hình thành đội ngũ biểu diễn chuyên nghiệp được đào tạo có bài bản cho quy mô lớn, gồm nhạc công giao hưởng, diễn viên hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng và nghệ sĩ độc tấu. Đa số thành phần này là “sản phẩm” của Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập năm 1956. Một số khác được tu nghiệp ở các nhạc viện Liên Xô, Trung Quốc và một số nước Đông Âu.

Chất lượng tăng dần cùng số lượng, đủ để gây dựng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam năm 1959 và Dàn Hợp xướng năm 1961, rồi hai dàn nhập lại thành Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc vũ kịch Việt Nam năm 1963. Ít lâu sau còn có thêm Dàn nhạc Giao hưởng Hợp xướng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Xưởng phim truyện Việt Nam.

Thập niên 60 đầy ắp những sự kiện đáng nhớ trong đời sống âm nhạc Thủ đô, đặc biệt những buổi trình làng các giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch đầu tiên của Việt Nam. Giai đoạn chiến tranh nóng bỏng nhất cũng là lúc các nghệ sĩ đã làm nên kỳ tích cho bước khởi đầu của ngành biểu diễn nhạc giao hưởng thính phòng ở Thủ đô. Kỳ tích ấy còn được ghi nhận như cuộc tiến công của một “binh chủng” đặc biệt khi Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam xuất hiện tại Sài Gòn, được ví như một đoạn kết huy hoàng cho chiến thắng mùa xuân năm 1975.

Sau một thời hậu chiến đầy sóng gió, sinh hoạt khí nhạc chuyên nghiệp ở Thủ đô đã đi qua cơn bĩ cực để hướng tới hồi thái lai. Như để bù lại những tháng ngày lặng câm, dàn nhạc của ta với lực lượng nhạc công trẻ trung và được đào tạo chính quy lại hào hứng cất tiếng khẳng định “tầm cỡ khu vực” của mình.

Hiện nay, bên cạnh Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia còn có Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội và Dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch; bên cạnh các nhạc trưởng của Thủ đô: Trọng Bằng, Đỗ Dũng, Cao Việt Bách, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thiếu Hoa…, còn thường xuyên có mặt các nhạc trưởng sống xa Tổ quốc mà vẫn được coi là người Hà Nội gốc: Nguyễn Thiên Đạo, Lê Phi Phi, và cả các nhạc trưởng ngoại quốc cũng trở nên thân thuộc như người nhà: Yoshizaku Fukumura (Nhật), Colin Metters (Anh), Tetsuji Honna (Nhật), Graham Sutcliff (Anh)…

Thủ đô là nơi sinh ra và hội tụ nhiều tay đàn cự phách. Họ giữ vai trò cầu nối giữa tác phẩm với công chúng, trước hết với công chúng Thủ đô, công chúng trong nước và còn xa hơn thế. Không ít người từng thi thố tài năng trên “đấu trường” quốc tế và một số nghệ sĩ bằng chiến thắng của mình đã cho thế giới biết đến một quốc gia gần như vô danh trên bản đồ âm nhạc hàn lâm. Sự hội nhập ngày càng hiệu quả hơn một phần nhờ những đứa con Hà Nội xa xứ đang trở thành những “đại sứ” văn hóa nghệ thuật người Việt trên diễn đàn âm nhạc thế giới.

Gắn bó với các chương trình hòa nhạc trên sân khấu, trên sóng phát thanh truyền hình cả nước là những tên tuổi đã hoặc đang mang hộ khẩu Hà Nội, như các nghệ sĩ violon: Tạ Bôn (1942), Khắc Huề (1944), Ngô Văn Thành (1951), Trần Mạnh Hùng (1956)…; các nghệ sĩ piano: Hoàng My (1941-1990), Nguyễn Hữu Tuấn (1942-2004), Nguyệt Minh (1950), Đặng Thái Sơn (1958)…; các nghệ sĩ violoncelle: Vũ Hướng (1934), Bùi Gia Tường (1937), Ngô Hoàng Quân (1956), Trần Thị Mơ (1959)…; các nghệ sĩ hát: Trần Hiếu (1936), Quý Dương (1937), Trung Kiên (1939), Lê Dung (1951-2001)…

Tác phẩm được trình diễn mà không nhận được phản hồi từ phía người nghe thì khác nào bị ném vào hư không, để rồi chẳng mấy lúc bị quên lãng như chưa từng có mặt trên đời. Thế nên vẫn chưa thể nói tác phẩm có một đời sống xã hội thực sự nếu chuỗi liên hoàn khuyết mất mắt xích cuối cùng: công chúng.

Nhân vật thứ ba: người đón nhận tác phẩm vào đời

Nhạc hàn lâm vốn là nghệ thuật kén khách. Thính giả biết nghe và có nhu cầu thưởng thức nhạc đàn và hợp xướng xưa nay vẫn không thuộc về số đông. Vì số lượng nhỏ bé ấy chủ yếu nằm trong địa bàn Hà Nội nên ở lĩnh vực này, thính giả Thủ đô vẫn được coi là dân sành điệu nhất.

Người Hà Nội bắt đầu làm quen với nhạc đàn và hợp xướng từ những năm đầu thế kỷ XX qua sinh hoạt âm nhạc của nhà thờ, của dàn kèn nhà binh, của phong trào hướng đạo sinh, qua nhạc giải trí của phòng trà, quán bar, rạp chiếu bóng… Ngay từ thời ấy, dân Hà thành cũng từng được thưởng thức chút hương vị nhạc Cổ điển, Lãng mạn châu Âu qua đĩa hát và những buổi lưu diễn của nhạc công nước ngoài.

Như người bạn đường chung tình, công chúng Thủ đô đã đồng hành theo từng bước trưởng thành từ đầu nửa sau thế kỷ XX của các nhạc công và nhạc sĩ Việt Nam. Những năm 60, người nghe hân hoan xúc động trước những buổi ra quân tại Nhà hát Lớn của dàn nhạc ta với đôi ba giao hưởng của Mozart, Beethoven và vở nhạc kịch Ep-ghê-nhi Ô-nhê-ghin (Egène Onéguine) của Tchaikovsky.

Họ còn là nhân chứng của nhiều cột mốc khởi nguồn cho sáng tác khí nhạc, là thính giả đầu tiên đón nhận những thử nghiệm đầu tay của giới cầm bút, như tiểu phẩm thính phòng Ra khơi cho violon và piano (Tạ Phước) năm 1942, hòa tấu nhạc cụ truyền thống Nông thôn đổi mới (Tô Vũ và Tạ Phước) năm 1957, ouverture Đợi chờ (Tạ Phước) năm 1958, vở ca kịch về Hà Nội Qua cầu sông Cái (Nguyễn Xuân Khoát) vào cuối thập niên 50.

Công chúng Hà Nội đã chứng kiến buổi ra mắt ca múa cảnh Hái hoa dâng Bác (Vĩnh Cát), hai kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (Lương Ngọc Trác, Huy Thục, Nguyễn Thành) và Tấm Cám (Nguyễn Văn Thương, Văn Chi) vào năm 1960. Những năm 60 – thập niên vàng của khí nhạc Việt Nam – tiếp tục mở màn cho thể loại thơ giao hưởng: Thành đồng Tổ quốc (Hoàng Vân) và Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), cho các thể loại lớn: liên khúc giao hưởng Quê hương (Hoàng Việt) và nhạc kịch Cô Sao (Đỗ Nhuận). Thuận đà xốc tới, thể loại nhạc kịch còn công diễn thêm các vở Bên bờ K’rông Pa (Nhật Lai) và Người tạc tượng (Đỗ Nhuận).

Bên cạnh một vài vở nhạc kịch kinh điển thế giới – như Fidelio (Beethoven), Madam Butterfly (Puccini)… – dàn dựng vào thập niên 70, công chúng Thủ đô còn đón nhận một mùa bội thu của thể loại “cây nhà lá vườn” có tên gọi là kịch hát mới, với hàng loạt vở diễn liên tiếp ra đời vào cuối thập niên 80, như: Xin lĩnh án tử hình (Vĩnh Cát), Chuyện tình Tiên Du (Phó Đức Phương), Duyên nợ tình đời (Đặng Nguyễn), Nàng công chúa lên rừng (Văn Thành Nho), Huyền thoại về một mối tình (An Thuyên), Câu chuyện tình (Đỗ Hồng Quân), Yêu trước Phật đài (Trọng Đài)…

Sự bùng phát tuy ngắn ngủi loại kịch hát mới đó đã phản ánh khát vọng tìm tòi của giới sáng tác chuyên nghiệp trong những thể nghiệm pha trộn phương tiện biểu hiện của nhạc kịch (opéra) và nhạc giải trí phương Tây với một số yếu tố nhạc sân khấu truyền thống của ta, nhằm tạo ra một loại hình âm nhạc sân khấu tổng hợp vừa sức với khả năng sáng tác, biểu diễn và quan trọng hơn cả là thích hợp với trình độ thưởng thức của công chúng Việt Nam.

Lại cũng giới yêu nhạc hàn lâm ở Thủ đô chứng kiến sự hồi sinh không dễ dàng của nhạc giao hưởng thính phòng vào những năm 90. Vượt qua cơn lốc nhạc giải trí theo thị hiếu số đông, Hà Nội không hoàn toàn bỏ quên nhu cầu thưởng thức khí nhạc của một phần rất nhỏ trong công chúng.

Đêm nhạc kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2000 đã đem lại cho thính giả Thủ đô những tác phẩm giao hưởng dành tặng Thủ đô: bản khởi nhạc tùy hứng Chào năm 2000 – chào thiên niên mới (Trọng Bằng), thơ giao hưởng Rồng – Tiên (Ngô Quốc Tính)[1], giao hưởng số 3 Thăng Long thiên niên kỷ (Trần Trọng Hùng) và giao hưởng Sóng hồn (Nguyễn Thiên Đạo).

Bước sang thế kỷ XXI, công chúng Thủ đô bắt đầu làm quen với các “Đêm tác giả” chỉ thuần khí nhạc, trong đó giới thiệu những tác phẩm giao hưởng, hợp xướng về Hà Nội hoặc viết tại Hà Nội của một tác giả, như chương trình của các nhạc sĩ Vĩnh Cát năm 2002, Hoàng Vân năm 2005, Đỗ Dũng năm 2007.

Gần đây nhất có một sự kiện khí nhạc được báo chí luận bàn rôm rả, chứng tỏ đã để lại ấn tượng không nhỏ cho công chúng, đó là cuộc trình diễn trong Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 tại Hà Nội bản Khai giác (Nguyễn Thiên Đạo), một tác phẩm giao hưởng hợp xướng hoành tráng với kỷ lục 500 người diễn.

Dù còn ở tỉ lệ rất thấp nhưng thành phần nghe nhạc “có tri thức” đang tăng dần và trở thành một trong những động lực thúc đẩy chất lượng những món ăn tinh thần “made in Việt Nam”, vì như ta vẫn biết, tác phẩm khí nhạc chỉ thực sự sống khi nó được vang lên bằng âm thanh, đủ sức thuyết phục và chiếm được chỗ đứng trong lòng thính giả.

Phần lớn các tác phẩm nhạc đàn và hợp xướng trong gia tài âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đều liên quan tới Hà Nội: thuộc đề tài Hà Nội hoặc tác giả Hà Nội, được viết tại Hà Nội hoặc được dàn dựng và công diễn lần đầu tại Hà Nội. Song chỉ những câu chuyện âm nhạc kể về mảnh đất này mới là trọng tâm của các chặng đường tiếp theo.

 (Còn nữa)

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

[1] Thơ giao hưởng Rồng – Tiên của Ngô Quốc Tính sau đổi tên thành Rồng bay rùa hát.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN