Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủLý LuậnGÓC TIẾP CẬN CỦA NHẠC SĨ VỚI ĐỀ TÀI VỀ HÀ NỘI

GÓC TIẾP CẬN CỦA NHẠC SĨ VỚI ĐỀ TÀI VỀ HÀ NỘI

14

Hà Nội là địa danh lịch sử, văn hóa, chính trị quan trọng nhất trong lịch sử nước ta. Trải qua mấy ngàn năm hình thành, tồn tại và phát triển, thủ đô Hà Nội trở thành trái tim của đất nước, là niềm tự hào lớn lao của con người Việt Nam. Hà Nội là nơi có hệ thống các địa danh văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh nhiều bậc nhất nước ta. Với vẻ đẹp dịu dàng, trầm lắng, nét văn hoá khôi nguyên, hiền hoà, Hà Nội trở thành một niềm cảm hứng sáng tác của biết bao nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ. Biết bao tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội đã ra đời ca ngợi vẻ đẹp thủ đô, ca ngợi hình ảnh của một Hà Nội với khí thế hào hùng và mạnh mẽ trong vị thế thủ đô trong cuộc đấu tranh vệ quốc, ca ngợi vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của thiên nhiên, cảnh vật, con người, truyền thống lịch sử và nét thanh lịch độc đáo của Hà Nội.

      

Với bề dày lịch sử và văn hóa của mình, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhạc sĩ. Đề tài Hà Nội không chỉ đơn thuần là chủ đề của các tác phẩm âm nhạc mà còn là một không gian để các nhạc sĩ thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Góc tiếp cận của nhạc sĩ đối với Hà Nội có thể được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh khác nhau. Trong bài tham luận này, tôi xin điểm qua một số góc tiếp cận chính của các nhạc sĩ khi sáng tác về chủ đề Hà Nội.

  1. Tôn vinh giá trị lịch sử – Khám phá di sản văn hóa.

Một trong những cách tiếp cận phổ biến của các nhạc sĩ là tôn vinh giá trị lịch sử – Khám phá di sản văn hóa của Hà Nội. Các tác phẩm âm nhạc thường xuyên sử dụng nội dung viết về lịch sử Hà Nội và những yếu tố đặc trưng của âm nhạc truyền thống thông qua việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn nguyệt, đàn Đáy…hoặc sử dụng giai điệu dân ca và các giai điệu mang âm hưởng dân gian. Những yếu tố này không chỉ gợi nhớ về lịch sử và bản sắc văn hóa mà còn giúp tạo ra sự kết nối sâu sắc với người nghe, đặc biệt là những thế hệ gắn bó với di sản văn hóa của thành phố.

Ví dụ: Một số tác phẩm Tôn vinh giá trị lịch sử của Hà Nội như: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) , Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Vở Thanh xướng kịch 4 chương mang tên “Hoa Lư – Thăng Long: Bài ca dời đô” của Nhạc sĩ Doãn Nho…

  Trong Hợp xướng: Dời đô-Ngàn năm vang mãi của Nhạc sĩ-NSND Nguyễn Tiến. Đây là tác phẩm sử dụng chất liệu Tuồng để chuyển tải được tinh thần hào sảng và oai phong. Đặc biệt, trong phần phối khí, nhạc sĩ đã sử dụng các nhạc sụ dân tộc như : kèn sô-na, trống chiến (sử dụng trong dàn nhạc Tuồng) đã làm tăng thêm hào khí của cha ông; hay ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa” của Nhạc sĩ Lê Mây. Trong ca khúc này, nhạc sĩ đã chắt lọc cả quá trình phát triển của kinh thành Thăng Long để dùng hai từ “linh thiêng” và “hào hoa” như một sự tổng kết về hồn cốt một kinh đô ngàn năm tuổi trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Phần âm nhạc được cấu trúc bởi hai đoạn nhạc, giai điệu phảng phất nét ca trù của vùng châu thổ sông Hồng.

  1. Hà Nội trong ký ức và tình yêu- Đưa vẻ đẹp cuộc sống vào âm nhạc

Nhiều nhạc sĩ tiếp cận Hà Nội qua lăng kính của ký ức và tình yêu. Hà Nội hiện lên như một hình ảnh thân thuộc, gắn bó với những kỷ niệm đẹp và tình yêu sâu sắc. Các bài hát như “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân hay “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp… mang đến một cảm giác hoài niệm và tình cảm thiết tha, sâu lắng.

Vẻ đẹp của Hà Nội , nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô đã nuôi dưỡng tâm hồn của các văn nghệ sĩ sáng tác ra những tác phẩm sống mãi với thời gian. Từ những hình ảnh “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…” trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh, hay “Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa. Ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn…” trong “Phố nghèo” của nhạc sĩ Trần Tiến, đến “ Em ơi Hà Nội phố. Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa…” là những câu thơ của nhà thơ Phan Vũ được nhạc sĩ Phú Quang thổi hồn thành khúc ca da diết, lắng sâu về HN.

Một ví dụ nữa: Chỉ với chủ đề về Mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm ở mảnh đất này thì đã có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Có phải em mùa thu Hà Nội ( Tô Như Châu, Trần Quang Lộc); Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn) ; Hà Nội Mùa thu (Vũ Thanh) ; Hà Nội đêm trở gió (Chu Lai,Trọng Đài)…

  1. Phản Ánh Cuộc Sống Hiện Đại

Hà Nội hiện đang trải qua những sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa. Các nhạc sĩ thường phản ánh những biến chuyển xã hội và đời sống của Hà Nội trong tác phẩm của mình qua việc sử dụng âm thanh và cấu trúc âm nhạc hiện đại. Họ thường tập trung vào các chủ đề như đô thị hóa, những thách thức trong cuộc sống đô thị, và sự thay đổi của thành phố. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ vẫn lồng ghép những nét đẹp văn hóa của Hà Nội vào tác phẩm của mình để thấy một Hà Nội đang phát triển từng ngày nhưng vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa của mình. Một Hà Nội trong nhịp sống thân quen nhưng đầy chất thơ trong “Nồng nàn Hà Nội” (Nguyễn Đức Cường) hay một Hà Nội giản dị mà sống động trong ca khúc “Hà Nội trà đá, vỉa hè” ( Đinh Mạnh Ninh);và cũng là Hà Nôi nhưng lại lãng mạn và đầy sức sống trong “ Hà Nội 12 mùa hoa” (Giáng Son)…Không thể kể hết số ca khúc được các nhạc sĩ trẻ viết về Hà Nội trong thập niên vừa qua, nhưng có thể thấy nổi lên ở đó những góc nhìn về Hà Nội lãng mạn những gần gũi, giàu sức trẻ, hoài niệm nhưng cũng đầy tin yêu lạc quan. Đặc biệt có những sáng tác với những cách tiếp cận rất hiện đại như: “Người Hà Nội” (ca khúc Rap của nhóm FOsent) ; “Hà Nội xịn” (LK)…

  1. Một số cảm nhận cá nhân về :GÓC TIẾP CẬN CỦA NHẠC SĨ VỚI ĐỀ TÀI VỀ HÀ NỘI” trong ca khúc dành cho thiếu nhi.
    • Quá trình phát triển của Âm nhạc thiếu nhi Việt Nam

Âm nhạc nói chung và ca hát nói riêng là một nhu cầu hết sức cần thiết trong đời sống tinh thần của trẻ em. Trải qua một chặng đường khá dài (hơn 65 năm), từ chỗ chỉ có vài ba bài hát lẻ tẻ trước Cách mạng, đến chỗ xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn bài hát ở khắp mọi miền đất nước mà chưa thể thống kê chính xác. Từ chỗ chỉ có rất ít người viết nhạc cho trẻ em đã hình thành cả một đội ngũ đông đảo, hùng hậu với những nhạc sĩ có trình độ chuyên môn cao hoạt động trên các lĩnh vực: sáng tác,dàn dựng, hòa âm, phối khí, tổ chức biểu diễn cho các em. Bên cạnh các nhạc sĩ chuyên nghiệp là các nhà giáo, các cán bộ phụ trách thiếu nhi, những người yêu nhạc, yêu trẻ có khả năng sáng tác, nhiệt tình và tâm huyết thường xuyên gắn bó với trẻ thơ. Tất cả đã góp sức làm nên những thành tựu to lớn của âm nhạc thiếu nhi Việt Nam.

Âm nhạc thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chủ yếu là mảng ca khúc.Nhiều nhạc sĩ tên tuổi đã trở nên quen thuộc với thiếu nhi như : Phong Nhã, hoàng Vân,, Mộng Lân, Hoàng Long-Hoàng Lân, Hà Ngọc Bích…Những năm 1960-1990 có thể coi là giai đoạn phát triển rực rỡ của những ca khúc dành cho thiếu nhi, với rất nhiều ca khúc đã đi vào đời sống và đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: “Trường cháu là trường mầm non” (Phạm Tuyên); Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” (Phong Nhã); “Con chim vành khuyên” (Hoàng Vân); “Đi học về” (Hoàng Long-Hoàng Lân); “Cháu yêu bà” (Xuân Giao”…Với đề tài về Hà Nội cũng có rất nhiều ca khúc được thiếu nhi rất yêu thích như: “Em yêu Hà Nội” (Hoàng Vân); “Hát dưới trời Hà Nội” (Phạm Tuyên); “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” (Phạm Tuyên); “Yêu Hà Nội” ( Bảo Trọng)…Những ca khúc này đều có ca từ trong sáng, gần gũi, giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát phù hợp với tâm sinh lí của các em, hình thức cấu trúc ngắn gọn, phản ánh được đời sống thiếu nhi Hà Nội giai đoạn bấy giờ.

  • Thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay, đặc biệt trong các sáng tác về đề tài Hà Nội.

Trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động âm nhạc dành cho thiếu nhi vẫn được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, những sáng tác mới về Hà Nội dành cho thiếu nhi lại không nhiều, ít tác phẩm âm nhạc chất lượng cao.Nhiều tác phẩm đã có đời sống thường lặp lại trong các hội diễn, liên hoan, trong khi số lượng bài hát mới lại không nhiều, thường chỉ được xuất hiện một vài lần hoặc biểu diễn ở quy mô nhỏ. Một số nguyên nhân dẫn đến việc nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi về đề tài Hà Nội không có đời sống trong công chúng có thể kể đến như: tác phẩm chưa theo kịp thời đại, những nhạc sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi đều đã lớn tuổi. Dù họ vẫn còn tâm huyết, vẫn có thể sáng tác nhưng khó tiếp cận với tâm lý, đời sống của thiếu nhi hiện nay nên các ca khúc không bắt kịp tâm lý các em.

Trong thời đại công nghệ số, tư duy thẩm mĩ của các em thiếu nhi đã khác rất nhiều so với ngày xưa. Vì vậy, các nhạc sĩ cũng phải chấp nhận thực tế này để thay đổi tư duy, đưa hơi thở thời đại vào trong sáng tác của mình để tác phẩm dễ dàng tiếp cận với các em hơn. Một số nhạc sĩ trẻ dành tâm huyết sáng tác ca khúc cho thiếu nhi trong những năm gần đây như: Nguyễn Văn Chung, Lê Dũng, Hà Hải… Một số ca khúc viết cho thiếu nhi về đề tài Hà Nội của các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ trẻ đã có sự tìm tòi, sáng tạo, đưa được sự hiện đại vào trong ca khúc của mình thông qua việc : hạn chế sử dụng giai điệu ê a, chậm chạp, sử dụng tiết tấu sôi động hơn, cách tiếp cận chủ đề gần gũi hơn như: “Hà Nội mến yêu của em”, “Em yêu mùa thu Hà Nội” (Bùi Anh Tú); “Tự hào Thủ đô mến yêu” (Thúy My); “Âm vang khúc hát thiếu nhi Thủ đô” (Shinichi TN – Huyền Trang); Có những ca khúc kết hợp với thể loại Rap hiện đại  như: “Hà Nội-thủ đô em mến yêu” (Thúy My); “Hà Nội tỏa sáng ước mơ” (Lê Dũng)…

KẾT LUẬN

Hà Nội, với bề dày lịch sử và văn hóa, luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhạc sĩ. Đề tài Hà Nội không chỉ đơn thuần là chủ đề của các tác phẩm âm nhạc mà còn là một không gian để các nhạc sĩ thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Góc tiếp cận của nhạc sĩ đối với Hà Nội có thể được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó nổi bật nhất là việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Qua việc hòa quyện các yếu tố truyền thống với những xu hướng âm nhạc mới, các nhạc sĩ không chỉ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội mà còn tạo ra những tác phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn cá nhân và thời đại. Hà Nội không ngừng chuyển mình và âm nhạc chính là một trong những phương tiện tuyệt vời nhất để ghi lại và phản ánh sự sống động của Thủ đô.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay, các nhạc sĩ đã và đang đóng góp công sức vào quá trình khai thác những đặc trưng mang bản sắc văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến để đưa vào âm nhạc. Để khuyến khích các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ trẻ tâm huyết viết về Hà Nội, thiết nghĩ ngoài các buổi giới thiệu ca khúc của Hội Âm nhạc Hà Nội, các trại sáng tác thường kì, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, quảng bá từ các cơ quan truyền thông, Hội Nhạc sĩ VN và các Chi hội âm nhạc thông qua các chương trình giới thiệu, biểu diễn được tổ chức bài bản, quy mô. Điều đó sẽ khích lệ đông viên tinh thần các nhạc sĩ trẻ sáng tác và các tác phẩm mới viết về Hà Nội sẽ được lan tỏa rộng rãi và có đời sống lâu dài./. 

Tác giả:  Nhạc sĩ-Nsut Nguyễn Thúy My

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN