HỘI THẢO
“Âm nhạc về Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận”
- Chủ đề: “Âm nhạc về Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận”
- Chỉ đạo nội dung: NSND Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội
- Biên tập & MC: NS Nguyễn Tiến Mạnh – NS Trần Lệ Chiến
- Thời gian: 09h00 ngày 15/10/2024
- Địa điểm: 19 Hàng Buồm – Hà Nội.
Vào sáng ngày 15/10/2024, tại Hội Âm nhạc Hà Nội (HAN) đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Âm nhạc về Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận”.
Đây là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) của HAN.
Nhóm thực hiện Hội thảo đã tiến hành đặt hàng một số nhạc sĩ viết tham luận, đồng thời trao đổi, vận động những nhạc sĩ có uy tín đã chuẩn bị ý kiến phát biểu trong Hội thảo, đặc biệt là phần đóng góp trao đổi của các nhạc sĩ hội viên đến tham dự.
Do giới hạn về thời gian, cho nên Hội thảo chỉ tập trung vào mảng ca khúc về Hà Nội.
Chương trình Hội thảo sẽ gồm 3 phần:
- Phần 1: Một số ca khúc mới về Hà Nội sáng tác của các nhạc sĩ có Tham luận và phát biểu trao đổi trong Hội thảo.
- Phần 2: Tham luận
- Phần 3: Các nhạc sĩ khách mời và các nhạc sĩ hội viên thảo luận, phát biểu ý kiến.
Sau đây là phần Đề dẫn của nhà báo, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến trong Hội thảo:
ĐỀ DẪN HỘI THẢO
“ÂM NHẠC HÀ NỘI – NGUỒN CẢM HỨNG VÔ TẬN”
Nhà LLPB Trần Lệ Chiến
Thưa các nhạc sĩ!
Đúng như tên gọi của Hội thảo “Âm nhạc Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận”, bởi, Ss với Thủ đô của các quốc gia trên thế giới, có lẽ Hà Nội là Thành phố đặc biệt với kho tàng những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đậm đặc và trải dài cùng quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là chặng đường 70 năm, kể từ khi Tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2024.
Cùng với tiến trình lịch sử của đất nước, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần và niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, những sáng tác về Hà Nội đã có bước phát triển rực rỡ và hình thành ba dòng nhạc chính mang phong cách cổ điển châu Âu, phong cách dân gian và phong cách nhạc nhẹ.
Ngay từ thời kỳ đầu tân nhạc, các sáng tác về đề tài Hà Nội phản ánh đời sống chiến đấu và tinh thần quả cảm của người dân Thủ đô với nhiều màu sắc khác nhau nhưng đã chịu ảnh hưởng từ trào lưu âm nhạc châu Âu với cấu trúc rõ ràng về mặt điệu thức và hình thức rõ ràng, cân đối, mạch lạc với tính chất và ngôn ngữ âm nhạc trong sáng, hào sảng. Có những tác phẩm mang tính chất hành khúc, trường ca, những cũng có những tác phẩm mang đậm chất trữ tình. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thất qua các tác phẩm: Tiến về Hà Nội (Văn Cao); Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi); Hà Nội niềm tin hy vọng (Phan Nhân), Bài ca Hà Nội, Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Nhớ Hà Nội (Hoàng Hiệp)…
Bên cạnh những tác phẩm mang phong cách thính phòng, cổ điển thì những sáng tác khai thác chất liệu của âm nhạc truyền thống cũng được các nhạc sĩ quan tâm, nhất là hình thức sử ca trong những sáng tác về Hà Nội sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian.
Như chúng ta thấy, Đất và Người Thăng Long, Hà Nội từ thời đại Lý – Trần – Lê đến nay, với bề dày của trầm tích văn hóa là mạch nguồn để các nhạc sĩ khai thác sáng tạo, đặc biệt là nghệ thuật Ca trù được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại; hay như nghệ thuật hát Xẩm, cũng đã mang lại cho các nhạc sĩ mạch nguồn sáng tạo mang đậm bản sắc văn hóa của những tao nhân mặc khách đất kinh kỳ, của những nét rất riêng Hà Nội xưa với tiêng leng keng của tàu điện và tiếng nỉ non của những người hát Xẩm nơi bến tàu điện hay sân ga…tất cả như sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại, tạo nên nhũng bức tranh âm thanh sống động và giàu màu sắc. Ta có thể kể tên như: Sóng đàn Thăng Long (Đỗ Đức Liên, phỏng thơ Trần Chính); Sóng đàn Hà Nội (An Thuyên), Hoài niệm Văn Miếu (Duy Quang); Một thoảng Tây Hồ (Phó Đức Phương), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quảng), Hà Nội linh thiêng hào hoa (Lê Mây), Truyền thuyết Hồ Gươm (Hoàng Phúc Thắng…
Riêng những sáng tác về Hà Nội ở phong cách nhạc nhẹ (âm nhạc thịnh hành) thì có hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm với nhiều ngôn ngữ, phong cách, bút pháp đa dạng, phong phú như: Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài – Chu Lai), Cửa ô nhịp phố (Trương Ngọc Ninh), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang, thơ Phan Vũ), Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường), Những mùa đông yêu dấu (Đỗ Bảo), Giấc mơ mùa lá (Trần Mạnh Hùng), Thanh âm Hà Nội, Cô đơn giữa Hà Nội (Nguyễn Thành Trung)…
Điểm sơ qua để thấy, đề tài Hà Nội trong sáng tác âm nhạc luôn là niềm cảm hứng bất tận để các nhạc sĩ khai thác và sáng tạo trong các tác phẩm của mình. Từ những phát hiện rất riêng của từng tác giả đã vẽn nên một Hà Nội cổ kính, trầm mặc mang dấu ấn lịch sử, nhưng cũng có những mảng màu về Hà Nội của sự linh thiêng, hào hoa, thanh lịch vốn có của người Tràng An, hay những khoảnh khắc rất bình dị, đời thường của Hà Nội mỗi sớm mai thức dạy khi ánh bình minh ló rạng là những tiềng cười, giọng nói, nhưng rộn ràng phố xá và cả những tiếng rao hàng buổi sớm… tất cả đã mang đến cho Hà Nội – trái tim của cả nước một dòng chảy âm thanh bất tận.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức Hội thảo “Âm nhạc Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận”. Tuy nhiên, vì điều kiện cả chủ quan và khách quan nên chúng ta chỉ bàn sâu về mảng ca khúc mà không thể nói rộng về các hình thức, thể loại âm nhạc khác về đề tài Hà Nội. Song đây là dịp để chúng ta nhìn lại dòng chảy của ca khúc về Hà Nội. Sự hiện diện của các nhạc sĩ, những đóng góp bằng bài tham luận và ý kiến trực tiếp tại Hội Thảo vô cùng có ý nghĩa để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá và từ đó có thêm những phát hiện mới, sáng tạo mới đóng góp sự phát triển chung của Hà Nội – Thành phố vì hòa bình!
Khác biệt với các cuộc Hội thảo truyền thống trước đây, cuộc Hội thảo lần này Ban tổ chức đã có sáng kiến mới: đó là, trước hoặc sau mỗi Tham luận đều có phần âm nhạc minh họa cho chính Tham luận được diễn giả trình bày. Và tiếp ngay sau đó là phần phát biểu ý kiến của các nhạc sĩ, cùng thảo luận về những vấn đề đã được nêu ra trong Tham luận.
Sau phần Đề dẫn của NS Trần Lệ Chiến là tham luận của NSUT Thúy My về tình hình sáng tác ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi, cùng với ca khúc “Tự hào Thủ đô mến yêu” sáng tác Thúy My do tốp ca thiếu nhi trình bày.
Tiếp sau đó là Tham luận của nhạc sĩ Cát Vận:
HÀ NỘI- KHÚC TRÁNG CA ĐA SẮC MÀU
TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
CÁT VẬN
(Phác thảo đề cương)
Đi dọc chiều dài của lịch sử Tân nhạc Việt Nam hơn 70 năm qua. đề tài sáng tác bài hát về Hà Nội luôn luôn hấp dẫn và sôi động. Nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội đã kết hợp với Nhà Xuất bản Âm nhạc cho ra mắt cuốn sách nhạc khá đồ sộ 1000 ca khúc Thăng Long-Hà Nội do Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha tuyển chọn và biên soạn. Có thể coi cuốn sách như một cuốn biên niên sử về ca khúc Hà Nội, song cho đến bây giờ vẫn chưa xác định được ai là tác giả bài hát về Hà Nội đầu tiên trước khi ra đời Thăng Long hành khúc ca của nhạc sĩ Văn Cao và Hội nghị Diên hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác cùng một số tác giả khác vaò giữa những năm 40 của thế kỷ trước. Tuy vậy, số lượng bài hát về Hà Nội vẫn không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng để tất cả chúng ta đều thừa nhận Hà Nội là một thủ đô có nhiều bài hát hay nhất và hầu như không một nhạc sĩ nào là không có bài hát viết về Hà Nội. Hà Nội hiện lên với tất cả vẻ đẹp đa sắc màu trong các trong các loạ hình thanh nhạc từ Hợp xướng, hợp xướng không nhạc đệm đến các hình thức thính phòng, phong cách dân gian- đương đại với đủ góc độ đề tài dành cho nhiều lứa tuổi,,, Song trên hết đều toát lên trong nội dung là niềm lạc quan, vững bước đi lên của một Hà Nội ngàn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch và anh hùng.
Chúng ta có thể thấy điều đó trong 3 giai đoạn lịch sử sau:
1-Giai đoạn 1945-1954
Đây là giai đoạn Hà Nội làm cách mạng Tháng 8 và tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong giai đoạn này, những bài hát hay nhất về một Hà Nội hào hùng đã ra đời từ bài ca Mười chín Tháng Tám sáng tác của Xuân Oanh đã xuất hiện những bài hát về đề tài kháng chiến của ngưởu Hà Nội, tiêu biểu là những bài ca mang tính dự báo về một Hà Nội chiến thắng, quân ta trở về giả phóng Thủ đô như Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao, Ngày về của Lương Ngọc Trác (thơ Chính Hữu) Sẽ về thủ đô của Huy Du… và một hiện tượng lạ kỳ với sự xuất hiện bản trường ca về Hà Nội đầu tiên, đó là bản Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, một tác phẩm xuất chúng về cả nội dung lẫn hình thức, đánh dấu mốc son chói ngời mở ra một trang sử mới cho dòng ca khúc viết về Hà Nội.
2-Giai đoạn 1954-1975
Sau những những bản tình ca về một Hà Nội hoà bình trong xây dựng là đấu tích của một Hà Nội chiến thắng được ghi đậm trong những bài hát về Hà Nội anh hùng gắn với những sự kiện lịch sử như các bài hát Hà Nội Điện Biên Phủ trên không, Hà Nội những đêm không ngủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tình yêu Hà Nội của Hoàng Vân, Hà Nội trái tim ta của Trọng Bằng, Tiếng nói Hà Nội của Văn An (ý thơ Cảnh Trà), Hà nội trên tầm cao chiến thắng của Tân Huyền…và nổi bật với Hà Nội niềm tin hy vọng của Phan Nhân.
3- Giai đoạn từ 1975 đến nay
Giai dọan này đáng ghi nhận là chủ đề vêh Hà Nội rất đa dangh được thể hiện rõ nét trong phong cách dân gian đương đại với những bài hát tiêu biểu của các thế hệ nhạc sĩ như Vĩnh Cát với Hà Nội của ta, Ngôi sao Hà Nội, Mãi vẫn là Tuổi thơ tôi, Hà Nội của Nguyễn Cường sau đó là những Cảm xúc tháng Mười của Nguyễn Thành (thơ Tạ Hữu Yên), Tháng Mười Hà Nội của Trương Ngọc Ninh, Hà nội làng lúa , làng hoa của ngọc khuê,,,Tiếp đó là những khúc tình ca về Hà Nội mà chúng ta không quên đó là Hà Nội mùa Thu của Vũ Thanh, Nhớ mùa Thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn và đại diện tiêu biểu cho ca khúc Hà Nội thời kỳ này là Nhớ về Hà Nôi sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Hà Nội linh thiêng hào hoa của nhạc sĩ Lê Mây, các nhạc sĩ này đã đươch ghi nhận qua Giải thưởng Bùi Xuân phái của thành phố Hà Nội. Những năm gần đây xuất hiện nhiều nhạc sĩ trẻ như Anh Quân, Đõ Bảo, Lê Minh Sơn, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trịnh Minh Hiền cùng một số nhạc sĩ trẻ khác của Hội Âm nhạc Hà nội đã đóng góp nhiều ca khúc mới trẻ trung và đa dạng cho dòng chảy ca khúc về Hà Nội trong đó không thể quên phần đóng góp của những bài hát từ các cuộc thi Thanh âmHà Nội làm cho ca khúc về Thủ đô ngày càng phông phú về đề tài và phong cách âm nhạc.
Như vậy, đằng sau mỗi ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội là một dấu ấn lịch sử, sự gắn kết này không chỉ để lại trong nội dung mà cả về phong cách bút pháp mang dấu ấn của sự phát triển âm nhạc của thời đại và trên hết là những khúc hát tự hào của mỗi người Hà Nội chúng ta về niềm tin, hy vọng tồn tại với tư cách một khúc Tráng ca đóng góp cho lịch sử phát triển của âm nhạc nước nhà. Hy vọng con đường phia trước của âm nhạc Hà Nội sẽ là sự góp mặt của tất cả các loại hình âm nhạc đặc biệt là âm nhạc thính phòng giao hưởng và các hình thức âm nhạc kinh viện khác như ca kịch (opera), thanh xướng kịch (oratorio) và các hình thức âm nhạc khác nữa tạo thế đứng cho âm nhạc Hà Nội một thế vững chãi trên đường hội nhập với phương châm Dân tộc, hiện đại.
Sau Tham luận của nhạc sĩ Cát Vận là Tham luận của nhạc sĩ Hoàng Lân với góc nhìn đa chiều về tình hình sáng tác ca khúc về Hà Nội cũng như một số đề xuất giải pháp.
Hội thảo với chủ đề: “Âm nhạc về Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận”. Không chỉ là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) của HAN, mà còn là dịp để các nhạc sĩ được gặp gỡ trao đổi với nhau về chuyên môn sáng tác âm nhạc.
Những ý kiến phát biểu sôi nổi của các diễn giả, người dẫn chương trình, và đặc biệt là những ý kiến của các nhạc sĩ hội viên đã đặt ra nhiều góc tiếp cận mới, sáng tạo, đổi mới, và đầy tình yêu dành cho Hà Nội.
Tác giả: Thu Trang