Thứ Ba, Tháng Mười 22, 2024
Trang chủLý LuậnDạy hát ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ

Dạy hát ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ

13

Từ bao đời nay, dân ca gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp dải đất Việt Nam. Nam Bộ – một vùng đất có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên phong phú, con người Nam Bộ với tính tình cởi mở, nặng nghĩa nhiều tình. Đây là một vùng văn hóa còn giữ được nhiều giá trị truyền thống độc đáo như phong tục, tập quán, văn hóa làng nghề, ẩm thực… trong đó dân ca là một thành tố khá đặc biệt.

Dân ca Nam Bộ rất phong phú về thể loại như: Hò, Lý, Hát đưa em (Hát ru), Hát huê tình (giao duyên), hát Sắc bùa, hát vui chơi trẻ em (Đồng dao), nói thơ, nói vè… Tìm hiểu về dân ca Nam Bộ qua hai thể loại tiêu biểu đó là Hò và Lý được các nhạc sĩ thường sử dụng làm chất liệu khi sáng tác ca khúc về Nam Bộ.

Kế thừa và phát huy những giá trị âm nhạc cổ truyền, nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác ca khúc khai thác chất liệu từ dân ca Nam Bộ rất thành công. Dù ra đời trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào, thời chiến hay thời bình, các ca khúc đó đều mang một điểm chung là vừa mang bản sắc truyền thống, vừa mang tính thời đại, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng.

Việc giảng dạy các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ là một nội dung có trong chương trình đào tạo môn Hát tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, khi dạy và học môn Hát, giáo viên thường chú ý nhiều tới kỹ thuật hát phương Tây như âm vực, chất giọng của sinh viên có phù hợp với bài hát hay không, các kỹ thuật về hơi thở, cộng minh… như thế nào mà quan tâm chưa nhiều tới việc phân tích đặc điểm và cách hát bài có sử dụng chất liệu dân ca. Vì vậy tác giả bài viết xin đề xuất một số biện pháp dạy học hát các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ trong môn Hát cho sinh viên CĐSP Âm nhạc Trường CĐSP Hà Nội.

  1. Một số đặc điểm âm nhạc của ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ

Trong dạy học hát, việc nắm chắc và thể hiện vững vàng các kỹ thuật là tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, để việc dạy học hát đạt hiệu quả cao thì cũng cần hiểu biết thêm về cấu trúc, giai điệu, đặc trưng vùng miền của bài hát (nếu đó là bài mang âm hưởng dân ca).

Nhìn chung, ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ được sáng tác theo phong cách âm nhạc châu Âu kết hợp sử dụng chất liệu dân ca. Phong cách châu Âu được thể hiện ở các yếu tố: cấu trúc, điệu thức, cách tiến hành giai điệu, cường độ, sắc thái… Chất liệu dân ca Nam Bộ được thể hiện qua việc sử dụng làn điệu, điệu thức, cấu trúc, các quãng đặc trưng trong giai điệu, phương ngữ Nam Bộ…

     

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn dân ca Nam Bộ ( Nguồn: st)

           Muốn đạt được mục tiêu đào tạo hát ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ cho sinh viên có khả năng tư duy, năng động, sáng tạo, thì việc tìm hiểu đặc điểm ca khúc là điều tất yếu.

            Cấu trúc

            Ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ thể hiện rõ sự kết hợp giữa cấu trúc của âm nhạc châu Âu với cấu trúc dân ca Nam Bộ. Cấu trúc âm nhạc châu Âu được thể hiện ở phương diện hình thức hai đoạn đơn, ba đoạn đơn hay hai phần…; cấu trúc dân ca ở phương diện như: xướng – xô; hò – kể; có 3 phần: mở, thân, đóng; nhắc lại một nét của câu thơ mở rộng câu nhạc…

            Giai điệu

Đa số các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ lấy chất liệu từ Hò hoặc Lý, một số thể loại dân ca Nam Bộ khác cũng được khai thác song không nổi bật bằng hoặc một số ít bài chỉ có đặc trưng về các quãng hay điệu thức trong dân ca mà không rõ nét một làn điệu dân ca.

            Điểm nổi bật nhất của sử dụng chất liệu Hò là âm hưởng làn điệu Hò trong phần cái kể – con xô hoặc hò – kể trong cấu trúc như đã phân tích ở trên; ở nhịp điệu tự do, nhịp độ chậm rãi; ở giai điệu bổng trầm, uốn lượn, trữ tình ngọt ngào, đằm thắm; cất câu hát lên dù không miêu tả cảnh sông nước nhưng người nghe vẫn cảm nhận được nét dàn trải, mênh mông đúng với chất Hò Nam Bộ.

            Giai điệu sử dụng nhiều nốt ngân dài, đòi hỏi người hát phải có kỹ   thuật thanh nhạc khá tốt về hơi thở.

            Đường tuyến giai điệu uốn lượn, nhiều luyến láy, nhảy quãng xa nhưng vẫn đậm chất trữ tình do cách tiến hành quãng, nhịp độ…

            Các bài sử dụng chất liệu Hò và Lý đều sử dụng điệu thức 5 âm trong dân ca Nam Bộ.

  1. Ứng dụng kỹ thuật thanh nhạc vào dạy hát ca khúc sử dụng chất liệu dân caNamBộ

Ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ là những sáng tác dựa trên chất liệu dân ca kết hợp với phong cách âm nhạc châu Âu, nên trong cách hát cũng cần có sự kết hợp giữa thanh nhạc cổ điển châu Âu với cách hát dân ca Nam Bộ.

Về kỹ thuật thanh nhạc châu Âu:

Nền thanh nhạc cổ điển châu Âu rất phát triển với nhiều kỹ thuật phong phú với phương thức luyện tập từ đơn giản đến phức tạp để phát triển giọng hát con người như: legato, staccato, nonlegato, ngân dài, xử lý sắc thái, cường độ, láy âm… mà lối hát bel canto là một trong những kỹ thuật tiêu biểu hiện được áp dụng trong dạy học thanh nhạc chuyên nghiệp ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong khi học thanh nhạc, dù là hát các bài có âm hưởng dân ca hay không thì người học cũng phải luyện tập đầy đủ các kỹ thuật thanh nhạc châu Âu như đã nêu trên nhằm phát triển giọng.

Về cách hát dân ca Nam Bộ:

Dân ca Nam Bộ chủ yếu có tính chất trữ tình, luyến láy nhiều, giàu màu sắc biểu cảm; nhiều bài có tầm âm rộng, ngân dài. Xét về mặt kỹ thuật thanh nhạc là tương đối khó, những đặc điểm này cũng khá tương đồng với hát bel canto châu Âu. Chính sự tương đồng này hoàn toàn có thể áp dụng lối bel canto cho dạy các bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Tuy nhiên, trong cách xử lý hơi thở, phát âm có những đặc điểm riêng vì phương ngữ Nam Bộ rất khác với các vùng miền và tạo nên khoảng vang không giống với hát bel canto, không sâu trong lồng ngực. Điều này chúng tôi sẽ dành nghiên cứu riêng ở mục phương ngữ.

Sau đây là vận dụng một số kỹ thuật thanh nhạc liên quan đến thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ:

Kỹ thuật legato (hát liền giọng)

            Kỹ thuật luyến, láy

            Kỹ thuật hát to, nhỏ

            Kỹ thuật hát ngân dài

            Một số vấn đề về phát âm, nhả chữ

Vấn đề về cách phát âm các phụ âm đầu và cuối, nhiều từ của tiếng Nam Bộ khi phát âm lại bị thay đổi và khác hẳn so với vùng miền khác song đặc điểm này chỉ thấy rõ trong hát dân ca và hầu như rất

ít ảnh hưởng tới ca khúc tân nhạc (các ca khúc sáng tác theo phong cách châu Âu). Chính người Sài Gòn (cũ) hay Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng không sử dụng cách phát âm đặc trưng biến đổi từ của Nam Bộ khi hát các ca khúc tân nhạc. Thực tế có hai quan điểm về điều này:

Quan điểm thứ nhất: hoàn toàn phát âm các phụ âm như tiếng Hà Nội, được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hát không phát âm biến đổi từ theo tiếng Nam Bộ nhưng cũng vẫn rõ âm hưởng dân ca.

Quan điểm thứ hai: với những bài đậm chất dân ca Nam Bộ có thể phát âm một số phụ âm nào đó cho gần với người Nam Bộ. Tuy nhiên, để hát như vậy thì chỉ có người Nam Bộ mới thực hiện tốt được. Quan điểm của chúng tôi là không phản bác cách hát này, nếu người nào có khả năng bắt chước được tiếng Nam Bộ thì cũng có thể áp dụng vào bài hát mới nhưng không nên quá lạm dụng.

Với việc dạy hát cho sinh viên CĐSP Âm nhạc ở một trường của Hà Nội, được đào tạo môn Hát chủ yếu theo lối bel canto của phương Tây thì chúng tôi sử dụng cách hát theo quan điểm thứ nhất là cơ bản không phát âm biến đổi từ. Về kỹ thuật hát sử dụng kết hợp cách hát đẹp châu Âu với cách hát Nam Bộ (luyến láy mềm mại, thanh thoát) và tròn vành, rõ chữ trong tiếng Việt.

Hát tròn vành rõ nghĩa là sử dụng hơi thở ca hát của bản thân để phát âm các âm tiết và ca từ một cách đầy đặn, rõ ràng, vang sáng bằng cách phát huy và cộng hưởng các khoảng vang tự nhiên do cấu tạo sinh học của con người, còn tùy thuộc vào cấu tạo bẩm sinh của mỗi người.

Hát rõ chữ là lời ca phát ra phải rõ ràng, cụ thể, không bị mất nghĩa, lạc nghĩa của từ bởi các yếu tố khác chi phối như giai điệu, tiết tấu… mà người nghe có thể hiểu ngay được ngữ nghĩa của lời ca. Tiếng Việt có nhiều thanh, nghĩa của từ sẽ bị thay đổi nếu phát âm không đúng thanh, vì vậy phải hát cho rõ chữ. Trong ca hát truyền thống cũng như hiện đại, tròn vành – rõ chữ phải đi đôi với nhau, tác động và hỗ trợ lẫn nhau không thể tách rời.

Đối với ca hát truyền thống, ngoài những kỹ năng xử lý, sáng tạo, biến hóa thanh điệu, các nghệ nhân còn có kỹ năng bật từ, khởi thanh, nhả chữ, đóng chữ.

Cách lấy hơi trong hát cổ truyền gần giống với kỹ thuật lấy hơi trong phương pháp hát của châu Âu. Chỉ khác là sử dụng hơi ngực nhiều hơn và không lấy hơi quá nhiều. Với các ca khúc nhạc mới nói chung và ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ nói riêng thì lấy hơi phải kết hợp giữa kỹ thuật châu Âu với cách hát cổ truyển. Lấy hơi nhẹ, không thô, nén giữ hơi phù hợp với câu hát. Điều khiển hơi hợp lý để cho câu hát được đầy đặn. Về khẩu hình cũng tùy bài có thể không quá mở dọc trong vòm họng sẽ biến âm thanh nghiêng về chất châu Âu, không ra chất dân ca Nam Bộ vì cách hát của dân ca Nam Bộ giống cách nói của tiếng Nam Bộ là thường nhẹ, âm phát ra phía ngoài, không sâu trong khoang ngực.

Các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ chính là sự kết hợp của âm nhạc phương Tây với âm nhạc dân gian Nam Bộ được biểu hiện cụ thể qua cấu trúc, giai điệu, điệu thức, tiết tấu… Vì vậy, để hát những bài này phải có sự kết hợp giữa cách hát châu Âu với cách hát cổ truyền mà chủ yếu là các kỹ thuật hát legato, luyến, láy, hát to nhỏ, kỹ thuật ngân dài. .. Điều quan trọng là phải kết hợp hài hòa làm sao vừa có chất Nam Bộ lại vừa có tính học thuật của hát ca khúc theo phong cách châu Âu và cuối cùng là mang lại cảm xúc thẩm mỹ cho người nghe./.

Nhìn chung:

Nói đến Nam Bộ, chúng ta nghĩ đến một vùng đất màu mỡ có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp hữu tình, có tài nguyên giàu có, trù phú. Không thể quên được con người Nam Bộ với tính tình cởi mở, hào hiệp, nặng nghĩa nhiều tình… mà hình như đất nước thiêng liêng đã dành riêng cho mảnh quê phương Nam này! Phải chăng phong cảnh thiên nhiên của thực tại vốn tràn đầy thơ mộng, nên càng khơi nguồn âm điệu dạt dào cho dân ca Nam Bộ giàu chất trữ tình, đậm màu thi vị… chắp cánh cho những hoài bão ước mơ sớm trở thành hiện thực…

Có thể nói dân ca là thứ tài sản tinh thần quí giá mà dễ truyền miệng, dễ mang theo nhất của các dòng người Việt di cư vào vùng đất Nam Bộ. Những thập niên cuối thế kỷ 20, nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu dân ca Nam Bộ của các nhạc sĩ: Trần Kiết Tường, Quách Vũ, Lư Nhất Vũ… nhà thơ Lê Giang và các nhóm tác giả hội viên Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác dựa trên nền tảng tục ngữ, ca dao, đồng dao, hò, vè, lý, hát ru, nói thơ…tuy có nhiều dị bản khác nhau, nhưng phần lớn có nguồn gốc xuất xứ từ Bắc Bộ và Trung Bộ. Đồng thời trong quá trình lưu truyền, phổ biến rộng rãi bằng phương thức truyền miệng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội…người dân Nam Bộ còn sáng tạo thêm ngày càng nhiều sản phẩm mới làm phong phú thêm và tạo nên đặc trưng riêng của kho tàng dân ca Nam Bộ. Đây là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo góp phần quan trọng vào sự hình thành dòng âm nhạc tài tử Nam Bộ. Và cũng chính những làn điệu dân ca Nam Bộ đã góp phần hình thành ngữ điệu, giọng nói, giọng ca mang đặc trưng riêng của người Nam Bộ so với Bắc Bộ và Trung Bộ.

Dân ca Nam Bộ rất phong phú về thể loại như:

  • Hát ru
  • Hát huê tình
  • Đồng dao
  • Nói thơ
  • Nói vè

Hai thể loại tiêu biểu về dân ca Nam Bộ đó là  và , được các nhạc sĩ thường sử dụng làm chất liệu khi sáng tác ca khúc về Nam Bộ. Với một âm hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố “tự sự”, chất liệu ca từ đơn giản, mộc mạc, vui tươi mà thấm đẫm nhiều nội dung ý nghĩa về tình yêu gia đình, quê hương, ca ngợi đức tính tốt đẹp,… Những ca khúc ấy thường được hát ru con của những người mẹ, hay trong những buổi lao động mệt nhọc để động viên nhau và trong tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa người với người…

Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của một địa phương hay một dân tộc nào đó. Và nền âm nhạc chuyên nghiệp với tất cả những hình thức phong phú muôn màu muôn vẻ của nó cũng đều bắt nguồn từ di sản dân tộc, từ vốn cổ truyền của thế hệ trước để lại. Vì thế, tìm hiểu được kho tàng quý báu ấy đã là một chuyện không dễ, nhưng cái khó hơn hết, cái quyết định hơn hết là cần phải biết gạn đục, khơi trong, phải biết chọn lọc, lấy ra cái gì “tinh” nhất để phục vụ tốt cho cái hiện tại. Đó là vấn đề rất thiết yếu mà các nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, không riêng cho một địa phương nào, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân trong việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc. 

Tác giả: Phạm Bích Ngọc

Nguồn: https://spnttw.edu.vn/

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN