Thứ Tư, Tháng Mười Hai 4, 2024
Trang chủLý LuậnCung bậc của những mùa thu xưa cũ

Cung bậc của những mùa thu xưa cũ

17

Hàng năm cứ vào tiết thu phân trở đi, khi những làn gió heo may đã chớm thổi về, như một lẽ tự nhiên, lòng người lại xáo trộn những nỗi nhớ nhung nuối tiếc, khắc khoải, bồn chồn, bâng khuâng, day dứt…

Ai đã qua thời tiểu học – nhất là các học sinh nông thôn – chắc chắn còn nhớ: tâm hồn ngây thơ trong trẻo của mình đã biết mùa thu có nước ao thu lạnh, có lá vàng thu rơi, qua phong cảnh thanh bình thân thuộc của quê hương mình từ bài học thuộc lòng Mùa thu câu cá của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo./.

Rồi cứ thế học lên các lớp trên, luôn được tiếp xúc làm quen, tìm hiểu, học hỏi, chiêm ngưỡng những tác phẩm văn chương nghệ thuật nổi tiếng về mùa thu, không những của các tác giả Việt Nam mà còn của nước ngoài – nhất là trong lĩnh vực thơ và nhạc – chúng ta càng cảm nhận sâu sắc và yêu mùa thu hơn.

Bà Tương Phố là một thi sĩ, nhà văn thuộc thế hệ văn chương Việt Nam đầu thế kỷ 20 trong phong trào Nữ lưu và Văn học (1913 – 1932), bà đã có một số tác phẩm được đánh giá cao. Năm 1928 khi chồng mới mất, bà đã viết một bài tản văn khóc chồng Giọt lệ thu, bài tản văn này gồm cả văn và thơ là tác phẩm văn chương nổi tiếng xúc động nhất thời bấy giờ, đã được đăng trong Tạp chí Nam Phong, xin trích mấy khổ thơ:

Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng…
Thu có hạn, sầu dài không hạn
Cảm thu sang nhớ bạn lứa đôi
Đoạn trường biết mấy tao nôi
Khóc rồi lại khóc, hờn thôi lại hờn…
Sầu thu nặng, lệ thu đầy
Vi lau san sát hơi may lạnh lùng
Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm…

Năm 1930, nữ thi sĩ Pháp Jeanne Duclos – Salesses đã dịch bài tản văn Giọt lệ thu sang tiếng Pháp đăng trên báo Le Moniteur d’ Indochine, sau đó được Nhà danh cầm – nhạc sĩ Pháp De Gironcourt phổ thành bản nhạc Khúc ca trên mộ. Khi sang Việt Nam năm 1940, nhạc sĩ Pháp đã tìm đến nhà riêng bà Tương Phố ở Phúc Yên để tặng bà bản nhạc. Bà Tương Phố đã cho nhà xuất bản Ngày Mai – Hà Nội xuất bản tác phẩm âm nhạc này. Đến 1967 được NXB Nam Chi – Sài Gòn tái xuất bản. Nếu không có tư liệu nào sớm hơn thì Giọt lệ thu có lẽ là tác phẩm thơ Việt Nam đầu tiên được nhạc sĩ nước ngoài phổ nhạc.

Guillaume Apollinaire (1880 – 1918) người Pháp gốc Ba Lan là nhà thơ kiệt xuất của Pháp đầu thế kỷ 20, ông còn là một thủ lĩnh của chủ nghĩa siêu thực trong văn chương nghệ thuật. Vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch và nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, Ông đã viết bài thơ L’Adieu (Lời vĩnh biệt) than thở cho một mối tình tan vỡ giữa mùa thu – mối tình của ông với cô gia sư người Anh Annie Playden. Thi sĩ Bùi Giáng đã dịch sang tiếng Việt:

Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ! ta đợi chờ em đó !

Trong nguyên bản tiếng Pháp của bài thơ có câu: L’automne est morte (Mùa thu chết) nên khi phổ nhạc cho bài thơ này, NS. Phạm Duy đã đặt đầu đề là Mùa thu chết.

Linh mục Ý Antonio Lucio Vivaldi (1678 – 1741) là danh cầm Violon – nhà soạn nhạc vĩ đại thời Baroque, ông đã viết 40 vở Opéra, nhiều bản hợp xướng, đặc biệt có những bản Concerto cho violon & Dàn nhạc giao hưởng, trong đó có bản Tổ khúc bốn mùa nổi tiếng thế giới, mà cho đến nay đa số người nghe ở bắc bán cầu đều cho rằng nếu nghe vào mùa thu cả 4 chương bản tổ khúc này thì chương Mùa thu là hay nhất.

Như chúng ta đã biết mặt trời là một định tinh, luôn đứng im, một năm trái đất quay ngược chiều kim đồng hồ quanh mặt trời 1 quỹ đạo khép kín dài 150 triệu km, mặt phẳng của đường quỹ đạo đó gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Khi trái đất quay, trục trái đất nghiêng với mặt phẳng hoàng đạo, bởi vậy ở mỗi thời điểm khác nhau, các vùng trái đất ở cả nam, bắc bán cầu nhận được tia sáng mặt trời với góc khác nhau và lượng bức xạ khác nhau tạo nên những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu để hình thành các mùa, một số nhà khoa học tâm lý cho rằng điều đó không chỉ ảnh hưởng đến những vấn đề khoa học kỹ thuật của thiên văn, địa lý mà còn ảnh hưởng đến sự biến đổi tần số của trái tim và vỏ não của con người, khiến sự cảm nhận, sự rung động, sự biến đổi tâm lý của con người ở một thời điểm nào đó tại một vùng miền nào đó trên trái đất có thể có sự tương đồng. Điều đó lý giải rằng: tại sao các nhà thơ, nhạc sĩ như những cặp Tương Phố + Jeanne Duclos – Salesses + De Gironcourt, cặp Guillaume Apollinaire+ Bùi Giáng + Phạm Duy tuy không quen biết nhau nhưng những cảm xúc của họ về mùa thu sao lại giống nhau đến thế ! chính những cảm xúc giống nhau đó đã dẫn họ đến với nhau, hoặc công chúng cùng thích chương Mùa thu trong tổ khúc bốn mùa của Vivaldi ? vì trong thời điểm mùa thu tất cả họ dù là Việt Nam, Pháp, Ý cũng đều là người bắc bán cầu.

Việt Nam trong thời phong trào nhạc mới và thơ mới (từ 1930 – 1945) đã có tới hàng chục bài thơ và ca khúc lãng mạn trữ tình viết về mùa thu của các thi sĩ nhạc sĩ tiền bối và thế hệ tiếp theo, nhiều ca khúc đến nay vẫn còn đi cùng năm tháng như các bài:

– 2 bài: Buồn tàn thu, Thu cô liêu của Văn Cao.
– 3 bài: Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong.
– Tiếng chuông chiều thu của Tô Vũ.
– Đêm thu nhớ bạn của Nguyễn Văn Thương.
 2 bài: Hương thu, Ước hẹn chiều thu của Dương Thiệu Tước.
– 2 bài: Chiều thuTrăng thu của Nguyễn Văn Khánh.
– Nhạc thu của Thẩm Oánh.
Tiếng thu (thơ Lưu Trọng Lư) của Lê Thương, Phạm Duy, Văn Ký, Đoàn Phi.
– 2 bài: Nước mắt mùa thu, Mùa thu chết của Phạm Duy.
– 2 bài: Thu qua, Ngàn thu áo tím của Hoàng Trọng.
– Tiếc thu của Hoàng Dương.
– 2 bài: Ánh trăng mùa thu, Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn.
– Thu tàn của Vũ Nhân + Đặng Văn An.
– Thu vàng của Cung Tiến.

Ngày 30/10/1937 trên số 179 Tạp chí Tiểu thuyết thứ bẩy có đăng bài thơ Hai sắc hoa tigôn của nhà thơ nữ T.T.Kh

Chú thích:

Hoa tigôn (Antigonon Leptopus) là một loài dây leo hoa, xuất xứ từ Mexico – trung Mỹ, di thực vào Việt Nam từ thế kỷ 17, hoa có 4 màu đẹp trắng, hồng, đỏ, tím, hình dáng bông hoa hơi giống trái tim, thường nở vào mùa khô, dây hoa dài khoảng 8m, được trồng làm cảnh trên ban công hoặc cổng hoặc tường rào phía trước các biệt thự.

______________________

Bài thơ giãi bày tâm trạng của một thiếu phụ khi tình yêu dang dở, dù đã có chồng nhưng vẫn khắc khoải nhớ thương người tình cũ và tiếc nuối những mùa thu tươi đẹp đã qua mỗi khi 2 người nhớ lại dàn hoa tigôn 2 sắc trắng, hồng.

Tình cảm thầm kín như thế này nếu là những ngày xa xưa, vốn được giấu kỹ trong lòng hoặc phải là người khác viết thành thơ, thành truyện. Nhưng bài thơ này lại do tác giả T.T.Kh – người trong cuộc viết về chính câu chuyện của mình bằng một giọng thơ giản dị mà thanh tao, tế nhị mà chân thật, tự nhiên mà nồng nàn nên bài thơ không những hay mà còn rất hấp dẫn. Ngay khi xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bẩy – tờ tạp chí văn chương nghệ thuật uy tín thời bấy giờ, số lượng người đọc tăng kỷ lục và gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về phong cách mới của bài thơ và lai lịch tác giả.

Vì sự đặc sắc của bài thơ, ít lâu sau lần lượt các nhạc sĩ Trần Trịnh, Anh Bằng, Hà Phương, Hữu Xuân, Song Ngọc, Trần Thiện Thanh, Võ Tá Hân…, bằng những cảm xúc riêng, với những giọng và giai điệu chọn lọc khác nhau đã lần lượt cho ra đời bản phổ bài này thành những ca khúc trữ tình một thời vang bóng.

Năm 1939 trong tập “Thơ Thơ” của thi sĩ Lưu Trọng Lư (1911-1991) có in 1 bài thơ nổi tiếng:

Con người có ngũ quan (5 giác quan) để cảm nhận mọi vật xung quanh: thị giác (nhìn), thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), vị giác (nếm), xúc giác (sờ). Riêng thi sĩ Lưu Trọng Lư – một trong những thi sĩ tiên phong của phong trào thơ mới (1932 – 1945) chỉ cần một giác quan là nghe, ông đã hiểu mùa thu ! mà trong nghe mùa thu, thi sĩ cũng chỉ chọn 2 loại tiếng để nghe; đó là tiếng khóc thầm thổn thức của người cô phụ – người vợ cô đơn khi rạo rực nghĩ đến hình ảnh của người chồng – người chinh phu – một lính chiến đang còn ở ngoài mặt trận, và tiếng thứ 2 là tiếng rừng cây trút lá khô xạc xào cùng bước chân con nai vàng giẫm trên lá rụng. Chỉ 2 tiếng động đã làm cảm nhận về mùa thu trở thành đặc sắc.

Cảm khái về Tiếng thu, các nhạc sĩ tiền bối Lê Thương (1914-1996), Phạm Duy (1921 – 2013), Văn Ký (1928 – 2020) và các thế hệ sau đều đã phổ thành ca khúc toàn bài Tiếng thu, đặc biệt nhạc sĩ Đoàn Phi (1937- ) giảng viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phổ bài thơ này thành hợp xướng không dàn nhạc đệm để làm tài liệu giáo khoa.

Từ cuối thế kỷ trước phần lớn những tác phẩm lãng mạn trữ tình chủ đề mùa thu này đã được biểu diễn trong chương trình Khúc hát trữ tình của nghệ sĩ ưu tú Khắc Huề tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Cách mạng tháng 8 – nguồn cảm hứng vô tận cho những đề tài văn chương nghệ thuật, sự trùng hợp và tương đồng giữa 2 cụm từ CMT8 và cách mạng mùa thu đã làm các tác phẩm nhất là âm nhạc trở nên phong phú hơn, hình tượng cách mạng trở thành đẹp hơn, tươi tắn hơn, điều đó cũng là hợp lý bởi vì ngày nổ ra CMT8 là ngày Chủ nhật 19/8/1945 (tức là ngày 12/7 năm Ất Dậu). Ngày lập thu là ngày thứ tư 8/8/1945 (tức là ngày 01/7 năm Ất Dậu). Như vậy ngày CMT8 chỉ sau lập thu 11 ngày, thuộc vào đầu mùa thu. Dưới đây là lời ca của một số ca khúc giai đoạn đó dù cụ thể hoặc ẩn dụ đều có hình ảnh tương đồng giữa CMT8 và cách mạng mùa thu.

Bài: Bắc Sơn của Văn Cao ca ngợi căn cứ địa du kích Bắc Sơn: “…Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ, rồi vùng đồi núi nhớ bao nhiêu hận thù. Dân quân du kích cách mạng bùng mùa thu”…

Bài: Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận ca ngợi vùng căn cứ du kích 2 huyện Hạ Hòa và Thanh Ba – Phú Thọ của chiến khu 10 thời đó: “Hồng Hà ơi ta nhớ mùa thu xưa nước về như sóng cờ lên khi quân về Thủ đô. Hồng Hà ơi nay cũng mùa thu, thấy quân thù ngơ ngác nhìn sang bên Việt Trì tàn phá”

Bài: Ba Đình nắng thơ của Vũ Hoàng Địch, nhạc Bùi Công Kỳ ca ngợi sự kiện Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi của mùa thu cách mạng – mùa vàng sao. Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào, sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh” …

Bài: Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi, ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền”…

Bài: Nhạc tuổi xanh của Phạm Duy: “Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt. Bừng nguồn sống thanh niên tung gông phá xiềng…”

Bài: Cha về là chiến thắng của Vũ Thế Khanh: “Hồ Chí Minh cha chúng ta về, một ngày thu muôn ánh sao bay rợp thành đô. Hồ Chí Minh cha chúng ta về, một ngày thu muôn màu cờ thắm cuốn gió thu bay ngang trời tự do”…

Bài: Đất nước thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc Xuân Giao: “Sáng mát trong như sáng năm xưa, gió thổi mùa thu hương cốm mới. Tôi nhớ những ngày thu đã xa. Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Mùa thu nay khác rồi, tôi đứng vui nghe giữa núi đồi, gió thổi rừng tre phấp phới, trời thu thay áo mới trong biếc nói cười thiết tha”…

Không thể kể xiết hàng trăm ca khúc cách mạng tháng 8, cách mạng mùa thu từ 1945 đến nay.

Vài dòng ký ức sơ lược của những cung bậc mùa thu xưa cũ, tuy đã cố gắng sắp xếp nhưng không thể nào đầy đủ.

Mùa thu năm nay chỉ còn rớt lại vài ngày ngắn ngủi. Gió heo may đang mạnh dần lên thành gió bấc để kịp ngày lập đông rét mướt 7 tháng 11 sắp tràn về. Một năm nữa chúng ta mới lại được gặp một mùa thu mới với hy vọng những cảm xúc mới, những rung động mới phong phú hơn, tươi tắn hơn, trong khi những cung bậc, giai điệu của những mùa thu xưa cũ tuy xa nhất đã gần 90 năm vẫn còn đang đi cùng năm tháng, vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân./.

Tác giả: Phan Đông Viên

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN