Không chỉ thành lập một dàn nhạc thính phòng, Nathalie Stutzmann còn trở thành người phụ nữ thứ hai chỉ huy một dàn nhạc lớn của Mỹ, sau Marin Alsop.
“Ở châu Âu, việc nhạc trưởng uống một vại bia ngay tại hậu trường là chuyện rất bình thường. Tôi rất khát khi rời sân khấu sau buổi biểu diễn, tôi đã luôn mơ ước: Sẽ thật tuyệt nếu là nhạc trưởng và được uống bia”, bà vừa cười vừa nói. Vài phút sau màn ra mắt thành công trên bục chỉ huy New York Philharmonic vào tháng 2/2023, Stutzmann đã cầm trên tay một vại bia ngay cả trước khi đến được phòng hóa trang.
Để đến được với bục chỉ huy và thoải mái thưởng thức vại bia này, Stutzmann đã phải trải qua một chặng đường dài với rất nhiều thách thức, cả về định kiến xã hội về phụ nữ làm nhạc trưởng lẫn những khó khăn của chính mình, một ca sĩ giọng nữ trầm đã biểu diễn hơn 25 năm. Tại sao Stutzmann lại gác bỏ thành công mà mình đã đạt được này để trở thành một nữ nhạc trưởng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng trở lại điểm khởi đầu với sân khấu cổ điển của bà. Stutzmann sinh ngày 6/5/965 tại Suresnes, ngoại ô Paris. Là con gái của một cặp cha mẹ ca sỹ, giọng nữ cao Christiane Stutzmann và giọng nam trầm Christian Dupuy, Nathalie đã được học chơi piano khi còn nhỏ, rồi học đàn cello và kèn bassoon cùng các bài học thanh nhạc với mẹ mình, một nghệ sĩ thính phòng thành thạo cả piano lẫn bassoon. “Tôi được học nhạc từ khi còn rất nhỏ bởi tôi xuất thân từ một gia đình có các nghệ sĩ biết chơi nhiều loại nhạc cụ”, bà kể lại trong cuốn sách 100 Women Who Made History: Remarkable Women Who Shaped Our World (100 người phụ nữ làm nên lịch sử: Người phụ nữ khác thường định hình thế giới của chúng ta).
Bà học tại Nhạc viện Grand Nancy [Conservatoire à rayonnement régional du Grand Nancy], École d’Art Lyrique [Trường Nghệ thuật Trữ tình] thuộc Nhà hát Opéra Paris và hát buổi hòa nhạc đầu tiên tại khán phòng Salle Pleyel ở Paris năm 1985. “Tôi đã cố gắng tham gia lớp chỉ huy khi còn ở tuổi thiếu niên,” bà nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn giữa các buổi diễn tập của Met. “Con gái không bị cấm việc đó nhưng giáo viên lại rất coi thường phụ nữ nên tôi chưa bao giờ có thể chỉ huy dàn nhạc.”
“Cô ấy vừa đích thân xử lý các đoạn ca từ quen thuộc như một ca sĩ lớn lại vừa có thể dẫn dắt một nhóm lớn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng, Nathalie là một nghệ sĩ hoàn thiện đến mức cuộc trò chuyện của chúng tôi liên quan nhiều hơn đến vấn đề tâm lý khi làm việc với dàn nhạc mà không phải là về vấn đề kỹ thuật. Với tôi, điểm mạnh của cô ấy là luôn tìm được ra giải pháp xử lý âm nhạc theo bản năng nhưng cũng có thể suy nghĩ sâu sắc về các tác phẩm âm nhạc để tìm trong đó sự mới mẻ mà không cường điệu”.
(Nhạc trưởng Simon Rattle)
Tuy thích được chỉ huy nhưng con đường nghệ thuật của Stutzmann đã được bắt đầu thắng lợi sớm đến vào năm 1983 khi giành giải thưởng trong Cuộc thi Giọng hát Brussels. Bà có buổi ra mắt chuyên nghiệp tại khán phòng Salle Pleyel ở Paris vào năm 1985 trong màn biểu diễn Magnificat, BWV 243 của Bach. Năm sau đó, Stutzmann thu hút sự chú ý khi có buổi độc diễn ra mắt ở Nantes và lần biểu diễn opera đầu tiên tại Nhà hát Opéra Paris trong vở Dido and Aeneas của Purcell.
Nathalie Stutzmann và Philippe Jaroussky thu âm “Son nata a lagrimar” của Handel.
Dường như tất cả đã định sẵn cho Stutzmann trở thành một nghệ sĩ sân khấu tên tuổi với giọng hát nữ trầm của mình. Bà giành giải nhất tại Neue Stimmen [Cuộc thi Giọng hát Mới] của Quỹ Bertelsmann vào năm 1987, ra mắt tại Hoa Kỳ năm 1995 trong một buổi độc diễn tại Nhà hát Walter Reade thuộc Trung tâm Lincoln và lần ra mắt tại Carnegie Hall hai năm sau đó trong màn biểu diễn Giao hưởng số 2 của Mahler cùng Dàn nhạc Philadelphia và nhạc trưởng Simon Rattle. Những trao đổi với các nhạc trưởng nổi tiếng như Simon Rattle hay Seiji Ozawa, khi biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Boston và Seiji Ozawa tại Carnegie, đã đem lại cho bà một nền tảng kỹ thuật về cách chỉ huy cũng như những cách hiểu sâu sắc về các tác phẩm âm nhạc cổ điển.
Thật không có nhiều nghệ sĩ ở trình độ như Stutzmann. Bà đã đã thu âm cho tất cả các hãng thu âm lớn, ký hợp đồng độc quyền với Warner Classics/Erato vào năm 2014. Kịch mục opera của bà chủ yếu dựa vào opera Pháp, như khi bà sắm vai Geneviève trong Pelléas et Mélisande của Debussy, nhưng cũng bao gồm Orfeo ed Euridice của Gluck, Giulio Cesare in Egitto của Handel, và Das Rheingold của Wagner cùng nhiều vở khác. Các tác phẩm hòa nhạc của bà lấy cảm hứng từ các tác phẩm lớn của Bach, Vivaldi và Mahler. Trong số các album nổi tiếng nhất của bà có các bản thu âm Lieder của Schuman, Winterreise của Schubert, và Le Martyre de Saint Sebastien của Debussy (album được đề cử giải Grammy) và bà nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Preis der deutschen Schallplattenkritik (Giải Phê bình Thu âm Đức). “Vì bắt đầu hát khi còn rất trẻ nên tôi đã đạt được gần như mọi ước mơ của mình với tư cách ca sỹ. Tôi đã đẩy tối đa giới hạn của giọng nữ trầm và khám phá tối đa kịch mục”, Stutzmann nói.
Bà bắt đầu nghĩ đến việc chuyển sang chỉ huy vào đầu những năm 2000 sau khi nhận thấy thái độ của xã hội về người phụ nữ cầm đũa chỉ huy đã phần nào thay đổi. Stutzmann lý giải quyết định này của mình “Bạn thực sự không thể lúc nào cũng đấu tranh chống lại tâm tính của xã hội. Mọi người bắt đầu nói nhiều hơn về việc bình đẳng là gì, tại sao phụ nữ không thể làm điều này điều kia. Vậy là tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc mình phải thử sức”. Mặt khác, quyết định “chuyển nghề” của Stutzmann cũng còn do một hàm ý khác “Tôi cũng muốn thử sức khi vẫn đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp ca hát để tránh việc ai đó có thể nói ‘Cô ấy bắt đầu chỉ huy vì cô ấy không còn giọng nữa’”.
Dĩ nhiên là mọi chuyện cũng không dễ dàng. Cần phải chuẩn bị rất nhiều và một trong số đó, qua lời giới thiệu của Simon Rattle, Stutzmann đã tiếp cận Jorma Panula, một nhạc trưởng và giáo viên người Phần Lan hiện đã rất cao tuổi (Panula sinh năm 1930). Bà kể lại công cuộc học tập này của mình “Toàn bộ những gì ông ấy nói chỉ vào khoảng hai từ mỗi ngày là tối đa nhưng những từ đó rất quan trọng. Ông ấy không bao giờ chỉ cho bạn cách chỉ huy. Vậy nên trước hết, để ông ấy chấp nhận đề xuất theo học của bạn thì chắc là ông ấy nghĩ bạn phải có tài năng thiên bẩm. Ông chỉ nhận dạy các nhạc trưởng tự nhiên theo bản năng. Ông quay phim bạn chỉ huy một dàn nhạc. Và sau đó bạn ngồi cùng ông và nghe ông chỉ trích – rất nhiều câu ‘Thật tệ!’ được buông ra”.
Với những hiểu biết đã có của một ca sĩ thành công, Stutzmann bắt đầu nhịp sống mới với cây đũa chỉ huy bằng việc thành lập dàn nhạc thính phòng Orfeo 55, một mô hình âm nhạc hết sức linh hoạt: số lượng của các nghệ sĩ tham gia phù hợp với các tác phẩm mà họ trình diễn. Stutzmann tuyển dụng các nghệ sĩ này theo một số tiêu chí kỹ năng âm nhạc, tôn trọng sự tự do cá nhân nhưng vẫn có khả năng sẵn sàng ghép nhóm với người khác. Ưu tiên các tác phẩm viết cho dàn nhạc thính phòng và giọng hát, Stutzmann khuyến khích các nhạc công sự tự do biểu đạt và cảm xúc. Dẫu phần lớn các tác phẩm mà Orfeo 55 biểu diễn là của Vivaldi, Bach, Handel và Pergolèse nhưng bà không muốn giới hạn kịch mục vào thời kỳ Baroque. Có một điểm thú vị là các nghệ sĩ của Orfeo 55 luyện tập và biểu diễn bằng cả nhạc cụ thời kỳ Baroque và nhạc cụ hiện đại nên họ có thể làm chủ được các tiết mục đa dạng nhất cũng như sử dụng nhạc cụ một cách linh hoạt nhất.
Năm 2021, khán giả đã được nghe Stutzmann vừa hát vừa chỉ huy Orfeo 55 trong album Contralto.
Dưới sự dẫn dắt của Stutzmann, Orfeo 55 đã thể hiện được một cái nhìn rất riêng về các tác phẩm âm nhạc cổ điển tường chừng quen thuộc và đem đến những cách diễn giải mới đầy biểu cảm, âm sắc tròn trịa và ấm áp. Tuy dàn nhạc đã phải giải thể nhưng đây cũng là bệ phóng để bà trở thành nhạc trưởng khách mời thường xuyên của các dàn nhạc trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu, là nhạc trưởng chính của Dàn nhạc Giao hưởng Kristiansand.
Năm 2021 cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp: bà được mời làm nhạc trưởng khách mời chính của Dàn nhạc Philadelphia, và sau đó kế nhiệm Robert Spano làm Giám đốc âm nhạc ở Atlanta, trở thành người phụ nữ thứ hai chỉ huy một dàn nhạc lớn của Mỹ, sau Marin Alsop với Dàn nhạc giao hưởng Baltimore từ năm 2007-2021.
Stutzmann tiếp quản vị trí Giám đốc âm nhạc Dàn nhạc giao hưởng Atlanta vào mùa thu năm 2022 và ra mắt Nhà hát Metropolitan Opera trong phiên bản dàn dựng mới vở Don Giovanni của Mozart vào đêm trước sinh nhật lần thứ 58 của mình [bà sinh ngày 6/5/1965]. Vào ngày 28/7/2023, bà trở thành người phụ nữ thứ hai chỉ huy tại Liên hoan Richard Wagner ở Bayreuth, Đức. Khi nhìn vào thành công của Stutzmann, nhạc trưởng Simon Rattle, người dõi theo từng bước đi của bà trong cương vị mới, nói: “Cô ấy vừa đích thân xử lý các đoạn ca từ quen thuộc như một ca sĩ lớn lại vừa có thể dẫn dắt một nhóm lớn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng, Nathalie là một nghệ sĩ hoàn thiện đến mức cuộc trò chuyện của chúng tôi liên quan nhiều hơn đến vấn đề tâm lý khi làm việc với dàn nhạc mà không phải là về vấn đề kỹ thuật. Với tôi, điểm mạnh của cô ấy là luôn tìm được ra giải pháp xử lý âm nhạc theo bản năng nhưng cũng có thể suy nghĩ sâu sắc về các tác phẩm âm nhạc để tìm trong đó sự mới mẻ mà không cường điệu”.
Nathalie Stutzmann nói về vở “Pikovaya Dama” (Con đầm pích) của Tchaikovsky.
Stutzmann cũng được Met mời chỉ huy vở Die Zauberflöte (Cây sáo thần) của Mozart, bắt đầu từ ngày 19/5/2024. Met cũng hy vọng, Stutzmann sẽ trở thành nhạc trưởng đầu tiên dẫn dắt hai phiên bản dàn dựng mới trong mùa diễn ra mắt kể từ thời điểm Rafael Kubelík dẫn dắt vào năm 1973-1974. Nghệ sĩ Benjamin Bowman, bè trưởng dàn nhạc của Met đánh giá “Nathalie khiến người ta đặc biệt chú ý đến lối châm biếm và phong cách riêng của Mozart một cách tự nhiên. Nó sôi nổi và nhẹ nhàng nhưng không hề hoa mỹ. Bà thúc đẩy các thái cực cảm xúc và đầy nhiệt tình. Có một điểm đáng chú ý ở bà là bà khá khắt khe với các ca sĩ, theo những cách mà có lẽ chỉ một ca sĩ mới có thể làm được!”.
Góc nhìn của một nhạc công như Bowman cũng khá tương đồng với nghệ sĩ thanh nhạc. Ca sĩ giọng nữ cao Erin Morley, người vào vai công chúa Pamina trong phiên bản của Stutzmann, nói: “Bà có thể minh họa việc mình muốn một câu được hát như thế nào. Bà thực sự có thể cho chúng tôi thấy cảm xúc và cách nhấn. Trước hết, thật thú vị khi thi thoảng được nghe bà hát trong buổi diễn tập, nhưng việc đó cũng có tác dụng nâng cao kiến thức. Tôi cảm nhận được trực tiếp điều bà muốn”.
Stutzmann vẫn tiếp tục hát trong khi diễn tập. Morley nói: “Tôi tưởng bà sẽ xuống phong độ nhưng không hề. Tuy nhiên cũng có đôi chút thách thức khi được thị phạm theo cách trực tiếp như vậy thay vì giải thích về âm nhạc”.
Mọi việc có vẻ như đang rất thuận lợi cho Stutzmann. Năm 2024 không chỉ đem lại cho bà một vị trí ra mắt ở Met mà còn đánh dấu một sự công nhận nghề nghiệp khác. Nhờ màn ra mắt xuất sắc trên bục chỉ huy Dàn nhạc Liên hoan Bayreuth với Tannhäuser tràn đầy năng lượng của Richard Wagner tại Liên hoan Bayreuth 2023, Nathalie Stutzmann đã giành được giải thưởng uy tín OPER! Awards 20241 ở hạng mục “Chỉ huy xuất sắc nhất năm”.
Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời với tư cách ca sĩ opera và đã làm việc với một số nhạc trưởng giỏi nhất thế giới trong 30 năm. Tôi có một lượng người theo dõi trung thành đến kỳ lạ và những người khác mà tôi đã kêu gọi hỗ trợ cho mình.
“Tôi say đắm âm nhạc, sự kỳ diệu của một dàn nhạc, việc tạo ra âm nhạc cùng người khác và việc thấy các nghệ sĩ cũng như khán giả hạnh phúc. Music (âm nhạc) với chữ ‘M’ viết hoa! Làm nghệ sĩ không phải là một công việc, đó là một cách sống!
Tôi là nhạc trưởng, nghĩa là tôi diễn giải các tổng phổ và truyền tải những cảm xúc mà âm nhạc mang lại cho tôi.
Nhược điểm hay trở ngại ư? Là phụ nữ, việc khiến bản thân được lắng nghe sẽ khó khăn hơn và có nhiều trở ngại phải vượt qua hơn, đặc biệt là khi muốn có được một công việc ổn định dài hạn ở vai trò giám đốc âm nhạc. Có quá nhiều trở ngại để tính đến! Nhưng điều cốt yếu là phải kiên trì trong mọi tình huống công việc.
Tôi tự hào về sự nghiệp khác thường của mình và về việc tôi vẫn tiếp tục bước đi khi phải đối mặt với khó khăn của việc là một phụ nữ làm “công việc của nam giới”. Điểm mạnh của tôi là khả năng truyền tải niềm đam mê âm nhạc và không bao giờ bỏ cuộc”.
Nathalie Stutzmann (trích sách THE 100 WOMEN)
https://100women.ch/portraits/nathalie-stutzmann/
Nguồn:
https://www.forumopera.com/nathalie-stutzmann-je-ne-fouille-pas-les-manuscrits-je-fouille-les-ames/
https://www.allmusic.com/artist/nathalie-stutzmann-mn0000308276#biography
———————————
1. OPER! Awards là giải thưởng opera quốc tế duy nhất của Đức, được trao hàng năm trong một gala dành cho những sáng tạo xuất sắc nhất của nền opera quốc tế đang được dàn dựng trên hoặc sau sân khấu. Giải thưởng được trao tặng với trên 20 hạng mục bởi một ban giám khảo gồm các nhà báo âm nhạc.
Tác giả: Ngọc Anh (Tổng hợp)
(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)