Thứ Hai, Tháng Mười Một 25, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ Sĩ"Đường chiều" - Bộ phim tài liệu về hành trình 60 năm...

“Đường chiều” – Bộ phim tài liệu về hành trình 60 năm trở về quê hương của Khánh Ly

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, tấm lòng cho mọi người, cho mình và cho quê hương…”. Với mục đích trở về Việt Nam sau 60 năm trên đất khách, danh ca Khánh Ly muốn đem tấm lòng của mình và ước nguyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi gắm tình cảm, sự yêu thương bằng chương trình “Vòng tay nhân ái” trải dài trên mảnh đất hình chữ S.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Khánh Ly – 55 năm hát tình ca” là những thước phim tài liệu mang tên “Đường chiều” nói về cuộc hành trình trong suốt 3 năm, Khánh Ly trở về đất nước, hát và đi từ thiện tại Việt Nam. Bà chọn quê hương Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời, tiếc nuối một khung trời, quãng đời đã vụt mất. Một cuộc hành trình tiếp diễn về người đi kể chuyện rong, kể về cuộc đời của bà, cuộc đời của người khác, chiến tranh, một thời đã đi qua mảnh đất này.

Tìm lại cho mình một Hà Nội, đúng nghĩa

60 năm là quãng thời gian rất dài với con người xa xứ. Tất cả từ con người đến cảnh vật đều thay đổi, nhưng trong lòng bà mong tìm lại được một Hà Nội xưa, cổ. Một Hà Nội phải có hồn, có thơ, có nhạc, dịu dàng, đẹp và trong sáng như nước mưa, nước hồ. Rời Hà Nội 60 năm, không nhớ được nhiều những hình ảnh về Hà Nội mà bà chỉ biết được mùa thu Hà Nội qua sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, qua văn thơ của các tác giả khác. Nhưng sau này chỉ mơ tưởng đến mùa thu Hà Nội.

Từ năm 14 tuổi đến bây giờ mới được biết đến mùa thu Hà Nội, bản thân bà có một ao ước là quay trở về ngôi nhà cũ đã từng ở gõ cửa và bố mẹ ra đón thì hạnh phúc biết bao. Nhưng điều bất ngờ hơn cả, khi trở về đó, bà được những người quen hồi nhỏ nhận ra, tay bắt mặt mừng, xúc động nghẹn ngào. Họ nhớ về một cô bé tên Mai, hát hay, mạnh bạo và đôi mắt rất đẹp. Những ký ức trong bà ùa về từ thời 9 tuổi, những người bạn thân, tất cả, tất thảy cho bà sự thân quen về tình nghĩa của người Hà Nội.

Một điều khẳng định của bà rằng: “Người mang tên Khánh Ly này, sẽ làm điều lớn lao dành cho Hà Nội mà họ sẽ thấy được rằng tình yêu dành cho người này xứng đáng”. Nhớ những điều sắp sửa làm cho Hà Nội, bà tập luyện không biết mệt mỏi, “với những bài hát, câu chuyện khiến cho mọi người xúc động rơi lệ thì xin những giọt nước mắt đó là của niềm hạnh phúc”, bà chẳng nghĩ cho bản thân, chỉ nghĩ cho đời và cho người.

Trong chuyến trở về lần này, đánh thức trái tim của nhiều người, bởi vì ai trong chúng ta cũng có lúc ra đi và lúc trở về. Trở lại nơi mình đã bắt đầu như thế, đơn giản thôi nhưng tạo cho bản thân nhiều cảm xúc, thấy kỷ niệm qua những góc phố, con đường mình đi qua.

Điều tiếc nuối và ngậm ngùi ở Đà Lạt

Đà Lạt ghi dấu ấn trong bà khi lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 1964 ở nơi đây. “Không có ở nơi nào ở Đà Lạt mà tôi không đặt chân đến, không có tiệm ăn nào ở Đà Lạt mà tôi không nếm qua”, lần trở lại lần này bà vẫn đến những quán xưa, dù Đà Lạt có thay đổi nhưng đối với bà cái hồn của Đà Lạt không thay đổi. Nơi bà lần đầu gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nên duyên với ông, để làm nên một Khánh Ly với giọng hát đi vào lòng người. Một người lưu lạc từ sông Hồng và một người lưu lạc từ sông Hương để gặp nhau, rõ ràng đây là duyên trời định. Những cái gì đầu tiên là những cái mà người ta không bao giờ có thể quên được trong đời.

“Đà Lạt đối với tôi là nhất, Đà Lạt như chỗ ẩn náu thần tiên, người Đà Lạt thân thiết, yêu thương tôi, nhưng sau cùng tôi cũng phải cắn răng bỏ Đà Lạt mà đi để bước vào một định mệnh khác, một hạnh phúc khác, một bất hạnh khác. Khi mà bỏ lại tất cả ở đất Đà Lạt, tôi trở về Sài Gòn với hai bàn tay trắng, đó mới là nơi đón nhận tất cả những tinh túy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoàn toàn mới, hoàn toàn lạ, không phải là ông Trịnh Công Sơn gặp ngày xưa”.

Trở lại Sài Gòn – Nơi đầu tiên hát nhạc Trịnh Công Sơn

Mở màn cho sự nghiệp ca hát của bà là lời mời do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khởi xướng với dàn âm thanh rất tệ, hát trên bãi đất trống và một lượng người xem rất đông. Chính ngay sau ngày hôm đó, danh tiếng của cô bé tên Khánh Ly từ Đà Lạt xuống và một anh nhạc sĩ nghèo với cây đàn ghi ta vang vọng khắp Sài Gòn. Nếu không có Trịnh Công Sơn thì không có Khánh Ly, nhờ là “cái bóng” của ông, được ông mang đi khắp nơi trình diễn, bà được nhiều người biết đến. Vừa rồi, bà có một đêm nhạc ở đây, điều bà nhớ nhất là có một vị khán giả nói chen trong đám đông: “Cô ơi, cô đừng chết”. Một câu nói đó, đối với bà nó nặng hơn một trái núi, sâu hơn cả biển, điều đó khó lắm! Nếu được chết trên sân khấu là điều hạnh phúc của người cầm ca.

Một thứ tình lạ thường trói buộc Khánh Ly với Huế

Đây được coi là khoảng thời gian dễ thương nhất, ở Huế bà không quen ai cả, chỉ biết mỗi Trịnh Công Sơn. Chính tại nơi đây, ông đã ngồi trên lan can của căn nhà ở phố Cam, với hàng cây long não sáng tác bài “Diễm xưa”. Dẫu 50 năm hát ca khúc “Diễm xưa”, đối với bà lần nào hát cũng là lần đầu tiên. “Tôi chỉ thật sự hạnh phúc khi hát nhạc Trịnh Công Sơn, nếu có kiếp sau, tôi cũng xin gặp lại anh như đã gặp ở Đà Lạt, ở Việt Nam, ở trong đời”. Một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý giữa bà và cố nhạc sĩ đã qua đời. Trong lần trở lại đất nước, bà không quên đến thăm nhà và viếng mộ người anh yêu quý của mình. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt rọi suốt trăm năm một cõi đi về. Dẫu cho mọi điều có thể bị thời gian vùi xóa thì lòng nhân còn ở lại, và sự nhân ái đó, lan tỏa từ người nhạc sĩ này. Khi chúng ta muốn hát hãy tìm đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn để thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng sống hơn và bình an hơn, chào anh!”. Đây là những lời bộc bạch của bà thốt lên khi đứng trước mộ nhạc sĩ.

Tiếp nối ước nguyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Một người phụ nữ nhỏ bé, dùng giọng ca, tiếng hát góp vui cho đời và mang đến niềm vui cho người. Thật khâm phục bà, ở cái tuổi xưa nay hiếm như vậy, nhưng bà vẫn dùng sức lực để làm việc thiện, đem đến những con đường cho bà con ở tỉnh Bến Tre, đến từng bệnh viện, từng trại mồ côi. Trong 3 năm, bà chia sẻ được rất nhiều, tìm được hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời mình qua những chuyến đi, những buổi gặp gỡ, những món quà từ thiện. “Chính những người quanh mình, cho mình sức sống, họ chia sẻ với mình, họ giúp đỡ mình và họ tiếp sức mình cho đời sống này. Ở tuổi này rồi, mình chưa phải là người thừa, còn có thể làm được dẫu là việc nhỏ – nó nhỏ như là hạt cát, nhưng mà hạt cát hay làm cho người ta chảy nước mắt”.

Lúc nào bà cũng ôm quê hương Việt Nam ở trong tim, dùng sức lực nhỏ bé để góp thêm nhiều nhiều niềm vui cho những người khó khăn. Một người phụ nữ với tấm lòng nhân ái. Trả nợ đời – trả nợ ân tình.

Lúc nào bà cũng ôm quê hương Việt Nam ở trong tim, dùng sức lực nhỏ bé để góp thêm nhiều nhiều niềm vui cho những người khó khăn. Một người phụ nữ với tấm lòng nhân ái. Trả nợ đời – trả nợ ân tình.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN