Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩViệc lưu giữ các tác phẩm Âm Nhạc là cần thiết vô...

Việc lưu giữ các tác phẩm Âm Nhạc là cần thiết vô cùng

Nhạc Sĩ Hồng Đăng

Nhạc sĩ Hồng Đăng cho hay: “Việc lưu giữ các tác phẩm âm nhạc là cần thiết vô cùng. Vì nó không chỉ là tư liệu cho các thế hệ tiếp nối tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc qua từng thời kỳ mà nó còn là một di sản tinh thần của quốc gia. Khi ta nhắc về một ca sĩ nào đó, dù họ không còn trên đời, thì ta vẫn có thể nghe được tiếng hát của họ mới là quý giá. Và đối với cả các nhạc sĩ thì điều này cũng có ý nghĩa tương tự…”

Trong những lần trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Hồng Đăng thường chia sẻ một cách bức xúc về những yếu kém trong công tác lưu giữ, bảo quản những tác phẩm âm nhạc, những giọng hát hay một thời. Ông nói: “Mỗi lúc có một nghệ sĩ qua đời, người ta mới cuống lên tìm kiếm, thống kê, lưu giữ những tác phẩm của họ, nhưng mọi sự đều đã muộn.

Giờ đây, khi muốn nghe lại những giọng hát nổi tiếng một thời, khi người nghệ sĩ đã ra người thiên cổ, thì khán giả thực sự không biết phải đến đâu. Ngay cả những nghệ sĩ còn đang sống cũng có lúc không biết những “đứa con tinh thần” của mình trôi dạt phương nào. Thành ra, rất nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ biểu diễn thì chỉ còn lại cái tên thôi, chứ lao động nghệ thuật của họ, sản phẩm nghệ thuật của họ đã mất tăm tích trong đời sống rồi”.
Trong văn học, nhà văn qua đời rồi, tác phẩm của họ vẫn tồn tại trên văn bản và bạn đọc nhiều thế hệ vẫn có thể thưởng thức tác phẩm nếu muốn. Nhưng trong âm nhạc, văn bản, tức là một bản nhạc nằm trên giấy thì không có nhiều ý nghĩa lắm. Vì bản chất của âm nhạc là phải được vang lên.

 Nghệ sĩ Khánh Vân

Một tác phẩm âm nhạc hoàn thiện phải là sự kết hợp của nội dung tác phẩm với dàn nhạc và người biểu diễn. Công chúng không thể nào nhận ra cái hay, cái đẹp của một tác phẩm âm nhạc khi nó chỉ nằm trên văn bản. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đã có biết bao tác phẩm âm nhạc được thăng hoa bởi những giọng hát hay và đẹp của một thời.
Những Thương Huyền, Thanh Huyền, Kim Ngọc, Bích Liên, Tuyết Thanh, Tường Vi, Tân Nhân, Lê Dung…là những tên tuổi đã được khán giả nhiều thế hệ biết đến qua những tác phẩm của nhiều nhạc sĩ thời kỳ tân nhạc và thời kỳ cách mạng. Một “thế hệ vàng” của ca khúc đã được nâng cánh bởi một “thế hệ vàng” ca sĩ.

NSND Quốc Hương

Họ làm nức lòng người nghe nhiều thế hệ. Người biểu diễn, người sáng tác và công chúng chính là sự cộng hưởng quan trọng để tạo ra cái gọi là đời sống âm nhạc. Trong đó công chúng là yếu tố luôn luôn có sẵn. Nhưng người sáng tác và người biểu diễn thì mỗi thời kỳ mỗi khác.
Vì vậy, việc lưu giữ những giá trị nghệ thuật mà họ mang lại cho đời sống âm nhạc là một việc làm cần thiết. Những thế hệ người nghe của tương lai sẽ không thể nào có cơ hội thưởng thức những nhạc phẩm hay, những giọng ca hay trong quá khứ, nếu nó không được bảo quản, lưu trữ, giữ gìn một cách nghiêm túc.

NSND Thanh Huyền

NSND Thanh Huyền năm nay đã ở tuổi ngoài 70. Bà đã ra khỏi đời sống âm nhạc từ rất lâu rồi. Khi được hỏi, khán giả trẻ hôm nay muốn nghe lại những ca khúc NSND Thanh Huyền thể hiện thành công một thời như “Khi thành phố lên đèn”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Đường cày đảm đang”…thì phải làm cách nào, bà trả lời: “Tôi cũng không biết nữa.
Có thể ở bên Đài Tiếng nói Việt Nam họ có lưu trữ một số bài tôi hát thời tuổi trẻ, nhưng không hiểu hiện nay thì có còn không. Ngay cả tôi, khi muốn nghe lại các bài hát mình từng thể hiện cũng không biết phải đến đâu. May mà tôi có ghi vào băng cát-xét được một số bài nên thỉnh thoảng các con cháu muốn nghe lại mẹ, bà mình ngày xưa hát thế nào thì cũng còn có cái để nghe.

NSND Quý Dương

Tất nhiên không được nhiều, không được hệ thống và chất lượng cũng không tốt. Ít ra thì cháu tôi cũng còn may mắn là nghe được giọng hát của bà ngày xưa, giọng hát mà nhờ nó bà được phong NSND, chứ còn nhiều nghệ sĩ biểu diễn khác, như tôi biết, họ không có ý thức tự lưu giữ lại tiếng hát của mình thì ngay cả những người thân yêu cũng không biết tới giọng hát của họ, chứ đừng nói là công chúng sau này.
Bởi ca sĩ thì chỉ có thời thôi. Và những khoảnh khắc hát xuất thần cũng hiếm lắm, nếu không lưu giữ được là mất đi vĩnh viễn.Về già mình đâu còn hát được nữa”.

NSND Thu Hiền

 Nghệ sĩ Kim Ngọc – người nghệ sĩ được xem là hát nhạc Văn Cao hay nhất, năm nay tuổi đã bát tuần cũng có chung một tâm sự như vậy. Thời của bà, phương tiện thu âm khó khăn lắm, lại không ý thức về việc phải lưu giữ lại giọng hát nên bà chẳng có gì để “chứng minh” với khán giả sau này về thời kỳ vàng son của mình. Quá khứ hát nhạc Văn Cao của bà chỉ còn lại bằng kỷ niệm và qua cảm nhận của khán giả cùng thời, những người đã từng được nghe bà hát, xem bà biểu diễn.

Nhạc sĩ Hồng Đăng cho hay: “Việc lưu giữ các tác phẩm âm nhạc là cần thiết vô cùng. Vì nó không chỉ là tư liệu cho các thế hệ tiếp nối tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc qua từng thời kỳ mà nó còn là một di sản tinh thần của quốc gia. Khi ta nhắc về một ca sĩ nào đó, dù họ không còn trên đời, thì ta vẫn có thể nghe được tiếng hát của họ mới là quý giá.

NSND Mai Khanh

 Và đối với cả các nhạc sĩ thì điều này cũng có ý nghĩa tương tự. Bạn nhắc về một người nhạc sĩ nào đó là bạn phải được nghe tác phẩm của họ, bằng một giọng ca cụ thể, chứ không phải là bản nhạc vô tri vô giác. Trong đời một người nhạc sĩ có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tác phẩm được viết ra, được biểu diễn.
Nhưng nếu không có một sự lưu giữ nào đó thì rồi tất cả sẽ rơi rụng đi, và ngay cả người nhạc sĩ cũng không biết số phận những “đứa con” mình đẻ ra mất hút đi đâu. Tất nhiên ai đó có thể nói rằng, nếu bài hát hay, nhiều thế hệ ca sĩ vẫn còn hát về nó. Trên thực tế thì mỗi thời kỳ khẩu vị âm nhạc của khán giả mỗi khác. Ca sĩ thế hệ sau có thể thích một bài hát nào đó và hát, nhưng thể hiện thành công bài hát đó lại là chuyện khác.

NSUT Tân Nhân

 Trong âm nhạc, quan trọng là cái duyên của người sáng tạo và người biểu diễn. Sự “hợp chất” cũng quan trọng không kém. Cho nên, nếu không có một sự lưu giữ những giá trị ấy trong âm nhạc thì tức là chúng ta đang làm nghèo nàn đi đời sống âm nhạc. Trên thực tế thì chúng ta đã bỏ phí không biết bao nhiêu mà kể những tài sản tinh thần ấy”.
Theo tìm hiểu của người viết thì hiện nay có 3 địa chỉ có ít nhiều chức năng lưu trữ các tác phẩm âm nhạc, đó là Viện Âm nhạc, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi hỏi về số lượng các tác phẩm âm nhạc qua các thời kỳ được lưu giữ là bao nhiêu thì ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay, Cục chưa thống kê cụ thể, nhưng con số đó chắc chắn là không nhiều.

NSND Trung Kiên

 Băng đĩa lưu giữ tại Cục chủ yếu là qua các kỳ hội diễn nghệ thuật. Một biên tạp viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cho biết, hiện nay vẫn có thể tìm được một số tác phẩm âm nhạc của những nghệ sĩ biểu diễn thời kỳ đầu của âm nhạc cách mạng, nhưng số lượng thì cũng tương đối…khiêm tốn. Và chất lượng cũng không được ổn lắm, vì điều kiện bảo quản của ta không tốt.
Vẫn là nhạc sĩ Hồng Đăng bức xúc: “Tôi đồng ý là điều kiện bảo quản của chúng ta chưa tốt. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của những người có trách nhiệm với nền âm nhạc. Nửa thế kỷ nay, chúng ta thực sự chưa coi trọng việc này. Tôi ví dụ, NSND Quý Dương vừa qua đời. Ông là người hát Opera đầu tiên ở Việt Nam. Giọng hát của ông đã gắn liền với nhiều ca khúc hay. Giả sử ngay lúc này đây chúng ta muốn làm một bản tổng kết về số lượng tác phẩm biểu diễn của ông, chúng ta phải làm cách nào?

NSUT Bích Liên

 Tôi chắc chắn là chúng ta không thể có một cách đầy đủ được, vì khâu lưu trữ của chúng ta quá kém. Giới nhạc sĩ chúng tôi cũng có một tâm trạng thất vọng không kém. Rất ít người trong đời có đủ tiền để tự làm băng đĩa về những tác phẩm mình đã sáng tác ra. Những tác phẩm ấy nó chủ yếu tồn tại trong đời sống bằng những giọng hát khác nhau, ở những chương trình khác nhau, sân khấu khác nhau.
Nếu không có những cơ quan chuyên trách việc này, làm công việc sưu tầm, lưu trữ những tác phẩm ấy, như là lưu giữ một bảo tàng về âm nhạc của đất nước, thì rồi một ngày chính chúng tôi cũng quên mất từng “đứa con tinh thần” của mình đã được dàn dựng và biểu diễn như thế nào”.

NSUT Tuyết Thanh

NSND Thanh Huyền chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc nhà nước phải có cơ chế cho việc sưu tầm, bảo quản các giá trị âm nhạc, không chỉ ca khúc mà cả các tác phẩm không lời một cách hệ thống, chính danh, chứ không phải chỉ để phục vụ cho hoạt động của một số đơn vị nào đó.
Ví dụ Đài phát thanh người ta lưu trữ là để phục vụ cho các chương trình phát thanh của người ta là chính. Như thế thì không thể khái quát và đầy đủ được. Trong tương lai tôi mong rằng chúng ta sẽ có một thư viện âm nhạc, ở đó khán giả có thể được thưởng thức bất cứ tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ nào, giọng hát của bất cứ ca sĩ nào mà họ yêu mến, thuộc nhiều thế hệ khác nhau”.

NSND Thanh Hoa

Mỗi thời đại đều tạo ra dấu ấn của riêng nó bằng các giá trị nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Nếu chúng ta không có ý thức tôn vinh, giữ gìn, bảo quản những giá trị ấy thì e rằng sẽ tạo ra những lỗ hổng cho tương lai, khi con em chúng ta không hiểu biết gì về những giá trị âm nhạc thời ông bà, cha mẹ họ đã sống.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN