Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩNSND Hoàng Chè – “Giọng ca vàng” của một thời khói lửa

NSND Hoàng Chè – “Giọng ca vàng” của một thời khói lửa

NSND Hoàng Chè sinh năm 1948 tại Thôn Đông Ngạc, một làng ven đô của kinh thành Thăng Long, bên triền đê Sông Hồng. Làng Đông Ngạc hay làng Kẻ Vẽ, làng hiếu học nhiều Tiến sĩ bảng khoa suốt trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nơi đây nhiều dòng họ làm rạng danh truyền thống lịch sử văn hóa. Sau khi học hết lớp 10, chàng trai Hoàng Chè đã xung phong lên đường nhập ngũ vào đơn vị 559 với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Anh bộ đội Cụ Hồ, Người lính Trường Sơn đã trở thành ca sĩ nòng cốt của Đoàn văn công Trường Sơn – Đoàn văn công quân giải phòng Trường Sơn – Bộ Tư lệnh 559.

NSND Hoàng Chè.

Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, tên tuổi của Ca sĩ Hoàng Chè đã trở nên gần gũi, thân thương với mỗi cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn lịch sử này. Tôi là thế hệ nghệ sĩ đàn em của NSND Hoàng Chè, nhưng có may mắn vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đã có dịp được hành quân, được biểu diễn khắp miền Tây Bắc. Trên những chặng đường hành quân ấy có biết bao kỷ niệm, bao ấn tượng tốt đẹp về một người Anh, một người đồng nghiệp, một người nghệ sĩ, một người quản lý năng nổ và nhiệt tình, nhưng cũng cháy hết mình dưới ánh đèn sân khấu.

Vậy mà, 9 giờ sáng ngày 15 tháng 5 năm 2018, khi Ca sĩ Hiếu Hảo, người con gái lớn của NSND Hoàng Chè gọi điện cho tôi. Một tin bất ngờ đột ngột “Bố em đã mất rồi anh ạ”. Tôi bàng hoàng, rồi chấn tĩnh để động viên Hiếu Hảo và chia buồn cùng gia đình, tôi miên man suy nghĩ, xúc động tìm về những kỷ niệm, những quá khứ của người Anh, người Nghệ sĩ, chiến sĩ, “Giọng ca vàng” yêu mến của tôi cũng như bộ đội và nhân dân.

Cùng với đọc giả chúng ta cùng hành quân trên những chặng đường và sự nghiệp ca hát của người “Nghệ sĩ – Chiến sĩ” Đại tá, NSND Hoàng Chè.

Hoàng Chè là cái tên được nhiều người nhắc tới cùng với NSND Doãn Tần, NSND Quang Thọ, NSƯT Minh Đức, NSƯT Quang Huy. Đó là thế hệ “ca sĩ vàng” trưởng thành từ những năm tháng chiến tranh mà cho đến nay họ vẫn là những người bạn rất thân thiết. Nhóm bạn diễn ấy của ông thường gọi vui là nhóm “ngũ hổ”, đi đâu cũng cố gắng có nhau. Tên tuổi NSND Hoàng Chè gắn với những bài hát về Trường Sơn như “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Bài ca Trường Sơn”, “Trường Sơn đông – Trường Sơn tây”, “Tháng ba Tây Nguyên”… Mặc dù tuổi đã ngoại lục tuần, nhưng hiện Hoàng Chè vẫn thường xuyên  góp mặt trong những chương trình ca nhạc nhân các sự kiện lớn của đất nước cũng như các live show của bạn bè. Ông tâm sự: “Còn sức tôi còn hát, còn muốn cống hiến…”.

NSND Hoàng Chè thể hiện tiết mục văn nghệ của người Dao.

NSND Hoàng Chè đã nghỉ hưu từ năm 2007, sau 15 năm giữ cương vị Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu II (Nay là Đoàn văn công Quân khu II). Ông tham gia ca hát như một “nghệ sĩ tự do” và tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh. Trong căn phòng nhỏ của Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, tôi và nghệ sĩ Hoàng Chè đã có một buổi trò chuyện thật thân mật. Có những cuộc gặp gỡ như thế, lớp trẻ chúng tôi mới thêm hiểu biết về những năm tháng chiến tranh, về những nghệ sĩ sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh. Nghệ sĩ Hoàng Chè kể rằng, ông sinh ra và lớn lên ở làng Vẽ – xã Đông Ngạc (Từ Liêm – Hà Nội). Từ thuở nhỏ ông đã rất tích cực tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Khi học lớp 10, ông xung phong lên đường nhập ngũ, dù lúc ấy vóc dáng của ông khá nhỏ bé so với các bạn cùng trang lứa. Cái thuận lợi của ông là ngay thuở ban đầu đã được về công tác tại Đoàn Văn công Trường Sơn, rồi Đoàn Văn công Quân giải phóng – là môi trường lý tưởng để ông bộc lộ năng khiếu ca hát của mình.

Ông tâm sự: “Những năm tháng ấy, cuộc chiến đang lan rộng, mức độ địch đánh phá ngày càng ác liệt. Khó khăn vất vả chồng chất nhưng đúng là chúng tôi đã sống trong không khí “tiếng hát át tiếng bom”. Chúng tôi hát ngay trên trận địa pháo, hát ở trạm giao liên, hát ở ngay những nơi trọng điểm bom rơi đạn nổ… Suốt một chặng đường dài từ ngã ba Đồng Lộc trở vào, đâu đâu cũng thấy người hành quân. Người đi ra, người đi vào đều hồ hởi đầy sức sống, đúng như câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”. Chuyện ấy bây giờ nói ra nhiều bạn trẻ có thể thấy khó tin, nhưng hồi ấy, trong mắt chúng tôi, đường ra trận đúng là rất đẹp…”.

NSND Hoàng Chè bảo rằng, những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ gian khổ ấy có lẽ ngồi kể 3 ngày liền cũng không hết được. Thật cảm động khi gặp được một nghệ sĩ kể về mình và đồng đội mình, về những năm tháng xa xưa trong ký ức bằng một tâm trạng nhung nhớ đến da diết và đầy trân trọng như vậy. Từ năm 1967, Hoàng Chè đã cùng đồng đội hành quân qua bao khu rừng, trải qua bao cơn mưa rừng như trút nước, bị lũ cuốn hết quần áo, lương thực, bao lần bị máy bay địch quần đảo trên đầu… Bạn bè nhiều người bị sốt rét, trúng bom đạn hy sinh, trong đó lễ truy điệu nhạc sĩ Trịnh Quý (tác giả bài hát “Trước ngày hội bắn”) để lại trong ông nhiều xúc động sâu xa.

Nhạc sĩ Trịnh Quý ra đi, gia tài chẳng có gì ngoài chiếc bình tông có ghi hai chữ “Tạm biệt” như một dự cảm về chuyến đi định mệnh ấy. Nhưng cũng trong những cánh rừng ấy, Hoàng Chè đã gặp được rất nhiều khoảnh khắc vô cùng đáng yêu: Đó là những khi đi lạc trong rừng rậm, khi ngẩng đầu lên thì thấy cả một khoảng trời bạt ngàn toàn hoa lan nở đủ màu sắc, đẹp như một giấc mơ; có khi giữa những khoảng lặng của chiến tranh có những chú hươu, chú nai giương tròn đôi mắt khi thấy bóng người qua, đúng như lời một bài hát “Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác…”. Nghệ sĩ Hoàng Chè ngậm ngùi: “Những hình ảnh đối lập trong chiến tranh ấy để lại trong tôi những ấn tượng khó phai và tôi gửi gắm vào những bài hát của mình. Có lẽ chính vì thế, khi tôi hát về Trường Sơn, lúc nào cũng dạt dào tình cảm, nhiều nỗi niềm. Sau này, khi theo đoàn quân chiến thắng vào Buôn Mê Thuột, xuống Nha Trang hay vào Sài Gòn hát mừng thành phố giải phóng, mỗi khi hát về Trường Sơn với các bài như “Bài ca Trường Sơn”, “Trên đỉnh Trường Sơn”, “Tháng ba Tây Nguyên”… tôi đều muốn gửi gắm những tâm tình của mình vào bài hát đó, mong khán giả cũng thấy được một phần những gì mình đã thấy, đã trải qua…”. Cũng trong buổi lễ mừng chiến thắng 30-4 -1975 được tổ chức sau đó một tuần, NSND Hoàng Chè đã lần đầu tiên thể hiện ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà và ông  gắn bó với ca khúc này từ đó đến nay. Đó cũng là ca khúc đem đến cho ông tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong số 5 Huy chương Vàng ông giành được trong cuộc đời làm ca sĩ của mình.

Sau giải phóng, nghệ sĩ Hoàng Chè chuyển về học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Đoàn Văn công quân Giải phóng lúc ấy cũng chuyển đổi thành Đoàn Nghệ thuật Quân khu II và khi học xong, Hoàng Chè lại về công tác tại đây. 30 năm ở Đoàn Nghệ thuật quân khu II, gắn bó với Tây Bắc, khi đi diễn nghệ sĩ Hoàng Chè cũng hay mặc đồ của người dân tộc để hát các bài hát như: “Điều chưa thấy trong văn tự người Dao”, “Mùa xuân xuống chợ”, “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”, “Thơ tình của núi”, “Bài ca trên núi”… nên nhiều người bảo ông khá giống đồng bào dân tộc, không hiếm người ngỡ ông sinh ra và lớn lên ở miền đất này. Bởi vậy, khi đi diễn phục vụ bộ đội và đồng bào các dân tộc, cũng như sau này khi đã lên làm lãnh đạo Đoàn, ông rất được đồng bào yêu quý, mến mộ. Không những dành tình cảm cho miền Tây Bắc, những lần đi Trường Sa với các bài “Nơi đảo xa” và “Bài ca Trường Sa”, giọng nam cao da diết truyền cảm của ông còn đón nhận nhiều tình cảm yêu mến của chiến sĩ nơi hải đảo, biên cương của Tổ quốc.

Chương trinh nghệ thuật Kỷ niệm 45 năm sự nghiệp của nghệ sĩ Hoàng Chè.

NSND Hoàng Chè là một người hiền hậu, có lối sống mộc mạc, chân tình. Chính vì vậy, các diễn viên trẻ trong Đoàn Nghệ thuật Quân khu II  thường âu yếm gọi ông bằng “bố” xưng “con”, rất ấm áp tình cảm như trong một đại gia đình. Ông thì luôn dìu dắt, chỉ bảo cho các cháu các em từ những tiểu tiết nhỏ trong cuộc sống cũng như trong công việc nên anh – em, bố – con rất gần gũi nhau. Nghệ sĩ Hoàng Chè bảo rằng, cách thể hiện tình cảm của những nghệ sĩ mặc áo lính cũng rất…lính: Nó hồn nhiên, vô tư và chan chứa tình đồng chí, đồng đội. Những năm tháng sống gần bộ đội, sẻ chia nhiều tình cảm, tình yêu, tâm tư với những người chiến sĩ trẻ đã khiến ông thể hiện nhiều ca khúc vui nhộn như “Anh quân bưu vui tính”, “Tôi là Lê Anh Nuôi”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… rất thành công, để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.

Từ khi nghỉ hưu đến nay, nghệ sĩ Hoàng Chè là Giám đốc Nhà Văn hóa Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thường xuyên tham gia giúp đỡ các câu lạc bộ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, từ thiện… Ông cảm thấy rất vui vì mình lại được tiếp tục làm những công việc tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đối với bạn bè, đồng đội của mình. Nghệ sĩ Hoàng Chè xúc động kể về chuyến đi thăm gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Quý – người bạn đồng hành trên tuyến lửa một thời của ông ở Thái Nguyên. Cách đây vài năm, ông và một vài người bạn đã có chuyến đi dọc Trường Sơn, về lại những địa danh một thời tuổi trẻ họ đã đi qua. Với Hoàng Chè cũng như với những người bạn thân thiết của ông: NSND Doãn Tần, NSND Quang Thọ, NSƯT Minh Đức, NSƯT Quang Huy, dường như ở họ không có khái niệm nghỉ hưu. Nghệ sĩ Hoàng Chè tâm sự rằng: “Còn sức, tôi còn hát, còn muốn cống hiến. Tôi và những người bạn cùng thế hệ của mình luôn mong muốn được thắp sáng những bài hát mang dấu ấn một thời đến mai sau. Những bài hát thế hệ chúng tôi hát là những bài ca đi cùng năm tháng, đi vào lòng người, có sức sống, sức lay động ghê gớm. Và tôi cũng rất mừng khi nhìn thấy thế hệ ca sĩ tiếp theo của Đoàn văn công Quân khu II, lớp kế cận đầy tự tin và sáng tạo tiếp bước hành quân của những người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, của người anh cả, của người nghệ sĩ cống hiến trọn đời mình cho nghệ thuật.

NSND Hoàng Chè chỉ một hai năm gần đây ông mới chịu lùi bước trước bạo bệnh để chăm sóc sức khỏe cho mình. Ông vẫn cố gắng vượt qua mọi đau đơn bệnh tật do ảnh hưởng của những năm tháng phục vụ chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Giọng ca vàng của một thời khói lửa đạn bom đã ngắt nhịp giữa chừng vào 21 giờ 34 phút ngày 14 tháng 5 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhưng giọng hát, những bài ca mãi mãi đi cùng năm tháng, mãi mãi sống với thời gian, mãi mãi gần gũi với bộ đội và nhân dân. Giọng ca của người Nghệ sĩ, Chiến sĩ, Đại tá, NSND Hoàng Chè.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN