Thứ Năm, Tháng Mười Một 14, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNguyễn Thị Minh Châu: Sáng tác nhạc cho thiếu nhi phải từ...

Nguyễn Thị Minh Châu: Sáng tác nhạc cho thiếu nhi phải từ tình yêu và thấu hiểu

9
Sáng tác nhạc cho thiếu nhi luôn là trăn trở của những nhạc sĩ trong việc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ tương lai. Với nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bước vào lãnh địa này đôi khi là thôi thúc của bản thân, dành cho con cháu mình. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ, sáng tác nhạc cho thiếu nhi từ tình yêu và sự thấu hiểu sẽ có sức lan tỏa.
– Là một nhà phê bình âm nhạc, tại sao gần đây nhạc sĩ lại sáng tác ca khúc cho thiếu nhi?

– Không phải gần đây tôi mới sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Bài hát đầu tiên, tôi viết cho con cách đây hơn 20 năm. Chỉ là 2 năm gần đây, tôi dự giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và may mắn đoạt giải, nên nhiều người ngạc nhiên. Thực ra, tôi sáng tác ca khúc dành cho người lớn nhiều hơn. Với tôi, sáng tác ca khúc là để giải tỏa nỗi lòng mỗi khi gặp sóng gió. Sau khi lấy lại thăng bằng, tôi thường cất “thành quả tay trái” đó vào ổ cứng, coi như nó đã làm xong bổn phận. Riêng những bài hát viết cho con được dàn dựng cho trường mẫu giáo, nên công chúng biết đến nhiều hơn.

– Những ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ đã lan tỏa như thế nào trong đời sống?

– Mọi chuyện hoàn toàn tình cờ. Bé út nhà tôi rất sợ đến lớp, hay khóc, ăn chậm, ngủ ít. Để bù đắp sự phiền hà của con với các cô, bố hứa sẽ viết bài hát cho trường mẫu giáo. Nhưng bố lại bận việc, nên mẹ đành “đóng thế”. Tiết mục “Bé đi học” của trường đoạt giải và được phát trên Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, mẹ gánh luôn trọng trách viết bài mới cho trường theo chủ đề như học vẽ, giữ gìn vệ sinh… Con trai đầu của tôi không thích học thuộc lòng. Tôi biến bài thơ thành bài hát để giúp con dễ thuộc. Thế là ra đời “Làm anh” (thơ Phan Thị Thanh Nhàn), “Ai trồng cây” (thơ Bế Kiến Quốc). Những bài hát cho các con sau này đều được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và lan tỏa rộng rãi hơn.

– Nhạc sĩ có thể chia sẻ thêm về hai ca khúc thiếu nhi đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam?

– “Đồ chơi, game online, này iPad, này truyện tranh/Dường như con không thiếu gì/Chỉ thiếu người trò chuyện, chỉ thiếu người cùng chơi” – đó là điều tôi muốn nói hộ các con trong bài “Không biết”. Tôi đã thấy sự cô độc khép kín của những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Ánh mắt chúng lúc vô cảm lạnh lùng, lúc dè chừng sợ hãi, lúc lại giận dữ, bất cần… cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi gửi bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó đoạt giải A hạng mục ca khúc thiếu nhi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017.

Còn “Cháu và bà” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải B (không có giải A) năm 2019. Đằng sau bài hát là một câu chuyện riêng. Hơn 6 giờ ngồi chen chúc trong hành lang phía trước phòng mổ chờ con phẫu thuật, căng thẳng, lo âu đủ khiến tôi ngất xỉu, nếu không sáng tác nhạc. Giai điệu đưa tôi tới không gian rộng mở, nơi hai bà cháu vẫn ngồi ngắm mây trời, chim chóc và câu chuyện của bà với cục cưng bé bỏng đã hoàn thành như thế.

– Là người theo dõi hoạt động âm nhạc nhiều năm, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ có nhận xét gì về thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay?

– Đã có không ít cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, tuổi học trò. Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam hằng năm luôn có hạng mục ca khúc thiếu nhi. Đáng mừng là ngôn ngữ âm nhạc ngày càng đa dạng, nhất là ở những tác giả trẻ, tuổi đời chưa quá xa với thiếu nhi. Tôi biết rất nhiều nhạc sĩ từng sáng tác nhạc cho con, cháu. Những món quà nhỏ đầy yêu thương ấy đang góp dần thành gia tài chung cho mảng ca khúc thiếu nhi.

Hiện nay, chúng ta thiếu bài hát cho những độ tuổi quan trọng trong hình thành tính cách như tuổi học nói và tuổi mới lớn; thiếu hẳn mảng nhạc không lời để phát triển trí tưởng tượng, thúc đẩy sáng tạo cá nhân. Những người quản lý thì thiếu khả năng thẩm định nghệ thuật để nhận biết đâu là bài hát khô cứng giáo điều, đâu là bài hát hấp dẫn con trẻ, mà đầu tư sáng tác đúng chỗ và phổ cập kịp thời.

Chúng ta chưa có chương trình giáo dục âm nhạc không chỉ dạy hát, mà chú trọng đến vai trò cảm thụ âm nhạc. Còn những người tổ chức, nhà sản xuất thiếu tầm nhìn, nên đã để tràn lan chương trình truyền hình, trong đó trẻ con không những hát bài dành cho người lớn, mà còn trang điểm, ăn mặc, điệu bộ như người lớn, thậm chí mang cả cái tâm thế ganh đua vào các cuộc thi tài năng nhí. Bên cạnh đó, phong trào ca nhạc tự phát của tuổi mới lớn, nơi phát hiện khả năng sáng tác và kịp thời ngăn chặn các ca khúc nhảm nhí, “nhái” còn chưa được người trong nghề quan tâm, theo sát…

– Vậy theo nhạc sĩ, làm thế nào để có nhiều ca khúc thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi, thời đại, thị hiếu hiện nay?

– Mỗi thời kỳ mỗi khác, tuổi thơ thế hệ con cháu không hoàn toàn giống như tuổi thơ ông bà, cha mẹ. Trẻ con cần những bài hát gắn với môi trường sống hiện đại, đúng với ngôn ngữ tuổi thơ của chính các con hôm nay. Để hiểu con trẻ, để có thể nói thay lời chúng, người sáng tác nhạc phải học làm bạn với con cháu mình. Các tác giả gắn bó với con cháu sẽ làm được thôi, vì có tình yêu là làm được tất cả!

– Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN