Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủLý LuậnMạn đàm về âm nhạc Phật giáo

Mạn đàm về âm nhạc Phật giáo

Nét đặc thù của âm nhạc Phật Giáo là không đưa ra điệu nhạc nào bắt buộc, mà tùy theo trường hợp địa phương, ngôn ngữ mà tùy duyên, vì vậy, các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng âm nhạc trong Phật Giáo Đông phương có nhiều chất thơ.

Trong thời kỳ đầu của Phật Giáo âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều, càng không được đề cao hay khuyến khích. Điều này cũng không lấy gì làm lạ, bởi lẽ Đức Phật khuyên dạy đệ tử không nên mê đắm vào âm nhạc vì nó có thể làm mê đắm người nghe, sinh rối loạn tâm trí, gây chướng ngại cho việc thực hành thiền định. Cụ thể hơn trong kinh Phạm Võng cũng có những đoạn khuyên dạy các Tỳ Kheo như vậy. Hay trong mười giới mà một vị thọ giới sa di cần phải giữ, có ghi “bất ca vũ xướng kỹ cập cố vãng quan thính”. Không riêng gì âm nhạc, tất cả những sắc thanh hương vị xúc nào, nếu tiếp xúc, gây trở ngại cho việc phát triển tâm linh thì đều được khuyên cần nên tránh xa.

Trong thời kỳ đầu của Phật Giáo âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều, càng không được đề cao hay khuyến khích.

Vào thời đức Phật, âm nhạc là môn nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong hoàng cung, ở các lễ hội, trong những nghi thức liên quan đến tế lễ, tang ma, và cả trong những buổi cầu nguyện tại các đền thờ. Âm nhạc cổ truyền Ấn Độ thiên về cầu nguyện, những loại nhạc cụ được ưa chuộng như là những loại đàn dây, trống nhỏ hay sáo… Mục đích biểu diễn của âm nhạc thời kỳ này là làm vui lòng các thần linh, cũng như ở khía cạnh triết học là để hòa hợp Atman với Brahman (tự ngã và toàn thể)

Với giáo lý vô ngã, hẳn một thứ âm nhạc mang ý nghĩa triết học như vậy sẽ không phù hợp với Phật giáo. Vì thế mà trong truyền thống Phật giáo thời kỳ đầu, các tỳ-kheo tụng đọc kinh kệ là nhằm mục đích ôn lại lời Phật dạy, một hình thức lưu truyền kinh điển theo dạng truyền khẩu, chứ không phải tụng niệm là để cúng dường đức Phật hay mang một ý nghĩa triết học nào đó.

Mặc dù đức Phật không cho phép các Tỳ Kheo xem nghe hay đàn ca múa hát nhưng Ngài không coi âm nhạc cũng như người thực hiện nó là điều hoàn toàn không tốt. Bởi lẽ trong Jākata, chuyện số 243, đã kể lại rằng trong một tiền kiếp, đức Phật từng là một nhạc sĩ tài giỏi, tiếng đàn của Ngài còn hay hơn cả thiên nhạc và nhờ tiếng đàn đó mà Ngài đã cảm hóa được người khác. Bên cạnh đó, Phật Giáo ra đời ở nơi mà âm nhạc trở thành một nền văn hóa, gắn liền với nhiều sinh hoạt trong đời sống con người thì việc chịu ảnh hưởng là điều không tránh khỏi. Theo thời gian, hình thức tụng đọc kinh điển đã dần thay đổi và cách nhìn về âm nhạc cũng khác đi khi Phật giáo Đại thừa sinh khởi. Tại một thời điểm khác, với ngữ cảnh văn hóa khác, Phật giáo đã có những phát triển để thích ứng với hoàn cảnh xã hội mới; và âm nhạc, tuy các kinh điển Đại thừa không khuyến khích, nhưng đã được xem như một trong những “lễ phẩm” cúng dường đức Phật.

Tân nhạc Phật giáo ở Việt Nam bắt đầu từ thập niên bốn mươi với sự ra đời của nhạc phẩm A Di Đà Phật của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Cùng với đó hàng trăm ca khúc Phật giáo khác được hình thành với các tên tuổi ít nhiều được biết đến như Lê Mộng Nguyên, Lê Cao Phan, Giác An, Uy Thi Ca, Nguyễn Hiệp, Chúc Linh… và rất nhiều những ca khúc Phật giáo Việt Nam được sáng tác bởi các nhạc sĩ nghiệp dư, hay những nhạc sĩ phong trào. Các bài hát hầu như chỉ được sử dụng trong những buổi lễ Phật giáo và trong những buổi sinh hoạt của Gia đình Phật tử. Ca từ trong những bài hát này thường đơn giản; nội dung ca ngợi đức Phật, nói lên tinh thần bi trí dũng, và nói lên những triết lý Phật giáo như vô thường, nhân quả… và không ít ca khúc trong đó mang giai điệu buồn bã, u sầu.

Cuối thế kỷ hai mươi, tân nhạc Phật giáo Việt Nam xuất hiện một hình thái mới với sự ra đời các bản thiền ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Những bản thiền ca của Phạm Duy vừa đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của ông, nhưng cũng là điểm mốc trong tân nhạc Phật giáo. Nhạc thiền của ông, cũng như nhạc thiền của các nhạc sĩ các nước, mong muốn đem đến cho người nghe sự thư thái, bình thản trước mọi sự được mất.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo chỉ huy dàn nhạc - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo chỉ huy dàn nhạc – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Gần đây, âm nhạc Phật giáo Việt Nam lại có một bước tiến mới trong thể loại với sự ra đời bản giao hưởng Khai Giác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo được trình bày trong lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – Vesak 2008. Với việc biên soạn và dàn dựng công phu, Khai Giác đã ít nhiều có được tiếng vang, ít ra là trong giới Phật giáo, về sự mới lạ trong ca từ, nhạc điệu và sắc thái triết học của nó.

Như vậy, âm nhạc Phật giáo đã có một quá trình để hình thành cho đến ngày nay. Theo GS TS Nguyễn Thuyết Phong, tại một buổi thuyết trình tại ĐH Harvard, ông khẳng định đạo Phật có một nền âm nhạc thâm thúy, đóng góp rất lớn cho thế giới. Nền âm nhạc ấy nhắm đến mục đích là sự giải thoát, trí tuệ. Nền âm nhạc ấy hết sức phong phú và mang bản sắc độc đáo của một dân tộc và địa phương.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN