Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Đoàn Bổng: Vẫn như hoa cỏ mùa xuân

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Vẫn như hoa cỏ mùa xuân

Chắc hẳn nhiều người khi có cơ hội được tiếp xúc với nhạc sĩ Đoàn Bổng ngoài đời đều có chung nhận xét với tôi rằng, ở ông hiện lên một người “nhà quê” thứ thiệt, dẫu ông đã sống ở giữa Thủ đô bảy thập niên, dẫu ông đã từng giữ cương vị Trưởng phòng Ca nhạc, Đài Truyền hình Việt Nam…

Sinh năm Quý Mùi, xuân Canh Tý này nhạc sĩ Đoàn Bổng đã bước vào tuổi 77, vậy nhưng mỗi lần được trò chuyện, tôi vẫn thấy sự nhiệt huyết, trẻ trung và sức sáng tạo dồi dào, bất tận trong ông. Dường như thời gian và tuổi tác – điều mà người ta rất ngại nhắc đến, không làm người nhạc sĩ đáng kính “già” đi. Ông lúc nào cũng như chàng thanh niên mới ở lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhựa sống, khao khát được yêu và mong muốn được cống hiến cho công chúng những tác phẩm có giá trị.

Chắc hẳn nhiều người khi có cơ hội được tiếp xúc với nhạc sĩ Đoàn Bổng ngoài đời đều có chung nhận xét với tôi rằng, ở ông hiện lên một người “nhà quê” thứ thiệt, dẫu ông đã sống ở giữa Thủ đô bảy thập niên, dẫu ông đã từng giữ cương vị Trưởng phòng Ca nhạc, Đài Truyền hình Việt Nam. Đó là lối sống chất phác, giản dị, nghĩa tình, đó là việc luôn coi trọng bạn bè, dù bất kể người đó là ai và làm công việc gì.

Vì thế trong căn nhà đơn sơ của nhạc sĩ Đoàn Bổng trong con ngõ nhỏ ở phố Hào Nam luôn đầy ắp tiếng cười của bạn bè bốn phương xa gần. Cái “chất quê” đáng yêu ấy cứ đeo đẳng mãi theo ông để rồi hình thành nên “chất nhạc” Đoàn Bổng gần gũi, da diết, dễ nghe và cũng dễ đi vào lòng người.

Bên chén trà đầu năm, khi cành đào trong căn nhà của nhạc sĩ vẫn mơn mởn sắc xuân, ông cho biết, mùa xuân đem đến cho ông thật nhiều cảm xúc. Đó là mùa mà không chỉ cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc mà lòng người cũng phơi phới niềm tin và hy vọng. Và đôi khi chỉ là hình ảnh rất đỗi giản dị khi người người, nhà nhà hăm hở ra đường sắm cho mình cành đào, chậu quất đón Tết hay đôi trai gái tình cảm đi chơi xuân cũng để một người có trái tim đa cảm như ông rung động và viết lên những giai điệu đẹp về cuộc đời.

Ông luôn tâm niệm rằng, đã là người nhạc sĩ thì phải gánh trên vai trách nhiệm là nói hộ cảm xúc của công chúng bằng nốt nhạc. Vậy nên không khó hiểu khi nhạc sĩ xứ Đoài lại có nhiều ca khúc về mùa xuân được yêu thích đến vậy.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi được đi chơi ở hội hoa xuân trong Công viên Thống Nhất, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết lên ca khúc đầu tiên về mùa xuân, đó là “Yêu nhau trong hội hoa xuân”. Ông kể, ngày ấy mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về nhu cầu được ngắm hoa xuân là rất lớn. Giữa bạt ngàn loài hoa với hương thơm và màu sắc rực rỡ là những cái tình tứ tay trong tay của những đôi trai thanh gái tú với gương mặt rạng ngời, hớn hở.

Khi ấy, ông đã hình dung ra người cũng như hoa mà hoa cũng như người, đều mang một không khí tươi vui, phấn khởi. Mượn hình ảnh bông hoa trà mi trắng, tròn trịa mà chàng trai trao cho cô gái trong chợ xuân như trao cho nhau lời hẹn ước, như là cái cớ để tình yêu bắt đầu nảy nở, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết: “Anh đưa em đi hội hoa xuân/Nơi có nhiều kỷ niệm của chúng mình/Nhớ chăng em? Bông hoa đầu tiên anh mang tặng em/Là bông hoa trà mi, là bông hoa trà mi/Và lần thứ hai, anh mang tặng em hoa tươi Hà Nội/Tươi như mắt anh, tươi như mắt em/Rồi những lần sau chúng mình yêu nhau/Rồi những lần sau chúng mình yêu nhau“.

Một sáng tác khác về mùa xuân của nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng rất được biết đến, đó là “Câu hát gọi xuân về”. Trong đó, ông đã khéo léo mượn tình cảm của người lính biên cương với cô bạn gái Hà thành khi họ được gặp nhau trong khoảng thời gian ít ỏi trên “con đường tình yêu” thơ mộng (đường Thanh Niên, Tây Hồ) để rồi anh vì nhiệm vụ Tổ quốc giao phó phải lên đường còn người con gái ở lại đón Tết trong cô đơn, buồn tẻ. Vì thế câu hát “Xuân này anh lên biên giới/ Cho lòng em ngẩn ngơ theo” đã ra đời.

Nhưng rồi nhạc sĩ lại gieo vào lòng công chúng về niềm tin và hy vọng về sự yên ổn, hòa bình trên dải đất biên cương để mùa xuân tới anh được cùng em đón Tết giữa Thủ đô yêu dấu cho thỏa lòng mong ước, nhớ nhung: “Trao tình hẹn ngày bên nhau/ Trao tình hẹn mùa xuân sau”.

Nối tiếp tinh thần của những ca khúc về mùa xuân, xuân Canh Tý này nhạc sĩ Đoàn Bổng đã quyết định phổ nhạc bài thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên (1925-2016) mang tên “Vợ chồng đi chợ xuân”. Đây là bài thơ mà thi sĩ đã viết từ năm 1953 trong lần đi công tác tại huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Phổ nhạc một bài thơ đã được nhiều người biết đến của một tác giả tên tuổi chắc chắn sẽ là thử thách không hề nhỏ với các nhạc sĩ.

Đó là chưa kể việc khung cảnh chợ xuân vùng cao hôm nay đã có nhiều đổi khác so với thời điểm cách đây gần 70 năm khi nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên viết bài thơ này. Tuy vậy, với một người được mệnh danh là “phù thủy âm nhạc” như nhạc sĩ Đoàn Bổng, ông cũng không mất quá nhiều thời gian để chắp cho bài thơ “Vợ chồng đi chợ xuân” một “đôi cánh âm nhạc” đầy lãng mạn và bay bổng.

Bài thơ là câu chuyện giản dị về cảnh vợ chồng người dân tộc Mông dắt ngựa đi chợ xuân – một nét đẹp trong văn hóa của người Mông, qua đó khắc họa lối sống hồn nhiên, gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc.

Lúc xuống chợ, người chồng rất chiều vợ, cho vợ ngồi trên lưng ngựa còn phần mình thì ra sức nắm đuôi ngựa để ngựa đi thật thong thả, chậm rãi. Còn lúc về, khi người chồng đã say rượu thì người vợ lại chiều lại bằng cách ngả nón cho chồng gối, quạt cho chồng mát rồi lại nâng chồng lên lưng ngựa trong chất chồng hàng hóa.

Bài hát “Vợ chồng đi chợ xuân” mang tính chất kể chuyện, thể hiện niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng người dân tộc Mông trong ngày hội xuân, trong phiên chợ xuân vui tươi, phấn khởi. Bài hát mở đầu với tiếng sáo Mông, cho người nghe cảm nhận về những đỉnh núi mờ sương cùng tiếng nhạc ngựa trong sương sớm, những nét nhạc mang đậm nét vùng cao trong sáng, phóng khoáng như con người và thiên nhiên nơi đây. Bài hát viết với giai điệu đẹp, uyển chuyển, dễ đi vào lòng người, trong đó sử dụng chất liệu dân ca Mông với tiết tấu hơi nhanh, vui tươi, rộn ràng đúng với không khí đi hội xuân của đồng bào các dân tộc thiểu số miền sơn cước.

“Câu chuyện thật vui, dung dị mà ai nhìn thấy cũng phải bật cười, rất phù hợp với không khí mùa xuân năm 2020 khi đất nước có những ngày kỷ niệm lớn, trọng đại, đồng thời cũng là năm mà nước ta giữ những trọng trách quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đó là niềm vui không của riêng ai mà của toàn dân tộc. Bài hát “Vợ chồng đi chợ xuân” ra đời với mong muốn được góp phần nhỏ bé tạo ra không khí vui tươi hòa cùng niềm vui chung của đất nước, của Đảng tròn 90 mùa xuân”, nhạc sĩ Đoàn Bổng dí dỏm cho biết.

Tất nhiên, nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng thừa nhận rằng, chuyến du ngoạn Mường Khương dịp cuối năm Kỷ Hợi vừa qua cùng thi sĩ Bàng Ái Thơ, “con gái rượu” của cố thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên đã cho ông nhiều cảm nhận về sự đổi thay của mảnh đất biên cương địa đầu này. Đó là việc đồng bào đã sử dụng phương tiện là xe máy để đi chợ xuân, thay vì cưỡi ngựa như trước đây.

Đó là những con đường đã được đổ bê tông khang trang, sạch sẽ, thay vì những con đường đất bùn lầy, bụi bặm. Đó là những mái nhà đã được đổ mái bằng kiên cố, thay vì những mái rạ, mái cọ thô sơ như trước đây. Và còn nhiều nhiều nữa sự đổi khác mà mảnh đất biên cương này đang từng ngày vươn mình thoát khỏi cái đói nghèo, lạc hậu hòa cùng dòng chảy hội nhập và phát triển của đất nước.

Nhưng có điều không thể đổi khác, đó chính là tình cảm, sự gần gũi, thân thiện của đồng bào đối với nhau và đối với những vị khách bốn phương khi đặt chân đến mảnh đất này.

Điểm qua một vài ca khúc tiêu biểu về mùa xuân của nhạc sĩ Đoàn Bổng, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong đó luôn hiện lên tình yêu nam nữ thật đẹp, lãng mạn. Lý giải về điều này, nhạc sĩ cho biết: “Con người sinh ra là phải có tình yêu, không thì cuộc sống thật vô vị. Một đứa trẻ đi đâu cũng quấn quýt với bố mẹ, đó là tình yêu. Một người mẹ đi đâu về là ôm chầm lấy con vào lòng, đó cũng là tình yêu. Một đôi trai gái vô tình đi qua nhau và trao cho nhau những ánh nhìn đầy lưu luyến thì không thể không có tình yêu được. Với tôi, tình yêu luôn hiện hữu ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Và đó cũng là cách để tôi nuôi dưỡng tâm hồn trong bộn bề những lo toan của cuộc sống mưu sinh”.

Văng vẳng trong đêm khuya, khi đang gõ những dòng cuối này, tôi lại chợt nhớ đến bài thơ “Ngẫu hứng xuân” mà nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết nhân dịp đón Tết Đinh Dậu 2017, trong đó ông đã khéo léo đưa vào những ca khúc đi cùng năm tháng của mình trong dấu ngoặc kép tạo thành bài thơ xuân ý nghĩa, tươi mới: “Xuân cùng ta bước vào lịch sử/ Cùng hát vang bài “Hát về Người”/ Đây “Mẹ tôi”, kia “Hà Nội của tôi”/ Nhiều, nhiều lắm những bài ca như thế/ Những bài ca đi qua nhiều thế hệ/ Nằm trong tim người yêu nhạc quê ta/ “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” mãi mãi ngân xa/ Cùng “Hà Nội, những kỷ niệm trong tôi” bất tử!/ Mai ta “Về Hà Tây đi em”. Nhớ nhé!/ Anh sẽ hát em nghe “Bản Tăng-gô thời cắp sách” tới trường/ “Có một mùa thu” anh đi “Tìm em”/ Để “Câu hát gọi xuân về” đằm thắm/ “Bài ca cuộc đời” hai ta đẹp lắm/ Nên anh không muốn “Một ngày xa em“.
Ngô Khiêm

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN