Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủLý LuậnÂm nhạc Chầu Văn trong tín ngưỡng Tứ phủ

Âm nhạc Chầu Văn trong tín ngưỡng Tứ phủ

6
Trên thế giới, có lẽ bất cứ loại hình tôn giáo tín ngưỡng nào cũng đều biết tận dụng sức mạnh của nghệ thuật âm nhạc trong việc truyền bá giáo lý cũng như thực hành nghi lễ. Từ thuở hồng hoang của loài người, các thầy pháp hẳn cũng bắt đầu nghi lễ tín ngưỡng của họ bằng những điệu nhạc, điệu múa… như một thứ “nghệ thuật hóa” lễ thức để thực sự trở thành một màn trình diễn hấp dẫn đám đông. Trải qua bao thăng trầm, nhạc tôn giáo nghi lễ tín ngưỡng đã trở thành một bộ phận hữu cơ, như một thành tố không thể tách rời trong tổng thể văn hóa tâm linh. Từ Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo… đến những hình thức tín ngưỡng dân gian khu biệt trong mọi dân tộc, không bao giờ thấy vắng mặt vai trò của âm nhạc với nhiều sắc thái, thành phần ở nhiều tầng bậc, từ đơn giản đến phức tạp.

Ở châu Âu, lịch sử hình thành và phát triển của âm nhạc cổ điển trên thực tế bắt nguồn từ chính hệ thống âm nhạc nhà thờ Thiên chúa giáo. Nói vậy để thấy mặc dù mang tính thực hành xã hội là phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, nhưng bản thân âm nhạc ở đây cũng nội hàm nhiều giá trị mang tính mẫu mực và đạt trình độ nghệ thuật cao, không thua kém các thể loại âm nhạc thế tục. Đáng chú ý hơn nữa, ở mỗi dân tộc, mỗi địa phương khác nhau, những loại hình âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng bao giờ cũng mang đậm sắc thái văn hóa nghệ thuật bản địa. Nói cách khác, việc tận dụng các chất liệu, nhạc khí của kho tàng dân ca dân nhạc tại chỗ thể hiện sự khôn ngoan tột cùng của các nhà truyền giáo. Rõ ràng, ở khía cạnh xoa dịu nỗi đau trần thế, âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện sức mạnh “siêu thực” thông qua phương tiện nghệ thuật, làm hài lòng cả 2 đối tượng khách thể và chủ thể tín ngưỡng. Ví như âm nhạc Phật giáo Việt Nam, khắp 3 miền hình thành 3 phong cách Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Nếu như nhạc Phật giáo Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của chèo, tuồng…, nhạc Phật giáo Trung Bộ chịu ảnh hưởng của ca nhạc thính phòng Huế và dân ca Bình – Trị – Thiên thì nhạc Phật giáo Nam Bộ lại chịu ảnh hưởng của nhạc tài tử – cải lương. Trình độ nghệ thuật, kỹ năng hát xướng, đàn địch của các nhà sư, các thầy pháp nhiều khi không thua kém gì các nghệ nhân cổ nhạc nơi thế tục.

(Ảnh: TL)

Nhìn vào tín ngưỡng Tứ phủ, có thể thấy ngay vai trò nổi bật của âm nhạc hát Văn. Nếu như các tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo… luôn có hệ thống triết thuyết, giáo lý đặc trưng thể hiện qua những “tàng kinh” đồ sộ thì tín ngưỡng Tứ phủ lại không như vậy. Ở đây, hầu như toàn bộ các giá trị đều tập trung ở hình thức nghệ thuật âm nhạc. Như thế, có thể khẳng định vai trò bao trùm của hát Chầu văn ở hệ thống điện thần Tứ phủ. Không có giáo lý kinh kệ, toàn bộ sự tích cùng các nội dung tín ngưỡng cơ bản đều thể hiện thông qua các bản văn chầu. Và âm nhạc hát Văn có nhiệm vụ chuyển tải nội dung văn học trong các trình thức diễn xướng mang tính đặc thù. Cũng từ đó, sẽ thấy vai trò đặc biệt của người cung văn. Vừa là nhạc sĩ sáng tác nhạc và lời, vừa là ca sĩ, nhạc công trong một vai tổng hợp, hòa quện. Không những thế, trong quá trình các ông Đồng bà Đồng bắc ghế hầu thánh, người cung văn còn phải kiểm soát mọi cử chỉ động tác của chân đồng hành lễ, để nhanh chóng thích ứng với tình huống diễn biến, sao cho âm nhạc và các hành động trên chiếu hầu được ăn khớp, đồng điệu. Ở khía cạnh nghệ thuật, các chân đồng thực sự có vai trò như một diễn viên sân khấu, còn tốp cung văn đóng vai trò nhạc đệm dẫn dắt cho “vở diễn” hầu thánh. Thế mới hiểu được mối quan hệ cung- cầu khăng khít, gắn bó từ bao đời nay giữa các chân đồng với các cung văn ở khắp mọi miền tín ngưỡng Tứ phủ.

Tín ngưỡng càng phát triển, phổ quát bao nhiêu, lực lượng cung văn theo đó cũng càng được nhân rộng bấy nhiêu. Đây chính là đặc điểm hết sức độc đáo của loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo này, thể hiện một phần tính chuyên nghiệp tầng bậc cao so với các loại hình âm nhạc tín ngưỡng tôn giáo nói chung. Có nghĩa nếu như các cha cố, thầy dòng, nhà sư, ni cô… hành lễ tụng niệm hát xướng nhạc tôn giáo đơn thuần là nhiệm vụ tâm linh thì các cung văn lại không chỉ như vậy. Đàn hát được xem như nghề nghiệp kiếm miếng cơm manh áo. Gọi là chuyên nghiệp bởi vậy!

Tác giả: Bùi Trọng Hiền

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN