Mặc dù đã có chương trình giáo dục âm nhạc mới, sách giáo khoa đã được biên soạn, nhưng việc giáo dục âm nhạc trong trường học phổ thông vẫn đang đối mặt với ba cái thiếu điển hình: thiếu trang thiết bị, thiếu giáo viên đủ chuyên môn và thiếu sự quan tâm đúng mức. Nếu chưa giải quyết được ba cái thiếu này thì khó nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc. Đã có một mô hình giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông ở TP Hồ Chí Minh giải quyết được “ba cái thiếu” ấy, góp phần vun đắp những đam mê và tài năng nghệ thuật.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Âm nhạc Trường tiểu học Lê Đình Chinh tại
quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Cần nhiều nguồn lực
Thử làm một phép tính đơn giản, sĩ số trung bình của một lớp học ở phổ thông khoảng 40 học sinh, chỉ riêng ghi-ta với giá trung bình mỗi cây đàn khoảng một triệu đồng thì số tiền để trang bị đàn cho một lớp học không hề nhỏ. Đó là chưa nói đến các nhạc cụ như oóc-gan hay pi-a-nô điện có giá tiền cao hơn nhiều lần. Trong bối cảnh nhiều trường ở các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn khó khăn, để có được số kinh phí đầu tư này không đơn giản. Những trường lớn, trường điểm, đủ điều kiện sắm trang thiết bị thì lại thiếu phòng học do cơ sở vật chất vốn đã quá tải.
Thạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đức, người đã có nhiều lần tham gia biên soạn sách giáo khoa âm nhạc cho biết: “Dựa vào nội lực của ngành giáo dục, sẽ rất ít đơn vị có thể phát huy tối đa hiệu quả của chương trình giáo dục âm nhạc mới. Lý do là, khung chương trình mới hướng đến các yếu tố trực quan như: học sinh phải thao tác được trên đàn, có thể hát, tức là phải có “sản phẩm thực”. Ngoài trang thiết bị, cần thêm yếu tố con người. Thực tế, nhiều giáo viên âm nhạc hiện nay chỉ có thể giảng dạy kiến thức “nhập môn” về lý thuyết âm nhạc, còn việc trình diễn tác phẩm hoặc dàn dựng chương trình rất ít người làm được. Mặc dù chất lượng đào tạo sư phạm âm nhạc những năm gần đây có cải thiện, nhưng theo tôi vẫn chưa theo kịp được nhu cầu của xã hội”.
Trong bối cảnh như vậy, mô hình của Trường tiểu học Lê Đình Chinh, phường 15, quận Bình Thạnh, có thể xem là một bước đột phá khi có thể huy động được nguồn lực của xã hội cùng tham gia đào tạo âm nhạc học đường. Ngôi trường mang tên người liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, nằm ở phường 15 còn nhiều khó khăn. Phần lớn cư dân khu vực này là lao động phổ thông, trong đó nhiều gia đình là dân nhập cư đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Việt Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh, việc có thể cho con đến trường học đầy đủ đã là cố gắng của nhiều cha mẹ, bởi cuộc sống của không ít gia đình còn quá khó khăn. Thậm chí, có người phải đóng tiền cho con học bán trú theo kiểu “tiền góp”, mỗi ngày đóng một ít, nhờ giáo viên chủ nhiệm giữ hộ. Vì vậy, dạy cho học sinh nắm vững kiến thức toán, ngữ văn, ngoại ngữ… đã là khó, chuyện học nhạc trở thành những thách thức không nhỏ.
Tuy nhiên, những khó khăn này không làm Ban Giám hiệu Trường tiểu học Lê Đình Chinh nhụt chí. Được học âm nhạc, trẻ sẽ được trang bị những kỹ năng phát triển toàn diện. Âm nhạc sẽ có tác dụng bổ trợ để các em học tốt các môn còn lại. Ý định này đã được các nhà hảo tâm cũng như các cấp lãnh đạo tại địa phương ủng hộ. Trường tiểu học Lê Đình Chinh sẽ huy động nguồn lực từ xã hội và chuyên môn từ những nhà giáo dục chuyên nghiệp. Bí thư Đảng bộ phường 15, Lâm Quốc Chính chia sẻ: “Tôi vẫn luôn động viên những người làm giáo dục trên địa bàn, đừng để cái khó bó cái khôn. Thay vào đó, hãy xem đây là cơ hội để tìm kiếm những sáng kiến mang tính đột phá”.
Những hỗ trợ đáng quý
Tháng 11-2018, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông”, đối tượng tham dự là tất cả giáo viên âm nhạc, lãnh đạo ngành giáo dục và lãnh đạo trường học trên địa bàn.
Ấp ủ dự định phát triển môn âm nhạc theo cách riêng, Thạc sĩ Hoàng Thị Việt Hương đến hội thảo từ rất sớm để trao đổi cùng các khách mời, diễn giả và Ban tổ chức, trong đó có PGS, TS Tạ Quang Đông, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (nay là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sau khi nghe phần trình bày và những ý tưởng táo bạo trong việc “xã hội hóa” môn âm nhạc của cô Hoàng Thị Việt Hương, ông Tạ Quang Đông đã nhận lời cố vấn chuyên môn cho Câu lạc bộ Âm nhạc của Trường tiểu học Lê Đình Chinh. Theo đó, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ về nhân sự có chuyên môn, có khả năng sư phạm cho trường học. Giải quyết được khâu giáo viên rồi, Trường tiểu học Lê Đình Chinh lại phải đối mặt với điều lo lắng khác. Cơ sở vật chất đòi hỏi phải có ít nhất 30 đến 40 nhạc cụ phổ biến như pi-a-nô, ghi-ta, trống… Thật bất ngờ, nhiều phụ huynh học sinh đã nhiệt tình hưởng ứng chủ trương của nhà trường nên có gần 100 người ủng hộ, tham gia hỗ trợ.
Có sự đồng thuận từ các phụ huynh học sinh, lại bảo đảm về chuyên môn, đủ để làm tờ trình và gửi lên xin phép các cấp quản lý. Thế nhưng, một mô hình quá mới, cũng khiến Phòng giáo dục và đào tạo quận phải “nâng lên đặt xuống” nhiều lần trước khi chấp thuận. Nói là mới vì trước đây chuyện dạy nhạc trong trường học do giáo viên tốt nghiệp theo “ngạch” sư phạm âm nhạc thực hiện, nay giáo viên đến từ các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp như nhạc viện, học viện âm nhạc thường dạy chuyên sâu cho những người có năng khiếu. Vì vậy, việc Trường tiểu học Lê Đình Chinh hợp tác với Nhạc viện TP Hồ Chí Minh về chuyên môn được xem là bước đột phá chưa có tiền lệ, tất nhiên không thể tránh khỏi những phản biện hoặc bàn lùi. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm căng thẳng nhất, nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ 10 cây đàn pi-a-nô điện, 10 đàn ghi-ta, 20 sáo trúc và một loạt tài liệu âm nhạc mới nhất đã củng cố thêm quyết tâm của Ban Giám hiệu nhà trường. Thế là Câu lạc bộ âm nhạc ngoài giờ được thành lập với sự tham gia giảng dạy của những giáo viên đã tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động.
Nhạc sĩ Huỳnh Văn Cường, người tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cách đây 20 năm, đang dạy môn sáo trúc cho câu lạc bộ cho biết: “Tôi nhận ra rằng, có rất nhiều học sinh đam mê âm nhạc dân tộc, nhưng hoặc là chưa gặp được những người dạy, vì môn sáo trúc không được phổ biến rộng rãi hoặc vì gia đình lại thích các môn “sang chảnh” khác như pi-a-nô hay vi-ô-lông. Vì vậy, tạo điều kiện cho các cháu học tập một cách bài bản, thậm chí còn được tặng cả sáo trúc đem về nhà tập luyện thì hiệu quả là vô cùng bất ngờ”.
Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt các tiết mục văn nghệ được dàn dựng chỉn chu tại một ngôi trường còn nhiều khó khăn. Thậm chí, ban nhạc sáo trúc của nhạc sĩ Huỳnh Văn Cường còn được mời đi tham gia biểu diễn tại một số chương trình nghệ thuật. Đối với một số học sinh có năng khiếu đặc biệt nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em được tài trợ học phí để theo học các lớp nâng cao, chuyên sâu với các giáo viên giỏi. Trong vai trò là cố vấn chuyên môn, Thạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đức nhận định: “Chuyên môn thật ra là để hướng đến việc tạo ra đam mê cho học sinh. Trẻ em nhìn thấy thầy cô có thể trình tấu những tác phẩm hay, chơi đàn một cách điêu luyện sẽ đam mê âm nhạc và muốn học theo, nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi con đường âm nhạc”.
Một nhà tài trợ thường xuyên ủng hộ cho Câu lạc bộ Âm nhạc của Trường tiểu học Lê Đình Chinh chia sẻ: “Tôi ủng hộ chỉ vì một lý do duy nhất, con tôi được học nhạc bài bản và cháu đã thay đổi tính cách, trở thành một người điềm tĩnh, đam mê với âm nhạc. Vì vậy, tôi muốn lan tỏa điều này cho nhiều trẻ khác. Tôi sẵn sàng ủng hộ nếu có thêm nhiều mô hình như Trường tiểu học Lê Đình Chinh xuất hiện”.
Vì đây là mô hình chưa có tiền lệ, nên dù hoạt động được hai năm, phát huy nhiều hiệu quả, được nhiều trường đến học hỏi, nhưng câu lạc bộ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, có đến đây, nhìn các em học sinh say mê chơi đàn pi-a-nô, ghi-ta, thổi sáo và ca hát, mới hiểu hết ý nghĩa của việc đưa âm nhạc vào nhà trường phổ thông và những ảnh hưởng đối với việc xây dựng và hình thành nhân cách tốt đẹp ở trẻ nhỏ.