Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNăm Sửu, kể chuyện văn nghệ sĩ... tuổi Sửu

Năm Sửu, kể chuyện văn nghệ sĩ… tuổi Sửu

9

(Tác giả: Việt Văn – Thu Hằng)

Trong 12 con giáp, có lẽ tuổi Sửu là tuổi “mang tiếng” cực khổ, vất vả hơn cả. Tuy nhiên, những người cầm tinh tuổi Sửu thường được mọi người kính trọng, nể phục bởi đức tính hy sinh, chân thành và mộc mạc. Còn nghệ sĩ tuổi Sửu có gì đặc biệt?

Nhạc sĩ Phú Quang và những tình ca về Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang hội tụ đầy đủ những phẩm chất nổi trội của người tuổi Sửu: Cần cù, mạnh mẽ, thực tế…

Nhắc đến ông, người yêu nhạc cả nước chẳng thể nào quên được những bài tình ca về Hà Nội, như: “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”… Trong gia tài hơn 600 bài hát của ông, phần nhiều là những bài hát về Hà Nội. Kể cả một số bài hát không có một chữ nào nhắc đến Hà Nội, khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều cảm nhận đó là một ca khúc viết về Hà Nội và chỉ Hà Nội mà thôi.

Âm nhạc của Phú Quang có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng giúp người nghe mở rộng những chiều kích khác của tâm hồn, cảm nhận cuộc sống vi diệu hơn. Và dĩ nhiên, giúp người nghe thêm quý, thêm yêu Hà Nội.

Là con út trong gia đình 7 đời sống ở Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang đã trải qua những năm tháng tuổi thơ nơi căn nhà nhỏ ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa). Nhạc sĩ Phú Quang bộc bạch: “Tôi yêu Hà Nội vì đó là một phần máu thịt cuộc đời tôi, làm nên cốt cách và âm nhạc của tôi. Hằng năm, tôi đều tổ chức những đêm nhạc về Hà Nội như một lời tri ân sâu sắc đến thành phố đã nuôi dưỡng, bao dung và lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón tôi trở về. Hà Nội hôm nay dù có xô bồ, tấp nập hơn nhưng tình yêu của tôi thì vẫn không đổi, bởi vì tình yêu thì không thể toan tính, không thể sắp đặt mà chỉ có thể cống hiến hết mình”.

Có người bảo ông “ham kiếm tiền”, nhạc sĩ Phú Quang chỉ cười xòa và nói rằng, vì mình tuổi trâu (Kỷ Sửu – 1949) nên suốt đời phải “kéo cày”. Ông có thể làm từ A tới Z, tất cả các công đoạn, truyền bá những gì mà mình đã sáng tác: Tự phối âm, phối khí, tự tổ chức thu băng, thu đĩa, tự tổ chức chương trình độc diễn…

Tình cảm của nhạc sĩ dành cho Hà Nội chân thật, nồng nàn và đầy trách nhiệm. Xuân mới lại về, chúc cho người nghệ sĩ tài hoa sớm bình phục, để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định chưa bao giờ vơi cạn của mình.

Đạo diễn Trần Lực – người khát khao sáng tạo

Từ Trần Lực – diễn viên đến Trần Lực – đạo diễn, rồi trở thành ông chủ LucTeam, và rồi lại bất ngờ trở lại màn bạc với một vai diễn mới, Trần Lực luôn khát khao sáng tạo trong hành trình đi tìm kiếm gương mặt của chính mình.

Trước đây, trong ký ức của nhiều người, diễn viên Trần Lực thường gắn liền với những vai bộ đội, thương binh phục viên về làng, những nhân vật tốt bụng, nhưng cuộc sống khổ cực và đầy ý chí vươn lên. Từ “Mẹ chồng tôi”, “Hoa ban đỏ”, “Anh chỉ có mình em”… đến dấu mốc lớn trong đời anh là vai diễn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (2003). Không dừng lại ở vị trí diễn viên, Trần Lực lại chuyển sang làm đạo diễn và cái duyên hài hước của anh được bộc lộ qua nhiều phim, như: “Chuyện nhà Mộc”, “Tết này ai đến xông nhà”…

Bất ngờ Trần Lực lại thành lập LucTeam, đoàn kịch tư nhân đầu tiên của sân khấu phía Bắc. “Sân khấu LucTeam ra đời với ngôn ngữ ước lệ – biểu hiện, mang đậm ngôn ngữ của sân khấu truyền thống, nói cách khác là từ tuồng, chèo mà ra cả. Đó là sự ước lệ về không gian, ước lệ về thời gian. Điều đặc biệt, đây là sân khấu kịch, nhưng ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn khác hẳn những sân khấu kịch khác ở Việt Nam bây giờ”, Trần Lực từng chia sẻ với truyền thông như vậy và cũng bảo rằng chính bố anh – Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng, một trong những ông “trùm” chèo đã ủng hộ, khích lệ và định hướng.

Sang năm mới Tân Sửu, ở tuổi 60, Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực (sinh năm Tân Sửu – 1961) sẽ tái xuất màn ảnh rộng sau 10 năm, với vai diễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Anh đang trong quá trình giảm cân, tập nói giọng Huế, học hát, học cách nhả chữ, nhả âm… để khắc họa một Trịnh Công Sơn gần với hình dung của nhiều người nhất, mà vẫn có sự sáng tạo riêng của Trần Lực.

Họa sĩ Phạm Bình Chương – gã si tình Hà Nội

Phạm Bình Chương là một họa sĩ tài năng. Anh được biết đến như một gã si tình đắm say Hà Nội.

Sinh năm Quý Sửu – 1973 và lớn lên ở phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm), họa sĩ Phạm Bình Chương có ký ức bền bỉ về Hà Nội. Đến nay, anh đã có 5 cuộc triển lãm với hơn 200 bức tranh phong cảnh Hà Nội theo phong cách hiện thực. Anh vẽ như là để lưu giữ “hồn cốt” những con phố, những giá trị di sản kiến trúc, văn hóa còn lại, khi Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Họa sĩ Phạm Bình Chương vẽ những góc phố của Hà Nội, với một cảm xúc chân thành và sự chân thành đó tạo sự đồng cảm cho người xem.

Phạm Bình Chương cho biết, phần lớn các tác phẩm của anh được lấy cảm hứng từ phố cổ Hà Nội thời hiện đại, theo cách nhìn của những con người hiện đại, Hà Nội sống động của hôm nay. Không thể kể hết những lần anh lang thang dạo phố để cảm nhận những góc phố Hà Nội thân quen, rực màu nắng non của những ngày đầu hạ, lớp lớp ngói nâu náu mình dưới những vòm cây xanh mướt; một chút xôn xao đời sống đâu đó…

“Nghệ sĩ cầm tinh con trâu thường là vất vả, làm việc không biết mệt, thành công chỉ đến sau khi trải qua bao gian khổ và nỗ lực. Lúc tôi mới lên 5, dãy nhà cấp 4 của khu tập thể Trường Đại học Văn hóa – nơi gia đình tôi ở có 10 hộ sinh sống, với một mái hiên chung. Cứ 5h sáng là tôi dậy, dùng phấn vẽ xuống cái hiên đó, dài cỡ 30m, vẽ kín xong mới thôi. Ai hỏi cũng nói là tuổi Sửu nên phải dậy sớm đi cày. Bây giờ tôi cũng trở lại lịch hồi đó: Sáng vẽ từ 5h đến 8h, chiều từ 14h đến 16h…”, Phạm Bình Chương chia sẻ.

Miệt mài theo đuổi đề tài Hà Nội, không phải Hà Nội xưa, mà một Hà Nội của hôm nay, đang phải đối diện với nhiều mất mát không thể níu giữ, họa sĩ Phạm Bình Chương như đang chạy đua với thời gian. Phạm Bình Chương bộc bạch: “Nếu ngày xưa, sự thay đổi của Hà Nội phải 10-20 năm mới nhìn thấy, thì nay tốc độ đó nhanh hơn nhiều. Chỉ cần một năm, thậm chí một tháng thôi, quay lại “chốn cũ” đã thấy có cái mới thay thế. Bởi thế, ngày Tết chính là thời khắc vàng của phố cổ, là khoảnh khắc Hà Nội khoe vẻ đẹp thật sự của nó: Sự tĩnh lặng, thâm trầm…”.

Là thủ lĩnh nhóm họa sĩ hiện thực, họa sĩ Phạm Bình Chương trong năm Tân Sửu 2021 có kế hoạch triển lãm cùng nhóm, trưng bày các tác phẩm mới nhất. Chúc họa sĩ Phạm Bình Chương luôn tràn đầy năng lượng để tìm kiếm, khám phá những ngôn ngữ thể hiện mới trong chủ đề phố Hà Nội thân yêu.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN