Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Trần Hữu Pháp (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội...

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1968-1971)

10

(Tác giả: Quỳnh Anh biên tập)

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp sinh ngày 5/10/1933 (Quý Dậu) tại Ân Phong, Huyện Hoài Ân, Bình Định. Nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế, Chi hội trưởng Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam Thừa Thiên – Huế. Năm 1989-1995 là Ủy viên kiểm tra của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1968-1971. Ông mất ngày 29/5/2019 tại TP Huế.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (Nguồn: internet)

Sinh thời, trong khoảng 60 năm, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã sáng tác trên 400 tác phẩm thơ ca khác nhau. Mỗi ca khúc là một nốt thăng trầm của từng giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc, hay nhiều ca khúc gắn với mỗi địa danh mà nhạc sĩ đã đi qua. Các ca khúc tiêu biểu được nhiều người biết đến của ông là: Dòng sông ai đã đặt tên, Huế vấn vương, Dòng sông kể chuyện, Em bé Bảo Ninh, Mùa xuân Praha, Dáng xưa Hà Nội, Còn mãi trong tôi chiều Matxcơva, Người về Paris và Bình Định xanh.

Từ năm 14 tuổi (1948), Trần Hữu Pháp là một thiếu sinh quân, tham gia Đoàn Văn công Tuyên truyền chuẩn bị Tổng phản công của Sở Thông tin Liên khu V trong những năm kháng chiến chống Pháp với niềm say mê âm nhạc và các hoạt động văn nghệ. Cũng trong năm 14 tuổi này, cậu thiếu sinh quân Trần Hữu Pháp đã sáng tác ca khúc đầu tay “Em yêu anh thương binh” đánh dấu cho một sự khởi nghiệp về âm nhạc.

Năm 1954, tập kết ra Hà Nội nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được tham gia vào Đoàn Văn công Thanh niên xung phong Trung ương, rồi chuyển qua làm báo ở tờ Tiền phong từ năm 1958 đến 1960, sau đó là Ủy viên thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, phụ trách Phân Hội Âm nhạc. Năm 1958, ông được dự lớp Sáng tác cho các trưởng đoàn văn công do Bộ Văn hóa tổ chức và chuyển về Ban biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc từ năm 1960. Trước khi trở vào miền Nam sau ngày thống nhất đất nước, có nhiều năm, ông là Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh Hà Nội. Trong quá trình công tác tại Hà Nội, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã có mối quan hệ rất tốt với các thế hệ nhạc sĩ tên tuổi. Chính nhờ mối quan hệ tốt đẹp đó đã giúp ông có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm sáng tác tác ca khúc, đồng thời tạo nguồn hứng khởi cho ông viết nên những bài ca có giá trị nghệ thuật. Là người con xứ dừa Bình Định nên trong những năm tháng xa quê hương Trần Hữu Pháp luôn đau đáu nhớ thương về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Theo đánh giá của Hội Âm nhạc Bình Định thì ông là một nhạc sĩ sống xa quê viết về quê hương Bình Định nhiều nhất. Người Bình Định tâm đắc với ông qua những bài ca: Quê hương một sắc dừa xanh, Bình Định xanh, Hương sắc Bình Định, Nhớ Quy Nhơn, Lời ru chim Yến, Tình mẹ.

Năm 1956, một bước ngoặt lớn đã đến cùng chàng trai Bình Định khi Trần Hữu Pháp gặp được Hồng Thị Như Thuần, nguyên là một nữ sinh Đồng Khánh, Huế trên thủ đô Hà Nội. Người vợ Huế hiền thục dịu dàng ấy đã tiếp truyền vào tâm hồn nhạy cảm Trần Hữu Pháp một mạch nguồn sáng tạo mới đó là Huế yêu thương. Ca khúc Tiếng hát gửi sông Hương được xem là nhạc phẩm mở đầu cho tập “Gửi Huế Cung Đàn” của ông với hằng trăm ca khúc chủ đề về xứ sở của sông Hương núi Ngự. Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã từng tâm sự: “Huế trong tôi có lẽ từ những 40 năm về trước, lúc đó tôi đã vượt qua những con sông để lên đất liền về Hà Nội. Nguời con gái Huế dịu dàng đã đón tôi trong một đợt đón tiếp đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Khi ra Hà Nội, ba năm sau tôi lại gặp người con gái ấy và thế là Huế mãi mãi ở trong tôi. Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của tôi đã có đến ba phần tư dành cho Huế từ một bài ca khúc nhỏ như Hành khúc đội thiếu niên du kích thành Huế đến Tiếng hát gửi sông Hương và Dòng sông ai đã đặt tên…”

Sau năm 1975, nhạc sĩ về Huế làm ở Đài Phát thanh Bình Trị Thiên và làm Chủ tịch Phân hội Âm nhạc Bình Trị Thiên vào năm 1980. Cái duyên với người con gái Cố Đô, cũng như với mảnh đất thơ mộng trữ tình này đã giữ nhạc sĩ lại đây cho đến cuối đời.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã xuất bản các tập: Dòng sông ai đã đặt tên (Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế), tập Huế vấn vương (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và DIHAVINA, 1995) kèm băng cassette, Dòng sông kể chuyện (Nxb. Thuận Hóa), Quê hương một sắc dừa xanh (Hội Văn nghệ Bình Định), tập Nghiên cứu nhạc cung đình Huế (Nxb. Thuận Hóa), các chương trình truyền hình Trung ương và địa phương: Ông Trăng non và chú Cuội già, Chuyện tình Huyền Trân công chúa, Sự tích sông Hương (viết cùng Mai Xuân Hòa). Không dừng lại ở đó, suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc, ông còn âm thầm sưu tầm nhạc dân gian để hoàn thành tiếp những tuyển tập ca khúc mới, hoàn thành bài hát ru (Nguồn gốc hô bài chòi) của Bình Định quê hương ông và tập ca khúc Gửi Huế cung đàn.

Hơn 60 năm cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa – Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam…

(Nguồn: https://bcdcnt.net/, http://www.voque.org/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN