Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Thái Cơ (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm...

Nhạc sĩ Thái Cơ (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1976-1995)

8

(Quỳnh Anh biên tập)

Nhạc sĩ Thái Cơ (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1976-1995)

(Nguồn: internet)

Nhạc sĩ Thái Cơ tên thật là Đầu Vũ Như, sinh ngày 6 tháng 1 năm 1934 tại xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Nguyên công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa. Nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1976-1995. Ông mất ngày 1/4/2004.

Là người ngay từ nhỏ đã say mê các làn điệu dân ca, các điệu hò, điệu lý, sa mạc, bồng mạc, và từng tham gia hoạt động văn nghệ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, song phải tới năm 1958, khi chuyển về làm công tác tuyên huấn ở Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, Thái Cơ mới có sáng tác đầu tiên và ngay lập tức, ca khúc này (“Tiếng còi thi đua”) đoạt giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải nhất Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội.

Sau khi nhập ngũ năm 1953, ông hoạt động trong Đội văn nghệ của Trung đoàn 55 (Quân khu 4). Năm 1956, ông là diễn viên của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Từ năm 1961, ông là cán bộ biên tập âm nhạc của Nhà xuất bản Văn hóa (sau này là Nhà xuất bản Âm nhạc). Ông đã được đánh giá là một trong những nhạc sĩ biên tập xuất sắc nhất của NXB.

Có một thời, người ta đã nhắc tới bốn cái tên An Chung – Thái Cơ – Xuân Giao – Lương Vĩnh – bốn nhạc sĩ cùng “điểm chung” là NXB Âm nhạc; và cùng có những tác phẩm đề lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe. Trong “tứ trụ” này, Thái Cơ nổi lên như một nhạc sĩ có nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Ông đặc biệt thành công với những ca khúc viết về đề tài nông thôn: “Tiếng còi thi đua” (Giải Nhì Hội Nhạc sĩ VN), “Thư ra tiền tuyến”, “Tiếng hát hậu phương”, “Nón trắng trên đồng”…

Có 3 nhạc phẩm của nhạc sĩ Thái Cơ có thể xếp vào hàng ca khúc “để đời”, đó là “Rặng trâm bầu”, “Qua bến đò Quan”, “Khi thành phố lên đèn”… Cùng với chất liệu dân ca, những ca khúc này khi cất lên, cứ như một lời thủ thỉ kể chuyện, thấm – thấm rất sâu và ở rất lâu trong lòng người nghe. Giống như “cây cắm sâu vào lòng đất… ôm ấp bờ cây dài, sóng dội mà cây vẫn hát”…

Có thể nói, ông là một nhạc sĩ có nhiều công lao trong việc chăm sóc và giới thiệu các tác phẩm của đồng nghiệp qua các ấn phẩm trong nhiều năm liên tục, đồng thời là một nhạc sĩ có bản sắc riêng, đặc biệt là khai thác chất liệu dân ca để làm nên những ca khúc hiện đại giàu hình tượng độc đáo.

Năm 1976, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội văn nghệ Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Hồ Bắc, Văn An và Hồng Hạnh và tiếp tục được bầu vào năm 1984. Năm 1990, trong Đại hội đầu tiên được tổ chức độc lập của Hội Âm nhạc Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 1990-1995, kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Năm 1995, ông là Phó Tổng thư ký Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1995-2000.

Nhạc sĩ Thái Cơ đã được xuất bản tập Ca khúc Thái Cơ và kèm băng cassette riêng tác giả (Nxb. DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996). Ông được trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam”. Năm 2007, nhạc sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt II, với cụm tác phẩm: Tiếng còi thi đua, Khi thành phố lên đèn, Nón trắng trên đồng, Rặng trâm bầu, Qua bến đò Quan, Nghe tiếng trống quê hương.

(Nguồn: https://bcdcnt.net/, http://hanoimoi.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN