Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang chủLý LuậnHai ca khúc giải nhiệt

Hai ca khúc giải nhiệt

18

Hà Nội lại nóng hầm hập! Mấy năm nay mỗi năm nhiệt độ mùa hè cao nhất ở Hà Nội lại tăng thêm 1°C: năm 2018: 37°C, 2019: 38°C, 2020: 39°C, mấy ngày từ tháng 6 năm 2021: 40°C… Cứ đà này 10 năm nữa mùa hè Hà Nội nóng nhất có thể lên tới 50°C như bang Washington-vùng ôn đới tây bắc nước Mỹ vừa rồi.

Trước cái nóng nung người của Hà Nội, bỗng nhớ tới một bài học thuộc lòng trong sách Tân Quốc văn từ thời tiểu học, đó là bài:

VÀO HÈ

Ai xui con cuốc gọi vào hè

Cái nóng nung người nóng nóng ghê

Ngõ trước vườn sau um những cỏ

Vàng phai thắm nhạt tiếc cho huê

Trên cành gọi bạn chim xao xác

Trong tối đua bay đóm lập lòe

May được nồm nam cơn gió thổi

Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe./.

Thời bé cũng không nhớ tên tác giả, sau lớn lên mới biết đó là bài thơ của cụ Cử Dương Bá Trạc (16 tuổi đã đỗ Cử nhân Nho học, không ra làm quan mà về nhà dạy học) là một nhà Nho yêu nước, tham gia lãnh đạo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục chống thực dân Pháp tại Hà Nội. Bài thơ tả mùa hè thật gần gũi, nhẹ nhàng, quen thuộc và dễ hiểu nhưng không kém phần thanh tao, đã hằn sâu trong tâm trí lớp học trò nhỏ thời bấy giờ, nhất là hình ảnh con cuốc-một loài chim lưng đen bụng trắng, chân cao chuyên bắt tôm tép côn trùng, kiếm ăn trong các bụi cây lúp xúp rậm rạp ven bờ ao, chuôm, hồ, đầm… khi có động nó lủi rất nhanh vào bụi rậm. Trẻ con nông thôn rất thích khi nghe thấy cuốc kêu, bởi nó báo hiệu sắp được nghỉ hè, tương tự như ve sầu của trẻ con Hà Nội. Những dịp nghỉ hè ở quê, chiều chiều nghe tiếng cuốc kêu khắc khoải không dứt như tiếng chim lạc mẹ ngoài bờ đầm, tuy tuổi thơ chưa biết buồn nhưng cũng thấy lòng ái ngại, buổi tối cùng người lớn ngồi hóng mát trên chõng tre giữa sân gạch rộng, nhìn từng đàn đom đóm lập lòe rước đèn trên những rặng cây, càng thấy giá trị sống động của bài thơ.

Khi học lịch sử đến đoạn quân Nguyên từ Mông Cổ sang xâm lược nước ta, vì không phục thủy thổ mà ốm chết như rạ mới thấy sự khủng khiếp của cái nóng ở ta. Đến thời kỳ đầu Pháp xâm lược Việt Nam cũng vậy, lũ lính đánh thuê lê dương phần lớn là dân Bắc Âu xứ lạnh, không chịu được cái nóng xứ nhiệt đới cũng lâm vào tình trạng giống quân Nguyên, sau thực dân Pháp phải thuê lính Bắc và Trung Phi như Maroc, Algeri, Cameroon… sang thay, nhưng kết cục tất cả lũ quân xâm lược đều thất bại không phải chỉ vì cái nóng của khí hậu Việt Nam mà chính là vì gặp phải cái nóng từ lòng yêu nước nồng nàn và cái nóng từ ý chí sôi sục căm thù giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Vành nhiệt đới của trái đất từ 0° đến 23°27′ bắc nam đường xích đạo thì nước ta ở vị trí 8°02′ đến 23°23′ vĩ độ bắc, tức là nằm gọn trong vành đai nhiệt đới! Người ta có thể chuyển nhà nhưng không thể dọn nước đi được, bởi vậy 40 thế kỷ nay người Việt Nam đã được tôi luyện để sống chung với cái nóng nung người vì đã tìm ra những cách giải nhiệt rất hiệu dụng, đó là gió và nước.

1. Chế tạo ra dụng cụ làm lưu chuyển không khí thành gió, đó là các loại quạt: quạt mo, quạt nan, quạt giấy, quạt lông, quạt lá gồi, quạt trần kéo…

2. Tự hóng gió trời.

3. Dội hoặc ngâm nước bằng cách tắm táp, bơi lội từ giếng, lạch, ao, chuôm, hồ, đầm, sông suối và trực tiếp dưới các trận mưa.

Mãi đến năm 1892 Toàn quyền Đông Dương De Lanessan mới cho xây dựng Nhà máy đèn Bờ Hồ (ở 69 Đinh Tiên Hoàng-Hà Nội ngày nay) phát điện một chiều công suất nhỏ, chỉ đủ thắp sáng mặt tiền các dinh thự Pháp và các con đường người Pháp thường đi vào ban đêm. Đến năm 1922 Toàn quyền Merlin mới cho khảo sát thiết kế Nhà máy điện Yên Phụ, năm 1925 khởi công, đến năm 1932-dưới thời Toàn quyền Pasquier mới hoàn thành đợt 1, phát điện xoay chiều 110 Vol, năm 1942 hoàn thành đợt 2, và năm 1949 dưới thời Toàn quyền Pignon thì hoàn thành toàn bộ. Lúc bấy giờ dân số Hà Nội khoảng 25 vạn người, nhưng chỉ dân những phố chính nội thành Hà Nội mới được dùng điện, đã thấy xuất hiện những thiết bị làm mát chạy điện như quạt bàn Calor, quạt trần Marelli… trong các gia đình trung lưu.

Đến nay tuy công nghệ làm lạnh và làm mát đã có nhiều phát triển nhưng tất cả vẫn phải phụ thuộc vào điện! Thỉnh thoảng nơi này nơi khác vẫn xảy ra sự cố cắt điện, có nơi bị liên tục và kéo dài. Thử tưởng tượng sự cố đó xảy ra vào những ngày hè thì dùng cách gì để giảm nhiệt? Chắc chắn lại phải quay về với những chiếc quạt truyền thống! Cũng có nghĩa là những cách giảm nhiệt truyền thống còn lâu mới trở thành dĩ vãng!

Với óc quan sát tinh tế, cách nhìn thực dụng cùng với phong cách văn chương tả thực, từ thế kỷ XVIII Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772-1822) đã tôn vinh loại dụng cụ giảm nhiệt truyền thống là cái quạt giấy:

CÁI QUẠT

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa

Duyên em dính dáng tự bao giờ

Chành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

Mát mặt anh hùng khi tắt gió

Che đầu quân tử lúc sa mưa

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa./.

và tôn vinh một phương pháp giảm nhiệt đó là hóng gió trời. Việc hóng gió còn được mô tả ở một số bài thơ khác sau này như câu:

May được nồm nam cơn gió thổi

trong bài Vào hè của cụ Dương Bá Trạc, hoặc những câu thơ:

Chiều hôm đón mát cổng làng

Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi

và câu:

Cổng làng vài chị gái non

Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm

trong bài thơ Cổng làng của thi sĩ Bàng Bá Lân (những bài này đều được học từ chương trình tiểu học trước 1954).

Bà Hồ Xuân Hương đã mô tả việc hóng gió trời bằng những vần thơ vô cùng sinh động:

THIẾU NỮ NGỦ NGÀY

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông

Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng

Lược trúc chải cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch đào nguyên suối chửa thông

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở, ở không xong./.

Bà Hồ Xuân Hương còn nổi tiếng với những bài thơ được truyền tụng phổ biến trong nhân dân như:

– Cái giếng

– Vịnh cái quạt

– Bánh trôi

– Ốc nhồi

– Quả mít

– Dệt cửi đêm

– Đánh cờ người

– Đánh đu

– Tát nước

– Đèo Ba Dội

– Động Hương Tích

– Hang Cắc Cớ

– Lấy chồng chung

         …

đều là những tác phẩm thơ Nôm có giá trị trong Văn học sử Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX.

Từ trước năm 1975 ở Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã phổ thành ca khúc bài Cái quạt, nhưng phải đến năm 1988, thời kỳ nước ta vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhất là thiếu điện, việc luân phiên cắt điện từng khu vực diễn ra thường xuyên, trước hoàn cảnh thực tế và cảm xúc với hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, nhạc sĩ tài danh Phan Huỳnh Điểu (nổi tiếng từ 1940-lúc 16 tuổi với ca khúc đầu tay Trầu Cau còn được hát đến ngày nay), ông còn là một nhạc sĩ phổ thơ lão luyện-đã phổ hai bài thơ trên thành ca khúc, bằng chất liệu dân gian, rất hợp với những giọng ca biết hát chèo và biết cách biểu diễn các động tác của chèo cũng như rất thích hợp trong những sinh hoạt cộng đồng và chính từ cách phổ thơ dí dỏm và sinh động, hai ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn có tác dụng giải nhiệt trong những ngày hè nóng như nung.

Trân trọng giới thiệu cùng các bạn yêu nhạc.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN