Chủ Nhật, Tháng Mười 13, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩCuộc tri âm thơ - nhạc hiếm có

Cuộc tri âm thơ – nhạc hiếm có

20

Tác giả: Trần Trung Sáng

“Khúc ru trầm”, tuyển tập 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của nhiều nhạc sĩ tên tuổi, có thể nói đó là một cuộc tri âm thơ – nhạc hiếm có.

Lâu nay, đôi lúc tình cờ, tôi có nghe thoáng qua vài ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trên các phương tiện truyền thông. Cảm nhận đầu tiên với tôi, đó là những bài hát bình dị, gần gũi, dễ nghe, bởi những ca từ mang hình ảnh chân chất quê hương, man mác nỗi buồn hoặc phảng phất niềm vui mơ hồ, hiền lành, dung dị… hòa quyện giao thoa cùng những giai điệu ngọt ngào, thiết tha lắng đọng trong tâm hồn của một người từ quê ra phố. Cũng đôi lần, tôi đã mày mò tìm bản in một vài ca khúc ấy, tập tành hát theo và bị quyến dụ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cho đến tận bấy giờ, khi cầm tuyển tập “Khúc ru trầm” trên tay, tôi mới quá bất ngờ. Bởi suốt quá trình sáng tác và sức lan tỏa diệu kỳ trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, đã tạo nên sự đồng cảm, hòa điệu với các tác giả âm nhạc. Bất ngờ là do đâu đã khiến thơ của anh có nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc như vậy?

Chỉ riêng trong tuyển tập này đã có đến 40 nhạc sĩ thuộc các thế hệ khác nhau góp mặt phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thành ca khúc. Thậm chí, có nhạc sĩ phổ từ 5 đến 10 tác phẩm (Quỳnh Hợp, Trọng Đài, Trung Kim). Và, có tác phẩm cùng một chủ đề “Làng” lại được cả 3 tác giả phổ thành 3 ca khúc khác nhau (Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Đình Thậm) hay bài “Ngõ hẹp” cũng vậy, 3 nhạc sĩ: Võ Hoài Phúc, Trịnh Thùy Mỹ, Trương Công Ảnh cũng đều gửi gắm giai điệu khúc thức riêng biệt của mỗi người vào tác phẩm này.

Bìa bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”

Đứng trước câu hỏi nói trên, chúng tôi nhanh chóng nhận được một trong những hồi đáp của nhạc sĩ Trọng Đài. Ông tâm sự: “Tôi và Nguyễn Ngọc Hạnh biết nhau đã lâu rồi. Thơ anh Hạnh, tôi đã tiếp cận ở nhiều góc cạnh khác nhau, đặc biệt các chủ đề về mẹ, quê hương, nỗi buồn của nhà thơ khi sống xa làng từ thời tấm bé… Tất cả đều gần gũi với tôi và biết đâu cũng là của bao người. Bên cạnh đó, bản thân thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh đã là âm nhạc rồi, tôi chỉ góp phần chia sẻ tự nhiên thôi. Trong những bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh mà tôi phổ nhạc, có một số bài đã thu thanh, phát sóng trên các kênh truyền hình, đã được các nghệ sĩ thể hiện rất thành công. Thông qua quá trình hoạt động nghệ thuật của anh Hạnh, bản thân tôi luôn mong muốn có sự sẻ chia, đồng cảm và mong muốn mang giai điệu âm nhạc của mình để gửi gắm, đồng hành cùng với lời thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh”.

Nhạc sĩ Trọng Đài cho biết thêm bài đầu tiên ông phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thành ca khúc là “Đà Nẵng trên cao”, viết về Bà Nà cách đây đã lâu vào những năm 1990. Và, bài gần nhất là “Chợ quê” thật xúc động khi nhà thơ viết về mẹ của mình. Chừng ấy thời gian quen biết nhau, tôi đã phổ nhạc từ thơ anh khoảng chục bài. Mặc dù không thường xuyên nhưng mỗi lần Nguyễn Ngọc Hạnh có tác phẩm mới, tôi cũng đều dõi theo và sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia”.

Còn nhớ nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lúc sinh thời có lần thẩm định về thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh: “Thơ Hạnh thường không nói lý mà chỉ nói tình; không cố gắng làm mới câu thơ bằng nhịp điệu lạ hay ngôn ngữ cách tân hiện đại, mà nó chảy ra tự nhiên trên nền gần quen thuộc vốn có như lục bát đồng dao… Thế mà nhiều bài thơ của anh cứ lặng lẽ đi vào lòng người. Những đề tài, tứ thơ anh chọn cũng nào có lạ gì đâu, đấy là bến sông quê, con đò nhỏ, là mẹ cha, tình yêu, bầu bạn… nhưng nhiều câu thơ của Hạnh cứ ngọt ngào kết mật khiến tôi nhớ đến cái chảo nấu mật mía một lần ngang qua xứ Quảng”.

Thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh là vậy, một dòng thơ nặng về tâm tưởng, đầy hoài niệm. Chúng ta có thể thấy hàng loạt bài thơ của anh: “Làng”, “Nhớ mùa hoa ven sông”, “Qua đò nhớ mẹ”, “Đêm xa làng”, “Ký ức làng quê”, “Cạn cháy cơn mơ”…, chỉ cái tựa đề thôi đã gợi cho chúng ta bao niềm thương nỗi nhớ về làng, về dòng sông thời thơ bé. Bây giờ, khi tuyển tập “Khúc ru trầm” chính thức ra mắt, hiện diện trên tay bạn đọc yêu thơ nhạc, thì gần như 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã được nhiều ca sĩ, nhóm nhạc chính thức phổ biến rộng rãi đến công chúng cả nước qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, tôi thực sự thích thú các ca khúc “Trăng tan” và “Ngõ hẹp” được trình bày rất tươi trẻ bởi nhóm nhạc của nhạc sĩ Võ Hoài Phúc. Hoặc khá bất ngờ với ca khúc khá quen thuộc “Qua đò nhớ mẹ” do nhạc sĩ hải ngoại Nguyễn Ngọc Tiến phổ nhạc từ mấy chục năm qua được rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước trình bày.

Điều đặc biệt cũng đáng nói trong “Khúc ru trầm” này, đó là một cuộc hội tụ của họa sĩ Lê Thiết Cương với bìa sách rất lạ, tranh thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ từ ý thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Lạ hơn và công phu hơn là họa sĩ Đặng Tiến, người con của quê hương Quảng Nam đang sống tại Hải Phòng, đã ký họa gần 40 chân dung của các nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh rất bắt mắt. Có thể nói “Khúc ru trầm” được xem là cuộc giao thoa đầy kỷ niệm giữa thơ ca và nhạc họa trên con đường sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hạnh, mà xưa nay, không dễ gì nhà thơ nào cũng may mắn có được.

Nguyễn Ngọc Hạnh tâm sự: “Tôi rất vui, vì thơ mình được người ta hát lên, có sức lan tỏa rộng lớn. Tôi không đi tìm nhạc sĩ để phổ thơ mình, tất cả đều do tình cờ, ngẫu nhiên như là trời cho vậy. Tôi nghĩ trong sáng tác, cho dù bất cứ thi pháp gì, cách tân hiện đại đến mấy đều cần những cảm xúc chân thành, từ đó những giao thoa giữa nhà thơ và nhạc sĩ sẽ gặp nhau; chẳng có sự áp đặt nào, rủ rê nào để dắt nhau vào thế giới tâm hồn của công chúng và nghệ thuật”.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN