Đêm nhạc phim chuyển thể từ văn học, diễn ra vào ngày 21-4, trong khuôn khổ sự kiện Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần I-2022
Sự kiện này hội tụ những ngôi sao như Phương Thanh, Phan Mạnh Quỳnh, Phạm Anh Khoa, Phan Lê Ái Phương, Hoàng Yến Chibi, Phương Mỹ Chi, Quang Đăng Trần…
Âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học
Giọng ca 9X Quách Mai Thy (quán quân Sao Mai toàn quốc) gây ấn tượng với dự án Thy – Nương gồm MV “Mục hạ vô nhân” cùng 2 single (ca khúc đơn) “Chờ chàng” và “Ngọc Hoa tự khúc”. Trong MV “Mục hạ vô nhân” có ca khúc được nữ nhạc sĩ trẻ Trần Khánh Ly viết dựa trên điệu xẩm chợ.
Bùi Công Nam gây ấn tượng mạnh với ca khúc “Chí Phèo”
Trần Khánh Ly cũng là tác giả ca khúc “Chờ chàng” lấy cảm hứng từ trích đoạn “Xúy Vân giả dại” trong vở chèo cổ Kim Nham và ca khúc “Ngọc Hoa tự khúc” lấy cảm hứng từ nhân vật Mỵ Nương trong truyện cổ tích “Sơn Tinh – Thủy Tinh”.
Ca khúc “Kiều mệnh khúc” do nhạc sĩ Huy Tuấn và nhạc sĩ – nhà thơ – nhà văn Mai Lâm sáng tác, với sự thể hiện của Bùi Lan Hương cho bộ phim “Kiều” (đạo diễn: Mai Thu Huyền) thậm chí còn được chú ý hơn cả chính bộ phim. Khán giả có thể nhận ra những hình ảnh, ý thơ của Truyện Kiều trong lời ca khúc:
“… Rồi vầng trăng xanh trên trời kia chia làm đôi/Dặm trường trăng soi theo người đi xa dần xa/Nửa soi gối chiếc mình ta/Rồi mùa đông qua xuân lại sang nắng lại trong/Dịu dàng cành hoa lê điểm tô thêm vài bông/Cỏ xanh ngát tận chân trời…”.
Kiệt tác “Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm văn học Việt được các nhạc sĩ lấy cảm hứng sáng tác nhiều nhất. Từ nhạc sĩ kỳ cựu như cố nhạc sĩ Phạm Duy (gồm hàng chục đoản khúc), Lam Phương (trường ca về Kiều với 2 tác phẩm “Trước lầu Ngưng Bích” và “Tu là cõi phúc – Tình là dây oan”)… đến nhạc sĩ trẻ Cao Bá Hưng với ca khúc “Kiều” đã từng mang đến những ấn tượng khó quên với sáng tác của họ.
Không chỉ chọn những tác phẩm văn học nổi tiếng, có những ca khúc còn được chuyển thể từ tản văn, tiểu thuyết của những tác giả hiện nay. Đó đều là những ca khúc được yêu thích từ những tác phẩm của tác giả trẻ như “Trên tường nhà dưỡng lão”, “Cảm ơn người đã rời xa tôi”, hay “Nếu như không thể nói nếu như”…
Sau thành công của loạt ca khúc chuyển thể từ chính sáng tác của mình và các nhà văn khác như “Lừng chừng hạnh phúc”, “Thương nhau để đó”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Ai rồi cũng khác”, “Mỉm cười cho qua”… mới đây, Hamlet Trương đã ra mắt khán giả một ca khúc đầy xúc động về mẹ. Ca khúc này được Hamlet Trương chuyển thể từ tác phẩm “Bài thơ trên tường nhà dưỡng lão” trong cuốn “Mẹ điên” của nhà văn Trang Hạ.
“Cảm ơn người đã rời xa tôi” là sản phẩm âm nhạc nằm trong chiến dịch quảng bá cho cuốn sách mới cùng tên của nhà văn trẻ Hà Thanh Phúc. Khi được đọc trước bản thảo tập sách mới của nhà văn trẻ, Phạm Hồng Phước đã có cảm hứng viết nên ca khúc này. Ca khúc “Cảm ơn người đã rời xa tôi” là một câu chuyện tình buồn của đôi bạn trẻ không thể đến được với nhau. Ca từ lãng mạn và giai điệu da diết của ca khúc hứa hẹn sẽ được các bạn khán giả trẻ đón nhận và yêu mến. Đây tiếp tục là một ca khúc nằm trong bộ sưu tập những sáng tác tình buồn của Phạm Hồng Phước.
Hay “Chí Phèo” của Bùi Công Nam từng làm khán giả mê mẩn vì sự hài hước nhưng tinh tế và ý nhị mà nhạc sĩ trẻ Bùi Công Nam thể hiện trong ca khúc của mình. Bùi Công Nam mang lại sức sống tươi trẻ cho nhân vật anh Chí qua những phút giây thăng hoa trước tình yêu dành cho Thị Nở. Câu từ gọn ghẽ, giai điệu đồng quê hấp dẫn, tái hiện sinh động nhân vật văn học quen thuộc đã khiến Chí Phèo trở thành ca khúc được yêu thích nhất của nghệ sĩ này.
Bản sắc riêng cho nhạc Việt
Ca sĩ Quách Mai Thy cho biết: “Truyện cổ tích Sơn Tinh – Thủy Tinh chỉ nói nhiều đến chuyện vua Hùng kén rể và cuộc chiến giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh để giành nàng Mỵ Nương; còn tâm trạng, cảm xúc của nàng Mỵ Nương lại gần như không được nhắc đến. Chính vì thế, tôi đã nghĩ tới ca khúc để “vẽ” về nàng, cũng như cách đối diện, đón nhận cuộc sống của nàng”.
“Khi đã lựa chọn nhân vật phù hợp, tôi lại phải tính đến chất liệu âm nhạc phù hợp như với nhân vật Xúy Vân là kết hợp với chèo, còn nhân vật Mỵ Nương là xẩm… Sắp tới, với những nhân vật tiếp theo, tôi đang nghĩ đến những chất liệu khác như chầu văn hoặc ca trù…” – nữ ca sĩ cho biết.
Chuyển thể tác phẩm văn học thành phim đang là trào lưu của điện ảnh Việt Nam. Nhiều tác phẩm phim được chuyển thể tạo được hiệu ứng tốt, vì nhạc phim truyền cảm. Có thể kể như các ca khúc nhạc phim “Mắt biếc” của Phan Mạnh Quỳnh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Phan Lê Ái Phương… Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng những sản phẩm âm nhạc khai thác văn học, cùng những yếu tố, chất liệu văn hóa, nghệ thuật dân gian đang cho thấy sự thú vị của đời sống âm nhạc Việt.
Theo nhạc sĩ Minh Châu: “Một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ ở âm nhạc, muốn sâu sắc thì phải có chiêm nghiệm cuộc sống. Người sáng tác trẻ đang thiếu điều ấy”. Do vậy ca khúc được khai thác từ những áng văn đã giải quyết tình trạng thiếu thốn đề tài cũng như lỗ hổng ca từ trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay. Khi khai thác nguồn vốn có sẵn, những ca khúc trẻ cũng sẽ “già” hơn vì trải nghiệm tự thân của các tác phẩm văn học.
Cộng hưởng với sự sáng tạo của nhạc sĩ trẻ về giai điệu, hơi thở đương đại cùng với những cập nhật xu hướng âm nhạc thịnh hành, ca khúc từ đó có sự hấp dẫn tự thân để chinh phục người nghe dù là nhạc phim hay là sáng tác độc lập.
“Giới chuyên môn cho rằng nước ta có một kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú. Việc khai thác kho tàng này có thể tạo nên sự độc đáo, đặc sắc cho nhạc Việt.
(Nguồn: https://nld.com.vn/)