Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnChương trình 'Hát lên Việt Nam' kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam...

Chương trình ‘Hát lên Việt Nam’ kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam 2022

7
Chú thích ảnh
Nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: PV

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam khẳng định: Âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Âm nhạc có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều, từ những khó khăn trong cuộc sống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc… Âm nhạc còn là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới, giúp con người xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ rào cản về địa lý, chính trị xã hội, ngăn cách về ngôn ngữ để hội nhập. Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc đều hiểu được…

Từ thế kỷ thứ XV, Nguyễn Trãi – Danh nhân Văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh khi chuẩn bị soạn nhã nhạc cho triều đình đã nói: “Thái bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”. Trên bước đường xây đắp và phát triển nền thái bình của đất nước Việt Nam hiện đại hôm nay, Đảng, Bác Hồ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng con người mới là nền tảng, động lực và mục tiêu của nền văn hóa mới. Âm nhạc cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cao cả ấy.

Ngày 3/9/1960, Bác Hồ bắt nhịp cho dàn nhạc, hợp xướng và toàn thể quần chúng nhân dân hát vang bài ca “Kết đoàn”. Sự kiện trọng đại ấy trở thành biểu tượng của Ngày Âm nhạc Việt Nam – Ngày hội tôn vinh âm nhạc Việt Nam, hội tụ và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất với tất cả mọi người.

“Ngày Âm nhạc Việt Nam động viên chúng ta cùng phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng. Cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhấn mạnh.

Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Hát lên Việt Nam” diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần âm nhạc hội tụ và lan tỏa; đồng hành cùng dân tộc. Điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam là chương trình ca nhạc đặc biệt “Hát lên Việt Nam”, diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) vào ngày 31/8 với nhiều tiết mục nghệ thuật. Đặc biệt là hòa tấu dàn nhạc dân tộc tác phẩm “Trống hội ngày Xuân”; độc tấu đàn tỳ bà và dàn nhạc tác phẩm “Suy tư”; độc tấu sáo trúc và dàn nhạc tác phẩm “Kể chuyện dòng sông”; “Mẹ yêu con” của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý; tác phẩm “Thuyền và biển” của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu”, “Thì thầm mùa Xuân” của Nhạc sỹ Ngọc Châu; “Giai điệu Tổ quốc” của Nhạc sỹ Trần Tiến…

Chú thích ảnh

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam”.
Ảnh: Hoà Nguyễn

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng như các Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi; Quốc Hưng; Mai Phương, Nghệ sỹ Ưu tú Cồ Huy Hùng, Bùi Lệ Chi…

Ý tưởng tổ chức “Ngày Âm nhạc Việt Nam” được bắt nguồn từ sự kiện lịch sử Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca “Kết đoàn”, chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ 3 tại Công viên Bách thảo (Hà Nội) vào ngày 3/9/1960. Sự kiện trọng đại ấy còn được ghi lại qua bức ảnh nghệ thuật “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của cố Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ngày 26/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ -TTg lấy ngày 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Ngày 3/9/2010, Ngày Âm nhạc Việt Nam lần đầu tiên được Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó đến nay, Ngày Âm nhạc Việt Nam trải qua 12 mùa hội âm nhạc với các chương trình nghệ thuật, hoạt động âm nhạc diễn ra trên cả nước, góp phần tôn vinh đóng góp của giới nhạc sỹ, nghệ sỹ, phát huy giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, giáo dục thế hệ trẻ, tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho công chúng.

(Nguồn: https://baotintuc.vn/)
BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN