VCPMC được thành lập ngày 19/4/2002. Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay trung tâm đã từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế.
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đánh giá cao hoạt động của VCPMC trong suốt hành trình 20 năm qua.
Đây được coi là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC thông tin về Lễ kỷ niệm VCPMC – 20 mùa xuân rực rỡ diễn ra vào ngày 7/10/2022 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Kể từ giai đoạn đầu tiên với số lượng thành viên ban đầu là 274 nhạc sĩ, đến nay, VCPMC phát triển đến con số gần 5.200 tác giả. Tổng số tiền VCPMC đã thu được qua 20 năm 2002-2021 là: 1.063.200.000.000 đồng. Tính đến tháng 9/2022, Trung tâm đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thu nhập tiền bản quyền tác phẩm Việt Nam thu về được từ các tổ chức nước ngoài CMOs kể từ năm 2010, sau khi VCPMC gia nhập CISAC Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời và bắt đầu mở rộng ủy quyền với các tổ chức song phương trên thế giới đến nay đạt 19.990.000.000 đồng và tăng dần trong các năm.
Hiện VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc, gồm: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh-truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, resort, nhà hàng, phòng karaoke, quán bar, cà-phê, phòng trà, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, khu mua sắm, khu vui chơi, cơ sở chăm sóc sức khỏe-thể dục-thẩm mỹ, rạp chiếu phim…
Giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo, VCPMC tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan Joint Licensing cụ thể: Hội bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam APPA, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam RIAV, Universal Music Pte., Sony Music… và nhiều đối tác chiến lược khác; đồng thời triển khai phần mềm “VCPMC Music Connection”… nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và bảo đảm quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
Quang cảnh cuộc gặp gỡ báo chí sáng 20/9/2022
Qua 20 năm hoạt động, VCPMC đã từng bước khắc phục các khó khăn, nâng cao năng lực. Thành tích hoạt động của Trung tâm được Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam ghi nhận trong nhiều năm liên tục; bên cạnh đó, VCPMC còn được Cục Bản quyền tác giả và báo giới ghi nhận là một trong mười sự kiện bản quyền quan trọng nhất trong năm 2011.