HỘI ÂM NHẠC HÀ NỘI
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT
“TÌNH YÊU HÀ NỘI – LẦN THỨ XV”
Chủ đề: Khúc hát từ trái tim hồng
Thời gian: 20h00 ngày 7/12/2022
Địa điểm: Nhà hát Lớn Hà Nội
Chỉ đạo nghệ thuật và tổng đạo diễn: NSND, Nhạc sĩ Quang Vinh
Kịch bản, lời bình: Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Nhà báo Ngô Thanh
Đạo diễn âm nhạc: Xuân Hùng
Chỉ huy đêm diễn: NSUT Trần Tựa
Phóng sự: NSND Việt Hương, Thanh Nghĩa
Hình ảnh: Tiến Dũng (Muca)
MC: HTV
Chủ nhiệm chương trình: Bá Môn
Phụ trách truyền thông: Tiến Mạnh
Phụ trách đối ngoại: Lân Cường
Trợ lý biểu diễn: Tuấn Anh, Trọng Thành
Tham gia biểu diễn: các nghệ sĩ: NSUT Tố Uyên, NSUT Mai Hoa, NSUT Hoàng Tùng, Trọng Tấn, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Thành Lê, Viết Danh, Hà Miu & CLB thiếu nhi Ba Đình, Tốp ca Hà Nội Harmoni, Ban nhạc Âu Cơ.
* * *
Vào sáng ngày 01/12/2022 tại Hội trường Hội trường Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội đã diễn ra cuộc Gặp gỡ báo chí, giới thiệu về chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” lần thứ XV.
Đến tham dự chương trình có NS Nguyễn Lân Cường – UV BCH, phụ trách Đối ngoại của Hội Âm nhạc Hà Nội và NS Nguyễn Tiến Mạnh – UV BCH – Trưởng Ban Truyền thông, đặc biệt là 12 nhà báo đến từ các cơ quan, đơn vị báo chí.
Chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” số đầu tiên được diễn ra vào năm 2006 tại Nhà hát lớn Hà Nội, cho đến nay đã bước sang mùa thứ 15. Đây là chương trình nghệ thuật thường niên nhằm tôn vinh các nhạc sĩ hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và giới thiệu với công chúng Thủ đô những tác phẩm âm nhạc hay về Hà Nội, về vẻ đẹp của quê hương đất nước, con người và biển đảo Việt Nam.
Các tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình “Tình yêu Hà Nội” là những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ, được phối khí, dàn dựng công phu cùng sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng.
Chương trình “Tình yêu Hà Nội” lần thứ XV với chủ đề “Khúc hát từ trái tim hồng” sẽ được diễn ra vào hồi 20h00 ngày 07/12/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ: Lê Việt Hòa, Thanh Phúc và Trọng Đài.
Điều đặc biệt là cả 3 nhạc sĩ: Lê Việt Hòa, Thanh Phúc & Trọng Đài đều đã từng công tác tại Đài TNVN.
- NHẠC SĨ LÊ VIỆT HÒA
- Tác phẩm trong chương trình:
Nhớ xứ Đoài (thơ Nguyễn Hoàng); Gửi sông La (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh); Mùa xuân trên sông Tô; Về lại làng xưa (thơ Hoàng Trung Thông); Gửi em chiếc nón bài thơ (phỏng thơ Sơn Tùng).
- Quá trình hoạt động âm nhạc:
Nhạc sĩ Lê Việt Hoà, là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng mang âm hưởng dân ca Việt Nam như: Gửi em chiếc nón bài thơ (phỏng thơ Sơn Tùng), Gửi sông La (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh), Cô gái Na Hang, Nhớ xứ Đoài (thơ Nguyễn Hoàng), Mùa Xuân trên sông Tô vv… ông quê ở Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nhưng lại sinh ra và lớn lên ở quê ngoại là xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ Sơn Tây. Là người con trai thứ ba của một gia đình truyền thống cách mạng, mới 12 tuổi đã trở thành liên lạc viên của đội võ trang tuyên truyền tỉnh đội dân quân Sơn Tây từ năm 1947.
Năm 1959 ông ra quân ngũ và chuyển sang học ở Trường âm nhạc Việt Nam khoa nhạc cụ cổ truyền. tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt nam, tham gia biểu diễn thu thanh và cùng Đoàn ca nhạc đi phục vụ quân dân ở nhiều vùng trọng điểm ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1969 ông lại tiếp tục học khoá đại học sáng tác tại Nhạc viện hà nội (nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau khi tốt nghiệp nhạc sĩ Lê Việt Hoà trở về Đài tiếng nói Việt Nam làm phóng viên, biên tập viên âm nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ sáng tác năng nổ, giàu chất trữ tình mang âm hưởng dân ca.
Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đi thực tế ở nhiều ngành, nhiều vùng miền đất nước để tìm cảm hứng sáng tác. Nhiều bài hát của ông đã ra đời, và, đặc biệt là với ngành Công an Nhân dân, ông đã có một chùm ca khúc gồm 24 bài như: “Hành khúc người chiến sĩ cảnh sát”, “Hát về anh”, “Bình yên cho ngày thường” vv… Ông cũng đã viết một số tác phẩm âm nhạc cho phim.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long NS Lê Việt Hòa đã sáng tác “Mùa xuân trên sông Tô” tác phẩm đã được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam .
Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba.
Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã năm 2014
Năm 2017 ông đã được Chính phủ truy tặng giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho 2 tác phẩm: “Gửi em Chiếc nón bài thơ” (phỏng thơ Sơn Tùng) và “ Gửi Sông La” (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh). Hai ca khúc này được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lựa chọn từ cụm 7 tác phẩm nổi tiếng mang đậm âm hưởng dân ca của nhạc sĩ gửi đến, gồm: Gửi em chiếc nón bài thơ, Gửi sông La, Nhớ xứ Đoài, Lá diêu bông, Mùa xuân trên sông Tô, Cô gái Na Hang, Vì mưa.
- NHẠC SĨ THANH PHÚC
- Tác phẩm trong chương trình:
Người Mèo ơn Đảng; Nhớ giọng nói Bác Hồ; Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi; Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng; Hà Giang Quê Hương Tôi.
- Quá trình hoạt động âm nhạc:
Nhạc sĩ Thanh Phúc là người con của làng cổ Đường Lâm – Sơn Tây – Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc gia nhập quân đội từ khi ông mới 13 tuổi. Ông có mặt ở các mặt trận, mang lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội bên các chiến hào chống Pháp.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong buổi lễ mừng công do Bộ Tổng tư lệnh tổ chức ở Mường Phăng, ông là người được vinh dự khoác đàn Accordion lên cử bản nhạc “Tiến quân ca”, mở đầu buổi lễ, khi đó ông đang là diễn viên của Đoàn Văn công Đại đoàn 312.
Khoảng năm 1954, nhạc sĩ Thanh Phúc về công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị. Năm 1956, bài hát đầu tiên của ông là “Người Mèo ơn Đảng”- đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957.
Năm 1968 ông về công tác tại Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát”, đến năm 1989 ông nghỉ hưu.
Năm 1969, ông có bài “Nhớ giọng hát Bác Hồ” dành cho thiếu nhi. Năm 1972 ông sáng tác “Hà Giang quê hương tôi”, bài hát được tỉnh Hà Giang chọn làm tỉnh ca và làm nhạc hiệu Đài PTTH tỉnh Hà Giang.
Năm 1972 ông viết “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”… cùng nhiều ca khúc hay và được đông đảo bạn yêu nhạc biết đến.
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc mất năm 2020, hưởng thọ 88 tuổi.
Nhóm tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Phúc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1, năm 2001 là 5 bài hát: “Người Mèo ơn Đảng”, “Nhớ giọng hát Bác Hồ” (thơ Tạ Hữu Yên), “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” (thơ Hải Hồ), “Hà Giang quê tôi” và “Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”.
- NHẠC SĨ TRỌNG ĐÀI
- Tác phẩm trong chương trình:
Liên khúc thiếu nhi: Hồn quê (thơ Hải Trần) – Mẹ trái đất (Thơ Nguyễn Văn Soong) – Đất nước hình cánh cung (Thơ Lê Lam Hồng); Hà Nội đêm trở gió (Lời Chu Lai – Trọng Đài); Chị Tôi (thơ Đoàn Thị Tảo); Phút giây bên nhau (lời thơ Nguyễn Văn Soong); Cổng Làng (thơ Phạm Lưu Vũ).
- Quá trình hoạt động âm nhạc:
NSND, nhạc sĩ Trọng Đài sinh năm 1958 tại Hà Nội. Sự nghiệp âm nhạc của ông bắt đầu từ rất sớm. Năm 1973, khi 15 tuổi, ông đã tham gia biểu diễn trong vai trò là thành viên của Đội Hợp xướng Sơn Ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 18 tuổi, ông theo học khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy hệ trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó ông được cử đi học nâng cao và tốt nghiệp bậc đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Matxcơva) và về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Ông từng làm Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên là Giám đốc Hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí (nay là Ban Âm nhạc) VOV3 Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện đạng là Ủy viên BCH Hội NSVN.
Nhạc sĩ Trọng Đài đã sáng tác nhiều tác phẩm viết cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền, các tác phẩm thính phòng giao hưởng: Giao hưởng 1986; Ký ức 75, 1995; Concerto cho dàn nhạc giao hưởng, 1985; Tiếng rao, 2003; Giao hưởng Điện Biên, 2004; Hòa tấu Ngẫu hứng phố, 2011; Giao hưởng Những ô cửa, 2012, Giao hưởng Giao mùa, 2014.
Bên cạnh đó là những ca khúc nổi tiếng như “Hà Nội đêm trở gió” – phỏng thơ Chu Lai, “Chị tôi” – thơ Đoàn Thị Tảo và hàng loạt ca khúc nhạc phim…
Đặc biệt là tuyển tập ca khúc dành cho thiếu nhi “Con đường tuổi hồng” gồm 60 ca khúc: Buổi sáng sân nhà em, Cây đa, Con bướm vàng, Con chim hay hót…
Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Trọng Đài vinh dự được trao nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 với cụm tác phẩm: “Hà Nội đêm trở gió” (thơ Chu Lai & Trọng Đài), “Chị tôi” (thơ Đoàn Thị Tảo), Giao hưởng “Hòa tấu Thăng Long” và “Tiếng rao”.
Bên cạnh đó nhạc sĩ Trọng Đài còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015.
Tác giả: Tiến Mạnh