Thứ Năm, Tháng Mười Một 14, 2024
Trang chủLý LuậnBài ca tình yêu: Tính thời đại trong câu chuyện quá khứ

Bài ca tình yêu: Tính thời đại trong câu chuyện quá khứ

19

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Nhạc sĩ Doãn Nho và phu nhân – nghệ sĩ Nguyệt Ánh

Nhân công diễn opera Bài ca tình yêu của nhạc sĩ Doãn Nho vào 21-22/12/2022, website Hội Nhạc sĩ xin đăng bài viết từ 2 năm trước là lúc lẽ ra đã dàn dựng vở này mà kế hoạch không thành.

Tôi làm quen với tổng phổ opera Bài ca tình yêu từ năm 2018, khi ấy đứa con tinh thần của nhạc sĩ Doãn Nho đã lên bốn, nhưng lận đận vì kinh phí dàn dựng nên không kịp công diễn vào năm 2014 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân, dự kiến biểu diễn năm 2018 vào dịp tác giả tròn 85 tuổi cũng không thành, dời tới năm 2019 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội lại vẫn không xong.

Vừa được biết opera có trong kế hoạch dàn dựng cuối năm 2020 của Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, niềm vui như được nhân lên sau nhiều năm chờ đợi, đến mức tôi muốn được chia sẻ ngay đôi điều về vở nhạc kịch mới với những yếu tố mới trong câu chuyện không mới.

Một chuyện tình giữa thế kỷ XX, hai chàng trai thầm yêu một cô bạn cùng trường. Không có xung đột giữa hai “đối thủ” vốn là bạn chí cốt, sau còn là chiến hữu vào sinh ra tử, cũng không có mâu thuẫn do khác biệt tín ngưỡng giữa trai làng Lương với gái làng Giáo. Kịch tính bắt nguồn từ thế lực vô hình: chiến tranh. Chiến tranh chia cắt mối tình vừa chớm nở giữa Hùng và Hiền. Chiến tranh cướp đi những tháng năm rực rỡ tuổi thanh xuân của những chàng trai cô gái như Hùng – Dũng – Hiền. Chiến tranh đẩy họ vào nghịch cảnh trớ trêu: Hùng hi sinh, Dũng bị thương trở về âm thầm chăm sóc Hiền như ý nguyện của người bạn đã khuất, Hiền bắt đầu đáp lại tình cảm của Dũng thì Hùng bất ngờ trở về…

Trở về sau báo tử là câu chuyện vừa hạnh phúc vừa éo le, hạnh phúc trong nước mắt, hạnh phúc không đủ đầy cho tất cả những người liên quan. Cốt chuyện này xuất hiện trong không ít tác phẩm nghệ thuật. Chính nhạc sĩ Doãn Nho vào năm 2015 lại lần nữa viết về tình cảnh khó xử trong ca khúc Mùa xuân người lính về (thơ: Thụy Kha), ở đó từ cái kết lửng lơ giữa thực và mơ vẫn ánh lên hi vọng hóa giải mọi nỗi niềm bằng tình yêu thương.

Làm mới một câu chuyện đã cũ là thử thách không nhỏ, kể cả đối với nhà soạn nhạc U90 đã có thâm niên hơn sáu chục năm tuổi nghề. Mới – được hiểu là tính thời đại trong quan niệm sống cũng như quan điểm nghệ thuật và học thuật. Mới, có thể là cách hóa giải quá khứ theo tinh thần thời đại – một thời đại đề cao sự hòa hợp, cụ thể là hòa hợp lòng người, hòa giải dân tộc, rộng thêm là hòa bình thế giới, hòa nhập quốc tế, hòa đồng giữa các đức tin (tôn giáo) để “toàn chúng mãi thuận hòa”. Mới, đáng nói hơn cả, còn ở cách diễn giải bằng ngôn ngữ âm nhạc mang dấu ấn thời đại trên cơ sở vốn cổ, hướng tới hài hòa hai truyền thống âm nhạc khác biệt: Đông và Tây.

Với quy mô lớn nhiều thành phần tham gia (dàn nhạc hai quản, dàn hợp xướng, dàn múa ballet, hợp ca thiếu nhi), opera quả là sẵn “đất dụng võ” cho những thử nghiệm, làm giàu thêm quá trình tìm tòi nhiều năm không biết mệt của một nhạc sĩ luôn trăn trở với sự khác biệt giữa tư duy đơn âm và đa âm, với mong muốn đúc kết những nguyên tắc lý thuyết phù hợp cho âm nhạc nhiều bè của Việt Nam. Tính thời đại trong khai thác tinh hoa thế giới và vốn cổ truyền dân tộc được thấy rõ hơn cả trong cách xây dựng và phát triển các chủ đề âm nhạc.

Không đồ sộ như ouverture của opera cổ điển, Khúc dạo đầu (Introduction) tựa như bản tóm tắt nội dung hoặc lời giới thiệu ngắn bằng âm thanh không lời ba hình tượng chính của vở nhạc kịch.

Chủ đề Chiến tranh: bất an với các quãng nhảy liên tiếp của giai điệu dàn dây [thí dụ 1a], cương quyết trong âm lượng toàn dàn nhạc với âm hình tiết tấu mang tính hành động (móc kép – chấm dôi và chùm ba móc kép) [thí dụ 1b].

Thí dụ 1a:

Thí dụ 1b:

Chủ đề Tình yêu: rộng mở, dạt dào, đắm đuối trong song tấu violon và violoncelle [thí dụ 2].

Thí dụ 2:

Chủ đề Chiến thắng: đa sắc trong sự pha trộn tiếng chuông – chuông nhà thờ và chuông chùa – với giọng người (hợp xướng vocal) [thí dụ 3].

Thí dụ 3:

Cả ba hình tượng đều đóng vai trò leitmotiv trong quá trình phát triển tuyến kịch, có thể điểm qua vài chi tiết sau:

Chủ đề chiến tranh chiếm ưu thế ở màn I, “tái xuất” trong trận chiến đấu với máy bay oanh tạc (cảnh 3) [thí dụ 4a], duy trì tiết tấu “móc kép – chấm dôi” trong cuộc hành quân không may Dũng trúng mìn [thí dụ 4b] và Hùng đối mặt với cái chết [thí dụ 4c] (cảnh 5). Sang màn II, chủ đề này chỉ được dàn nhạc gợi nhớ qua âm hình tiết tấu “móc kép – chấm dôi” trong đoạn Dũng chống nạng đến chỗ hẹn gặp Hiền (cảnh 8) và Hùng xuất hiện bất ngờ (cảnh 9).

Thí dụ 4a:

Thí dụ 4b:

Thí dụ 4c:

Chủ đề Tình yêu bao trùm lên toàn bộ phần trình bày và phần tái hiện của tiết mục ballet (múa đôi) mô tả buổi hẹn hò của Hùng – Hiền (màn I, cảnh 4). Nét nhạc mở đầu chủ đề Tình yêu còn trở lại trong cao trào cuối duo Hùng – Hiền (màn II, cảnh 9), rồi dẫn dắt sang tiết mục ballet diễn tả hạnh phúc ngày gặp lại. Cũng cần nói thêm, tiết mục ballet tái ngộ là một biến tấu từ phần phát triển (đoạn giữa) của tiết mục ballet đầu tiên.

Chủ đề Chiến thắng được tái hiện gần như nguyên dạng trong đoạn kết, không chỉ là chiến thắng trong cuộc đối mặt với kẻ thù và cái chết, mà còn là chiến thắng số phận, thắng hoàn cảnh, thắng chính mình. Có thể coi đây như khúc khải hoàn của tình yêu, của lòng nhân từ.

Như vậy, biểu tượng xuyên suốt vở diễn là Tình yêu, vẻ đẹp dịu dàng đắm say ấy được tôn lên bởi sự đối lập mạnh mẽ quyết liệt của chủ đề Chiến tranh và sự cổ vũ chắp cánh của chủ đề Chiến thắng.

Chủ đề Chiến thắng còn ngợi ca tình yêu của một nhân vật nữa là Thảo – người chứng kiến và cũng là “nút gỡ” cho mối tình tay ba để hướng tới cái kết trọn vẹn nghĩa tình. Hình tượng âm nhạc của Thảo có sự chuyển biến từ cô bé tinh nghịch hóm hỉnh tới người phụ nữ nhân hậu bao dung. Nhân vật này sẽ còn được nhắc đến khi xét về sự đa dạng trong tính cách âm nhạc.

Ở đây không có vai phản diện, kẻ thù chỉ là hình ảnh thoáng qua khi Hùng bị bắt. Ngoài bốn nhân vật chính còn có thể tính thêm hai “nhân vật” quần chúng phụ trợ phát triển tuyến kịch: 1/dàn hợp xướng, đôi chỗ âm sắc giọng người của hợp xướng không lời (vocal) được sử dụng như một “nhạc cụ đặc biệt”; 2/ cặp múa ballet là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu của Hùng và Hiền, dùng ngôn ngữ cơ thể thay giọng hát vừa dành thêm cơ hội diễn tấu cho nhạc không lời, vừa tranh thủ tận dụng “yếu tố nhìn” trong xu thế thời đại thưởng thức ca nhạc không chỉ nghe mà cả xem.

Vì các nhân vật đều chính diện, nên kịch tính không nằm ở sự đối kháng giữa các thế lực thù địch, mà ở nghịch cảnh giữa những con người rất thương yêu nhau. Sự tương phản chủ yếu hình thành từ tính cách âm nhạc khác nhau giữa các chủ đề, giữa các nhân vật và tình huống. Bên cạnh vẻ kiên định, bi tráng, đầy nghị lực và nét đẹp lãng mạn, duyên dáng, đầy yêu thương còn có những khúc nhạc vui tươi, dí dỏm, nhẹ nhàng. Hào hùng – trữ tình – hài hước vốn là ba tính cách âm nhạc đặc trưng trong sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho. Chất hài càng không thể thiếu vắng tại đây, nó mang lại tiếng cười rất đời cho vở diễn.

Vui nhộn là nét vẽ đầu tiên cho chân dung Thảo qua những trò chơi đồng dao nhong nhong cưỡi lưng bọn con trai, qua những câu thoại giữa hai chị em gái về chủ đề tế nhị “chim bướm”: Hiền – Chim có phận của chim. Bướm có duyên của bướm. Đâu dễ bay cùng nhau. Hiểu chưa?/ Thảo – Em hiểu rồi. Bướm không phải là chim. Chim không phải là bướm. Vậy mà vẫn giống nhau ở chỗ… đi (ơ ơ hờ) tè! (màn I, cảnh 1).

Cô em tinh quái còn trêu chọc chị gái, đùa giỡn với nét nhạc lấy từ đoạn giữa tiết mục ballet vốn tình tứ đã bị biến dạng thành khôi hài [thí dụ 5].

Thí dụ 5:

Chất hài cũng gắn với hai nhân vật nam trong cảnh hành quân trước trận đánh. Đó là đoạn hát nói trên nền âm điệu ngũ cung của Hùng – Dũng, khi đôi bạn truyền cho nhau kinh nghiệm “Việt hóa” những câu tiếng Anh thông dụng, kiểu như “turn back, take off your shoes” thành “quẫn bách, tích cóp hai ba xu”. Vẻ bỡn cợt lính tráng đem lại hiệu quả tương phản ngay trước cao trào bi hùng cuối màn I.

Âm nền ngũ cung vừa nhắc trên cũng là một motiv hay lặp lại ở dàn nhạc với chức năng dẫn, nối, đệm. Xuất hiện ngay Khúc dạo đầu để dẫn và kết chủ đề Chiến tranh, nét lướt ngũ cung lại khởi xướng cho trò chơi dân gian của đám trẻ đầu cảnh 1 [Thí dụ 6].

Thí dụ 6:

Âm điệu ngũ cung còn lan tỏa trong nhiều tình tiết và tâm thái khác nhau: ồn ào hiếu động trong câu kết trò đùa của Thảo (cảnh 4), tôn nghiêm khiêm nhường trong nền đệm cho lời cầu Chúa khấn Phật (cảnh 7). Đậm chất dân gian nhất là đầu màn II trong cảnh sinh hoạt quần chúng với đường nét luyến láy uyển chuyển gợi nhớ làn điệu quan họ Bắc Ninh Hoa thơm bướm lượn (cảnh 6) [thí dụ 7], tiếp đến tiết mục trình diễn sôi nổi của Thảo với ca khúc quen thuộc Chiếc khăn piêu của chính tác giả dựa trên dân ca Xá (cảnh 7).

Thí dụ 7:

Tạo màu sắc cổ truyền bằng đường nét giai điệu mang hơi hướng dân ca là cách làm đơn giản và phổ cập nhất. “Cao tay” hơn về học thuật, đó là thủ pháp vận dụng các yếu tố đặc thù của ngũ cung, như quãng giai điệu, thang âm, tiết tấu, chồng âm, âm sắc nhạc cụ, cách tiến hành bè… Đây chính là điều tâm huyết của tác giả với cố gắng tìm tòi phương án hợp lý cho sự hòa hợp hai truyền thống âm nhạc Đông – Tây, đặc biệt trong lĩnh vực hòa âm phối khí. Xin tóm lược vài ý mà tôi “đọc” được từ tổng phổ.

Kết cấu chiều dọc: tự do, chủ yếu dựa trên các quãng 2, 4, 5, 7, tạo nên những chồng âm màu sắc đặc trưng ngũ cung.

Kết nối chiều ngang: hoàn toàn thoát  khỏi vòng hòa thanh cổ điển, sự luân chuyển giữa các chồng âm cũng chủ yếu dựa trên ý đồ pha trộn màu sắc.

Phối bè cho giai điệu ngũ cung: thoáng và linh hoạt, có thể chỉ đơn giản đúp quãng 5 song song như ở hợp xướng đồng dao cảnh 1 [thí dụ 8a], hoặc chồng hai thang âm ngũ cung chỉ có duy nhất một âm chung tạo hiệu quả đa điệu thức, như e-fis-gis-h-cis ở hợp xướng thiếu nhi và c-d-e-g-a ở bè thầy giáo thương binh Dũng trong cảnh 6 [thí dụ 8b].

Thí dụ 8a:

Thí dụ 8b:

Điệu tính – điệu thức: cùng các thang 7 âm (diatonique) và 5 âm (pentatonique), còn có mặt màu sắc toàn cung của thang 6 âm. Nét lướt liền bậc quãng ba toàn cung (triton) mở ra không gian căng thẳng báo trước sự xuất hiện bất ngờ của Hùng [thí dụ 9].

Thí dụ 9:

Tiết tấu – nhịp điệu: ngoài thủ pháp sử dụng âm hình tiết tấu trong vai trò leitmotiv, còn có hiệu quả không nhỏ của nhịp ngũ liên (tổng hợp 3/8 và 2/8) rộn ràng khuấy động không khí lễ đầu quân (cảnh 2) và nhịp 1/4 đều đều theo tiếng gõ mõ và cầu kinh trong lễ tưởng niệm Hùng (cảnh 7).

Phức điệu: vì ưu tiên phát triển chiều ngang theo tinh thần Á Đông, nên những nguyên tắc nghiêm ngặt của phức điệu phương Tây không còn hiệu lực, có chăng chỉ là đôi ba nhịp canon đơn giản trong các duo mà thôi.

Âm sắc nhạc cụ: không dừng ở việc vận dụng nhạc cụ cổ truyền (trống cái, trống con, chuông chùa, mõ chùa), mà còn gây ấn tượng mạnh về sự tái tạo tiếng chuông. Tiếng chuông nhà thờ từng là một biểu tượng độc đáo trong nhạc giao hưởng thính phòng của các nhà soạn nhạc trường phái cổ điển Nga, nơi tác giả Doãn Nho được đào tạo bài bản. Tiếng chuông trong chủ đề Chiến thắng rất lạ: âm thanh chao đảo lắc lư của chuông nhà thờ không phải ngẫu nhiên được pha trộn với âm thanh gõ đập khoan thai của chuông chùa (biểu trưng cho sự song hành của đạo Thiên chúa và đạo Phật, nghĩa rộng hơn còn là phương Tây và phương Đông), tạo sự hòa đồng trong niềm tin vào cái kết thiện lành cho câu chuyện [xem lại thí dụ 3].

Không tự trói buộc vào những nguyên tắc hàn lâm kinh viện, càng không cực đoan phủ nhận truyền thống dẫn đến phá cách triệt để, nhạc sĩ Doãn Nho luôn chọn cho mình giải pháp dung hòa, để lại lần nữa với Bài ca tình yêu bộc lộ khát vọng “Việt hóa” ngôn ngữ giao hưởng thính phòng, “Á đông hóa” một loại hình tổng hợp thanh nhạc – khí nhạc của phương Tây.

Từ câu chuyện quá khứ mang tính lịch sử, Bài ca tình yêu chuyển tải thông điệp về hai vấn đề nóng hiện tại: sự hòa hợp và niềm tin. Trong tiến trình hòa nhập thế giới, đời sống xã hội phát triển khó lường và phức tạp chưa từng thấy, đâu đó có sự đảo ngược các giá trị chuẩn mực, đâu đó khủng hoảng niềm tin… Lúc này, hơn bao giờ hết, con người ta càng cần được củng cố lòng tin: tin vào điều thiện, vào tình yêu.

Tác phẩm âm nhạc còn nằm trên giấy thì chưa thể đo hết giá trị nghệ thuật và hiệu quả xã hội. Nếu không tin trí tưởng tượng có khả năng nắm bắt âm thanh câm cất lên từ bản phổ, nếu không tin những điều tôi “nghe” được từ ký hiệu nốt nhạc và lời ca, thì bạn hãy cùng tôi cầu mong cho Bài ca tình yêu sớm ra mắt công chúng, bạn hãy đi nghe để thưởng thức và cảm nhận xem có giống những gì tôi đã cảm nhận không nhé.

02-10-2020

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN