Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủLý LuậnKhát vọng thống nhất non sông

Khát vọng thống nhất non sông

10


24 giờ ngày 20/7/1954 tại Genève Thụy Sĩ, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm 47 điều đã được ông Tạ Quang Bửu – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Delteil thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương ký kết. Ngày hôm sau các nước dự hội nghị đều ký chứng nhận Hiệp định (trừ Mỹ). Hiệp định có hiệu lực từ 24 giờ (giờ Genève) ngày 22/7/1954. Giám sát việc thi hành Hiệp định là một ủy ban quốc tế gồm 3 nước Canada, Ấn Độ và Ba Lan.

Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam vào tháng 7 năm 1956 theo quy định của Hiệp định, một giới tuyến quân sự tạm thời chính thức được phân định từ sau ngày 25/8/1954 khi toàn bộ quân Pháp rút về phía nam sông Bến Hải, và việc kiểm soát ra vào khu phi quân sự, qua lại giới tuyến bắt đầu từ 21/2/1955. Từ đó sông Bến Hải phát nguyên từ núi Động Chân trong dãy Trường Sơn dài khoảng 100km chiều rộng sông chỗ rộng nhất khoảng 200m, chảy dọc theo vĩ tuyến 17, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị rồi đổ ra cửa Tùng biển Đông, đã trở thành dòng sông chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải xây dựng từ năm 1952, dài 183,8m, rộng 3,28m, lát ván gỗ ngang cầu, hai nửa cầu mỗi bên 89m sơn màu khác nhau, chỗ tiếp giáp màu sơn ở giữa cầu chính là giới tuyến.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên có 300 ngày để di chuyển lực lượng và di dân, hàng chục vạn người hai miền đã tập kết ra Bắc và di chuyển vào Nam, ai cũng mong 2 năm sau tổng tuyển cử thống nhất đất nước để được trở lại quê hương.

Thực hiện quyết định của hội nghị Trung Giã giữa quân đội hai bên, quân đội nhân dân Việt Nam đã lần lượt tiếp quản các tỉnh từ Vĩnh Linh trở ra, ngày 10/10/1954 bộ đội ta về tiếp quản Hà Nội – lúc đó Hà Nội không phải là thủ đô mà chỉ là thành phố lớn nhất miền Bắc, thuộc vùng kiểm soát của chính thể Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng, thủ đô là Sài Gòn. Ngày 13/5/1955 đơn vị quân Pháp cuối cùng rút khỏi Đồ Sơn (Hải Phòng), miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới giải phóng là khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, thực hiện thống nhất nước nhà.

Khi đất nước bị chia cắt, để bảo đảm quyền thư tín cho nhân dân hai miền, ngày 22/4/1955 bưu điện của hai miền đã thống nhất dùng bưu thiếp để nhân dân hai miền liên lạc trao đổi, bưu thiếp theo khổ thông dụng quốc tế 10×15 cm bằng bìa cứng, một mặt ở giữa có bản đồ Việt Nam, hai bên là địa chỉ người gửi và người nhận, một mặt trắng để viết thư với quy định chỉ viết bằng chữ quốc ngữ, không được dùng tốc ký, ký hiệu riêng, mật ngữ, nội dung chỉ được thông tin chuyện gia đình, bưu thiếp hoàn toàn để hở không cho vào phong bì. Ngày 15/5/1955 những bao lớn chuyên dụng của bưu điện đựng đầy bưu thiếp đầu tiên của hai miền đã được bưu tá hai miền chuyển giao cho nhau có ký nhận trên vạch giới tuyến giữa cầu Hiền Lương. Hàng vạn nhân dân hai miền rất vui mừng khi vẫn nhận được tin nhau qua bưu thiếp.

Tháng 7/1956, được sự ủng hộ và khuyến khích của Mỹ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã ngang nhiên xé bỏ Hiệp định Genève, tuyên bố hủy tham gia tổng tuyển cử. Việc phá hoại tiến trình thống nhất Việt Nam đã gây phẫn nộ cho nhân dân toàn quốc và sự bất bình của dư luận quốc tế. Bên cạnh nỗi đau xót của toàn dân là lòng oán hận và căm thù vì đất nước lại chìm trong nạn phân ly, ở miền Bắc đã liên tục nổ ra các cuộc biểu tình của các giới đồng bào đả đảo Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ vi phạm Hiệp định, phá hoại tổng tuyển cử.

Giai đoạn này, trong văn học nghệ thuật – nhất là âm nhạc – đề tài đấu tranh thống nhất nước nhà được chú trọng hàng đầu, hàng trăm ca khúc nói lên khát vọng thống nhất non sông đã được phổ biến trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam chuyển đến nhân dân hai miền mọi tâm tư, tình cảm và nguyện vọng thống nhất nước nhà. Dưới đây là những ca khúc tiêu biểu (các thông tin trình bày theo Thứ tự – Tên bài – Tác giả – Năm sáng tác):

1. Anh về miền Bắc – Đắc Nhẫn (1955)
2. Bài ca trên đường thống nhất – N: Văn Chung, L: Tố Hữu (1955)
3. Bạn ơi hãy nghe Bến Hải tâm tình – Vĩnh Cát (1957)
4. Cả cuộc đời về ta – Lưu Hữu Phước (1958)
5. Cánh tay miền Nam trên đất Bắc – Trần Kiết Tường (1956)
6. Câu hò bên bờ Hiền Lương – N: Hoàng Hiệp, L: Đằng Giao (1957)
7. Chung một tấm lòng – Lê Yên + Doãn Mẫn (1955)
8. Chuông vang bên giới tuyến – Thành Lâm (1955)
9. Chữ S – Nguyễn Xuân Khoát (1956)
10. Con đường dài – Ngô Huỳnh (1957)
11. Con đường ngày mai – Tô Vũ (1955)
12. Đắp đường thống nhất (H xướng) – Quốc Anh (1958)
13. Đất nước một dải – Nguyễn Trọng (1959)
14. Đêm thao thức – Kpa Púi (1959)
15. Đêm trăng nhớ miền Nam – Quang Khải (1958)
16. Em đi thăm miền Nam – Hoàng Long + Hoàng Lân (1959)
17. Giữ trọn tình quê – Văn Cận (1955)
18. Hà Nội – Huế – Sài Gòn – N: Hoàng Vân, L: Lê Nguyên (1962)
19. Hành khúc giải phóng – Lưu Nguyễn + Long Hưng (1966)
20. Hát lên bài ca thống nhất – Trần Kiết Tường (1958)
21. Hò đắp đường thống nhất – Tạ Phước + Tô Vũ (1955)
22. Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người – Trần Kiết Tường (1962)
23. Hướng về miền Nam thân yêu – N: Lưu Bách Thụ, L: Hồ Bắc (1955)
24. Không ai ngăn nổi lời ca – Nguyễn Hữu Thắng (1963)
25. Lời ca thống nhất – Trần Quý (1955)
26. Lời về Nam – Tô Vũ (1956)
27. Lực lượng ta hùng mạnh – Hoàng Việt (1955)
28. Máy ta reo vang tình thống nhất – N: Bửu Huyền, L: Phạm Tuyên (1956)
29. Miền Nam dân Chúa – Tâm Bảo (1955)
30. Mong anh về ca múa – Trần Kiết Tường (1955)
31. Nam Bắc đoàn kết đấu tranh – Lê Lôi (1956)
32. Nhắn về miền Nam – Phạm Văn Chừng (1957)
33. Nhắn về trong ấy – N: Trương Đình Quang, L: Lê Cường (1957)
34. Nhớ đàn xe nước – Vân Đông (1958)
35. Những ánh sao đêm – Phan Huỳnh Điểu (1962)
36. Nối đường Nam Bắc – Phạm Văn Chừng (1955)
37. Nước chảy một dòng – Nguyễn Văn Tý (1954)
38. Quê tôi – Lưu Cầu (1957)
39. Quê tôi miền Nam – Phan Huỳnh Điểu (1954)
40. Rồi anh sẽ về – Nguyễn Lang (1957)
41. Son sắt một lòng – Đắc Nhẫn (1957)
42. Tây Nguyên bất khuất – Văn Ký (1959)
43. Tiếng chim hòa bình – N: Tạ Phước, L: Thế Lữ, Tô Vũ (1955)
44. Tiếng gọi của quê hương – Trương Quang Lục + Trương Đình Quang (1958)
45. Tình ca – Hoàng Việt (1957)
46. Tình đất nước – Thái Thị Liên + Đặng Đình Hưng (1955)
47. Tình trong lá thiếp – Phan Huỳnh Điểu (1955)
48. Tổ quốc ta – Lê Yên + Đặng Đình Hưng (1955)
49. Tổ quốc ta chung một biển Đông – Thịnh Trường (1959)
50. Trăng khuyết lại tròn – N: Đắc Nhẫn, L: Văn Cừ
51. Trăng sáng đôi miền – An Chung (1961)
52. Trên đường ta đi tới – Bửu Huyền (1962)
53. Trung Nam Bắc một nhà – Lê Yên (1955)
54. Ước mơ – Nguyễn Đức Toàn (1958)
55. Vượt lên vì thống nhất hòa bình – Lê Lan (1960)
56. Xa khơi – Nguyễn Tài Tuệ (1962)

Thực hiện lời Bác Hồ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi” bằng ý chí và quyết tâm thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng. Ngày 25/4/1976 tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, ngày 02/7/1976 Quốc hội ra nghị quyết đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất non sông./.

Xem Bản nhạc phần cuối bài viết theo đường link sau:

Khát vọng thống nhất non sông

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN