Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 7, 2024
Trang chủLý LuậnGIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT VÀ NHÂN VĂN CỦA TÁC PHẨM ÂM NHẠC

GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT VÀ NHÂN VĂN CỦA TÁC PHẨM ÂM NHẠC

15

Tác giả : Nguyễn Thị Minh Châu

Một tác phẩm tốt chưa chắc hay, một tác phẩm hay chưa chắc được đánh giá tốt. Một tác phẩm tốt và hay với người này chưa hẳn hay và tốt với người khác. Một tác phẩm có giá trị ở thời điểm này chưa hẳn còn giá trị trong giai đoạn khác. Chính vì có sự khác biệt trong cảm thụ và đánh giá, nên không bao giờ có sự đồng nhất về cái hay – cái dở trong thị hiếu âm nhạc, giống như không thể có sự đồng nhất về cái ngon trong ẩm thực hoặc cái đẹp trong thời trang. Bàn về giá trị nghệ thuật (thuộc phạm trù hay) và giá trị tư tưởng (thuộc phạm trù tốt) trong tác phẩm cũng thế thôi, khó lòng đi đến nhất trí tuyệt đối, nếu cố quy vào một khái niệm chung nhất thì ít nhiều cũng có sự áp đặt (kể cả tự nguyện để bị áp đặt).

Tốt và hay không phải cặp phạm trù đối nghịch, cũng chẳng phải cặp song sinh dính liền, nên chúng không nhất thiết luôn ở cùng chỗ với nhau. Người thưởng thức chọn cái hay theo ý thích và khả năng cảm thụ của mình. Nhà chuyên môn hướng tới cái hay theo tiêu chí nghệ thuật. Nhà quản lý trước hết nhằm vào cái tốt và luôn lấy cái tốt thay thế cho cái hay. Vì thế, nhiều tác phẩm được quần chúng yêu thích nhưng không được nhà chuyên môn coi là có giá trị nghệ thuật, càng không chắc được nhà chức trách đánh giá tính tư tưởng cao. Ngược lại, không ít tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật lại chẳng có công chúng, hoặc sản phẩm được đầu tư kinh phí lớn để đảm bảo tốt về nội dung tư tưởng vẫn cứ chết yểu, chết non.

Sáng tạo nghệ thuật cần sự đa dạng, cảm thụ nghệ thuật cũng mỗi người mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Tất cả tác phẩm âm nhạc đều phải đáp ứng với mọi yêu cầu của mọi đối tượng nghe nhạc là điều không tưởng. Mỗi loại nhạc đều có công chúng riêng. Sự khác biệt dù của thiểu số cũng đòi hỏi được tôn trọng. Từ đây nảy sinh những câu hỏi mà nhà quản lý có bản lĩnh sẽ không làm ngơ, chẳng hạn: một khi luôn có sự khác biệt trong định giá tác phẩm, thì việc khích lệ sáng tạo tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao còn thực sự cần thiết và ý nghĩa với tất cả đối tượng không? Nhà văn Gamzatov từng nói: “Không ai có thể định hướng cho văn nghệ sĩ, nếu như văn nghệ sĩ không biết tự định hướng cho mình”, vậy thì văn nghệ sĩ ở ta được tin tưởng đến mức được toàn quyền tự định hướng trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng chưa?

Tùy theo quan điểm từng người mà có những cách lập luận khác nhau, song dù trả lời theo cách nào thì không ai có thể phủ nhận sức mạnh của âm nhạc, tính nhân văn cũng như khả năng hủy diệt của nó.

Tính nhân văn trong âm nhạc

Âm nhạc gắn liền với đời sống loài người, hiện diện suốt cả một vòng sinh tử, từ tiếng mẹ ru thuở lọt lòng và những bài hát đồng dao khắc vào tâm can bài học đầu đời về kỹ năng sống, từ tiếng hát giao duyên tuổi yêu đương và những bài ca hòa theo nhịp điệu lao động, cho đến những khúc hát bản đàn gắn với sinh hoạt tập thể, tế lễ, thờ cúng, ma chay… Âm nhạc làm giàu đời sống tinh thần, cân bằng trạng thái tâm sinh lý, đưa con người ta gần với nhau hơn trong sự đồng cảm và hướng thiện. Âm nhạc – nhất là tác phẩm không lời, là ngôn ngữ đối thoại toàn cầu, không cần phiên dịch. Hơn thế nữa, Giao hưởng số 9 của Beethoven còn được chọn như một thông điệp của trái đất gửi vào vũ trụ tới các hành tinh khác.

Âm nhạc khiến ta thấy yêu đời, khích lệ ta vượt lên những cản trở tưởng như không thể vượt qua, giúp ta chế ngự nỗi sợ hãi, sự cô đơn để vươn tới điều kỳ diệu. Có lẽ vì thế mà trong chuyến du hành vũ trụ đầu tiên của lịch sử loài người, Gagarin lại mong muốn được nghe bài hát Cuộc sống ơi ta mến yêu người.

Sức mạnh huyền bí của âm nhạc được tôn vinh trong rất nhiều truyền thuyết từ Đông chí Tây. Tiếng hát mê hồn đã giúp Orpheus chinh phục cả quỷ dữ, đưa chàng vượt qua mấy tầng địa ngục kinh hoàng để cứu vợ. Âm nhạc trong chuyện cổ tích Việt Nam cũng lắm phép màu: nghe tiếng đàn kêu tích tịch tình tang của Thạch Sanh mà công chúa khỏi câm, còn lũ giặc rã rời vì nhớ vợ con, chẳng đánh cũng tan tác.

Không chỉ là thần thoại cổ tích, âm nhạc trong đời sống có tác động ngoài sức tưởng tượng. Âm nhạc được sử dụng như thần dược, như chất kích thích hoặc thuốc giảm đau, thậm chí còn là một thứ “dopping hợp pháp” giúp vận động viên đạt được kết quả vượt bậc.

Ở một đất nước có chiến tranh liên miên như Việt Nam, sức mạnh tinh thần, sức mạnh đồng đội từ âm nhạc được vận dụng tối đa. Chiến binh cần tiếng trống, tiếng kèn xung trận. Người tù cách mạng cần tiếng hát lạc quan. Trong chiến tranh vệ quốc, khi miền Bắc cất cao “tiếng hát át tiếng bom”, thì miền Nam tha thiết “tôi hát cho đồng bào tôi nghe”. Biết bao kỷ niệm chiến trường khắc sâu trong đời những người làm nhạc: có người nuốt nước mắt cất tiếng hát để giảm bớt đau đớn cho anh thương binh đang phải cưa chân không thuốc gây mê.

Giới y ở nhiều nước không chỉ dùng âm nhạc để giảm đau (kể cả cơn đau lúc chuyển dạ), mà còn lập ra một chuyên ngành có tên musictherapy – âm nhạc điều trị học. Người ta đã thử nghiệm chữa bệnh bằng nhạc Mozart. “hiệu ứng Mozart” có thể xoa dịu cơn đau và bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Ký ức âm nhạc lâu bền hơn ký ức lời nói. Âm nhạc lưu giữ kỷ niệm và tái hiện phần đời đã qua, nên còn góp phần phục hồi trí nhớ cho bệnh nhân alzheimer. Nhờ tác dụng cải thiện kỹ năng giao tiếp với cộng đồng, âm nhạc còn được dùng để chữa trị bệnh tự kỷ, trầm cảm, tâm thần. Ngay ở Việt Nam năm 2009 đã xuất bản cuốn sách Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, một hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật và nhân văn là yếu tố quyết định làm nên môi trường âm nhạc tốt, và một môi trường âm nhạc tốt chính là điều kiện tốt để nuôi dưỡng nhân cách. Âm nhạc khơi gợi và phát triển trí tưởng tượng đầy sáng tạo vốn có ở trẻ thơ. Âm nhạc rèn rũa tính kiên trì và tinh thần kỷ luật. Một nguyên tắc bắt buộc tuân thủ khi hòa tấu là mọi thành viên đều phải biết nghe nhau, thấu hiểu và tôn trọng nhau.

Âm nhạc còn chuyển tải những bài học lịch sử, nhất là những tác phẩm mang tính sử thi. Nhìn lại nền nhạc mới Việt Nam có thể thấy lại trang sử vẻ vang về những tháng năm chiến tranh vệ quốc. Tác phẩm âm nhạc là phương tiện tuyệt vời để dạy sử, để giáo dục tinh thần công dân, tình yêu cộng đồng và niềm tự hào dân tộc.

Tác phẩm âm nhạc mang đậm tính dân tộc là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là lời khẳng định bản sắc của một quốc gia trước thế giới. Bản sắc truyền thống của cộng đồng nhỏ làm nên sự sống còn của nền văn hóa của họ trước các cộng đồng lớn hơn. Mỗi dân tộc thiểu số, mỗi địa phương góp thêm tính đặc thù riêng trong sự đa dạng của văn hóa một quốc gia. Mỗi quốc gia nhỏ lại góp thêm nét độc đáo trong sự đa sắc của văn hóa nhân loại.

Tính hủy diệt của âm nhạc

Với sứ mệnh lớn lao như thế, âm nhạc được ví như món quà thượng đế ban tặng con người, cứu rỗi và nâng tầm con người lên cao. Song cũng chính âm nhạc lại là “thủ phạm” hại người, kích động người nghe gào thét, điên khùng, ngất xỉu, thậm chí tự tử. Một ca khúc quần chúng hình thức giản đơn chứa đựng cảm xúc riêng tư như Gloomy Sunday của Seress (Chủ nhật buồn, còn gọi là Bài hát tử thần) mà cũng từng biến thành giọt nước tràn ly cho tình trạng tâm lý tuyệt vọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sau thế chiến I, khiến cả trăm người tìm đến cái chết.

Bị biến thành công cụ của những xu hướng cực đoan, âm nhạc dễ gây phản cảm, phản tác dụng. Khi đặt tiêu chí âm nhạc vị âm nhạc vào vị trí độc tôn, người làm nhạc coi đây là trò chơi âm thanh, chỉ chú trọng đến kỹ thuật và hình thức biểu hiện, cốt gây ấn tượng bất thường, phá cách, độc chiêu, thậm chí quái dị đến mức chỉ còn là thứ âm nhạc phản âm nhạc. Với họ, sáng tạo âm nhạc phải được tự do tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi những gì thuộc thuần phong mỹ tục, luân lý đạo đức, cái tốt và cái thiện.

Độc tôn tiêu chí âm nhạc vị nhân sinh lại có nguy cơ dẫn đến tình trạng cực đoan khác, ở đó âm nhạc đơn thuần là một công cụ tuyên truyền cổ động. Chỉ nặng về chức năng tuyên truyền, tác phẩm dễ bị giáo điều, gượng ép, khô cứng. Trong lịch sử nhân loại từng có những ông vua bà chúa, những kẻ độc tài dùng âm nhạc vào mục đích sùng bái cá nhân và cổ xúy cho quyền lực của họ, từ đó sinh ra vô số sản phẩm nhất thời. Từ những sản phẩm nhất thời chắc chắn không thể tạo dựng nên một nền âm nhạc bền lâu. Thời gian cho thấy tính nhất thời, dù là phục vụ yêu cầu chính trị hoặc đáp ứng thị hiếu, đều có thể lấn át chất lượng nghệ thuật, làm nghèo nàn đời sống âm nhạc, làm khô cằn và vô vị thẩm mỹ đại chúng.

Suy ngẫm từ hiện trạng

Không thể phủ nhận rằng đời sống âm nhạc hôm nay đang khủng hoảng thiếu những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhân văn, thừa những hiện tượng cho thấy tác dụng nghịch của âm nhạc.

Luôn được đánh giá nội dung tốt là những sáng tác thuộc mảng ngợi ca, chủ yếu được viết theo đặt hàng hoặc hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác. Sự kiện rồi cũng trôi qua, bối cảnh rồi cũng đổi thay, phong trào rồi cũng lắng xuống… Hiếm tác phẩm còn đọng lại với thời gian, kể cả tác phẩm được đầu tư kinh phí, được dàn dựng đàng hoàng nhưng rồi vẫn không đủ sức trụ lại trong đời sống xã hội. Dù nội dung tốt mà chất lượng nghệ thuật thiếu, lời ca giáo điều sáo mòn, giai điệu nhạt nhòa nhàm chán, thì vẫn không thể chinh phục được công chúng, nhất là giới trẻ. Điều đáng lo ngại lúc này là món ăn tinh thần dành cho tuổi trẻ quá thiếu và yếu, còn sản phẩm tự chế của giới trẻ lại quá thừa và bừa. Những nỗ lực tìm tòi ở tác giả trẻ gần như tự phát, ít được quan tâm và thiếu sự đầu tư khích lệ từ các cơ quan chức năng quản lý âm nhạc chuyên nghiệp. Một số tài năng trẻ luôn được nhắc tên biết tiếng trong sinh hoạt ca nhạc hiện nay lại không thiết vào biên chế của cơ quan nhà nước, cũng không muốn làm hội viên Hội Nhạc sĩ, âu cũng là điều đáng suy ngẫm cho các nhà quản lý nghệ thuật.

Sự thiếu hụt tác phẩm hấp dẫn giới trẻ chính là cơ hội cho những sản phẩm lởm khởm thả sức tung hoành. Không ít phụ huynh tá hỏa tam tinh khi biết con cháu mình đang nghe gì hát gì. Trên nền âm thanh lặp đi lặp lại một cách đơn điệu là những lời ca nhảm nhí, dung tục, thô thiển, kích động ẩu đả… Mới đây thôi, trong chương trình Art work is work – Lễ hội âm nhạc ASEAN ở Hà Nội (5-2013), trước đám đông ngay giữa đường phố đã nhộn nhạo những lời rap như thế này: “Tao hỏi hàng em đâu?. Em ấy nói đây nè. Các em gái cởi bớt đồ nhanh, các em không phải che hết. Quậy thật đã sống đời hoang dã” (Đêm tàn); “Thằng nào bố láo giành giật với tao, tao cũng chơi tất, xơi tất. Vô đây uống với tao trăm phần trăm nha thằng chó” (Đi bụi); “Đế giày in vào mặt ép máu mày phun ra. Phải đánh cho nó chừa đi, bỏ thói bố láo” (Đánh nó đi).

Không một chút chất thơ, không một chút tính nhạc, không chút gì đáng giá để được coi là tác phẩm âm nhạc. Làm sao ngăn ngừa được nguy cơ méo mó thẩm mỹ và nhân cách vì những sản phẩm phi âm nhạc như thế? Những biện pháp quân phiệt – như cấm đoán triệt để, kiểm soát nghiêm ngặt – liệu có còn khả thi, liệu có đủ tâm phục khẩu phục đối với con trẻ thời a còng sớm ý thức với vấn đề nhân quyền không?

Câu trả lời đưa ta quay trở lại với sự cần thiết của những tác phẩm âm nhạc đầy tính nghệ thuật và nhân văn: cách loại trừ cái dở hữu hiệu nhất là đưa ra cái hay hơn để thay thế. Muốn vậy, trước hết cần tạo điều kiện cho những tác phẩm giá trị ra đời, điều kiện ở đây bao gồm sự tôn trọng tài năng và quyền tự do sáng tạo, sự thỏa đáng đối với thù lao sáng tạo.

Tiếp đến là phải xóa dần khoảng cách giữa tác phẩm có giá trị với người nghe, không chỉ là việc đưa tác phẩm đến được với người nghe, mà còn phải nâng cao dân trí để công chúng cảm thụ được những giá trị đích thực. Đây là vấn đề của giáo dục và quảng bá âm nhạc có chất lượng. Một người nghe được hưởng nền giáo dục âm nhạc tốt luôn biết tự chọn lọc cái hay – cái dở, luôn biết tự bảo vệ mình khỏi những thứ mạo danh âm nhạc ở thời buổi nhiễu loạn thông tin này.

Gây dựng môi trường âm nhạc lành mạnh không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng giới nhạc, mà cần có sự hợp tác liên ngành: giáo dục, đào tạo, truyền thông, báo chí, xuất bản, tổ chức biểu diễn, sản xuất chương trình nghệ thuật… Và sự phối hợp liên ngành rõ ràng là phụ thuộc rất nhiều ở khả năng quản lý của những người cầm cân nảy mực.

Nói ngắn gọn, chúng ta cần vô cùng những nhà quản lý đủ tầm đủ tâm để hỗ trợ tối đa người sáng tác cũng như người thưởng thức trong quá trình giảm bớt khoảng cách giữa cái tốt với cái hay, để khích lệ sáng tạo những tác phẩm vừa hay vừa tốt, vừa hấp dẫn vừa có giá trị nghệ thuật và nhân văn cho đời sống âm nhạc hôm nay, làm giàu kho tàng văn học nghệ thuật của cộng đồng cho mai sau.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN