Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnZOYA của VIỆT NAM

ZOYA của VIỆT NAM

10

 

ZOYA ANATOLYEVNA KOSMODEMYANSKAYA sinh ngày 13/9/1923, là đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Liên Xô, khi còn là học sinh trung học, chị đã tình nguyện gia nhập lực lượng du kích chống phát xít Đức, sau đó gia nhập lực lượng quân báo của Hồng quân Liên Xô.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ thâm nhập vào các cơ sở hậu cần của phát xít Đức ở ngoại ô Maskva, do có kẻ phản bội, chị bị quân phát xít bắt ngày 27/11/1941. Bị tra tấn bằng roi cao su, làm nhục lột trần ra giữa mùa đông gần Moskva, nhưng Zoya không khai báo ra tên tổ chức và đồng đội, nên chị bị quân Đức treo cổ ngày 29/11/1941. Trước khi chết, chị đã quay ra mắng quân Đức: “Chúng mày có thể treo cổ tao bây giờ, nhưng tao không đơn độc! 200 triệu người trên đất nước tao chúng mày không thể treo cổ hết, họ sẽ thay tao trả thù chúng mày! Hỡi những tên lính kia! không bao lâu nữa chúng mày sẽ phải đầu hàng, chiến thắng sẽ thuộc về chúng tao!”

Với thành tích chiến đấu và hành động hiên ngang trước kẻ thù, ngày 16/2/1942 chị là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước Liên Xô phong Anh hùng Liên Bang Xô viết trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Hình tượng anh hùng của ZOYA đã được tôn vinh bằng rất nhiều tác phẩm VHNT ở mọi thể loại, tên của chị được đặt cho nhiều tổ chức, đường phố, trường học, khu tưởng niệm… khắp Liên Xô, đặc biệt tên chị còn được đặt cho 2 tiểu hành tinh do các nhà Thiên văn Liên Xô tìm ra trong vũ trụ.

Câu chuyện về nữ anh hùng ZOYA của Liên Xô cũng được truyền bá phổ biến trong toàn vùng kháng chiến của ta. Học tập và noi gương anh hùng du kích Liên Xô, phong trào và lực lượng du kích của ta ở trung du và đồng bằng Bắc bộ ngày càng phát triển.

Thu đông 1947, quân Pháp bị đánh bật khỏi trung tâm Việt Bắc, chúng chỉ còn tạm thời trấn giữ đường số 4 từ Cao Bằng đến Lạng Sơn. Chúng quay sang thực hiện âm mưu bình định đồng bằng Bắc Bộ, từ cuối năm 1947 quân Pháp tập trung càn quét khủng bố các làng mạc có phong trào du kích, cướp thóc lúa lương thực trâu bò và các gia súc khác, lập các hội tề (vùng tề là vùng bị địch tạm chiếm), xây nhiều đồn bốt ở các trục lộ quan trọng, đông dân, thu nạp những tên Việt gian, chỉ điểm hòng phá các cơ sở cách mạng của ta. Chúng tập trung thực hiện bình định trước ở các vùng thuận tiện giao thông trên các trục đường số 1, số 2, số 5 như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn Tây, Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam…

 

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Hưng Yên chủ trương địa phương phải chủ động phá kế hoạch của địch để gìn giữ và phát triển được phong trào cách mạng. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Hưng Yên, Huyện ủy Ân Thi đã tổ chức lại lực lượng để phù hợp với tình hình mới, quyết tâm phá tề, tiêu diệt bọn Việt gian đầu sỏ có nhiều nợ máu với nhân dân, trước mắt là bốt Cảnh Lâm – một đồn bốt lớn của địch đóng ngay bên huyện Yên Mỹ – khống chế cả một vùng của Hưng Yên. Đầu năm 1949, Huyện ủy Ân Thi giao cho Đảng viên trẻ nhất Bùi Thị Cúc (sinh năm 1930) người làng Vân Mạc – huyện Ân Thi làm công tác địch vận. Chị Cúc được kết nạp Đảng năm 17 tuổi (1947) làm cán bộ phụ nữ xã rồi lên làm cán sự phụ nữ Huyện, được cử đi học lớp ngắn hạn nghiệp vụ Công an ở Hải Dương, tháng 12/1949 học xong, chị được về làm công tác địch vận và phản gián tại công an huyện Ân Thi.

Với vỏ bọc là một tiểu thương bán muối ở chợ Cảnh Lâm, do có sắc đẹp chị đã dễ dàng tiếp cận từ xếp bốt và phòng nhì để khai thác tin tức quan trọng. Chị đã cùng tổ du kích tiêu diệt 1 trong 2 anh em Việt gian tàn bạo, nổi tiếng gian ác và chống phá cách mạng nhất trong vùng, đó là 2 anh em tên Nhi và tên Tín. Thấy mất anh, tên Tín đã cho lính càn quét các làng, bắt 40 người trong đó có một số đảng viên đưa về bốt Cảnh Lâm tra tấn dã man để tìm tên Nhi. Tuy chị Bùi Thị Cúc đã tạm lánh sang làng khác, nhưng có kẻ phản bội chỉ điểm nên chị Cúc cũng bị bắt. Tên Tín đã dùng cực hình tra tấn nhưng với ý chí kiên cường bất khuất chị vẫn một mực không khai.

Sáng hôm sau khi tìm thấy xác tên Nhi, chúng lại tra tấn chị Cúc, đến đây, để cứu đồng đội và giữ vững phong trào cách mạng, chị đã nhận chính chị giết tên Nhi.

Khi chuẩn bị làm đám ma cho tên Nhi, chúng đã trói chị Cúc vào một gốc cây trước ngõ, người nhà tên Nhi mỗi lần đi qua đã đánh đấm, dùng liềm và dao rạch vào người chị, tên Tín đã rạch ngang 2 bầu vú chị, máu loang lổ bê bết trên người chị, đến tối chúng lại tra tấn chị chết đi sống lại, không khai thác được gì chúng đã thả gần hết số người bị bắt, chỉ giữ lại chị Cúc và vài người để tiếp tục tra khảo.

Để khủng bố nhân dân, sáng hôm sau 15/5/1950 chúng không cho dân họp chợ, mà dồn dân ra chân đê để chứng kiến cuộc hành hình chị Cúc. Bọn lính la hét dong chị Cúc từ nơi giam giữ ra nơi hành hình, 2 tay chị bị trói quặt ra sau, trên người còn mang đầy thương tích của cuộc tra tấn đêm hôm trước nhưng chị vẫn hiên ngang kiêu hãnh bước đi. Khi đến nơi hành hình, chúng đã đào sẵn một hố sâu, 2 bên hố đóng cọc rồi giăng 2 tay chị vào 2 cọc như thánh giá, treo chị trên miệng hố. Tên Tín tiếp tục tra tấn chị, khi nó hỏi: “Cúc, có phải mày giết anh tao ?”, chị trả lời: “Đúng, tao giết !”, tên Tín cầm mã tấu phạt đứt 2 bầu vú chị, máu chảy lênh láng nhưng chị vẫn kịp hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, một tên lính túm tóc chị giật ngửa ra sau, tên Tín đâm thẳng mã tấu vào cổ chị, máu phun vào mặt tên Tín, nó hùng hổ đâm mấy nhát vào người chị rồi vung mã tấu chém đứt 2 cánh tay chị, chị rơi xuống hố quằn quại thì tên sĩ quan Pháp làm dấu thánh giá rồi rút súng lục bắn vào đầu chị. Hàng trăm người dân chứng kiến cuộc hành hình chị Cúc đã không cầm được nước mắt và tạm nuốt căm hờn chờ ngày báo phục!

Sau thắng lợi của chiến dịch đường số 4, cuối tháng 10/1950 đường liên lạc giữa ta và toàn phe XHCN được khai thông, nên sự tích anh hùng của chị Bùi Thị Cúc đã được loan truyền sang Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn. Vì thành tích chiến đấu anh dũng và sự hy sinh bi tráng của ZOYA và Bùi Thị Cúc có nhiều nét tương đồng nên ở Liên Xô và sau này trong vùng kháng chiến của ta thời đó nhân dân gọi chị Bùi Thị Cúc là ZOYA của Việt Nam.

Biết tin chị Bùi Thị Cúc – một đảng viên trẻ kiên trung, bất khuất, dũng cảm, mưu trí đã hy sinh oanh liệt ở tuổi 20, ngày 15/01/1952 Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương Độc lập hạng III và 6 chữ vàng: SỐNG ANH DŨNG, CHẾT VẺ VANG.

Tháng 5/1953 nhân kỷ niệm 8 năm chiến thắng phát xít Đức, nhà nước Liên Xô đã mời đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có bà Hằng là mẹ chị Bùi Thị Cúc sang dự lễ tại Maskva, trong chương trình có cuộc gặp giữa 2 bà mẹ: mẹ của liệt sĩ anh hùng ZOYA và mẹ của liệt sĩ Bùi Thị Cúc. Cảm xúc sâu sắc trước sự kiện này, ngay năm 1953 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác ca khúc Tiếng hát ZOYA lấy chất liệu dân gian đồng bằng Bắc Bộ, bài này đã trở thành ca khúc phổ biến trong vùng kháng chiến khi công cuộc kháng chiến của nhân dân ta bắt đầu bước sang giai đoạn tổng phản công.

 

Ngày 3/8/1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng liệt sĩ Bùi Thị Cúc danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1998 nhân kỷ niệm 50 năm Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, 50 năm Bác Hồ dạy 6 điều tư cách người Công an Cách mệnh, Bộ Công an đã cho đúc 2 bức tượng đồng chị Bùi Thị Cúc, 1 bức đặt trong Bảo tàng Công an nhân dân Việt Nam, 1 bức trao tặng Công an Hưng Yên.

Năm 2013 lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên đã cho xây mới ngôi đền tưởng niệm anh hùng Bùi Thị Cúc có bức tượng đồng trang trọng, ngay trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh. Hội phụ nữ Công an, cán bộ và chiến sĩ công an tỉnh đã chung sức đúc tượng bán thân chị Bùi Thị Cúc đặt trong cung thờ chị tại gia đình, đồng thời trùng tu phần mộ chị tại xã Vân Du, huyện Ân Thi.

Hàng năm cứ đến những ngày truyền thống của đất nước và ngành Công an, ngày Thương binh liệt sĩ, Công an Hưng Yên và các tổ chức ngoài lực lượng đều đến thăm viếng, coi như cuộc tổ chức về nguồn để giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân ta, cũng như truyền thống anh hùng của lực lượng Công an Nhân dân. Với lòng ngưỡng mộ và cảm xúc chân thành đối với người nữ anh hùng Bùi Thị Cúc, Nhạc sĩ của Hưng Yên Bùi Thành Sinh đã sáng tác ca khúc MẬT LỆNH CÚC TRẮNG, ca khúc này đã trở thành phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của tỉnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN