Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 7, 2024
Trang chủLý LuậnVAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC TRONG GIÁO DỤC THẨM MỸ

VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC TRONG GIÁO DỤC THẨM MỸ

15

Tác giả : LÊ TRỌNG NIN

Giáo dục thẩm mỹ là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm hình thành, phát triển các năng lực nhận thức, cảm thụ và sáng tạo thẩm mỹ của con người. Bằng những đặc thù riêng của mình, âm nhạc được coi là một trong những phương tiện hiệu quả nhất góp phần hình thành ở con người quan hệ thẩm mỹ đúng đắn với hiện thực và nghệ thuật.

1. Âm nhạc góp phần hoàn thiện ý thức thẩm mỹ

Về bản chất, cũng như mọi hình thái ý thức xã hội khác, ý thức thẩm mỹ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là một hình thức nhận thức thế giới của con người. Ý thức thẩm mỹ là sự phản ánh thực tại một cách toàn vẹn, sinh động, đầy sắc thái tình cảm, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức, đánh giá và sáng tạo hiện thực theo quy luật của cái đẹp. Ý thức thẩm mỹ nảy sinh trong hoạt động thẩm mỹ, là năng lực cảm nhận của con người về cái đẹp. Song, cái đẹp ở đây là cái đẹp gắn liền với hiện thực, với cuộc sống của con người.

Âm nhạc đến với con người cũng như cái đẹp đến với con người, nghĩa là nó làm cho con người xúc động sâu sắc về những việc mà họ khám phá ra nhờ tác phẩm. Sự say mê âm nhạc không phải là sự mê muội mà là một trạng thái rất sáng suốt, rất nhân bản, yêu thương, làm cho con người trở nên cao đẹp hơn. Nếu xét về mặt nội dung, một tác phẩm âm nhạc được coi là đẹp khi nó phản ánh một cách chân thật cái đẹp của hiện thực cuộc sống. Một tác phẩm âm nhạc chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bề ngoài mà thiếu đi nội dung lành mạnh, tiến bộ thì không thể có sức giáo dục thẩm mỹ. Ngược lại, một tác phẩm nếu chỉ có nội dung tốt mà hình thức kém thì cũng không có tác dụng giáo dục thẩm mỹ tốt và tất nhiên cũng không giáo dục chính trị tốt vì nó không đem lại cảm xúc chân thành. Cái đẹp trong âm nhạc bắt nguồn trước hết từ chính những cái đẹp trong tự nhiên và cuộc sống. Bởi vậy, đến với âm nhạc, con người có thể tìm thấy tất cả những biểu hiện đa dạng của cái đẹp trong thế giới tự nhiên, cũng như trong đời sống xã hội.

Âm nhạc với những hình tượng mang tính trừu tượng hơn và cũng trực tiếp hơn so với các loại hình nghệ thuật khác, nên âm nhạc có thể gõ vào tận ngóc ngách của thế giới tinh thần, vào tâm tư, tình cảm của người nghe. Âm nhạc tác động trực tiếp vào tình cảm của người nghe trước khi trí tuệ kịp nhận thức hiện tượng văn hóa âm thanh này. Lịch sử thế giới loài người đã ghi lại nhiều lần khả năng phi thường của âm nhạc. Với sức sống mãnh liệt cũng như khả năng truyền cảm mạnh mẽ của mình, âm nhạc được sử dụng như một vũ khí hữu dụng và đáng tin cậy trong việc kêu gọi, tập hợp, khích lệ, nâng cao tinh thần yêu nước và sức chiến đấu cho mỗi người dân và các chiến binh khi ra trận. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà khoa học ngày nay đã chứng minh rằng, âm nhạc có khả năng cải thiện ngôn ngữ và trí nhớ, nhằm giúp những người mất trí có thể phục hồi tư duy, làm sống lại ký ức của mình. Hơn nữa, âm nhạc còn tác động một cách tích cực đến trí thông minh, nhất là ở trẻ em. Đặc biệt đối với lĩnh vực y học, âm nhạc còn là một liệu pháp chữa bệnh làm giảm các cơn đau, phấn khích, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Nhờ tác dụng cải thiện kỹ năng giao tiếp với cộng đồng, âm nhạc còn được dùng để chữa trị bệnh tự kỷ, trầm cảm, tâm thần.

Có thể nói, âm nhạc chính là khía cạnh thẩm mỹ trong sự tương tác giữa điều kiện xã hội và điều kiện tự nhiên. Nó bao quát được toàn bộ điều kiện sống và hoạt động của con người. Bởi thế, âm nhạc tác động đến toàn bộ thế giới tình cảm, cảm xúc, lý trí và ý chí của con người. Do đó, giáo dục thẩm mỹ thông qua âm nhạc sẽ giúp con người hình thành nên những ý thức thẩm mỹ đúng đắn, kích thích các tình cảm lành mạnh, góp phần tăng cường ý chí, xóa bỏ nỗi buồn, sự u uất và tạo một nguồn năng lượng mới cho tình cảm. Nếu không có một ý thức thẩm mỹ đúng đắn, con người sẽ không thể phân biệt, đánh giá được cái đẹp chân chính trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Từ đó, họ sẽ dễ dàng bị khuất phục bởi các tác phẩm không lành mạnh, không mang lại bất cứ một giá trị thẩm mỹ nào. Ý thức thẩm mỹ của con người phải trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, bởi nó đóng vai trò điều tiết, tác động đến việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hình thành và phát triển ở họ một nhân cách hài hòa trọn vẹn.

2. Âm nhạc góp phần bồi dưỡng năng lực cảm xúc

Trong sáng tạo và thụ cảm nghệ thuật âm nhạc, cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt quan trọng. Nó là yếu tố quyết định cho sự hình thành và thăng hoa của tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật dù lớn hay nhỏ, dù thiên về phản ánh hay biểu hiện, là nghệ thuật không gian hay thời gian, đều bắt nguồn từ những rung động, từ cảm xúc của người nghệ sĩ trước các khách thể thẩm mỹ của đời sống. “Cảm xúc thẩm mỹ càng mãnh liệt, tác phẩm nghệ thuật càng trác tuyệt” (1). Cùng với tư duy khoa học, cảm xúc thẩm mỹ là một điều kiện cần thiết để con người nhận thức, lĩnh hội thế giới thực tại trong tính hoàn chỉnh, phong phú và sinh động vốn có của nó. Cảm xúc thẩm mỹ giúp con người phân biệt được các đối tượng đẹp hay xấu, tạo cho con người khả năng thưởng thức những sắc thái và sự hòa hợp của chúng. Nghĩa là, cảm xúc thẩm mỹ là điều kiện không thể thiếu đối với các chủ thể cảm thụ và thưởng thức nghệ thuật, bởi nó đem lại khả năng “cảm thấy trực tiếp mực thước chân chính để đo giá trị của các hiện tượng” (2), nhờ đó mà chủ thể khám phá được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Như vậy, một tâm hồn giàu cảm xúc gắn liền với trực giác nghệ thuật nhạy bén không chỉ cần có ở chủ thể sáng tạo nghệ thuật, mà còn cần cho cả chủ thể cảm thụ, thưởng thức. Thiếu nó, chủ thể sẽ mất đi tiền đề quan trọng để cộng hưởng được với cái đẹp và những giá trị thẩm mỹ đích thực khác của tác phẩm nghệ thuật. “Thiếu nó, thiếu đi cái cảm xúc ấy, sẽ không có thiên tài, không có tài năng, không có trí thông minh, mà chỉ còn lại cái thứ đầu óc tỉnh táo một cách ti tiện cần thiết cho sinh hoạt thường ngày trong nhà, cho những tính toán nhỏ nhen của bệnh ích kỷ” (3).

Tóm lại, sự có mặt của nghệ thuật âm nhạc với tư cách là nơi hàm chứa cái đẹp, được con người tiếp nhận một cách tích cực, sẽ trau dồi văn hóa cảm quan, bồi dưỡng và làm phong phú năng lực cảm xúc của con người. Thiếu đi sự dẫn dắt của nó, con người sẽ không thể thực hiện được sự “nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp” (4) và cũng có nghĩa là thiếu đi một phương thức cơ bản để con người tự hoàn thiện chính bản thân mình.

Các bạn trẻ chơi nhạc cụ dân tộc. Ảnh Lạc Thành 
 

3. Âm nhạc góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh

Trong lịch sử mỹ học đã tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau về thị hiếu thẩm mỹ của con người, dù ở góc độ cá nhân hay xã hội. Có quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của thị hiếu cá nhân, năng lực bẩm sinh của cá nhân, hoặc tuyệt đối hóa thị hiếu xã hội của các cộng đồng người như giai cấp, dân tộc, thời đại. Thực ra, thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội, là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, nó phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử xã hội nhất định. Thị hiếu thẩm mỹ biểu hiện năng lực thẩm mỹ chủ quan của chủ thể. Điều đó có nghĩa, thị hiếu thẩm mỹ là một quan hệ biện chứng của cái cá nhân và cái xã hội, được biểu hiện thành năng lực thẩm mỹ của mỗi chủ thể xác định. Tính chất cá nhân của thị hiếu thể hiện ở chỗ, nó là cái gu, là sở thích riêng của mỗi con người về phương diện thẩm mỹ. Sự muôn hình, muôn vẻ của thị hiếu cá nhân tạo nên tính đa dạng, phong phú và sinh động của thị hiếu xã hội.

Khi nhìn vào lịch sử âm nhạc thế giới, chúng ta sẽ thấy rất rõ tính quy định của thời đại đối với quá trình biến đổi thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Nếu như âm nhạc phức điệu phát triển chiếm ưu thế, với các nốt hoa mỹ điển hình cho quan điểm thẩm mỹ kiểu baroque trong giai đoạn tiền cổ điển thì đến thời kỳ âm nhạc cổ điển viên, phong cách quý phái, hoa mỹ của âm nhạc baroque không còn được ưa chuộng nữa, mà thay vào đó là sự coi trọng về mặt hòa âm công năng. Lúc này, âm nhạc thời kỳ cổ điển trở nên đơn giản hơn, cân đối, hài hòa và không còn cầu kỳ. Hay như ở thời kỳ lãng mạn, âm nhạc lại đề cao tình cảm nội tâm và không bị ràng buộc bởi những giáo lý khắt khe, chặt chẽ của chủ nghĩa cổ điển. Thời kỳ này, ngôn ngữ âm nhạc có nhiều đổi mới: sử dụng sự tương phản về điệu thức, lối chuyển điệu đột ngột, đề cao vai trò các công năng, sáng tạo mở rộng cấu trúc hợp âm, hợp âm màu sắc; âm nhạc gần với thơ ca, dùng nhiều mảng màu sắc hòa thanh trong kỹ thuật phối dàn nhạc để nói lên những biến đổi về cảm xúc trong tâm hồn con người. Còn trong âm nhạc ấn tượng thì nghiêng về khả năng tạo hình bằng âm thanh. Các nhà soạn nhạc cố ý làm nhòe mờ giai điệu, chú ý đến màu sắc chiều dọc hơn là logic của chiều ngang hòa âm, sử dụng nhiều hợp âm nghịch. Về nghệ thuật phối khí thì chú ý nhiều đến âm sắc, âm màu của từng nhạc cụ. Họ cố làm cho những âm sắc của từng nhạc cụ không lẫn vào nhau. Đến TK XX, ngôn ngữ âm nhạc càng có nhiều thay đổi. Âm nhạc từ chỗ đa điệu tính đến phi điệu tính. Các nhạc sĩ tự sáng tạo ra các điệu thức mới, âm thanh mới để sử dụng trong âm nhạc. Có thể nói rằng, quan điểm, thị hiếu thẩm mỹ trong âm nhạc từ thời kỳ này đã có nhiều thay đổi đáng kể, thách thức các nguyên tắc về lý thuyết âm nhạc đã được chấp nhận của thời kỳ trước đó.

Như vậy, người ta có thể thích cái này mà không thích cái kia, nhưng tuyệt nhiên không bỏ qua tính quy định của thời đại, của dân tộc mà phủ định chất lượng thẩm mỹ của các hiện tượng thẩm mỹ khác nhau. Giữa thị hiếu thẩm mỹ tốt và thị hiếu thẩm mỹ xấu có một ranh giới rõ ràng, giữa cái tầm thường và cái cao đẹp đều có thể bàn luận được. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Tôi thích cái này, anh thích cái kia, mỗi người có một sở thích của mình. Tôi nói như vậy không có nghĩa là cái hay không có tiêu chuẩn của nó” (5).

Trong thị hiếu thẩm mỹ còn có một bộ phận rất quan trọng, đó là thị hiếu nghệ thuật. Sự phát triển của thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật là điều quan trọng đối với kết quả của việc sáng tạo và cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật. Hai thị hiếu này gắn bó chặt chẽ và tác động qua lại trong mọi quá trình phát triển thẩm mỹ. Âm nhạc, nếu xét theo chỉnh thể thì nó bao gồm cả sáng tác, biểu diễn, phê bình, đánh giá và thưởng thức. Chất lượng của mỗi bộ phận đó đều có ảnh hưởng đến sự hình thành thị hiếu âm nhạc nói chung, đồng thời thị hiếu âm nhạc cũng ảnh hưởng đến xu thế, chất lượng sáng tác và biểu diễn. Nếu thị hiếu thấp hèn, thiếu lành mạnh thì con người không thể tìm đến được với những tác phẩm âm nhạc hay, chứ chưa nói đến việc cảm thụ các giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm đó.

Như vậy, âm nhạc, hay nói cụ thể hơn là những tác phẩm âm nhạc chân chính sẽ có tác động tích cực trong việc hình thành, củng cố và phát triển sâu sắc các tính cách để đảm bảo cho một thị hiếu trở thành một thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật lành mạnh. Điều đó cũng có nghĩa, âm nhạc góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển các tư duy hình tượng của con người. Bởi, khi tiếp thu được các hình tượng tốt đẹp trong cuộc sống và trong âm nhạc, tâm hồn con người sẽ trở nên phong phú, trong sáng hơn, từ đó, thị hiếu thẩm mỹ cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

4. Âm nhạc góp phần giáo dục lý tưởng thẩm mỹ

Có thể nói, âm nhạc khi tham gia vào quá trình giáo dục thẩm mỹ nhằm xây dựng một chủ thể thẩm mỹ cần phải được bắt đầu từ việc bồi dưỡng những cảm xúc, tình cảm trong sáng và làm cho những cảm xúc, tình cảm đó có tính ổn định ở thị hiếu. Song, nhất thiết phải được hoàn chỉnh ở lý tưởng thẩm mỹ.

Lý tưởng thẩm mỹ có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhưng lĩnh vực hoạt động cơ bản và chủ yếu là ở nghệ thuật. Chỉ ở trong thế giới nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ mới được thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất, thông qua hệ thống hình tượng nghệ thuật phong phú, đa dạng và sinh động. Đối với quá trình sáng tạo nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ đóng vai trò điều chỉnh cái khách quan và cái chủ quan, trở thành chuẩn mực của các giá trị nghệ thuật và hướng dẫn mọi ý đồ sáng tạo theo đúng hướng. Lúc này, lý tưởng thẩm mỹ là bước hoàn thiện của ý thức thẩm mỹ, là sự hoàn thiện các trạng thái tình cảm, lý trí, thị hiếu, là hệ thống năng lực thực hiện ước mơ và khát vọng ý chí, lôi cuốn con người hướng về tương lai.

Một tác phẩm âm nhạc được đánh giá là hay, có chất lượng thẩm mỹ cao, phải là tác phẩm đạt được một lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn. Điều đó được thể hiện ở mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức, có khả năng đánh giá sâu sắc các hiện tượng của đời sống, tâm lý, có thể xâm nhập đến tận cùng của tâm hồn con người, góp phần định hướng hành động của con người với phương thức diễn tả bằng hình tượng âm nhạc phù hợp nhất. Lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp sẽ giúp cho các nghệ sĩ nhận thức và đánh giá đúng cái đẹp, cái mới, tiến bộ, cũng như phát hiện ra tàn dư của cái xấu, cái cũ, lỗi thời, cái giả trong quá trình sáng tạo những giá trị cao đẹp. Và sau cùng, qua việc thưởng thức các sản phẩm âm nhạc của người nghệ sĩ khi được dẫn dắt bởi lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, sẽ có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc hình thành các lý tưởng thẩm mỹ ở công chúng. Từ đó, họ có thể đặt ra cho mình một nguyện vọng, lối sống tích cực, theo tấm gương mà họ được biết đến qua các tác phẩm âm nhạc đó. Sức mạnh giáo dục sâu sắc và lâu bền của âm nhạc chân chính cũng bắt nguồn từ các mẫu lý tưởng như vậy.

Có thể nói, âm nhạc đã đóng một vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của xã hội, trở thành phương tiện phản ánh những tâm tư, tình cảm của con người trong mối quan hệ cộng đồng, thiên nhiên, lao động, đấu tranh của từng dân tộc, quốc gia. Nội dung và hình thức trong âm nhạc cũng góp phần vào việc phát triển trí tuệ, ý thức tập thể và khả năng nhận thức cho con người. Suy cho cùng, giáo dục thẩm mỹ thông qua âm nhạc là giúp con người nhận thức, cảm nhận được cái đẹp, là phương tiện để mở rộng cái đẹp. Âm nhạc góp phần quan trọng đối với việc hình thành và phát triển các bộ phận trong cái tổng thể ý thức thẩm mỹ của chủ thể, giúp con người phân biệt được các đối tượng đẹp hay xấu, tạo cho con người khả năng thưởng thức những sắc thái và sự hòa hợp của chúng.

_______________

1. Thế Hùng, Mỹ học đại cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.101.

2. Viện HLKH Liên Xô, Nguyên lý mỹ học Marx – Lenin, phần II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.127.

3. I.U.A. Lukin và V.C Skaterosiskov, Nguyên lý mỹ học Marx – Lenin, Nxb Sách Giáo khoa Mác – Lênin, Hà Nội, 1984, tr.8.

4. C.Mác, Bản thảo kinh tế – triết học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.94.

5. Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969, tr.112.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN