Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Trang chủLý LuậnPHÊ BÌNH ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỒN TẠI HAY...

PHÊ BÌNH ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỒN TẠI HAY KHÔNG

15

Tác giả : NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM

Đã từ lâu, trên báo chí, kể cả báo chí chuyên ngành, không có những bài viết phê bình âm nhạc. Mọi người chờ đợi một bài phê bình âm nhạc nhưng hầu như chỉ có những bài viết thông tin về các chương trình biểu diễn, về đĩa nhạc (album) mới xuất bản… với những lời nhận xét có cánh hoặc hết sức chung chung. Trận địa phê bình trống trải để cho những nhà báo (cũng có thể chưa hề học nhạc) làm công việc giới thiệu, thông tin và đôi khi đưa ra những bình luận, phân tích… không có cơ sở học thuật và cũng không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, thị trường âm nhạc vẫn sôi nổi và đây đó, vẫn có những phát biểu, bình luận, chê khen ca sĩ này hát hay, tôn vinh ca sĩ kia là diva, ông hoàng, vua… những giọng ca vượt thời gian, những giọng tenor hiếm hoi mà trong 5 năm nữa chưa có người vượt qua được… Nhưng nội dung trong bài viết chỉ dành một phần nhỏ cho âm nhạc, những lời tường thuật mỏng về nội dung âm nhạc, yếu về học thuật, đầy cảm tính, còn lại là khen trang phục, hàng hiệu hoặc thêm thắt những chi tiết chuyện đời tư nhằm thu hút tò mò. Các cây bút viết về âm nhạc trên những báo, tạp chí, báo mạng, truyền hình… đa phần đều là tay ngang, họ cảm nhận âm nhạc theo hướng chủ quan và trình độ thẩm định nghệ thuật còn chưa sâu sắc. Chưa kể, đề tài chỉ tập trung chuyện ca nhạc, trong đời sống âm nhạc chỉ thấy nói đến ca khúc, thiếu hẳn những bài viết mang tính học thuật chuyên sâu để giới thiệu các tác phẩm mới thuộc thể loại âm nhạc kinh viện như opera, nhạc giao hưởng, hòa tấu thính phòng, chương trình biểu diễn âm nhạc nghiêm túc… lại càng không có những bài viết phê bình thể hiện góc nhìn mới mang hơi thở của thời đại đối với tác phẩm âm nhạc trong nước (trong khi những bài viết với nội dung tương tự đối với văn học đã rất phổ biến).

Ở các chương trình truyền hình thực tế, cuộc thi hát… nhiều người được quyền đánh giá, chấm thi nhưng không phải là nhạc sĩ hoặc người làm nghề âm nhạc. Cùng với đó là những phát biểu chỉ nhằm mục đích tự khoe, cố sao chứng tỏ mình có hiểu biết, gây nóng sân khấu, tạo những đối đáp – tình huống trên sân khấu để thu hút người xem của giám khảo. Nối tiếp của cách đánh giá này và cũng là kết thúc cho việc thẩm định giá trị cho một tiết mục (sản phẩm) âm nhạc là những cái bấm nút bình chọn của đám đông đang bị lôi kéo bởi những tin tức về đời tư nghệ sĩ hay những chuyện gây sốc trên mạng xã hội…

Hội âm nhạc TP.HCM đã thành lập chi hội lý luận – đào tạo và năm 2004 cũng cố gắng thành lập câu lạc bộ lý luận – phê bình nhưng rồi sau đó cũng tự giải tán, không thể hoạt động. Nhạc viện TP.HCM có mã ngành đào tạo âm nhạc học với nội dung chủ yếu là các vấn đề của âm nhạc như: lịch sử âm nhạc, lý thuyết âm nhạc (phương Tây), âm nhạc dân tộc học, phân tích âm nhạc (phương Tây)… Chương trình đào tạo của ngành âm nhạc học không có môn học về lý luận phê bình âm nhạc, thậm chí, việc học phân tích tác phẩm âm nhạc chỉ tập trung phân tích những tác phẩm âm nhạc kinh viện với những yếu tố học thuật theo khuôn mẫu mà ít quan tâm đến việc phân tích các tác phẩm trong đời sống âm nhạc đương thời cũng không chuộng những gợi ý nhận định, đánh giá mang tính cá nhân của người học.

 Những bài viết của các nhà nghiên cứu – lý luận âm nhạc như: Trần Thế Bảo, Đào Trọng Minh, Lê Hải Đăng… chỉ đóng khung trong những hội thảo, tạp chí chuyên ngành hoặc   website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP.HCM. Một số nhạc sĩ cũng tham gia viết bài bình luận, giới thiệu tác giả, tác phẩm, sự kiện âm nhạc của thành phố trên các báo, đài như: Trương Quang Lục, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện… nhưng chưa nhiều và chỉ là những nội dung mang tính giới thiệu, chưa phải là vấn đề bình luận hay phê bình. Trong dòng chảy cuồn cuộn của thị trường âm nhạc thành phố, nhiều vụ việc, cuộc tranh cãi về âm nhạc ầm ĩ trên công luận nhưng những người có trách nhiệm, người làm công tác phê bình… cũng đành im lặng.

Cuộc đấu tranh trên trận địa âm nhạc có tính chất quyết liệt và phức tạp theo cách nói của nhạc sĩ Xuân Hồng, nguyên Tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM khi tổng kết về âm nhạc TP.HCM sau 10 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cho thấy đời sống âm nhạc lúc nào cũng có những vấn đề của nó (2). Nếu như ở giai đoạn trước đổi mới, cuộc đấu tranh cho sự tiến bộ của đời sống âm nhạc rất rõ ràng, công luận lên tiếng, giới phê bình cùng với những nhà quản lý đấu tranh đối với cái xấu, chưa tiến bộ trong nội dung từng bài hát, với phong cách biểu diễn của từng ca sĩ, trong việc phát hành một băng đĩa… thì nay, trong dòng chảy cuồn cuộc của âm nhạc, giới phê bình bỗng trở nên lẻ loi, cô độc và thậm chí trở thành những thành phần yếu thế, nhỏ lẻ trước công luận của đám đông, dễ bị lợi dụng bởi những khích động có chủ ý.

Kinh tế thị trường và những mối lợi về vật chất, kinh tế khiến cho những người làm âm nhạc lợi dụng chức năng giải trí của nó để thu lợi. Công tác quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đang góp phần để cho thị trường âm nhạc nói chung, những bài viết của báo chí và kể cả những phát ngôn về âm nhạc nói riêng, trở nên hỗn loạn. Sự buông lỏng, vô tư của các nhà quản lý đã để cho những bài viết, thông tin thiếu tính nghệ thuật, xem thường dư luận xã hội, những sản phẩm phi nghệ thuật, thiếu văn hóa, những bài viết tâng bốc, tôn vinh bất cứ ai họ muốn lăng xê… được xuất bản, chiếm lĩnh các diễn đàn thông tin, trang mạng.

Chính đội ngũ phê bình âm nhạc cũng e ngại đụng chạm, còn có nhiều vùng cấm mà họ không thể thẳng thắn với chính mình và làm hết trách nhiệm. Với một tên tuổi, một chức sắc, một mối quan hệ phải giữ gìn, thậm chí, kể cả người mình không thích cũng không dám phê bình vì nhà phê bình sợ đám đông sẽ cho đó là một vụ thanh toán cá nhân. Những người có chuyên môn đã không có đủ dũng hoặc do tính lãnh cảm và thiếu nhiệt tình trước các vấn đề thời sự nên phê bình quay lưng lại với đời sống âm nhạc hoặc chạy sau sự kiện, mang tính chữa cháy và nhiều khi bị gạt ra ngoài lề thời sự.

Viết một bài phê bình âm nhạc đúng nghĩa với đầy đủ tính học thuật trong phân tích, bình luận một tác phẩm âm nhạc của đồng nghiệp, hầu như là điều không thể bởi ai cũng ngại va chạm. Còn viết những bài giới thiệu, nhận định chung chung hoặc ca ngợi thì những người làm công việc phê bình càng không muốn bởi không thể tự đánh lừa mình, làm bồi bút, hạ thấp bản thân. Khi phỏng vấn những người có trách nhiệm và tự vấn mình, người viết bài này cũng phải đồng cảm: “Người Việt không quen nghe phê bình, người tiếp nhận lời phê bình luôn cảm thấy bị chứ không phải được phê bình, nên việc phản ứng chống trả là tất nhiên và sẽ là hành động đầu tiên. Ai làm công việc phê bình âm nhạc là đang tự đưa mình vào một cuộc đấu khẩu và đôi khi sẽ dẫn tới một đám đông kích động với những cuộc phê bình qua lại không có hồi kết. Đó còn chưa kể, với một đám đông đang được kích động từ nhiều mục đích, ít hiểu biết, thiếu trình độ nhưng thừa ảo tưởng… thì lời phê bình chắc chắn sẽ được đáp trả bằng một cuộc ném đá đủ để người phê bình tự xây đài tưởng niệm cho mình”. Nhiều nhạc sĩ lão thành, những tên tuổi của làng âm nhạc cả nước cũng tự biện minh và khuyên: “thôi, ai lại đi phê bình chính bạn bè của mình, chuyển qua làm công tác nghiên cứu, đào tạo cho nó lành”. Những người cầm bút lâu năm gần như đứng ngoài những hiện tượng, trào lưu nghệ thuật mới của xã hội, đôi khi chỉ chắc lưỡi, rằng không nên dùng dao mổ trâu để giết gà, rằng thôi thì viết sách, dạy học trò để thế hệ sau thay ta làm công việc phê bình vậy.

Mặc dù TP.HCM có nhiều trường đại học đào tạo ngành âm nhạc nhưng duy nhất chỉ có Nhạc viện TP.HCM đào tạo mã ngành âm nhạc học. Và như nêu trên, ngành này cũng không nhằm đến việc đào tạo người làm công tác phê bình âm nhạc. Điều đáng quan tâm là với cách đào tạo hiện nay, số lượng người theo học ngành Âm nhạc học ngày càng teo tóp (3) mặc dù cơ hội việc làm của mã ngành đào tạo này rất rộng mở, đa dạng. Hiện nay và trong tương lai khoảng 10, 20 năm nữa, đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng, bởi muốn có một cử nhân có đủ trình độ làm công việc phê bình âm nhạc không phải chỉ cần thời gian đào tạo 4 năm đại học mà còn cần nhiều thứ khác: tư duy độc lập, có văn hóa và thẩm mỹ, có kiến thức nền đầy đủ, trang bị chuyên môn âm nhạc chuyên sâu, sự nhạy cảm, tinh tế khi cảm thụ tác phẩm, nhạy bén đối với thời sự, kỹ năng viết, khả năng diễn đạt cảm xúc bằng ngôn từ… Trở thành nhà phê bình âm nhạc, theo Nguyễn Thị Minh Châu, đó là nhà âm nhạc học và cả nhà báo. Họ phải tích lũy được một lượng kiến thức xã hội rất lớn và chưa kể là khả năng thể hiện ý tưởng hấp dẫn, thu hút và thuyết phục người nghe.

Từ đây cho thấy, chúng ta thiếu vắng sự đầu tư, không hề có một đảm bảo cho những người tử vì đạo trong nghiệp phê bình nên không còn nhiều người muốn theo nghề, đương đầu đấu tranh với cái xấu (gian, giả, ăn cắp…) trong thị trường âm nhạc thành phố nữa. Đối với giới trẻ, chúng ta không có sự đầu tư dài hạn, định hướng hay đào tạo. Giữa một biển tri thức của thế giới phẳng, họ phải tự sàng lọc dựa theo kinh nghiệm bản thân, tự trang bị những kỹ năng cần thiết, tự nỗ lực để có thể đảm bảo cuộc sống cá nhân để theo đuổi niềm đam mê viết lách và rồi nhanh chóng bị thui chột hoặc bị sai lệch do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức… Và, đã có một số người trẻ sử dụng công nghệ thông tin  (facebook, diễn đàn trên internet, báo mạng…) làm công cụ để công kích cá nhân thay vì góp ý xây dựng. Họ đưa ra những nhận xét về âm nhạc (và các đối tượng liên quan đến âm nhạc) bằng ngôn từ không mấy nhân văn hoặc chạy theo xu hướng thương mại, tập trung khai thác những đề tài có thể câu view, những tin tức về hàng hiệu, trang phục, xe cộ, nhà cửa của ca sĩ, các chiêu trò để nổi tiếng (hay tai tiếng), người trong nghề bôi xấu nhau trên các phương tiện truyền thông… Đó tuy không phải là phê bình âm nhạc nhưng đang làm cho xã hội có cái nhìn méo mó đối với nghệ thuật âm nhạc, đồng thời tạo nên những tác động tiêu cực đến nhiều người.

Từ phê bình âm nhạc, có thể nhìn thấy một khía cạnh của đời sống âm nhạc TP.HCM ngày nay, để từ đó có những quan tâm, đầu tư hơn cho âm nhạc nói chung và cho ngành phê bình âm nhạc nói riêng. Chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất:

Nhà nước cần có biện pháp quản lý về mặt thông tin, cần có hình thức chế tài, xử phạt rõ ràng, đủ mạnh và nghiêm minh đối với những thông tin xấu nói chung và những cách làm nhiễu loạn trong việc quảng bá hình ảnh, con người, sản phẩm âm nhạc nói riêng trên hệ thống truyền thông đại chúng. Cần xử phạt nghiêm, thậm chí cấm phát hành nếu tờ báo, trang báo điện tử nào vi phạm luật báo chí, xuất bản và quảng bá các sản phẩm văn hóa có những yếu tố phản giáo dục, phản thẩm mỹ.

 Cần xây dựng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu, lý luận, đào tạo nhất là những công trình liên quan đến giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, âm nhạc dân gian, những giá trị văn hóa – âm nhạc thế giới, ảnh hưởng tốt tới việc định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhận thức, lối sống của công chúng.

Trong lĩnh vực đào tạo, cần có sự đầu tư, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, hội, cơ quan truyền thông để chuyên ngành Âm nhạc học nói chung, chuyên ngành phê bình âm nhạc nói riêng là một chuyên ngành đào tạo tốt, có định hướng, có tính thực tế về kiến thức chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu công việc và nhất là trở thành lựa chọn của các nhà báo tương lai. Đồng thời, khi ra trường, các em được hành nghề, được bảo vệ khi làm đúng, nói đúng.

Hội Âm nhạc cần đẩy mạnh các hoạt động của tiểu ban lý luận phê bình. Có sự liên kết của khối lý luận phê bình ở các cơ quan đơn vị hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, các cơ quan chức năng để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, việc lập ra câu lạc bộ phê bình âm nhạc của hội là một việc làm cần khuyến khích. Ý tưởng xây dựng một diễn đàn phê bình âm nhạc trên mạng hấp dẫn đối với những người tâm huyết nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều người bởi vấn đề kinh phí, thù lao và nhiều lý do khác vẫn chi phối cuộc sống của họ. Nhiều người mơ ước có một tạp chí âm nhạc chuyên nghiệp, là diễn đàn phê bình của giới chuyên môn, nhưng khó lắm thay bởi cả vấn đề đầu vào lẫn đầu ra, kinh phí tổ chức thực hiện, bài viết, xuất bản và phát hành. Để an tâm, để đủ dũng khí đương đầu với những cái chưa tốt của thị trường âm nhạc, đương nhiên cần có những điều kiện tối thiểu để người làm công việc phê bình tham gia thị trường.

Truyền hình, truyền thanh là những đơn vị có nhiều lợi thế để làm trong sạch môi trường âm nhạc và cũng là phương tiện công khai, chính thức, mạnh mẽ để thực hiện phê bình âm nhạc. Song, cũng chính các đài truyền hình, truyền thanh hiện nay lại là nơi phổ biến sản phẩm âm nhạc (tốt lẫn xấu) nhanh nhất đến với công chúng. Do vậy, khâu biên tập và thẩm định sản phẩm âm nhạc trước khi phát hình, phát thanh rất cần được quan tâm và tham gia của những người có chuyên môn lẫn định hướng tốt. Những chương trình truyền hình, truyền thanh cần có đầu tư và quan tâm đến giá trị văn hóa, tác động của sản phẩm âm nhạc khi phổ biến.

Về phía những nhà lý luận – phê bình, giữa lý luận, nhận định, phân tích, bình luận, phê bình… là những nội dung khác nhau, với những mục đích khác nhau và có những phương pháp thực hiện, văn phong khác nhau. Không phải cái gì viết về âm nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều là phê bình âm nhạc và những nhà báo viết về âm nhạc đều là nhà phê bình âm nhạc. Rất nhiều bài viết thực sự mang tính phân tích, giới thiệu tác phẩm hơn là bình luận, bình phẩm. Tuy nhiên, thay cho những phê bình, bình phẩm, bình luận, những bài viết mang tính chất lý luận, tổng kết, hệ thống, mang tính khái quát từ thực tế trong chừng mực nào đó cũng có thể góp phần định hướng cho âm nhạc thành phố mà ít bị đụng chạm bởi không đề cập đến những trường hợp cụ thể. Có lẽ lối viết này sẽ trở thành lựa chọn của một số học giả, nhà nghiên cứu, những người làm nghề phê bình nhưng không muốn bị trở thành bia của những vụ đấu khẩu.

Và, nên tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu những nghiên cứu mới trong lĩnh vực Âm nhạc học, giới thiệu những bài viết phê bình âm nhạc tốt… như một địa chỉ trao đổi khoa học, nghề nghiệp. Có thể, Hội nên phát động những cuộc thi dành cho người viết trẻ chuyên về lĩnh vực phê bình âm nhạc để họ có thể gặp gỡ, hỗ trợ nhau, có điều kiện cọ xát về chuyên môn, khích lệ về tinh thần và xa hơn nữa, cải thiện đời sống bằng giải thưởng.

Phê bình chưa bao giờ trở thành một nghề ở Việt Nam, cũng như ở TP.HCM. Người viết phê bình chưa bao giờ sống được bằng nghề nếu có dũng khí, dám nói thẳng, nói thật về cái xấu đang lan tràn, dám đương đầu với những cái không đúng trong thị trường âm nhạc ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin vào cái tốt đẹp sẽ hiện hữu bởi trong trái tim của mỗi người làm công tác văn học nghệ thuật đều có một nhà phê bình. Vấn đề là khơi gợi để thức tỉnh, tạo điều kiện cho con người ấy phát huy và cống hiến. Phê bình tuy không phải là ngọn đèn soi đường cho âm nhạc, nhưng nó là đèn tín hiệu báo nguy giúp chúng ta tránh những sai trái, thiếu sót, khiếm khuyết của đời sống âm nhạc. Hãy tiếp lửa để những ngọn đèn tín hiệu ấy tồn tại.

_______________

1. Trần Minh Phi, Ai đang phê bình và định giá trị âm nhạc?, báo Người Lao động, 20-5-2016.

2. Nhiều tác giả, Âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP.HCM, 1986.

3. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm, Nhạc viện chỉ có từ 1-4 cử nhân và khoảng 1-2 thạc sĩ chuyên ngành âm nhạc học tốt nghiệp. Tuy nhiên, mã ngành đào tạo tiến sĩ duy nhất ở Việt Nam là ngành âm nhạc học, với số lượng người theo học khá đông, chỉ tiêu hàng năm lên đến 10 người. Đa phần người học bậc tiến sĩ nghiên cứu các đề tài lý thuyết âm nhạc phương Tây, âm nhạc dân tộc học. Hầu như không có những đề tài nghiên cứu về mỹ học âm nhạc hay phân tích âm nhạc, xã hội học âm nhạc, giáo dục âm nhạc…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN