Thứ Sáu, Tháng Mười Một 8, 2024
Trang chủLý LuậnÂM NHẠC DÂN GIAN, TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM TRONG SÁNG TÁC CA...

ÂM NHẠC DÂN GIAN, TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC & BIỂU DIỄN CỦA NHẠC SĨ, CA SĨ TRẺ

20

Tác giả: Nguyễn Tiến Mạnh

Từ thời kỳ tân nhạc cho tới nay các thế hệ nhạc sĩ đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian và âm nhạc truyền thống Việt Nam để đưa vào sáng tác ca khúc, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền âm nhạc nước nhà. Bên cạnh đó, việc xuất hiện những ca sĩ, nhóm hát đã khai thác, thể hiện những làn điệu dân ca hoặc thể loại âm nhạc truyền thống và đưa lên sân khấu biểu diễn cũng là những sáng tạo mang tính đột phá trong đời sống âm nhạc hiện nay. Trong giới hạn của bài viết chỉ giới thiệu mang tính khái quát về những vấn đề này, trước tiên cùng thống nhất một số khái niệm cơ bản sau đây.

Ca sĩ Hà Myo. Nguồn: dantri.com.vn

  1. Một số khái niệm
  2. Ca khúc mang âm hưởng dân gian, truyền thống
  • Âm nhạc dân gian:

Âm nhạc dân gian có thể hiểu là những làn điệu dân ca, dân nhạc được hình thành và phát triển trong đời sống lao động, sinh hoạt gắn liền với những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán mang tính bản địa của các thế hệ quần chúng nhân dân. Âm nhạc dân gian được gọi theo thuật ngữ quốc tế là phônclo (Folklore) và là sản phẩm của cộng đồng trong xã hội. Nó phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và được sáng tạo, thể hiện gắn liền với quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày.

Đặc trưng của âm nhạc dân gian là không tồn tại dưới dạng văn bản và là những sáng tạo tập thể. Vì vậy, nó mang tính dị bản qua thời gian, và không có làn điệu gốc mà chỉ có làn điệu cổ trong những giai đoạn nhất định.

– Âm nhạc truyền thống:

Những thể loại âm nhạc như: Hát Tuồng, Chèo, Cải Lương, Ca Trù, Xẩm… được gọi là những thể loại âm nhạc truyền thống, mang tính chuyên nghiệp cao. Những thể loại âm nhạc này mang dấu ấn của người sáng lập, sáng tạo mà chúng ta vẫn thường gọi là ông tổ nghề của mỗi loại hình âm nhạc truyền thống.

Trên thực tế cũng có nhiều nhạc sĩ khai thác, sử dụng âm hưởng của các thể loại âm nhạc truyền thống đưa vào sáng tác ca khúc mới.

  • Ca khúc mang âm hưởng dân gian, truyền thống:

Có thể hiểu về khái niệm ca khúc mang âm hưởng dân gian, truyền thống là những ca khúc mới được các nhạc sĩ sử dụng những âm hưởng, chất liệu của những làn điệu dân ca, dân nhạc và những thể loại âm nhạc truyền thống để sáng tác. Đối với những ca khúc khai thác chất liệu dân ca trong giai đoạn từ khoảng năm 2000 cho đến nay còn được gọi là ca khúc dân gian đương đại.

  1. Thế nào là nhạc sĩ, ca sĩ trẻ

Có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm thế nào là “nhạc sĩ trẻ” hay “ca sĩ trẻ”? Có ý kiến cho rằng nhạc sĩ trẻ hay ca sĩ trẻ là trẻ về tuổi đời, có ý kiến lại cho rằng khái niệm này để chỉ về tuổi nghề của những người sáng tạo nghệ thuật, tức là trẻ về tuổi nghề. Trong bài viết này tạm thời giới hạn khái niệm về nhạc sĩ, ca sĩ trẻ là thuộc các thế hệ 7X, 8X & 9X.

  1. Sử dụng âm nhạc dân gian, truyền thống trong sáng tác ca khúc và biểu diễn của nhạc sĩ, ca sĩ trẻ
  2. Chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống trong ca khúc của các nhạc sĩ trẻ

Việc khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống để đưa vào sáng tác ca khúc mới đã được các thế hệ nhạc sĩ từ thời tân nhạc cho đến nay tiếp cận với những góc nhìn khác nhau tạo nên sự phong phú, đa sắc màu trong nền âm nhạc Việt Nam. Từ những nhạc sĩ tiền bối như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Doãn Nho, Hoàng Vân, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường… và các thế hệ tiếp nối như: Bảo Lan, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Duy Hùng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Cát Trọng Lý, Lưu Thiên Hương, Lưu Hương Giang… cho đến thế hệ trẻ hơn nữa như: Trần Trang Anh, Trần Khánh Ly…Trong đó có nhiều nhạc sĩ đồng thời là ca sĩ thể hiện bài hát của mình đã tạo nên một sắc màu mới trong đời sống âm nhạc hiện nay. Cũng có thể nói đây là bước sáng tạo tiếp theo ngay trong chất liệu âm nhạc dân gian của các thế hệ tiền nhân để lại. Có thể nhắc tới nhạc sĩ trẻ với những ca khúc tiêu biểu sau đây:

– Nhạc sĩ Lê Minh Sơn với những ca khúc như: Ôi quê tôi; Chuồn chuồn ớt, Đá trông chồng, À í a, Chạy trốn, Gió mùa về, Cặp ba lá, Người ở đừng về, Bên bờ ao nhà mình, Trạng Quỳnh, Voi không đuôi

– Nhạc sĩ Giáng Son với những ca khúc lãng mạn như: Giấc mơ trưa (thơ Nguyễn Vĩnh Tiến), Cỏ và mưa (thơ Nguyễn Trọng Tạo), Chút nắng vàng bay (thơ Nguyễn Vĩnh Tiến)

– Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: một nhạc sĩ tay ngang, không qua đào đạo âm nhạc chuyên nghiệp nhưng đã làm công chúng yêu nhạc ngạc nhiên trước những ca khúc độc đáo như: Bà tôi, Giọt sương bay lên, Ngồi trên vách nắng, Ông tôi, Sông ơi đừng chảy….

Nhạc sĩ, ca sĩ Bảo Lan

Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Bảo Lan: thành viên chủ chốt trong nhóm nhạc 5DK, đồng thời với vai trò là nhà sản xuất với những Album nhạc mang màu sắc đương đại tiếp cận xu hướng World Music và Newage mà trong đó chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Có thể kể tới Album Vol.3 “Cánh mặt trời” đã mang đến nhiều giải thưởng âm nhạc. Những ca khúc quen thuộc của Bảo Lan như: Độc huyền cầm, Mặt trời ngày mới, Trái tim âm nhạc, Đôi cánh, Chàng hát rong, Cánh mặt trời…

– Nhạc sĩ Nguyễn Thắng: hiện đang công tác tại Nhà hát Đài TNVN, là thành viên của Nhóm nhạc M6 & Nhóm nhạc “Đường Chân Trời” với  phong cách World music. Tốt nghiệp chuyên nghành biểu diễn sáo trúc Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài biểu diễn một số nhạc cụ như Sáo, Shakuhachi, nhạc sĩ Nguyễn Thắng còn có đam mê sáng tác ca khúc, phối khí và sáng tác nhạc không lời. Ca khúc nổi tiếng như “À ơi, lời ru” hay là bài hát “Màu Y Tý ” nhận được giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2016; ca khúc “Hùng vỹ trái tim Việt Nam” đạt giải Nhì Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát Lên Việt Nam – Let’s Sing VietNam” do Đài TNVN tổ chức năm 2021.

– Nhạc sĩ Trần Trang Anh (người dân tộc Tày – Cao Bằng) đã có những sáng tác đạt giải thưởng Hội NSVN, như: “Anh nhìn về nơi đâu” (phỏng thơ Minh Nghĩa), “Khắc mùa riêng cho em” (thơ Hà Vinh Tâm), “Bảo Lâm trong tôi”, “Đêm biên cương”, “Như dòng sông ấy”, “Lời mẹ”, “Rừng thiêng”, “Xuân biên cương”, “Người Mông trên núi”, “Hạt cát quê mẹ”… Những ca khúc của nhạc sĩ trẻ Trần Trang Anh mang đậm âm hưởng dân gian các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, đặc biệt là chất liệu hát Then của người Tày – Nùng.

– Nhóm sản xuất DTAP gồm 3 thành viên: Thịnh Kainz – Kata Trần – Tùng Cedrus với “Để Mị nói cho mà nghe” khai thác hình tượng văn học trong “Vợ chồng A Phủ”, ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện mang âm hưởng dân gian Tây Bắc pha trộn R&B, Rap phối nhạc điện tử.

Ngoài ra, còn có nhiều bài hát mới được khai thác hình tượng nhân vật trong những tác phẩm văn học của các nhạc sĩ, tác giả trẻ như: “Bống bống bang bang” – Only C; “Chí Phèo” – Bùi Công Nam; “Vợ nhặt” – TAN; “Lão Hạc”; “Tắt đèn”; “Số đỏ“… đã chạm được đến cảm xúc của công chúng yêu nhạc.

  1. Ca sĩ, nhóm nhạc thăng hoa cùng âm nhạc dân gian, truyền thống

Sự xuất hiện những ca sĩ, nhóm hát khai thác, thể hiện những làn điệu dân ca hoặc thể loại âm nhạc truyền thống và làm mới bằng hòa âm, kết hợp nhạc Ráp, nhạc điện tử, phong cách thể hiện trẻ trung, sôi nổi và vũ đạo để đưa lên sân khấu, tạo nên không gian mới mẻ trong đời sống âm nhạc. Xu hướng khai thác các nhân vật dân gian Việt Nam đưa vào trong ca khúc mới bằng ngôn ngữ âm nhạc đương đại là điểm nhấn trong đời sống âm nhạc hiện nay. Bên cạnh những sáng tác tự thân của các nhạc sĩ thì chính các ca sĩ trẻ đã có những ý tưởng táo bạo chủ động đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác về đề tài này.

Ca sĩ Quách Mai Thy 

Ca sĩ Quách Mai Thy: Quách Mai Thy hiện đang là diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, đã từng đạt Giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai 2019 phong cách dân gian. Thời gian qua đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động âm nhạc, đặc biệt là dự án “Thy – Nương” của ca sĩ Quách Mai Thy với 3 sản phẩm gồm: MV Mục hạ vô nhân (Xẩm chợ); single Chờ chàng lấy cảm hứng từ trích đoạn Xuý Vân giả dại trong vở chèo cổ Kim Nham và single Ngọc Hoa tự khúc lấy cảm hứng từ nhân vật Mỵ Nương trong Sơn Tinh – Thuỷ Tinh của nhạc sĩ trẻ Trần Khánh Ly.

Ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà Myo): Nguyễn Thị Ngọc Hà hiện đang là diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Hà Myo đã tham gia Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2020 và đạt 2 giải thưởng: giải Nhì và giải Bài hát về Hà Nội hay nhất với bài “Xẩm Hà Nội”. Đây là bước đệm để Hà Myo đến với thể loại hát Xẩm cùng âm nhạc điện tử kết hợp với Ráp và vũ đạo. Hà Myo vinh dự nhận danh hiệu “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021″.

Những bài xẩm Hà Myo thể hiện đã được khai thác tối đa làn điệu xẩm cổ tạo nên âm hưởng mới, kết hợp với vũ đạo trên sân khấu, trang phục độc lạ trẻ trung, phong cách biểu diễn linh hoạt. Các MV tiêu biểu như: “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân chúc phúc”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm xuân chúc phúc”, Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm Thập Âm – Công cha nghĩa mẹ sinh thành…

Một sắc thái khác cũng khá độc đáo được Hà Myo được thể hiện trong “Đập Nàng Khọt” – Dân Ca Mường, lời việt NS Huy Tâm, âm nhạc Thế Phương VBK, lời Rap Hoàng Thương, Rap Mường Khắc Nội. Trình tấu Sáo Ôi: NSƯT Xuân Chung, Cồng chiêng Mường. Với sản phẩm này, vũ đoàn đã tái hiện lại điệu dân vũ gắn liền với bài dân ca “Đập nàng Khọt”, kết hợp với âm nhạc điện tử và âm hưởng dân gian.

Nhóm Xẩm Hà Thành: Nhóm Xẩm Hà Thành thành lập năm 2009 do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu) và nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long thành lập. Bằng những nỗ lực và tâm huyết, nhóm Xẩm Hà thành đã tạo nên hơi thở mới cho những làn điệu xẩm cổ bằng những tiết tấu thời đại. Nhiều bài xẩm đã được phục dựng lại như: Xẩm Anh Khóa, Xẩm Cái trống cơm, Xẩm phồn huê, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân… Trong đó đặc biệt dòng xẩm Hà Nội còn được gọi là Xẩm Tàu điện đã được hồi sinh và nhận được sự yêu mến của các công chúng hiện nay như: Lỡ bước sang ngang, Một quan là sáu trăm đồng, Cô hàng nước, Giăng sáng vườn chè, Nhất vui có chợ Đồng Xuân… Bằng những sáng tạo mới, Xẩm Hà thành đã hướng tới khán giả trẻ như: “Xẩm Trà đá”, “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” hay “Xẩm Tứ vị Hà thành”…

  1. 3. Những ảnh hưởng trong việc sử dụng âm nhạc dân gian, truyền thống vào sáng tác & biểu diễn
  2. Mặt tích cực:

Qua một những thông tin trên, chúng ta thấy việc các nhạc sĩ trẻ đã vận dụng âm nhạc dân gian và âm nhạc truyền thống vào sáng tác ca khúc cũng là một xu hướng tất yếu trong lịch sử phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Trên thực tế đây là hướng tiếp cận đã được hình thành từ trước đây của các thế hệ nhạc sĩ đi trước và đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến giai đoạn khoảng năm 2000 cho tới nay, cũng với cách tiếp cận đó, nhưng các nhạc sĩ trẻ đã có thêm những sáng tạo mới cùng với việc thừa hưởng sự phát triển của công nghệ, hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng, sự cách tân bày trí trên sân khấu biểu diễn, sự sáng tạo của ca sĩ thể hiện, trang phục ấn tượng, phong cách biểu diễn linh hoạt và đặc biệt là kết hợp vũ đạo đã tạo nên một hơi thở mới, một làn gió mới và là một món ăn tinh thần mới mà đông đảo công chúng đang đón chờ. Với những yếu tố đó, những ca khúc mang âm hưởng dân gian được khoác lên mình một tấm áo choàng nhiều sắc màu, tạo nên diện mạo mới với ngôn ngữ hòa âm, tiết tấu của thời đại và được gọi theo một cái tên khác là “Ca khúc dân gian đương đại”. Điều này càng góp phần đẩy mạnh sáng tạo trong giới nhạc sĩ trẻ và trở thành một trào lưu phát triển mạnh mẽ như những cú shock về mặt tâm lý đối với người nghe bởi nội dung ca từ vừa táo bạo, vừa gần gũi. Những ca khúc thuộc thể loại này đã góp phần trong việc phát huy một cách sáng tạo, lưu giữ âm hưởng âm nhạc dân tộc và tạo nhịp cầu thân thiện với giới trẻ trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, nó cũng góp phần làm cân bằng thị trường âm nhạc đang hỗn loạn với nhiều khuynh hướng phát triển khác nhau trước sự ồ ạt của những dòng văn hóa âm nhạc ngoại lai với các thể loại: Pop, Rock, Hip hop, R&B, Jazz, nhạc Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Riêng đối với các ca sĩ cũng đã có những bước nâng cấp đáng kể về mặt biểu diễn trên nhiều phương diện và tạo nên dấu ấn riêng. Thậm chí, có những giương mặt ca sĩ được nhắc tới và gắn liền với nhạc sĩ sáng tác trở thành cặp đôi hoàn hảo trong âm nhạc với những ca khúc dân gian đương đại, một ví dụ điển hình: ca sĩ Ngọc Khuê và nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Sự sáng tạo mang tính đột phá và đầy chủ động của các ca sĩ trên sân khấu biểu diễn đã tạo nên tính tương tác mạnh mẽ với công chúng yêu nhạc. Đặc biệt hơn, đã có nhiều ca sĩ, nhóm nhạc chủ động đặt hàng nhạc sĩ, hoặc tự sáng tác, hoặc khai thác, sử dụng âm nhạc dân gian và âm nhạc truyền thống để đưa lên sân khấu. Trong đó, rất đặc biệt là có những thể loại âm nhạc truyền thống xưa kia đang có nguy cơ bị mai một thì bỗng nhiên được hồi sinh một cách kỳ diệu, tạo nên hơi thở mới và ngay lập tức được đông đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt một cách đầy bất ngờ. Một ví dụ điển hình, có thể nhắc ngay đến việc đưa thể loại hát Xẩm lên sân khấu kết hợp với Rap, nhạc điện tử, những màn vũ đạo cùng trang phục đầy ấn tượng, phong cách biểu diễn sinh động, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng… đã mang lại nhiều cảm xúc chân thật cho người thưởng thức.

Nhóm Xẩm Hà Thành

  • Mặt hạn chế:

Việc khai thác, sử dụng âm nhạc dân gian, truyền thống vào sáng tác của các nhạc sĩ tạm thời được tiếp cận với 3 cách thức cơ bản như sau:

+ Sử dụng nguyên bản một làn điệu dân ca, dân nhạc và đặt lời mới: Trường hợp này là đặt lời mới cho 1 làn điệu dân ca. Bản quyền âm nhạc hoàn toàn thuộc về “dân gian” tức là các thế hệ các cụ. Do đó, không thể đặt tên tác giả cho sản phẩm âm nhạc này, mà chỉ có thể ghi tác giả lời mới. Mặt khác, hiện nay phần lớn việc đặt lời mới cho dân ca là để phục vụ mục đích tuyên truyền hay quảng bá một sự kiện, một thông điệp nào đó. Vì vậy, tính chất, hình tượng văn học trong ca từ của những làn điệu dân ca cổ xưa đã bị thay đổi nội dung, bị phá vỡ và không có một chút liên quan nào với hình tượng lãng mạn, tinh tế, đẹp đẽ, gần gũi và mộc mạc với người dân nữa. Phần lớn những lời mới được ép vào trong những làn điệu dân ca hiện nay mang tính áp đặt, sống sượng, thiếu tính văn học. Điều này đã đi tới sự lạm dụng quá giới hạn cho nên cũng cần có sự cân nhắc một cách thận trọng đối với những sản phẩm này.

+ Sử dụng 1 đoạn dân ca, dân nhạc cổ, sau đó biến tấu đi và phát triển thêm: Nhiều bài được ghi tên tác giả phát triển dân ca, ví dụ tác giả Nguyễn Văn A phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh. Vậy có nghĩa là các làn điệu dân ca của các thế hệ các cụ vẫn chưa hoàn chỉnh hay sao mà để cho hậu bối phải phát triển hoàn thiện nó? Còn về vấn đề bản quyền chỉ có thể ghi nhận một phần đóng góp của nhạc sĩ. Do vậy chỉ nên ghi chú là tác giả Nguyễn Văn A khai thác, sử dụng chất liệu, chủ đề làn điệu dân ca nào đó thì có vẻ hợp lý hơn.

+ Sử dụng âm hưởng, chất liệu dân ca, truyền thống mang tính thoảng qua, đôi khi người nghe phải rất tinh tế mới nhận ra màu sắc dân ca của vùng miền nào đó. Có lẽ đây mới là sự sáng tạo thực sự của nhạc sĩ sáng tác.

Mặt khác, cái tên gọi là “ca khúc dân gian đương đại” mặc dù đã tạo nên một xu hướng mới trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ, nhưng đôi lúc đã phát triển một cách ồn ào và lạm dụng. Riêng cái tên của thể loại âm nhạc này cũng đã gây nhiều tranh cãi vì có ý kiến cho rằng: “dân gian” là sản phẩm của tập thể được chắt lọc qua nhiều thời kỳ và mang tính dị bản, vậy thì sao lại được gọi là “đương đại” và lại có tên tác giả cụ thể?

Về mặt biểu diễn, thực tế cho thấy đã xuất hiện những ca sĩ trên sân khấu mang trang phục và động tác vũ đạo tương phản, không liên quan đến nội dung bài hát. Thậm chí xuất hiện những trang phục kỳ dị, tập trung phần lớn cho phần nhảy múa khiến nhiều người gọi là “ca sĩ đang tập thể dục trên sân khấu” hay là có những động tác kỳ quặc, phản cảm trên sân khấu…Điều này đã gây không ít những phản ứng trong công chúng và tốn nhiều giấy mực của giới báo chí.

Tóm lại:  Đời sống âm nhạc muôn màu, trong sự phát triển sẽ có tốt và có cả xấu. Điều quan trọng là những mặt tích cực cần được khích lệ để phát triển và mặt hạn chế cần được đào thải. Sự sáng tạo của nhạc sĩ và ca sĩ trong hoạt động âm nhạc sẽ là những nốt nhạc đóng góp cho sự tồn tại, phát triển và đi lên cao trào của bản giao hưởng nhiều chương, đẩy mạnh nền âm nhạc phát triển đi lên. Trong đó, những ca khúc mang âm hưởng dân gian, truyền thống cũng chính là nơi lưu giữ vẻ đẹp tâm hồn Việt, góp phần gìn gữ, phát huy vốn âm nhạc dân tộc của Việt Nam.

Hà Nội 18/11/2022

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN