Thứ Năm, Tháng Mười Một 14, 2024
Trang chủLý LuậnÂm nhạc thiếu nhi trong thời kỳ mới

Âm nhạc thiếu nhi trong thời kỳ mới

18

Theo dòng chảy thời gian, hoạt động âm nhạc nhìn chung ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, rực rỡ trong xu thế hội nhập. Song, lĩnh vực sáng tác và biểu diễn dành cho thiếu nhi lại khá mờ nhạt trong đời sống nghệ thuật. Đã có một số ý kiến về thị trường âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay rất cần một sự đổi mới về sáng tác và biểu diễn. Trong đó các tác phẩm có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ là hết sức quan trọng.

1. Thực trạng âm nhạc thiếu nhi ở nước ta hiện nay

Bên cạnh những nhạc sĩ tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi vẫn còn nhiều nhạc sĩ không “tha thiết” viết nhạc trong lĩnh vực này này vì dàn dựng quá tốn kém, lợi nhuận quá thấp so với sáng tác các thể loại âm nhạc khác. Tại Việt Nam nhạc thiếu nhi cũng khó thể thu hút trên mạng xã hội hoặc biểu diễn thì cũng thi thoảng…Ngay cả giải thưởng cho nhạc thiếu nhi cũng hiếm hoi. Hiện nay chỉ có TP Đà Nẵng trao giải 5 năm và Hội Nhạc sĩ Việt Nam là trao giải định kỳ hàng năm, còn thi thoảng mới có ở một vài tổ chức. Chính vì không nhiều thuận lợi nên các nhạc sĩ ngại viết ca khúc cho thiếu nhi. Trong khi đó, nhu cầu thích nghe nhạc các nước khác của tuổi hoa niên bây giờ là có thật. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng phát biểu: “Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn!”

Còn mấy ai mặn mà?

Không mấy nhạc sĩ còn mặn mà với với việc sáng tác, số lượng đếm không hết đầu ngón tay. Thị trường bây giờ tập trung cho nhạc người lớn với ballad, rap, rock…, ít nghệ sĩ chọn hướng sáng tác này.

Hiện tượng đáng lưu tâm là có nhiều phụ huynh phó mặc con với cái điện thoại. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách nghe nhạc, thể loại nhạc của ba mẹ. Nhiều bài hát mới viết ra rồi lại chìm nghỉm, mà không được phổ biến.

Nhiều năm trươc đây, ca khúc dành cho tuổi thơ khá hiếm hoi trong các chương trình trên sóng VTV như: “Đồ rê mí”, “Giọng hát Việt nhí”, “The Voice kids”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí“, “Thần tượng âm nhạc nhí – Vietnam Idol kids”, “Giọng hát Việt nhí”, “Hóa thân thần tượng”... Tại Việt Nam, các game show hiện nay cũng cần được chú trọng về nội dung và định hướng đúng đắn. Chính vì thế, Trung Quốc đã ban lệnh cấm các chương hình thực tế có trẻ em từ năm 2016, đặc biệt là con, cháu của người nổi tiếng, đồng thời siết chặt quản lý các chương trình phát sóng ở Trung Quốc.

Khán giả khi xem các chương trình này, đã bức xúc nêu câu hỏi: “Tại sao Hội Nhạc sĩ Việt Nam không lên tiếng”. Thật đáng tiếc! Hội không thể can thiệp vào nội dung các chương trình vì không được mời thẩm định, cho nên hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Trước thực trạng này, các tổ chức chuyên ngành đã vào cuộc.

Từ những sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi thời gian qua

Có những nhạc sĩ tiền bối như nhạc sĩ Phạm Tuyên, Phạm Trọng Cầu, Trần Viết Bính, Hoàng Long, Trương Quang Lục… với những ca khúc hay đọng sâu trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Gần đây có những nhạc sĩ lớp trung niên và trẻ tuổi, như: Hà Hải, Trần Hoàng Tiến, Hồng Vân, Lê Dũng, Nguyễn Thị Minh Châu (Hà Nội), Nguyễn Văn Chung, Sa Huỳnh (TP Hồ Chí Minh), Thế Long (Cần Thơ), Trương Duy Huyến, Quang Trung, Trịnh Tuấn Khanh, Huy Hùng, Nguyễn Nhẫn (Đà Nẵng)… Họ đều mong muốn làm một điều gì cho âm nhạc thiếu nhi để đời sống âm nhạc cho các em được phong phú, đa dạng.

Đến những hoạt động sáng tác âm nhạc thiếu nhi những năm gần đây…

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Đã có không ít cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, tuổi học trò. Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam hằng năm luôn có hạng mục ca khúc thiếu nhi. Đáng mừng là ngôn ngữ âm nhạc ngày càng đa dạng, nhất là ở những tác giả trẻ, tuổi đời chưa quá xa với thiếu nhi. Tôi biết rất nhiều nhạc sĩ từng sáng tác nhạc cho con, cháu. Những món quà nhỏ đầy yêu thương ấy đang góp dần thành gia tài chung cho mảng ca khúc thiếu nhi…”

Trong nhiều năm qua, top 3 ca khúc được lựa chọn biểu diễn nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6 và trong các dịp liên hoan văn nghệ tuổi thơ có thể kể ra là: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sĩ Phong Nhã, Em là bông hồng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai do nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc từ lời thơ của Phùng Ngọc Hùng. Mọi người luôn mong đợi sẽ xuất hiện những ca khúc mới song vẫn chưa có bài hát mới thay thế các bài hát đã quá quen thuộc này. Đây là sự dừng lại đáng buồn cho dòng âm nhạc thiếu nhi.

Trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi, đồng thời nhằm định hướng cho các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi trong cả nước trước xu thế giao lưu âm nhạc quốc tế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Âm nhạc thiếu nhi: bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ” tại Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (2021), Hội đồng Đội Trung ương phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi. Có trên 500 bài hát của gần 400 tác giả tham dự. Điều đó chứng tỏ số người viết không ít, bài hát không thiếu mà cái thiếu hiện nay là thiếu nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng các bài hát thiếu nhi. Cũng trong dịp này Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp cùng Nhà Xuất bản Thanh Niên cho ra mắt Tuyển tập “80 ca khúc thiếu nhi” có hàng chúc nhạc sĩ trong cả nước góp mặt.

Gần đây, liên tiếp những hoạt động âm nhạc thiếu nhi được mở ra với hình thức, quy mô mới, tạo không khí sôi nổi trong mảng nghệ thuật quan trọng này. Đây là tín hiệu đáng mừng, thổi “làn gió mới” cho đời sống tinh thần của thế hệ tương lai nước nhà, dần khắc phục tình trạng thừa ca khúc yếu, thiếu ca khúc hay trong âm nhạc thiếu nhi lâu nay

Trại sáng tác ca khúc thiếu nhi được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức năm 2021 là cuộc hội tụ lớn gồm các nhạc sĩ trên khắp cả nước, có 77 tác phẩm, đều là những sáng tác tâm huyết, phù hợp với thị hiếu trẻ em hiện nay, tạo nên nguồn tác phẩm thiếu nhi đương đại dồi dào.

Tại các địa phương cũng có các cuộc vận động sáng tác quan tâm tới đề tại thiếu nhi. Riêng Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có phong trào âm nhạc thiếu nhi phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, Hằng năm Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng cũng tổ chức các hội thảo sáng tác VNHT cho thiếu nhi, cuối năm 2021 Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã phối hợp với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức trại sáng tác ca khúc cho thanh – thiếu nhi Đà Nẵng. Sau đó Tuyển tập 50 ca khúc Em lớn lên cùng thành phố anh hùng đã được phát hành rộng rãi khắp cả nước.

Về hoạt động biểu diễn âm nhạc thiếu nhi

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, Các show diễn âm nhạc quy tụ thiếu nhi cả nước đang có xu hướng phát triển phong phú, đa dạng về nội dung, rực rỡ sắc màu về hình thức, đầy ấn tượng. Tuy nhiên, rất cần có các bài hát thiếu nhi hay trong các chương trình như:

Đêm “Gala Giai điệu Sơn ca 2022” , được VOV tổ chức sau 5 kỳ Liên hoan “Giai điệu Sơn Ca” đã diễn ra tại Hà Nội với nhiều tiết mục công phu, chuyên nghiệp, mang đến bữa tiệc nghệ thuật đầy sắc màu hấp dẫn dành cho các em thiếu nhi cả nước; Đáng khích lệ là 3 năm gần đây, VTV đã đổi mới nội dung và hình thức các chương trình nghệ thuật thiếu nhi. Trong số đó,  chương trình LÀ LA LÁ mang đến cho trẻ em cơ hội vui chơi cùng âm nhạc, học cách cảm thụ được âm nhạc và một số kiến thức cơ bản về âm nhạc. Chương trình Ú òa VTV7 cũng tạo được nét hấp dẫn đến từ âm nhạc cho thiếu nhi; Hội đồng Đội Trung ương cũng quan tâm tổ chức Festival Nhà Thiếu nhi toàn quốc thường kỳ…

Cùng với cả nước, hoạt động biểu diễn âm nhạc thiếu nhi tại Đà Nẵng cũng khá khởi sắc khi Hội Âm nhạc Đà Nẵng và Sở Văn hóa-Thể thao thường kỳ phối hợp với Cung Thiếu nhi tổ chức hàng năm các chương trình hòa nhạc “Giai điệu mùa Xuân”; Hội thi “Tỏa sáng tài năng nhí” …

Nhiều Chương trình nghệ thuật đoạt giải cao do các hội viên tham gia dàn dựng như: Liên hoan “Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ” tại Hà Nội, “Tiếng Kèn Đội ta” tại Vũng Tàu, Liên hoan “Búp Sen Hồng” tại Huế. Tại các Liên hoan này Đoàn Cung thiếu nhi Đà Nẵng luôn đạt giải cao, trong đó các tiết mục giới thiệu ca khúc về Đà Nẵng được các em thiếu nhi yêu thích. Đặc biệt, mới đây trong Giải thưởng VHNT 5 năm của TP Đà Nẵng, sáng tác đề tài thiếu nhi cũng được chú trọng trao giải nhiều hơn các lần trước. Các hoạt động âm nhạc này góp phần làm sôi động thêm phong trào âm nhạc thiếu nhi cả nước, tạo sân chơi nghệ thuật lành mạnh góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Bên cạnh đó, một số hoạt động âm nhạc quốc tế quy mô điển hình tại Việt Nam cũng thật hấp dẫn lứa tuổi thần tiên như:

Festival Âm nhạc Quốc tế – Rising Star 2019 Liên hoan Âm nhạc thiếu nhi quốc tế được tổ chức tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam,có 8 đoàn thiếu nhi gồm 120 trẻ em tham gia là: Hàn Quốc, Indonesia, Liên bang Nga, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc và Việt Nam. Với chủ đề

Chỉ trong phạm vi các quốc gia Châu Á như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…các em nhỏ đều biểu diễn âm nhạc trong dịp Tết thiếu nhi của đất nước mình.

Ngoài ra, tại nhiều quốc gia, hoạt động biểu diễn của các nhóm nhạc trẻ cũng khá sôi nổi, khởi sắc, đơn cử như nhóm nhạc nữ Kpop Hàn Quốc có phong cách ngọt ngào, trong sáng hồn nhiên của trẻ thơ luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Hàn Quốc. Cho đến nay các nhóm nhạc mang phong cách ‘thiếu nhi’ chưa bao giờ lỗi thời ở Hàn Quốc. Wonder Girls trở thành “nhóm nhạc quốc dân” khi tạo cơn sốt cover khắp đất nước Hàn Quốc; Danh hiệu video được xem nhiều nhất thế giới tại YouTube mấy năm nay chưa ai qua nổi là video Baby shark (Cá mập con). Video dài hơn hai phút do kênh Pinkfong (Hàn Quốc) sản xuất vừa đạt con số 10 tỷ lượt xem. Trong Top 10 các video có lượt xem cao nhất YouTube có tới 6 sản phẩm dành cho thiếu nhi từ độ tuổi mẫu giáo, do được đầu tư dàn dựng công phu, hấp dẫn.

Nhật Bản cũng rất quan tâm tới việc phát triển âm nhạc thiếu nhi. Với người hâm mộ âm nhạc AKB48 là một cái tên “nổi đình nổi đám” tại Nhật Bản. Mô hình hoạt động của AKB48 đã lan tỏa khắp châu Á với những nhóm nhạc chị em như JKT48 (Indonesia), BNK48,CGM48 (Thái Lan), MNL48 (Philippines), MUB48 (Ấn Độ)…Và hiện nay, Việt Nam đã có thêm một nhóm nhạc mới lạ, theo phong cách này, đã gây sự chú ý với tên gọi SG04

Đối với Trung Quốc, mặc dù khích lệ hoạt động âm nhạc thiếu nhi, song họ đặc biệt quan tâm những hoạt động mang tính văn hóa nghệ thuật lành mạnh có giá trị cao, hoàn toàn không cổ súy cho mục đích thương mại. Năm 2013, Đài truyền hình cáp Quảng Tây (Trung Quốc) mời nhóm nhạc thiếu nhi HKTM Việt Nam gồm 5 cậu bé tham gia ghi hình chương trình xuân Quý Tỵ, nhóm nhạc thiếu nhi này tạo được ấn tượng mới lạ, không vì mục đích kinh doanh nên được sự quan tâm của giới truyền thông Trung Quốc. Ngược lại đáng chú ý, vào tháng 8/ 2021 nhóm nhạc thiếu nhi Trung Quốc Panda Boys bị giải tán sau 4 ngày ra mắt, do nhóm đã gây sốc dư luận khi cả nhóm có tuổi trung bình chỉ là 8. Truyền thông Trung Quốc lên án hành vi để trẻ vị thành niên tham gia vào lĩnh vực thương mại nghệ thuật.

2. Giải pháp

Từ thực trạng trên. Chúng ta thấy rằng cần phải đưa ra giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sáng tác và biểu diễn cho thiếu nhi đạt hiệu quả thiết thực.

Những tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi cần phải được quan tâm trong sáng tác và biểu diễn cả về nội dung lẫn hình thức, nhằm thu hút và có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn – nhân cách trẻ thơ.

Phải chăng để viết được ca khúc hay cho thiếu nhi, ngoài sự yêu mến trẻ thơ, nhạc sĩ còn phải am hiểu sâu sắc tâm lý của trẻ, dù ở đất nước nào, giàu có hay nghèo nàn, tiên tiến hay chậm tiến thì tâm hồn các em vẫn rất trong sáng, thơ ngây. Việc định hướng cho tuổi thơ luôn là nhiệm vụ tối cần để tạo dựng một xã hội tương lai có sự đóng góp của mầm non ngày nay. Trước khi sáng tác, hãy đặt mình trong lứa tuổi các em nhỏ, thì tự nhiên giai điệu và ca từ sẽ vang lên hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Các nhạc sĩ sáng tác không nên đưa cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu thiếu truyền cảm, ca từ không sâu sắc.

Chính vì vậy, để âm nhạc thiếu nhi phát triển tốt, cần có định hướng đúng đắn từ việc hoạch định chính sách, đến việc sáng tác, phổ biến, biểu diễn và truyền thông…Một số nhạc sỹ hiến kế, Nhà nước, ngành văn hóa, các hội âm nhạc, các địa phương… nên xây dựng một quỹ giải thưởng thường niên cho ca khúc thiếu nhi để khen tặng những sáng tác hay chất lượng cao, có sức sống trong lòng công chúng; tổ chức đều đặn các trại sáng tác, cuộc vận động, các cuộc thi viết bài hát cho thiếu nhi hằng năm.

Các bài hát được phối khí, làm mới và thể hiện sinh động, phổ biến trên nhiều phương tiện, nền tảng công nghệ hiện đại để công chúng dễ tiếp nhận. Ca khúc cho tuổi thơ không chỉ viết nhịp hành khúc mà  cần đa dạng hơn, kể cả nhạc dance với tiết tấu sôi động hơn, đôi lúc lại có cả R&B.

Việt Nam hiện có hàng chục kênh truyền hình Trung ương và trên 60 Đài truyền hình địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt nào dành cho âm nhạc thiếu nhi. Để âm nhạc cho thiếu nhi có “đất sống”, việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt dành riêng cho thiếu nhi là rất cần thiết.

Liên quan đến đề tài này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch LH các Hội VHNT Việt Nam cho biết: “Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, sắp tới Hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi…”.

Chúng ta cần có chương trình giáo dục âm nhạc vừa dạy hát, vừa chú trọng đến vai trò cảm thụ âm nhạc. Bên cạnh đó, cần theo dõi phong trào ca nhạc tự phát của tuổi mới lớn, kịp thời ngăn chặn các ca khúc ảnh hưởng tâm sinh lý trẻ thơ. Cần huy động từ nguồn tài trợ xã hội hóa để các tác phẩm được phổ biến ra thị trường do các nhạc sĩ không đủ khả năng kinh tế để hòa âm, phối khí rồi thu âm và quảng bá bài hát đến công chúng. Còn nhà quản lý văn hóa phải có chiến lược động viên các nhạc sĩ sáng tạo. Nếu không có sự chung tay đồng bộ thì thực trạng thiếu ca khúc thiếu nhi hiện nay sẽ khó khắc phục.

Điển hình nên học tập những hoạt động đem lại thành công cho lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi như: Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã đứng ra tập hợp các bài hát dành riêng cho thiếu nhi, giúp các em có những lựa chọn phù hợp hơn với lứa tuổi của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã hoàn thành dự án “300 bài hát cho thiếu nhi” và kịp ra mắt cuốn sách cùng tên vào năm 2021. Điều đáng mừng là hiện nay ấn phẩm này đã bán hết và sắp được tái bản… Như vậy có nghĩa là nếu tác phẩm âm nhạc thiếu nhi có chất lượng cao, có cách thể hiện và tiếp cận mới lạ thì chắc chắn sẽ đem lại thành quả hơn mong đợi.

Mong muốn sẽ có nhiều bài hát hay phù hợp với các em hơn để các em không phải hát những bài hát thiếu nhi quá cũ, hoặc những bài hát dành cho người lớn. Tuy nhiên, để phổ biến và đưa ca khúc thiếu nhi vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật rất cần sự chung tay, kết hợp từ nhiều phía. Có như vậy mới mong những sáng tác cho thiếu nhi được trả lại vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc và mang đậm ý nghĩa bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ, chúng ta sẽ được thấy các em hát và trình diễn những bài hát đúng với lứa tuổi của mình./.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN