Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủLý LuậnVai trò của múa cổ điển châu Âu trong khiêu vũ thể...

Vai trò của múa cổ điển châu Âu trong khiêu vũ thể thao

23
Tác giả: CAO THỊ VÂN DIỄM
Vị trí tay thế ba của múa cổ điển châu Âu được sử dụng như trong khiêu vũ thể thao – Nguồn: internet

Nghệ thuật múa cổ điển châu Âu ra đời từ rất sớm, phát triển theo dòng múa cung đình Ý vào khoảng cuối TK XV, sau đó nhanh chóng lan tỏa trên khắp châu Âu và hình thành nên một số trường phái tiêu biểu ở Pháp, Đan Mạch, Nga. Tại Pháp, múa cổ điển châu Âu đã được hệ thống hóa, các động tác được phân theo nhóm và được đặt tên theo thuật ngữ bằng tiếng Pháp. Ví dụ như: nhóm ngồi (plié), duỗi dài chân (battement tendu, battement tendu jeté), quay tại chỗ (pirouette, tour fouetté), quay di dộng (tours chaines,tour piqué), vị trí cơ thể (attitude, arabesque)… Với vẻ đẹp và sự hấp dẫn, múa cổ điển châu Âu tiếp tục lan rộng sang các nước thuộc châu Mỹ, châu Úc và châu Á.

Múa cổ điển châu Âu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1950, do vợ các sĩ quan Pháp theo chồng sang làm việc ở Việt Nam và đi dạy cho con em những gia đình thượng lưu để kết giao mối quan hệ ở Hà Nội. Trong đó có bà Thẩm Đôn Thư – một người đã theo học múa cổ điển châu Âu ở Pháp về nước, mở lớp dạy múa cổ điển châu Âu tại Hà Nội. Bà được các nhà nghiên cứu nghệ thuật múa ghi nhận là một trong những người đầu tiên dạy múa cổ điển châu Âu tại Việt Nam.

 Đến năm 1957, Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa đã tổ chức lớp bổ túc Văn công toàn quốc do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) – Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa chỉ đạo và chủ trì là nhạc sĩ Phạm Sửu, NSƯT Hoàng Châu (1925-2001) (sau này là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Múa Việt Nam). Việc giảng dạy múa cổ điển châu Âu do bà Thẩm Đôn Thư phụ trách, chủ yếu là phần trong gióng và một số động tác phần ngoài gióng, như arabesque, quay, nhảy, thậm chí còn có một số động tác cơ bản của bộ môn Múa Duo. Người học là nghệ sĩ của các đoàn: Đoàn Tổng cục (NSƯT Hoàng Hà (1932), NSƯT Bích Diệp, NS Bạch Yến), Ban Nghiên cứu Vụ Nghệ thuật (ông Kỳ Thanh, GS, TS Lâm Tô Lộc (1929-2009), NSƯT Hoàng Châu, NSƯT Lệ Cung (1935). Đoàn ca múa Trung ương, một số nghệ sĩ từ Hải Dương, Yên Bái… Học sinh khoảng 30 người từ 7 đoàn và được học trong vòng 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1957, tại trại Mai Hồ (nhà của một tư sản), thuộc Bạch Mai, Hà Nội. Đây là lớp học múa cổ điển châu Âu đầu tiên ở Việt Nam.

Khoảng 6 tháng sau, Bộ Văn hóa đã thành lập lớp diễn viên múa chuyên nghiệp đầu tiên trên toàn quốc, do chuyên gia người Triều Tiên – bà Chu Huệ Đức giảng dạy trong vòng một năm, sau đó bà tiếp tục giúp đỡ, giảng dạy thêm hai năm và về nước vào năm 1961. Lớp diễn viên múa chuyên nghiệp đầu tiên này đã tạo ra một sự ảnh hưởng lớn về múa cổ điển châu Âu. Ngoài ra, múa cổ điển châu Âu còn chịu tác động bởi một số đoàn múa đến lưu diễn tại Việt Nam, đó là đoàn Ukraina, đoàn Trung Quốc, đoàn Triều Tiên. Tất cả các đoàn đều để lại ấn tượng lớn bởi ứng dụng những kỹ thuật, kỹ xảo của múa cổ điển châu Âu. Bên cạnh đó, múa cổ điển châu Âu du nhập vào nước ta qua con đường phim ảnh với các bộ phim về vở ballet kinh điển như: Hồ Thiên ngaĐài phun nước Bactrixarai.

Năm 1959, Trường Múa Việt Nam ra đời (nay là Học viện Múa Việt Nam). Ngay từ đầu, bộ môn Múa cổ điển châu Âu đã trở thành bộ môn chính thức được giảng dạy tại trường, đối với cả hệ đào tạo dài hạn (7 năm) và ngắn hạn (4 năm). Giáo trình giảng dạy được thực hiện một cách chính quy theo giáo trình ballet Nga, do các nghệ sĩ được học ở Trung Quốc mang về áp dụng. Ngoài các giáo viên người Việt như: NSND Đoàn Long (1933), NSND Thái Lý (1930-1992), thày Bùi Đức Trực (1934-1967), cô Sa Kim Đóa (1936), cô Đinh Thị Yến (1935), còn có các chuyên gia Liên Xô giảng dạy bộ môn múa này, đó là giáo viên Ya.E.Brunak (1913-1998) và H.F.Mustaev (1918-2015)… Điều này chứng tỏ ngay từ giai đoạn đầu, Đảng và Nhà nước ta đã chú ý và đánh giá cao việc tìm hiểu, nắm bắt những bộ môn nghệ thuật mang tính bác học, hàn lâm như múa cổ điển châu Âu.

Thuật ngữ múa cổ điển châu Âu được dùng tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Vì múa cổ điển xuất phát từ châu Âu, nên gọi là múa cổ điển châu Âu. Cách gọi đó cũng để phân biệt múa cổ điển châu Âu với một số nghệ thuật múa cổ điển khác như múa cổ điển Ấn Độ, múa cổ điển Campuchia…

Múa cổ điển châu Âu là một bộ môn nghệ thuật có hệ thống khoa học, mang tính logic, tính hàn lâm và tính thẩm mỹ cao. Luyện tập múa cổ điển châu Âu xây dựng nền tảng cơ bản vững chắc cho diễn viên, vũ công để họ có thể thích ứng nhanh hơn với các loại hình nghệ thuật khác cũng sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Vì vậy, nghệ thuật múa cổ điển châu Âu đóng vai trò quan trọng làm nền tảng cho nhiều thể loại nghệ thuật múa khác, bao gồm múa đương đại, múa dân gian, nhảy hiện đại, trượt băng nghệ thuật, thể dục dụng cụ và thậm chí là khiêu vũ thể thao.

Khiêu vũ thể thao ra đời ở nước Anh từ cuối TK XVIII – đầu TK XIX. Ban đầu, đây là môn giải trí trong các vũ hội của giới thượng lưu. Cuối TK XIX – đầu TK XX, khiêu vũ mới dần được phổ biến trong tầng lớp bình dân. Năm 1924, Hiệp hội Vũ sư Khiêu vũ của Anh mới lập ra Chi hội Khiêu vũ với nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn (standard) về âm nhạc và kỹ thuật cho các bước nhảy, về kỹ thuật biểu diễn cho dancesport. Dần dần, những điệu nhảy này được biết đến khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Năm 1957, Lễ hội Thanh niên và Sinh viên quốc tế đã diễn ra, tại lễ hội này, lần đầu tiên cuộc thi khiêu vũ cổ điển theo tiêu chuẩn Anh được tổ chức.

Khiêu vũ thể thao hay còn gọi là dancesport, là bộ môn khiêu vũ vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính thi đấu. Khác với khiêu vũ giao tiếp, khiêu vũ thể thao đòi hỏi cao về tính kỹ thuật, luật lệ thi đấu nghiêm ngặt. Khiêu vũ thể thao bao gồm 10 điệu nhảy, được chia thành hai nhóm: Mỹ Latinh và nhóm châu Âu. Nhóm Latinh bao gồm: Rumba, Cha-cha-cha, Jive, Samba, Paso Doble; nhóm châu Âu bao gồm: Slow Waltz, Viennese Waltz, Tango, Slow Foxtrot, Quickstep.

Trước đây, khiêu vũ là môn nghệ thuật giao tiếp đơn giản, ngày nay, nó đã phát triển thành môn thể thao nghệ thuật mang tính thi đấu. Đòi hỏi các vũ công phải có những phẩm chất đặc trưng của một vận động viên thể thao như:

Thể lực: theo mức độ căng thẳng và phức tạp khi thực hiện các động tác có thể so sánh với khiêu vũ trên băng (ice dance), phải có sức bền như một vận động viên điền kinh.

Độ dẻo và sự phối hợp cơ thể: phẩm chất này rất cần thiết để vận động và thực hiện các động tác trên sàn một cách vững vàng, sắc bén. Tính chất này tương tự các dạng thể thao nhảy cầu, thi thuyền buồm, bóng rổ và thậm chí là bóng đá, nhưng gần gũi nhất là thể dục nghệ thuật.

Nhạc cảm: tất cả thí sinh dự thi dancesport khi trình diễn phải thể hiện được sự hiểu biết về âm nhạc và nhịp điệu chính xác, giống như yêu cầu của bộ môn thể dục nghệ thuật.

Sự bền bỉ, dẻo dai: các cuộc thi dancesport đều được tiến hành theo các vòng đấu, vòng loại, vòng bán kết, chung kết, mỗi vòng, các vũ công phải thực hiện 5 điệu (2 phút mỗi điệu). Một cuộc khảo sát năm 1986 chứng minh rằng mức độ căng thẳng và tần số thở của các vũ công sau khi thực hiện một bài 2 phút tương đương với chỉ số của một vận động viên đua xe đạp, bơi hoặc chạy trong cùng thời gian. Các vũ công thi đấu ở vòng chung kết sự kiện ten dance (10 vũ điệu) tương đương với 20 phút nhảy liên tục không ngừng nghỉ.

Tính kỷ luật và tinh thần đồng độidancesport là một dạng thể thao đồng đội. Đội tuyển có thể là một cặp nhảy, mà cũng có thể lên tới 16 thành viên (dạng bài đồng diễn). Đòi hỏi về tính kỷ luật và tinh thần đồng đội cao.

Sự duyên dáng và phong cách biểu diễn: tương tự như môn múa ballet hay trượt băng nghệ thuật, trong khiêu vũ thể thao, yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công đó là sự mượt mà, điêu luyện của chuyển động và sự hấp dẫn qua ngoại hình của các cặp nhảy, sự tự tin, biểu cảm trên sàn thi đấu.

Tác dụng của múa cổ điển châu Âu đối với khiêu vũ thể thao

Sự phóng khoáng dài rộng của cánh tay: các động tác port de bras (chuyển động của tay và cơ thể) tạo ra những đường nét và chuyển động tay tinh tế. Chúng cũng đóng góp vào việc phát triển tính linh hoạt biểu cảm của phần trên cơ thể.

Trong các điệu nhảy Mỹ Latinh, bàn tay là một trong những phương tiện biểu đạt chính. Tay cung cấp cho các chuyển động một hình ảnh hoàn chỉnh. Tay giúp dẫn dắt người bạn nhảy từ vị trí này sang vị trí khác, đồng thời tay hỗ trợ lực để thực hiện động tác quay. Các bài tập tay có thể được xây dựng dựa trên sáu tổ hợp port de bras cơ bản.

Sự hỗ trợ về thăng bằng cho cơ thể

Luyện tập múa cổ điển châu Âu thường xuyên giúp người vận động viên cảm nhận được thăng bằng của cơ thể trên hai chân hoặc trên một chân. Họ phải biết cách kiểm soát trọng tâm của mình, nhất là khi đi trên giày cao gót thì trọng tâm sẽ dồn vào đâu để giữ được thăng bằng cho cơ thể. Rèn luyện qua các bài tập như: battement tendu, battement tendu jete’, rond de jambe par terre, battement fondu, battement frappé, grand battement jete’… (luyện trọng tâm trên một chân); plie’, tramplin, changements de pieds, pas e’chappe’… (luyện trọng tâm trên hai chân).

Sự hỗ trợ về độ linh hoạt của các khớp xương

Bài tập với các động tác pliés giúp phát triển sức mạnh của chân, chuyển động của khớp hông, độ đàn hồi của dây chằng và gân của mắt cá chân. Động tác này hỗ trợ người học cảm nhận và điều khiển đôi chân của mình tốt hơn, giúp họ thực hiện các bước nhảy cơ bản và kỹ thuật trong khiêu vũ thể thao hiệu quả hơn.

Các vận động viên khiêu vũ thể thao sử dụng giầy cao gót trong luyện tập và thi đấu. Đối với nữ, chiều cao của giày thường là 7-8cm, đối với nam là 3cm. Do vậy, động tác relevé (kiễng chân) trong múa cổ điển châu Âu có vai trò rất lớn trong việc củng cố sức mạnh của cổ chân, độ đàn hồi của gan bàn chân và sự di chuyển linh hoạt trên giày cao gót.

Cách duỗi dài đôi chân

Battementstendus (duỗi dài chân), battement tеndus jetés (phóng chân)… là động tác phát triển sức chân, cách duỗi bàn chân đúng cách, phát triển sức mạnh và độ đàn hồi ở mu bàn chân (khớp cổ chân) và một dóng chân thẳng đẹp.

Động tác được thực hiện với phần chân duỗi thẳng ở đầu gối, mu bàn chân và các ngón chân. Điều quan trọng là sự phát triển của các cơ bàn chân, để hình thành gióng chân thon dài và tính chuyên nghiệp của tư thế. Trong các điệu nhảy Mỹ Latinh, các vũ công nữ thường mặc một chiếc váy ngắn, vì vậy sở hữu một đôi chân đẹp là một điều cần thiết.

Sự hỗ trợ về kỹ thuật quay

Các động tác quay chiếm một vị trí quan trọng trong múa cổ điển châu Âu. Để thực hiện được vòng quay không thể thiếu sự thăng bằng và điều kiện quan trọng cho việc quay, xoay là sự ổn định tuyệt đối của trục dọc cơ thể. Đầu và tay đóng vai trò tích cực hỗ trợ thực hiện các vòng quay.

Trong khiêu vũ thể thao, các động tác quay có thể được sử dụng trước khi nhảy, khi cặp đôi ra chào khán giả và giám khảo, hoặc trong khi trình diễn bài nhảy của mình. Các điệu nhảy Latinh sử dụng các vòng quay để nối hay chuyển tiếp các bước nhảy, tăng độ khó cho tổ hợp nhảy. Kỹ thuật quay trong múa cổ điển châu Âu giúp phát triển tư thế chuẩn bị chính xác cho động tác quay kế tiếp, thân người ổn định, thăng bằng cơ thể, phối hợp chính xác của tay và đầu để tạo ra một vòng quay hoàn hảo.

Các kỹ thuật quay của múa cổ điển châu Âu thường được dùng trong khiêu vũ thể thao, như kỹ thuật tour chaine’s (quay di động liên tục) hoặc tour pirouettes (quay nhiều vòng tại chỗ trên một chân)…

Sức bật của cổ chân

Phần nhảy trong múa cổ điển châu Âu giúp luyện tập sức bật của cổ chân và độ thấm nén của bàn chân xuống sàn. Luyện sức bật qua các bài tập allegro như: echappe’, pas assemble’, pas jete’, grand assemble’, sissonne ferme’e

 Sức bật tốt có vai trò rất quan trọng trong các động tác nhảy bật khỏi mặt sàn, nhất là đối với điệu nhảy Jive và điệu nhảy Quickstep trong khiêu vũ thể thao. Điệu nhảy này đòi hỏi đôi chân không những phải bật nảy liên tục mà phải linh hoạt chuyển hướng. Trong điệu nhảy Jive còn có những động tác đá chân liên tục về phía trước – cạnh – sau. Động tác cơ bản tốt nhất để luyện tập hỗ trợ cho phần đá chân trong điệu nhảy Jive này chính là động tác battement frappe’ (đập chân) luyện độ linh hoạt của cẳng chân và grand battements jetés (đá chân cao).

Sự hỗ trợ về giải phóng cơ thể

Nhờ vào những yếu tố như sự thăng bằng của cơ thể, khả năng kiểm soát trọng tâm, điều khiển chân tay linh hoạt và kỹ thuật chính xác nói trên, sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho phần thân trên của người vũ công được giải phóng, tinh thần thoải mái, tự tin thể hiện mình. Cơ thể vươn cao, cánh tay dài rộng, tạo sự tự tin bay bổng khi họ thực hiện những bước nhảy.

Trong khiêu vũ thể thao cũng vậy, cũng cần có vóc dáng hài hòa, cân đối, đối với nữ cần quyến rũ hơn, bắt mắt hơn, chuyển động linh hoạt hơn. Và thân hình rắn chắc, nhanh nhẹn, cao ráo, sáng sủa là thế mạnh của các vũ công nam. Giúp họ đẹp hơn khi lên sàn thi đấu, dễ dàng lấy được thiện cảm của giám khảo cũng như người xem. Hơn nữa, cơ thể giải phóng giúp chuyển động trở nên mượt mà, phóng khoáng chính là yếu tố thể hiện được trình độ cũng như đẳng cấp của các cặp nhảy.

Sự hỗ trợ về cảm nhận âm nhạc và nét biểu cảm tính tế

Âm nhạc là một yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật nhảy – múa vì nó góp phần truyền tải nội dung, cảm xúc của tác phẩm, là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của vở diễn. Chính vì thế, để có thể trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp, hay một vân động viên khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi người vũ công phải cảm nhận được âm nhạc.

Một diễn viên múa hay một vận động viên khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp phải nghe được nhạc, phải phân chia và nhận biết được nhịp phách, tính chất của từng bản nhạc. Hiểu và cảm nhận được nội dung, giai điệu của bản nhạc giúp người diễn viên múa có thể dễ dàng hòa mình vào âm nhạc hơn, biểu hiện thể hiện được cảm xúc, truyền tải được nội dung của một tác phẩm hay tính chất của một điệu nhảy.

Múa cổ điển châu Âu được cho là môn múa bác học và luôn đi kèm với âm nhạc bác học. Tập luyện múa cổ điển châu Âu là cơ hội rất tốt để làm quen với từng nốt nhạc ngọt ngào được phát ra từ chiếc đàn piano với các bản giao hưởng nổi tiếng thế giới. Từng động tác, từng chi tiết tỉ mỉ được kết hợp khớp với từng nốt nhạc, từng giai điệu, tạo nên một không gian tốt cho người diễn viên. Giúp họ cảm nhận được hơi thở của mình, hòa mình vào âm nhạc, bay bổng theo từng nốt nhạc.

Tập luyện múa cổ điển châu Âu thường xuyên giúp cải thiện thính giác, cải thiện cảm nhận về âm nhạc. Theo thời gian, tai nghe nhạc của các vũ công sẽ tốt hơn, am hiểu về âm nhạc hơn, nắm bắt được nhịp phách hơn. Và quan trọng hơn cả là cảm nhận được cái hồn của bản nhạc đó, giúp người vũ công dễ dàng thể hiện cảm xúc và tâm hồn của điệu nhảy.

Vấn đề đào tạo khiêu vũ thể thao hiện nay

Tại Liên bang Nga, trong quá trình đào tạo cho người học khiêu vũ thể thao, có những chương trình bao gồm cơ bản về múa cổ điển châu Âu. Tác động của múa cổ điển trong quá trình đào tạo khiêu vũ thể thao đã được nghiên cứu bởi O.B. Buksimova, I.A. Klimova, E.V. Smelkovskaya. Họ nhấn mạnh rằng, hệ thống bài tập cơ bản của múa ballet đặt nền móng vững chắc cho quá trình đào tạo và biểu diễn khiêu vũ thể thao. Như vậy, múa cổ điển châu Âu là bộ môn không thể thiếu trong chương trình đào tạo khiêu vũ thể thao tại nhiều nơi trên thế giới. Hệ thống bài tập cơ bản của múa ballet đã đặt nền móng vững chắc cho quá trình đào tạo và biểu diễn khiêu vũ thể thao.

Những bài học múa cổ điển châu Âu đóng vai trò quan trọng cho người học khiêu vũ thể thao, bao gồm các nhóm bài tập như: pliés (ngồi), releve (kiễng chân), battements tendus (duỗi dài chân), battements tendus jetés (phóng chân), rond de jambe par terre (vẽ chân trên mặt sàn), battements frappe (đập chân), grand battements jetés (đá chân)… Tất cả đều phát triển sức mạnh của chân, tính đàn hồi và linh hoạt của khớp hông. Tuy nhiên, A.Ya.Vaganova đã cho rằng việc luyện tập nên bắt đầu bằng các bài tập trong gióng với tổ hợp pliés, bởi nó sẽ giúp cơ thể của người học chuẩn bị sẵn sàng hơn cho những động tác phức tạp tiếp theo (khởi động). Múa cổ điển châu Âu là một tập hợp các động tác cơ bản độc đáo nhằm phát triển toàn diện cơ thể: tư thế chính xác, sức mạnh của chân, tay, lưng, tính linh hoạt của khớp, tính đàn hồi của cơ, sự ổn định (thăng bằng), sự phối hợp và tính thẩm mỹ của động tác.

Khiêu vũ thể thao là môn thể thao tổng hợp giữa nghệ thuật và thể thao. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình đào tạo cho người học khiêu vũ thể thao nói riêng, các vận động viên nói chung, việc ưu tiên đã dành cho việc rèn luyện thể chất tổng quát, ít chú ý đến việc đào tạo các chuyển động mang tính nghệ thuật cho các vận động viên. Vì vậy, động tác của người học khiêu vũ thể thao còn nhiều hạn chế: động tác cứng, thiếu sự uyển chuyển, không linh hoạt và thiếu tính nghệ thuật. Nền tảng kỹ thuật của các vận động viên chưa được phát triển đầy đủ, họ bị hạn chế trong việc truyền tải vẻ đẹp của khiêu vũ thể thao, gặp khó khăn khi thực hiện các kỹ thuật phức tạp, chẳng hạn như xoay trên một chân, nhảy cao, thăng bằng khi chuyển động, dừng dáng… Do đó, cần chú trọng đến vai trò của múa cổ điển châu Âu trong đào tạo khiêu vũ thể thao ở Việt Nam.

Đã là nghệ thuật thì luôn hướng tới các đẹp và chúng ta có thể nói, chuẩn mực để tạo nên vẻ đẹp về vóc dáng, cơ thể cho một người diễn viên, vũ công đó chính là nền tảng của múa cổ điển châu Âu. Đây là môn nghệ thuật mang tính khoa học, tính chuẩn mực cao. Việc sử dụng hệ thống múa cổ điển châu Âu trong quá trình đào tạo các vận động viên khiêu vũ thể thao góp phần phát triển kỹ thuật, sức khỏe, sự dẻo dai, tính nghệ thuật, nhạc cảm và sự biểu cảm cho người học. Có thể nói, múa cổ điển châu Âu thật sự cần thiết cho các vận động viên khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp nói riêng và cho sự phát triển nền khiêu vũ thể thao Việt Nam nói chung.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Lê Ngọc Canh, Lịch sử nghệ thuật múa Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2008.

2. Lê Hải Minh, Múa đương đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019.

3. Lê Hải Minh, Khảo cứu tiếp nhận Múa cổ điển châu Âu trong các tác phẩm múa hiện đại Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, 2010.

4. Болдырева, Е.А., Влияние средств хореографии на техническую подготовленность танцовщиков (Ảnh hưởng của phương tiện vũ đạo đối với sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật của các vũ công), Uralsk, 2014, tr. 28-32.

5. Буксимова О.Б., Климов И.А., Влияние классического танца на становление исполнительской культуры (Ảnh hưởng của múa cổ điển đến việc hình thành văn hóa biểu diễn của học sinh), Khoa học – Nghệ thuật, tập 1, 2017, tr.140-147.

6. Смелковская Е. В, Классический танец: учебная программа для отделений бального танца хореографических факультетов университетов культуры (Khiêu vũ cổ điển: chương trình giảng dạy cho các khoa khiêu vũ của khoa biên đạo của các trường đại học văn hóa), Мoscow, Nga, 2005.

7. Ваганова, А. Я, Основы классического танца (Khái niệm cơ bản về múa cổ điển)Sách giáo khoa: Văn nghệ, Saint Petersburg, Nga, 2000.

8. Ю.Н.Григорович, Балет энциклопедия (Ballet bách khoa toàn thư), Мoscow, Nga, 1981.

9. worlddancesport.org

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN