Chủ Nhật, Tháng Mười 13, 2024
Trang chủLý LuậnPhỏng vấn nhà phê bình âm nhạc Greg Sandow

Phỏng vấn nhà phê bình âm nhạc Greg Sandow

23
Tác giả: Nhóm phỏng vấn của Nhaccodien.vn thực hiện

Greg Sandow, nhà phê bình âm nhạc của New York Times, Wall Street Journal và giảng viên cao học tại Nhạc viện nổi tiếng Juilliard (New York) đã có buổi trò chuyện trực tuyến với khán giả Việt Nam về chủ đề: “Nhạc cổ điển đang hấp hối? – Số phận của Nhạc Cổ Điển trong thời đại của Nhạc Pop – Classical Music in the age of Pop”. Chương trình do nghệ sĩ piano Trang Trịnh điều phối thảo luận. Dưới đây là nội dung buổi đối thoại:

1) Tại sao tôi cần phải nghe nhạc cổ điển?

Chẳng có lý do gì để bạn phải nghe nhạc cổ điển. Tôi không tin âm nhạc cổ điển là tuyệt vời hơn thể loại âm nhạc khác. Tôi không tin rằng bất kỳ ai là kém cỏi nếu không nghe âm nhạc cổ điển.

Dù vậy, cuộc sống có rất nhiều điều tuyệt vời, chúng ta nên thử trải nghiệm bởi âm nhạc cổ điển cũng là một trong những điều tuyệt vời đó. Âm nhạc cổ điển cũng là một phần gia sản mà chúng ta nhận được từ quá khứ, từ các nền văn hóa khác nhau.

Các dàn nhạc cổ điển được cấu thành từ các nhạc cụ cổ điển đã phát triển từ hàng trăm năm nay. Khi cùng cất tiếng, chúng đem lại vô số âm thanh và cảm xúc tuyệt vời. Và trong âm nhạc hiện đại, người ta vẫn dùng các nhạc cụ cổ điển rất nhiều.

Rất nhiều những người sáng tác cho dòng nhạc cổ điển đều là những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất từng tồn tại. Ví dụ như Beethoven chẳng hạn. Hẳn nhiên họ có rất nhiều tư tưởng âm nhạc đáng để chúng ta thưởng thức và suy ngẫm. Đó cũng là một lý do đáng để nghe nhạc cổ điển.

Một điều đặc biệt khác của âm nhạc cổ điển là ở tư duy và cách viết nhạc. Âm nhạc cổ điển khơi gợi nhiều câu chuyện thú vị trong mỗi chúng ta, cũng giống như các bạn đang thưởng thức một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết vậy.

2) Rất nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam không nghe nhạc cổ điển, họ cho rằng đó là âm nhạc cho người lớn tuổi. Tôi thấy hơi ngạc nhiên là ở phương Tây cũng có nhiều người trẻ nghĩ như vậy. Ông có thể cho tôi biết vấn đề chung mà âm nhạc cổ điển trên thế giới gặp phải trong việc truyền bá cho công chúng?

Theo như tôi được biết, thì không có quá nhiều buổi diễn nhạc cổ điển ở Việt Nam. Ở phương Tây, có rất nhiều các buổi hòa nhạc thường xuyên được tổ chức, và thường là chật kín chỗ. Thoạt tiên nhìn thì tưởng là không có vấn đề gì ở phương Tây. Nhưng sự thực là các buổi biểu diễn ngày một ít đi và khán giả ngày một lớn tuổi hơn. Chúng tôi rất thiếu các khán giả trẻ quan tâm đến nhạc cổ điển.

Trước kia thì các buổi hòa nhạc có thể là 95% kín chỗ. Nhưng hiện giờ chỉ còn 85% kín chỗ. Chính việc bán được ít vé đi đã khiến các tổ chức hòa nhạc cổ điển gặp nhiều vấn đề về kinh tế. Tóm lại, âm nhạc cổ điển không còn nhiều khán giá như xưa. Và chưa kể là âm nhạc cổ điển không thay đổi nhiều dù xã hội xung quanh đã biến chuyển rất nhiều.

Vợ tôi cũng là một nhà phê bình âm nhạc có tiếng, đáng buồn là những khán giả đến nói chuyện với bà thường là những người đã 70 tuổi rồi.

New York là trung tâm của giới nhạc cổ điển ở Mỹ, dù vậy hiện nay nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển đã không thể sống ở NY được nữa vì thiếu việc làm.

Một góc trường Juilliard School/Photo: juilliard.edu

3) Nhiều tác phẩm thuộc âm nhạc cổ điển được sáng tác ra từ rất lâu rồi, có phải đó là lý do nó không còn sức hút với khán giả hiện nay?

Tôi cũng đồng ý rằng vì các tác phẩm thuộc dòng nhạc cổ điển được trình diễn thường xuyên là tác phẩm của quá khứ khá xa xôi nên dễ gây ra sự khó khăn trong việc tiếp cận với khán giả.

Cũng như đọc sách vậy, ta có thể đọc nhiều sách văn học cổ điển nhưng cùng lúc vẫn đọc các tác phẩm hiện đại. Âm nhạc cũng vậy. Nhiều người thắc mắc tại sao ta cứ phải quan tâm quá nhiều đến các tác phẩm âm nhạc có từ rất xưa rồi.

Như tôi đã nói về Beethoven, ông là một nhà soạn nhạc tuyệt vời. Nhưng bạn cũng có thể hỏi là, thế những nhà soạn nhạc tuyệt vời ngày hôm nay thì sao, sao ta không quan tâm tới họ.

Chúng ta đang thiếu sự quan tâm đến các bản thu âm tác phẩm đương đại cho dòng nhạc cổ điển, dù hiện giờ vẫn có nhiều nhạc sĩ tiếp tục sáng tác cho thể loại này.

4)Tôi có cảm giác nhiều người nghe nhạc cổ điển khá tự cao. Họ hay cho rằng những người không nghe nhạc cổ điển là những người thiếu văn hóa, thiếu học thức. Ông thấy ý kiến này ra sao?

Tôi muốn nói với bạn rằng tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến này. Đó là một thái độ hết sức tồi tệ với người yêu nhạc khác. Tôi không nghĩ rằng bất cứ người yêu nhạc cổ điển thực sự nào lại có thái độ như thế với mọi thể loại âm nhạc khác và những người nghe các dòng nhạc khác.

Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề riêng trong phạm vi âm nhạc, mà còn là trong cuộc sống nói chung. Ta phải tôn trọng ý kiến và sở thích cá nhân của người khác. Tôi rất ghét những người cho rằng ý kiến của mình là cao quý và những người khác là thấp kém.

Và tôi cũng muốn nói rằng, âm nhạc cổ điển là một trong những thể loại tôi yêu thích nhất. Nhưng cũng có những ngày tôi chỉ thấy dễ chịu khi nghe Bob Dylan thôi. Nhiều những ngày khác tôi lại chỉ thích nghe nhạc cổ điển.

Một góc trường Juilliard School

5) Các buổi hòa nhạc cổ điển nhiều khi đem lại cảm giác bí bách. Có những nhà soạn nhạc tôi chưa bao giờ nghe tên. Có những tác phẩm tôi chẳng thể hiểu tên. Tôi nghĩ nên đơn giản hóa cách đặt tên và cách giới thiệu các tác phẩm cổ điển.

Cám ơn bạn. Đó là ý kiến rất hay và tôi đồng ý với bạn. Mỗi khi Beyoncé phát hành đĩa nhạc, cô ấy thường đặt một cái tên rất thú vị ai cũng bị cuốn hút bởi cái tên ấy.

Với nhạc cổ điển thì khá nặng nề, khi chúng ta tổ chức hòa nhạc, biểu diễn bản Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, opus số 125 của Beethoven, người bình thường sẽ choáng váng khi thấy cái tên dài dằng dặc đó. Họ không hiểu nổi tiêu đề. Họ sẽ không muốn đến một buổi hòa nhạc mà ngay từ đầu họ đã cho rằng họ không thể hiểu nổi tác phẩm đó.

Opera thì dễ tiếp cận hơn, với các cái tên dễ nhớ hơn, như Carmen hay Tosca. Có lẽ chúng ta cũng nên làm như vậy với mảng khí nhạc, đặt những cái tên dễ nhớ hơn cho các buổi hòa nhạc cổ điển.

6) Một phần của vấn đề hiện giờ với âm nhạc cổ điển, có phải vì báo chí và truyền thông không đầu tư đầy đủ và quan tâm đúng mức về thể loại này?

Nếu như bạn xem báo New York Time, bạn sẽ thấy một mục riêng về âm nhạc cổ điển. Nhưng lẽ dĩ nhiên người ta sẽ viết nhiều về những thể loại nhiều người muốn đọc hơn.

Ở New York Time có một đội chừng 6 người viết về nhạc cổ điển. Vậy tức là vẫn có công chúng cho thể loại này. Nhưng sự thực là khán giả đến với nhạc cổ điển trên tờ New York Time đã giảm đi đáng kể. Các tờ báo sẵn sàng trả lời giới nghệ sĩ cổ điển rằng khán giả của họ không quan tâm tới nhạc cổ điển nên họ sẽ không viết về dòng nhạc này.

Bạn cho rằng các nghệ sĩ cổ điển còn thiếu đầu tư cho truyền thông và tìm cách khiến buổi biểu diễn của họ đem lại nhiều điều mới lạ và thu hút, tôi rất đồng ý. Các nghệ sĩ chỉ còn cách nỗ lực và sáng tạo để thu hút quan tâm của công chúng thôi.

New York City, USA – August 3, 2018: Facade of the Juilliard School, private performing arts conservatory, located on Broadway at Lincoln Center Plaza on the Upper West Side of Manhattan, New York City, USA

7) Có giải pháp nào giúp cho âm nhạc cổ điển thoát khỏi vấn đề hiện tại. Có phải giáo dục âm nhạc sẽ giúp cải thiện tình trạng này?

Tôi không nghĩ giáo dục âm nhạc là tận gốc vấn đề. Nếu không có người nghe thì tại sao nhà trường lại muốn đầu tư vào giáo dục âm nhạc cổ điển? Họ sẽ lấy đâu ra tiền để chi trả cho các giảng viên? Cũng chẳng có gì đảm bảo rằng được đào tạo âm nhạc cổ điển từ bé thì lớn lên bạn sẽ tiếp tục nghe nhạc cổ điển. Tôi nghĩ rằng thiếu giáo dục âm nhạc cổ điển không phải là nguyên nhân dẫn tình trạng hiện giờ, mà đó là kết quả của việc thiếu quan tâm đến âm nhạc cổ điển từ bậc cha mẹ và công chúng.

8) Có một số nghệ sĩ không chuyên hẳn về nhạc cổ điển như Vanessa Mae, cô ấy hay biểu diễn kết hợp âm nhạc cổ điển với nhiều thể loại âm nhạc khác như pop, rock, techno. Ông cho rằng phong cách này giúp truyền tải giai điệu cổ điển nhiều hơn hay khiến âm nhạc cổ điển bị biến dạng?

Tôi nghĩ rằng âm nhạc cổ điển có rất nhiều giai điệu mang âm hưởng đương đại, đó là điều hoàn toàn dễ hiểu và tự nhiên. Ví dụ như Brahms sử dụng các giai điệu Di Gan để đưa vào các tác phẩm của mình. Đến bây giờ vẫn có nhiều người thấy các giai điệu đó khá gần gũi.

Cho nên việc kết hợp âm nhạc cổ điển với các thể loại khác đâu phải vấn đề gì sai lệch. Bản thân tôi, tôi cho rằng âm nhạc của Vanessa Mae không phải là âm nhạc hay. Nhưng đó chỉ là cách nhìn của cá nhân tôi. Và tôi không ngạc nhiên nếu nhiều người cảm thấy bị hấp dẫn bởi âm nhạc của cô ấy.

Tôi có nghe kể rằng người ta cho rằng âm nhạc cổ điển là âm nhạc bác học. Tôi cho rằng nó cũng có ý đúng. Âm nhạc cổ điển giúp người nghe suy tưởng và thông minh hơn. Nhưng điều ấy cũng đúng với các tác phẩm nhạc pop và dance nữa.

Phần lớn các nghệ sĩ cổ điển vẫn rất yêu thích nhạc pop, thậm chí họ còn nghĩ ra vô số cách kết hợp âm nhạc rất thú vị, giữa nhạc cổ điển và pop, với rock và dance.

Ví dụ như là một nghệ sĩ hôm nay có thể biểu diễn cổ điển tại khán phòng lớn, hôm khác lại biểu diễn tại hộp đêm. Khi nghệ sĩ đó biểu diễn trên sân khấu lớn, cùng giai điệu đó nhưng theo phong cách cổ điển, nó sẽ là cổ điển. Theo phong cách pop hay jazz thì nó lại là pop hay jazz, rất linh động phải không.

9) Nếu chất lượng và số lượng công chúng giảm sút, thì số lượng và chất lượng nghệ sĩ có giảm sút hay không?

Tình trạng chung cho nghệ sĩ cổ điển là ngày một khó khăn để có thể sống nhờ âm nhạc cổ điển. Nhưng một điều thú vị là vẫn có rất nhiều người trẻ tuổi theo học âm nhạc cổ điển. Như ở học viện Juilliard mà tôi đang giảng dạy, số lượng sinh viên vẫn rất đông đảo không hề giảm sút. Có một điều tôi biết chắc chắn, đó là không có nghĩa là nhiều người thích nghe nhạc cổ điển hơn. Nhiều sinh viên của tôi nói là bạn bè họ không thích nghe nhạc cổ điển.

Tôi nghĩ lý do để rất nhiều sinh viên tiếp tục theo học nhạc cổ điển là vì từ bé họ đã được bố mẹ hướng cho theo dòng nhạc này. Và họ còn giữ được tình yêu với âm nhạc cổ điển tới hiện giờ. Các nghệ sĩ trẻ này đều là các nghệ sĩ tuyệt vời. Nhưng họ luôn lo lắng là không biết mình sẽ làm gì sau khi ra trường.

10) Có nên mở các khoá “truyền bá” nhạc cổ điển trong các học viện âm nhạc, đặc biệt là ở Việt Nam?

Tôi đồng ý là nên có các khóa học như vậy để các nghệ sĩ trẻ có thể tiếp cận với nhiều khán giả trẻ.

Hiện giờ cũng có các khóa học về kinh doanh cho các nghệ sĩ trẻ tại Mỹ, để họ biết cách làm sao để sống được bằng âm nhạc.

30 năm trước, nếu bạn ra trường và chơi nhạc rất tốt, sẽ có người tự đến tìm bạn và giới thiệu việc làm cho bạn. Các nghệ sĩ trẻ hiện giờ thì ngược lại, họ sẽ phải tự nghĩ cách quảng bá bản thân, tổ chức hòa nhạc và bán vé.

Tại các nhạc viện ở Mỹ, trước kia khi các nghệ sĩ trẻ biểu diễn, họ thường chỉ mời bạn bè người thân. Nhưng giờ họ phải tự tìm cách mở rộng khán giả, mời nhiều người hơn nữa tới hòa nhạc của mình. Như vậy sẽ có ích cho họ rất nhiều sau khi ra trường.

Trường Juilliard có một khóa học đặc biệt, tại đó bàn luận về việc tìm các nơi biểu diễn âm nhạc dân dã, không nhất thiết cứ phải là tại phòng hòa nhạc. Giáo sư nói với sinh viên là: “Hãy ra trung tâm New York và tìm những nơi có thể tạm thời sử dụng để biểu diễn âm nhạc.” Sinh viên thường kêu than một hồi nhưng sau vài tiếng họ đã tìm được ngay vị trí yêu thích.

11) Có nên tư duy một cách lạc quan rằng, “ít nhưng chất lượng tốt” thì vẫn hơn “nhiều mà chất lượng kém”? Các hãng đĩa có nên nhìn theo hướng tích cực rằng: cứ chăm sóc tốt số lượng khán giả hiện giờ, thì vẫn có lượng khán giả trung thành, còn hơn là quá tốn công mở rộng khán giả?

Hãy liên tưởng tới các hãng xe hơi, họ có từng dòng xe phù hợp từng phân khúc khách hàng. Dòng xe sang cho người giàu, dòng xe rẻ hơn hơn cho người thu nhập trung bình. Nhưng điều đó rất khó áp dụng cho âm nhạc cổ điển.

Vì tổ chức cho một dàn nhạc biểu diễn thường rất tốn kém, mà khán giả quá ít thì rất khó tổ chức. Ngay cả ở Mỹ, để tổ chức cho dàn nhạc biểu diễn thì chi phí vô cùng tốn kém, lại còn ngày một bị cắt giảm đi.

Ở những nước phương Tây hay Canada, chính phủ có chu cấp một số khoản nhất định cho các dàn nhạc. Nhưng chính phủ cũng nói với các dàn nhạc rằng, âm nhạc cổ điển ngày một ít phổ biến nên họ không việc gì phải đầu tư nhiều nữa.

Nếu tình trạng này vẫn xảy ra, các dàn nhạc lớn như New York Phil sẽ càng ít buổi biểu diễn hơn. Các dàn nhạc Mỹ ngày một trả lương thấp hơn cho nhạc công.

Vì vậy cho nên, nếu không có sự thay đổi nhất định, thì âm nhạc cổ điển vẫn tồn tại theo cách mà bạn nói. Vẫn có lượng khán giả trung thành nhất định nhưng số lượng biểu diễn sẽ giảm đi nhiều.

12) Tôi cảm thấy không có nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển tham gia vào các buổi nói chuyện như thế này. Con gái tôi cũng là nghệ sĩ nhạc cổ điển nhưng con bé thấy rất khó khăn khi phải tiếp xúc với các vấn đề xã hội thế này. Theo ông, có phải cách biệt về giao tiếp xã hội giữa nghệ sĩ nhạc cổ điển và người nghe đã dẫn đến việc âm nhạc cổ điển ngày một xa rời công chúng?

Tôi nghĩ rằng nhiều nghệ sĩ cổ điển có khoảng cách khá xa với xã hội. Có lẽ họ vẫn quen với phong cách cũ, đó là tổ chức nhạc cổ điển theo cách thức nghiêm túc truyền thống. Nhưng tôi cũng thấy có nhiều nghệ sĩ trẻ quan tâm tới các vấn đề xã hội như là làm sao để thu hút công chúng nhiều hơn. Họ cũng tham gia thảo luận với nhau về cách làm trẻ hóa âm nhạc cổ điển.

Niềm hy vọng của chúng ta bây giờ chính là các nghệ sĩ trẻ, những người năng động muốn tiếp cận khán giả theo cách thức thân thiện hơn, khiến khán giả cảm thấy họ cũng được sống với tác phẩm và các buổi biểu diễn.

Bạn có thể không biết rằng có nhiều nghệ sĩ trẻ đang trình diễn âm nhạc cổ điển theo nhiều cách mới, trẻ trung hơn tại các hộp đêm hay quán bar, thay vì các khán phòng nghiêm trang. Họ chính là tương lai của âm nhạc cổ điển. Những người tìm tòi cách đi mới và thân thiện hơn truyền thống rất nhiều.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN