Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủLý LuậnHội thảo về hình tượng thiên nhiên trong âm nhạc

Hội thảo về hình tượng thiên nhiên trong âm nhạc

9
Tác giả: Thụy Phương
Sáng ngày 26/10, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức hội thảo về Hình tượng thiên nhiên trong âm nhạc với sự tham gia của đông đảo các nhạc sĩ, hội viên trong hội.

Tại hội thảo, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã giới thiệu một cách khái quát về hình tượng thiên nhiên trong âm nhạc qua các thời kỳ từ Trung cổ, Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, cho tới âm nhạc thế kỷ 20 và đến nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định, từ âm nhạc dân gian đến âm nhạc kinh điển qua các thời kỳ đã có nhiều tác phẩm tái hiện và phác họa hình tượng thiên nhiên.

1b.jpg
Tại hội thảo, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh đã giới thiệu khái quát về hình tượng thiên nhiên trong âm nhạc qua các thời kỳ.

Cùng với việc điểm lại những tên tuổi của những nhà soạn nhạc qua những tác phẩm đậm dấu ấn thiên nhiên trong mỗi một thời kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh còn minh chứng bằng những ví dụ rất cụ thể.

Thời kỳ âm nhạc Baroque (tiền cổ điển), có thể kể tới tổ khúc Concerto viết cho bộ dây “The Four Seasons” – Bốn mùa của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ đàn violon của nước Ý – Antonio Vivaldi đã phác hoạ bức tranh toàn cảnh về các mùa trong một năm.

Thời kỳ âm nhạc cổ điển gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Franz Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven… Trong đó, bản Giao hưởng số 6 còn có tên gọi “Đồng quê” của Beethoven đã vẽ nên bức tranh phong cảnh bằng âm thanh, với sự kết hợp hài hòa và cân đối của con người với thiên nhiên.

Thời kỳ lãng mạn không thể không nhắc tới “Sping Song – bài ca mùa xuân” – tiểu phẩm số 6 trong tập “Bài ca không lời” số 5, Op. 62 viết cho piano của Mendelssohn; “Giấc mộng đêm hè” – Mendelssohn viết nhạc nền cho vở kịch “A Midsummer Night”s” của William Shakespeare, trong Op. 61; rồi Tổ khúc “The seasons – Bốn mùa” – P.I. Tchaikovsky viết cho đàn Piano gồm 12 khúc nhạc, mỗi khúc nhạc tượng trưng cho từng tháng trong năm…

Minh chứng cho thiên nhiên trong âm nhạc thế kỷ XX là tác phẩm “The Rite of Spring – Mùa xuân thần thánh” của Igor Stravinsky. Tác phẩm như bức tranh về nước Nga cổ, với cảnh sống đơn sơ, du mục xưa kia. Hay như “La Mer – Biển cả” của Claude Debussy, “Bolero” của nhạc sĩ Maurice Ravel với… cũng là những ví dụ sinh động.

Đề cập tới hình tượng thiên nhiên trong âm nhạc đương đại, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định: “Từ nửa cuối thế kỷ XX cho tới thế kỷ XXI đã xuất hiện nhiều tác phẩm âm nhạc khắc họa hình tượng của thiên nhiên một cách rõ nét và cụ thể hơn. Nhiều nhạc sĩ đã sử dụng những âm thanh điện tử hoặc thu thanh trực tiếp tiếng động từ thiên nhiên và trong đời sống của con người rồi hòa âm, làm nền cho tác phẩm của mình. Vào khoảng cuối năm 1960, đầu năm 1970 đã xuất hiện dòng nhạc New age hay còn gọi là dòng nhạc “Thời đại mới”, khai thác âm thanh điện tử hoặc nhạc cụ mộc, đôi khi kết hợp với giọng hát và những âm thanh từ đời sống thiên nhiên…

Điển hình cho dòng nhạc New age du nhập vào Việt Nam, có thể nhắc tới một số sản phẩm âm nhạc như: Album “Nhật thực” – Ngọc Đại (Trần Thu Hà), “Mây trắng bay về” – Dương Thụ (NSƯT Thanh Lam), Album “Những ô màu khối lập phương” (Tùng Dương), album “Kiss of the Sea” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh…”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cho hay.

1a.jpg
Nhạc sĩ Thắng Nguyễn và nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhạc sĩ Thắng Nguyễn (thành viên nhóm nhạc M6) – khách mời của chương trình cũng đã có những chia sẻ đầy thú vị về dòng nhạc World music một dòng nhạc còn khá mới mẻ với khán giả Việt. Cùng với đó nhạc sĩ còn giới thiệu sản phẩm âm nhạc “Thung mây” mà anh đã dành nhiều tâm sức thực hiện trong thời gian gần đây.

Trong phần giao lưu trao đổi, các nhạc sĩ Hoàng Giai, Trần Vũ Trang, Quý Lăng, Mạnh Thanh đều đánh giá cao chất lượng học thuật của hội thảo, đồng thời bày tỏ sự trân trọng đối với nỗ lực, tâm huyết của diễn giả và khách mời tham gia hội thảo.

Nhạc sĩ Hoàng Giai chia sẻ bản thân ông cũng đã đưa nhiều hình tượng thiên nhiên trong tác phẩm của mình, đơn cử như trong tác phẩm “Phố bên sông” hay “Hoa lê trắng”. Còn nhạc sĩ Quý Lăng thì nhắc nhớ đến đến cảnh sắc thiên nhiên ăm ắp trong tác phẩm “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sĩ Nguyên Nhung và “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của nhạc sĩ Huy Du… như một minh chứng cho sức sống, giá trị của tác phẩm.

Nhạc sĩ Trần Vũ Trang nhấn mạnh thiên nhiên với những hình ảnh sông núi, đất trời, chim muông… đã được vận dụng rất rõ nét trong âm nhạc. Hầu như ca khúc, hợp xướng đều bắt đầu từ thiên nhiên. Thiên nhiên tạo cảm hứng cho sáng tạo của người nghệ sĩ và thông qua logic cảm xúc, sáng tạo nghệ thuật trở thành tác phẩm. Ông lưu ý nếu có những nghiên cứu sâu hơn về thiên nhiên trong khí nhạc Việt Nam hay trong những ca khúc cách mạng thì cũng rất ý nghĩa.

1c.jpg
Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Với những chia sẻ trao đổi, phân tích về hình ảnh thiên nhiên trong âm nhạc qua các thời kỳ đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, hội thảo đã làm sáng tỏ những nội dung cơ bản về vấn đề này. Theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh làm thế nào để đưa hình ảnh thiên nhiên vào sáng tác âm nhạc, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của tác phẩm, đó cũng điều mà những người thực hiện chuyên đề này mong muốn, hy vọng./.

(Nguồn: https://nguoihanoi.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN