Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnNhững sắc màu của chương trình nghệ thuật "Dấu ấn thời đại"

Những sắc màu của chương trình nghệ thuật “Dấu ấn thời đại”

15

Tác giả: TRƯƠNG MỸ NHÂN – Ảnh: TRẦN KHÁNH NHẬT

Vượt qua khuôn khổ một Hội diễn, chương trình nghệ thuật “Dấu ấn thời đại” của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã đặt một dấu ấn lớn trong trái tim đồng đội, đồng chí, nhân dân – những người yêu mến nền nghệ thuật Quân đội nước nhà.

Một lần nữa, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội lại khẳng định vị trí “cánh chim đầu đàn” với sự đầu tư công phu, chuyên nghiệp từ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, đặc biệt là sự dũng cảm, dám “dấn thân”, phát huy tinh thần nội lực của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát trong chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, dàn dựng, âm nhạc, sân khấu cũng như sáng tác, thể hiện, bám sát chủ đề Quốc phòng toàn dân.

Giám đốc Nhà hát NSƯT Hồng Hạnh và các đồng đội

Dưới sự chỉ đạo nội dung của Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Dấu ấn thời đại” với thời lượng 90 phút, gồm 2 chương Những bước chân người lính và Chạm vào vinh quang, do Giám đốc Nhà hát, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh chỉ đạo nghệ thuật; Phó Giám đốc Nhà hát, Đại tá, NSƯT Trần Quốc Đạt làm Tổng đạo diễn; Phó Tổng đạo diễn: Thượng tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Ngọc và Đại úy Hoàng Hồng Ngọc, đã đưa khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, với đủ màu sắc.

Chương trình nghệ thuật với ba hợp phần ca múa nhạc hài hòa, tròn đầy quyện lẫn vào nhau không thể tách rời, tạo nên một mạch cảm xúc xuyên suốt toàn bộ chương trình, đó là niềm tự hào của người lính Cụ Hồ, tự hào về quá trình xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tác phẩm múa “Niềm tự hào”

Chương trình được mở đầu bằng tác phẩm Niềm tự hào do biên đạo, NSƯT Công Hải dàn dựng trên nền âm nhạc của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn. Thông qua ngôn ngữ múa đã tái hiện lại toàn bộ những dấu mốc lịch sử chói lọi, những chiến công lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam một cách chân thực, sống động nhất. Người xem có thể cảm nhận như mình đang sống trong những thời khắc lịch sử ấy qua ánh sáng, sự chi tiết của từng hình ảnh, âm nhạc sục sôi, nghẹt thở đến từng giây, qua ngôn ngữ cơ thể dứt khoát, mạnh mẽ, hòa quyện. Dưới mưa bom đạn lửa, chiến sĩ ta vẫn đào hầm xuyên núi để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Niềm tự hào có hình ảnh của khởi nghĩa Bến Tre, những đoàn quân trùng trùng điệp điệp trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, chiến thắng lịch sử B52 trên bầu trời Hà Nội, với đoàn quân tiến về Sài Gòn hát khúc khải hoàn ca thống nhất đất nước.

Tác phẩm múa “Vòng bất tử”

Vòng bất tử của Biên đạo Tiến Thanh cũng lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Những động tác múa thuần thục, chắc nịch, mạnh mẽ, rõ ràng thể hiện sự kiên cường, chiến đấu và anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương. “Những người nằm lại phía chân trời” dù hy sinh, tay vẫn đặt lên lồng ngực hát vang bài ca Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc.

Tác phẩm Hoa thép của biên đạo Phi Trường, âm nhạc Đỗ Việt Thắng do tốp nữ múa Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thể hiện, đã đưa người xem đến với vùng đất chỉ có nắng, gió, cát bỏng ở chảo lửa Nam Sudan, những hy sinh thầm lặng của người lính gìn giữ hòa bình ở các bệnh viện dã chiến – những người giàu lòng nhân ái, tận tâm. Âm nhạc, lời bình càng khắc sâu thêm sự gian nan, vất vả và tinh thần quả cảm của người lính ấy. “Mẹ, bao giờ mẹ về?” câu hỏi như tiếp thêm sức mạnh để người lính vượt qua gian khó, hoàn thành nhiệm vụ.

Tác phẩm múa “Hoa thép”

Cả ba tác phẩm múa khai thác những khía cạnh khác nhau, từ chủ đề rộng lớn là sự hình thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, đến những cống hiến, hy sinh thầm lặng của Lực lượng Hải quân, hay Lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng nổi bật lên trong các tác phẩm vẫn là niềm tự hào vô bờ bến khi được là người lính, vững chãi chọn lựa và dấn thân không lùi bước.

Một mảng nghệ thuật khác đậm chất lính, được thổi vào đó hơi thở của đời sống, của lao động, của tình quân – dân, chính là các tác phẩm âm nhạc, mà phần lớn trong đó được sáng tác, dàn dựng và biểu diễn bởi chính các chiến sĩ, nghệ sĩ Nhà hát. Các tác phẩm được lựa chọn có ngôn ngữ đẹp, mang âm hưởng của nhiều vùng miền trên cả nước. Bắt đầu bằng âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ với tác phẩm Nhịp quân hành mùa xuân của nhạc sĩ Trần Quốc Đạt đã cho ta thấy một cuộc sống thường nhật đầy màu sắc với những dấu chân người lính từ miền hải đảo xa xôi, đến vùng cao biên giới; Thanh Tài mang đến một tác phẩm có âm hưởng đậm chất dân ca miền Trung Qua miền thương nhớ của nhạc sĩ Xuân Thủy, lời thơ Cảnh Nhạc – ta nghe như tiếng rì rào của dòng sông quê, tiếng ngân nga điệu hò ví dặm, tiếng mẹ ru hời từ lúa khoai nuôi ta lớn, như mạch nguồn thơm ngát tiếng non sông.

Đơn ca nam “Qua miền thương nhớ” do Thanh Tài thể hiện

Hồng Duyên cống hiến một tác phẩm đậm chất Chèo, sáng tác của Trần Khánh Ly Dưới mái hiên nhà. Từ tạo hình đến giọng hát, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng cuốn hút khán giả, cảm nhận tình cảm yêu thương của người mẹ, nguyện cùng con nuôi dưỡng ước mơ “sau này hành quân theo tiếng gọi”, một đời hiên ngang với màu áo xanh. Cả khán phòng lặng đi, thổn thức khi bài hát kết thúc và hình ảnh người mẹ ôm con trong vòng tay.

Đơn ca nữ: “Dưới mái hiên nhà” do Hồng Duyên và múa Duo Phi Trường + Bích Hạnh thể hiện

Đối lập với cảm xúc sâu lắng, da diết Dưới mái hiên nhà, tác phẩm Anh về miền đất Bazan do chính Đại úy Hoàng Hồng Ngọc sáng tác lại dẫn người nghe vào một không gian âm nhạc đậm chất Tây Nguyên tự do, phóng khoáng rộn rã tiếng cồng chiêng, réo rắt tiếng đàn T’rưng với những điệu múa quen thuộc, giao hòa với hóa thân “già làng kể chuyện” của NSƯT Floong Thiết. Những mảng miếng âm nhạc cứ từng bước, từng bước mở ra, hòa quyện giữa âm thanh, ánh sáng, lời ca, giai điệu, ngôn ngữ cơ thể khiến người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Song ca “Anh về miền đất Bazan” do NSƯT Floong Thiết  Hoàng Hồng Ngọc và tốp múa, hát thể hiện

Tốp ca nữ Acapella mang đến tác phẩm: Dành tặng Anh – Người lính khép lại chương 1 của chương trình, mở ra một chương 2 rạng rỡ bằng ca khúc tốp ca nam nữ: Có Đảng sáng soi vững bước ta đi của Giám đốc âm nhạc Tạ Duy Tuấn. Giải Nhất Sao Mai 2017 Thu Thủy cũng cống hiến cho khán giả ca khúc Màu của Màu xanh kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo khỏe khoắn. Tác phẩm Sóng vẫn gọi ta của NSƯT Trần Quốc Đạt như “đo ni, đóng giày” cho giọng nam cao, đầy chất thép của ca sĩ Viết Danh. Chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội khép lại bằng hợp ca nam nữ – múa Dưới quân kỳ quyết thắng mang đến khí thế hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới lá cờ Đảng quang vinh, dưới Quân kỳ quyết thắng, những người lính hôm nay vẫn trọn vẹn với lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Tiết mục được dàn dựng công phu, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất, một vẻ đẹp lay động lòng người, truyền tải những thông điệp nhân văn về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bản hòa tấu Núi sông hòa nhịp, sáng tác và phối khí của nhạc sĩ Cao Xuân Dũng được chen lẫn giữa những tác phẩm múa, hát một cách sáng tạo, đã khéo léo đưa những người “nghệ sĩ thầm lặng” ra với công chúng yêu nhạc. Sự sắp xếp tài tình của nhạc sĩ khi sử dụng âm thanh các nhạc cụ dân tộc đan xen, hòa quyện trên nền nhạc cụ điện tử nâng đỡ nhau, tạo nên sự bay bổng trong không gian tràn ngập sắc màu, lúc dồn dập, lúc du dương, khi réo rắt, khi nhanh, khi chậm như bước chân hành quân của người lính.

Cái đặc biệt của Chương trình nghệ thuật mà Nhà hát mang đến Hội diễn lần này là tất cả các tác phẩm ca múa nhạc (dù diễn tả sự hy sinh như Vòng bất tử), song không bi lụy, mà vẫn rạng rỡ niềm tự hào chiến thắng. Rất nhiều giọt mồ hôi đã rơi trên tấm huy chương, để tôn vinh những người đóng góp thầm lặng cho giây phút thăng hoa trên sân khấu. Thành công của chương trình là kết quả của sự đồng lòng, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của Ban Giám đốc Nhà hát, là sự luyện tập miệt mài của tất cả nghệ sĩ, diễn viên, là sáng tạo nghệ thuật mang hơi thở thời đại từ chính “nội lực” của các nhạc sĩ, biên đạo của Nhà hát. Thêm một điều đặc biệt nữa, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 21 đoàn, trong đó có cả đoàn thuộc lực lượng Công an nhân dân, cũng như các đoàn nghệ thuật ngoài Quân đội với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Hầu hết các buổi thi đều thu hút sự quan tâm của khán giả Thủ đô, Nhà hát Quân đội với 800 chỗ ngồi không còn chỗ trống.

Bằng những sáng tạo và sức mạnh của mình, nghệ thuật Quân đội đã “chuyên chở” hình ảnh bộ đội Cụ Hồ bản lĩnh,  dấn thân, tỏa sáng trong lòng các thế hệ quần chúng nhân dân. Nghệ thuật quân đội tiếp tục phát huy mạnh mẽ, truyền lửa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ các giá trị chân thiện mỹ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, mối đoàn kết quân dân.

Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ một Hội thi, mà ý nghĩa to lớn của Chương trình nghệ thuật quốc phòng toàn dân đã có sức lan tỏa rộng rãi những giá trị tốt đẹp, góp phần gìn giữ những giá trị nghệ thuật có sức sống trường tồn theo năm tháng.

(Nguồn: http://www.vanhoanghethuat.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN